Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 09 tháng 10 năm 2024,
Xuất hiện mâu thuẫn trên thị trường lao động
Mạnh Bôn - 16/07/2022 14:35
 
Doanh nghiệp thiếu nhân lực, người lao động thiếu việc làm là bức tranh thị trường lao động 6 tháng đầu năm.

“Những doanh nghiệp thâm dụng lao động sẽ phải cạnh tranh với doanh nghiệp trong lĩnh vực giao hàng, kinh doanh dựa trên nền tảng số...”, bà Nguyễn Thị Thanh Mai, Phó vụ trưởng Vụ Thống kê dân số và lao động (Tổng cục Thống kê) nhấn mạnh.

Bà Nguyễn Thị Thanh Mai, Phó vụ trưởng Vụ Thống kê dân số và lao động (Tổng cục Thống kê) 

Kinh tế phục hồi mạnh mẽ, thị trường lao động ấm dần, nhưng tỷ lệ lao động thiếu việc làm vẫn rất cao, thưa bà?

Trong 6 tháng đầu năm nay, có khoảng 1,2 triệu người thiếu việc làm, chiếm 2,4% lực lượng lao động, trong đó khu vực nông nghiệp, nông nghiệp và thủy sản (khu vực 1) chiếm 48,5%. Nếu xét riêng khu vực công nghiệp và xây dựng (khu vực 2), tình trạng thiếu việc làm rất nhỏ, chỉ khoảng 0,05%.

Bà có nghĩ rằng, đang có mâu thuẫn giữa thực trạng doanh nghiệp thiếu lao động, còn lao động lại thiếu việc làm? Phải làm gì để giải quyết bất hợp lý này?

Đúng là có tình trạng một số doanh nghiệp trong những ngành thâm dụng lao động đang bị thiếu lao động. Nhưng họ chỉ thiếu lao động phổ thông, làm những công việc giản đơn, không cần đào tạo nhiều và thu nhập không cao.

Nguyên nhân là trong và sau đại dịch, có một lực lượng lớn lao động dời bỏ các khu đô thị, trung tâm sản xuất trở về quê, nhiều người đã tìm được việc làm mới, tự tạo việc làm, dù vẫn trong tình trạng thiếu việc theo định nghĩa của Tổ chức Lao động quốc tế (những người có việc làm dưới 35 giờ/tuần, có nhu cầu và sẵn sàng làm thêm việc để tăng thêm thu nhập), nhưng vẫn có thu nhập đủ sống, nên không muốn tha hương.

Để giải quyết bài toán trên, phải tập trung đào tạo nghề. Chỉ khi có tay nghề, có chuyên môn thì người lao động mới cải thiện  thu nhập và yên tâm làm việc. Cùng với đó là chuyển đổi cơ cấu lao động từ khu vực 1 sang khu vực 2, khu vực 3 (thương mại và dịch vụ) vì lao động ở khu vực 1 vẫn mang tính thời vụ.

Trong thời đại công nghệ 4.0, lao động phổ thông dễ dàng tìm kiếm được công việc có thu nhập cao hơn, linh hoạt hơn, năng động hơn như xe ôm công nghệ, shipper, bán hàng online... Như vậy, doanh nghiệp thâm dụng lao động phổ thông sẽ khó tuyển đủ nguồn nhân lực?

Lĩnh vực dệt may, da giày, chế biến thủy sản, sản xuất đồ gỗ... chắc chắn phải cạnh tranh thu hút lao động phổ thông với lĩnh vực khác. Khả năng những ngành này khó có thể tìm được lao động giá rẻ trong thời gian tới nếu không nghiên cứu định hướng tái cấu trúc, thay đổi mô hình tăng trưởng.

Sức cạnh tranh hàng hóa sản xuất tại Việt Nam vẫn phụ thuộc rất lớn từ lao động phổ thông giá rẻ. Khi doanh nghiệp không tuyển đủ lao động theo nhu cầu, không đáp ứng được đơn hàng xuất khẩu, thì đơn hàng gia công, lắp ráp sẽ được chuyển sang nước khác. Đây là bài toán không phải của từng doanh nghiệp; của từng ngành nghề, lĩnh vực nào, mà là của cả nền kinh tế.

Giải quyết bài toán này, theo tôi, doanh nghiệp phải nghiên cứu đổi mới, tái cấu trúc để nâng cao giá trị sản phẩm; xây dựng các chính sách đãi ngộ phù hợp, chăm lo đời sống cho người lao động. Chính phủ có các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đào tạo tay nghề để nâng cao năng suất, tăng thu nhập cho người lao động.

Khó khăn lớn nhất của nền kinh tế Việt Nam hiện tại, theo nhiều chuyên gia kinh tế, không phải là giá xăng dầu, nguyên, nhiên, vật liệu cao, mà chính là tình trạng thiếu lao động, đặc biệt là lao động có tay nghề, kinh nghiệm. Quan điểm của bà về vấn đề này thế nào?

Thị trường lao động Việt Nam có nguồn cung khá dồi dào với 51,6 triệu người, nhưng hiện chỉ có khoảng 26% lao động đã qua đào tạo, số người làm nghề tự do chiếm hơn 34% và lao động gia đình chiếm 11,7%. Tôi cũng cho rằng, đây là thách thức đối với nền kinh tế Việt Nam trong bối cảnh công nghệ 4.0, chứ không phải giá xăng dầu, nguyên, nhiên, vật liệu cao; chính sách “Zero Covid” của Trung Quốc khiến gián đoạn, đứt gãy chuỗi cung ứng, cũng như thị trường xuất khẩu.

Thị trường lao động sớm phục hồi như thời điểm trước dịch
Thị trường lao động đang khởi sắc, nhưng so với cùng kỳ 2021 và so với thời điểm trước khi Covid-19 bùng phát, thì tỷ lệ thất nghiệp, số...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư