Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Xây dựng Chiến lược Xuất nhập khẩu hàng hóa giai đoạn 2021 - 2030
Thế Hải - 18/06/2021 10:08
 
Bộ Công Thương đang xây dựng Chiến lược Xuất nhập khẩu hàng hóa giai đoạn 2021 - 2030, sẽ trình Chính phủ xem xét và ban hành trong thời gian tới.
Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu Trần Thanh Hải, Bộ Công Thương
Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Trần Thanh Hải cho biết, Bộ Công Thương đang xây dựng Chiến lược Xuất nhập khẩu hàng hóa giai đoạn 2021 - 2030

Chiến lược Xuất nhập khẩu hàng hóa giai đoạn 2021 - 2030 đang được Bộ Công Thương xây dựng và sẽ trình Chính phủ xem xét, ban hành trong giai đoạn tới, các quan điểm, định hướng về xuất khẩu bền vững sẽ được thể hiện rõ trong Chiến lược”, ông Trần Thanh Hải, Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu thông tin tại Họp báo thường kỳ 5 tháng 2021.

Đề cập đến xuất khẩu bền vững, ông Hải cho biết, xuất khẩu bền vững là vấn đề đã được đưa ra từ lâu và là vấn đề quan trọng đối với nền kinh tế. Xuất khẩu liên quan đến khâu tiêu thụ hàng hóa, do đó, việc tạo được nguồn hàng ổn định và đầu ra kịp thời là yếu tố quan trọng hàng đầu. Bộ Công Thương đã, đang phối hợp với các Bộ, ngành để quy hoạch sản xuất, xuất khẩu theo hướng giảm bớt các mặt hàng có giá trị gia tăng thấp và tập trung các mặt hàng có giá trị gia tăng cao. 

Vấn đề thứ hai là rà soát các văn bản pháp lý, tháo gỡ khó khăn và tạo thuận lợi tối đa cho hoạt động thương mại. Bởi, cùng với việc mở cửa thị trường, doanh nghiệp cũng phải đối diện với nhiều hàng rào thương mại phi thuế và việc hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua các hàng rào này cũng là nhiệm vụ quan trọng.

Tiếp theo là tập trung vào các giải pháp để đổi mới công tác xúc tiến thương mại và phát triển thị trường, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu.

Đối với hoạt động thương mại biên giới, các địa phương biên giới cần đẩy mạnh các giải pháp xuất khẩu chính ngạch, xuất khẩu qua các cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính; làm tốt việc điều hành nhập khẩu thông qua các vấn đề như quy tắc xuất xứ, chống các biện pháp lẩn tránh, phát triển công nghiệp hỗ trợ thay thế hàng nhập khẩu…

"Bên cạnh đó là các giải pháp về thuế, lao động, tín dụng, cải cách thủ tục hành chính… Hiện nay các Bộ, ngành, trong đó có Bộ Công Thương được đánh giá rất cao về việc cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm các điều kiện đầu tư kinh doanh, tạo thuận lợi lớn nhất cho doanh nghiệp xuất khẩu. Đây là hoạt động cần tiếp tục duy trì trong giai đoạn tới", ông Trần Thanh Hải nhấn mạnh.

Trước đó, Báo cáo đánh giá tình hình thực Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa thời kỳ 2011-2020, định hướng đến năm 2030, Bộ Công Thương cho biết, tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đã tăng từ 72,24 tỷ USD năm 2010 lên 282,6 tỷ USD tỷ USD trong năm 2020.

Năm 2020, xuất khẩu đạt 282,6 tỷ USD, tăng tăng 7,0% so với năm 2019. Trong bối cảnh đại dịch Covid-19, kim ngạch xuất khẩu vẫn duy trì mức tăng 7% so với năm trước, bằng đúng chỉ tiêu được Quốc hội giao cho Chính phủ trong năm 2020.

Tăng trưởng xuất khẩu giai đoạn 2016 - 2020 đạt trung bình khoảng 11,7%/năm, cao hơn mục tiêu 10% đề ra tại Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII.

Cơ cấu hàng hóa xuất khẩu tiếp tục cải thiện theo chiều hướng giảm hàm lượng xuất khẩu thô, tăng xuất khẩu sản phẩm chế biến, sản phẩm công nghiệp, phù hợp với lộ trình thực hiện Chiến lược phát triển xuất nhập khẩu hàng hóa thời kỳ 2011 - 2020, định hướng đến năm 2030, tạo điều kiện cho hàng hóa Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu.

Khác với các năm trước đây, động lực tăng trưởng xuất khẩu trong 2 năm qua không đến từ nhóm nông sản, thủy sản mà đến từ các mặt hàng thuộc nhóm công nghiệp. Cụ thể, trong khi xuất khẩu nhóm nông sản, thủy sản năm 2020 ước giảm 2,5%; nhóm hàng nhiên liệu và khoáng sản giảm 35% thì nhóm hàng công nghiệp chế biến tăng 7% so với cùng kỳ năm 2019.

Tỷ trọng nhóm hàng công nghiệp chế biến chiếm trên 86,1% tổng kim ngạch xuất khẩu, cao hơn mức 84,2% của năm 2019; 82,9% của năm 2018 và 81,1% của năm 2017. Điều này thể hiện những nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và hội nhập kinh tế quốc tế đã thực sự tác động, tạo thuận lợi và cơ hội cho sản xuất và hoạt động kinh doanh, xuất nhập khẩu của doanh nghiệp.

Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tăng từ 174,8 tỷ USD năm 2016 lên 253,4 tỷ USD năm 2019 và đạt khoảng 262,4 tỷ USD vào năm 2020 tăng 3,6% so với năm 2019. Tăng trưởng nhập khẩu giai đoạn 2016-2020 đạt trung bình 9,6%/năm. Tăng trưởng nhập khẩu giai đoạn 2016-2020 đạt trung bình 9,6%/năm.

Như vậy, tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm của kim ngạch nhập khẩu trong giai đoạn này thấp hơn so với tốc độ tăng bình quân của kim ngạch xuất khẩu, đạt mục tiêu Chiến lược đề ra.

Quy mô các mặt hàng xuất khẩu tiếp tục được mở rộng. Số mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu từ 1 tỷ USD trở lên đã tăng qua các năm, chiếm tỷ trọng lớn trong tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Năm 2011 có 21 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 81% tổng kim ngạch xuất khẩu; năm 2016 tăng lên thành 25 mặt hàng với tỷ trọng chiếm khoảng 88,7%. Đến năm 2020 là 31 mặt hàng (trong đó có 9 mặt hàng xuất khẩu trên 5 tỷ USD và 6 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD), chiếm tỷ trọng 92% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Việt Nam liên tục xuất siêu trong giai đoạn 2016 - 2020
Trong nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng (2016 - 2020), hoạt động xuất nhập khẩu tăng trưởng ấn tượng, với quy mô đạt trên 2.300 tỷ USD, trong đó...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư