Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Xuất khẩu vẫn thích vay ngoại tệ
Thùy Vinh - 24/12/2014 08:07
 
Cho dù lãi suất tiền đồng đã được các ngân hàng điều chỉnh giảm khá mạnh, thậm chí còn về dưới mức trần 5,5%/năm với những doanh nghiệp lĩnh vực xuất khẩu có sức khỏe tốt. Thế nhưng, với chính sách tỷ giá ổn định, lãi suất vay ngoại tệ chỉ bằng 2/3 so với tiền đồng, nên doanh nghiệp lĩnh vực xuất khẩu vẫn thích chọn vay vốn ngoại tệ.
TIN LIÊN QUAN
TIN LIÊN QUAN
Cửa vay ngoại tệ khép lại trong năm 2015
Ngân hàng “xả” ngoại tệ, tỷ giá nóng lên
Tín dụng ngoại tệ tăng tốc

Thực tế, tín dụng ngoại tệ đang trở thành lực đẩy quan trọng góp phần tăng trưởng tín dụng thời gian qua. Sở dĩ, doanh nghiệp xuất khẩu vẫn thích vay ngoại tệ là do lãi suất khá rẻ chỉ 3-4%/năm, đồng thời biên độ dao động của tỷ giá được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cam kết không vượt quá 2%.

Việc tín dụng ngoại tệ tăng mạnh sẽ gây áp lực nhất định với thanh khoản ngoại tệ
Việc tín dụng ngoại tệ tăng mạnh sẽ gây áp lực nhất định với thanh khoản ngoại tệ

Ông Trần Quốc Mạnh, Tổng giám đốc CTCP Sadaco cho rằng, so với lãi suất tiền đồng, lãi suất phải trả khi vay ngoại tệ rẻ hơn nhiều. “Đó chính là lý do để một số doanh nghiệp đang chạy đua để được vay ngoại tệ trong mùa thanh toán cao cuối năm”, ông Mạnh nói.

Theo bà Trương Thị Thúy Liên, Giám đốc Công ty giày da xuất khẩu Liên Phát tại Bình Dương, do hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu, đáp ứng được điều kiện tín dụng ngoại tệ, nên Công ty chỉ chọn vay ngoại tệ khi có nhu cầu vốn. “Cái được trong sử dụng tín dụng ngoại tệ thời gian qua chính là tỷ giá không biến động, nên rủi ro biến động tỷ giá được kiểm soát”, bà Liên nói.

Trên thực tế, trong 2 năm qua, việc NHNN cam kết ổn định tỷ giá có phần nào chưa thật thuận lợi cho doanh nghiệp xuất khẩu, nhưng đổi lại, khi có nhu cầu vốn ngoại tệ, các doanh nghiệp không lo ngại rủi ro biến động tỷ giá, khi lãi vay chỉ 3-4%/năm. Cụ thể, từ cuối năm 2011, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình bắt đầu thực hiện việc điều hành tỷ giá với cam kết biên độ dao động chỉ 1-2% trở thành một chỗ dựa quan trọng cho doanh nghiệp.

Tính đến ngày 22/9/2014, dư nợ tín dụng ngoại tệ tăng trên 20,77%, cao gấp 5 lần tín dụng tiền đồng. Theo số liệu từ NHNN Chi nhánh TP.HCM, tính đến cuối tháng 11/2014, tăng trưởng tín dụng bằng ngoại tệ tăng 9,35% so với đầu năm 2014. Vì thế, trước thông tin còn 2 tuần nữa, Thông tư 29/2013/TT-NHNN quy định về việc cho vay bằng ngoại tệ của NHNN sẽ hết hiệu lực, nhiều ý kiến cho rằng, động thái này sẽ đồng nghĩa với việc đối tượng vay ngoại tệ có thể bị co hẹp, nên nhiều doanh nghiệp lo ngại tranh thủ đi vay và mua USD khiến tỷ giá có dấu hiệu tăng nhẹ. Tuy nhiên, phía NHNN đã có thông điệp rõ ràng rằng, doanh nghiệp xuất khẩu, xăng dầu được vay ngoại tệ đến hết năm 2015.

Trên cơ sở đánh giá thị trường ngoại tệ và mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm sau, đại diện NHNN cho biết, sẽ tiếp tục cho các tổ chức tín dụng được tự quyết cho vay với 2 nhu cầu vay ngắn hạn nhập khẩu xăng dầu và phục vụ sản xuất - kinh doanh hàng hóa xuất khẩu.

Dự kiến, cuối tuần này hoặc trong tuần sau, NHNN sẽ có văn bản chính thức thay thế Thông tư 29/2013/TT-NHNN. Tuy nhiên, Phó thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, quan hệ giữa ngân hàng, doanh nghiệp sẽ chuyển dần từ cho vay ngoại tệ sang mua bán. Theo bà Hồng, số tiền phục vụ xuất khẩu và nhập khẩu xăng dầu chiếm khoảng 30% tổng dư nợ cho vay ngoại tệ của toàn hệ thống, trong đó xuất khẩu chiếm 24%, còn xăng dầu chiếm khoảng 6%.

NHNN dự tính sẽ giữ ổn định biên độ biến động tỷ giá USD/VND ở mức 2% và dự báo, cán cân tổng thể năm 2015 sẽ tiếp tục thặng dư ở mức cao, vào khoảng 8 tỷ USD. Riêng năm 2014 (tính đến tháng 11), cán cân tổng thể đã thặng dư ở mức lớn, hơn 10 tỷ USD. Trạng thái thặng dư thuận lợi trên cũng là một cơ sở để NHNN xây dựng kế hoạch tiếp tục giữ ổn định tỷ giá trong năm tới, mà định hướng biên độ dao động sẽ sớm được công bố chính thức.

Tuy nhiên, một số chuyên gia tài chính - ngân hàng cho rằng, tín dụng ngoại tệ tăng mạnh sẽ gây áp lực nhất định với thanh khoản ngoại tệ. Mặt khác, việc cho phép ngân hàng được vay ngoại tệ, sau đó chuyển đổi sang tiền đồng sẽ gây ra những nguy cơ tiềm ẩn về tỷ giá, khi các khoản vay này đến kỳ đáo hạn, nhất là khi tiền gửi ngoại tệ giảm.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư