Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 19 tháng 04 năm 2024,
10 nhóm khởi nghiệp tranh tài giành khoản đầu tư 20.000 USD
Hải Hà - 08/05/2018 21:16
 
Chiều nay, 8/5, tại Hà Nội, 10 nhóm khởi nghiệp đã chính thức kết thúc tranh tài ngày Demo Day trước các chuyên gia và nhà đầu tư để có cơ hội giành khoản đầu tư lên tới 20.000 USD của Chương trình ươm tạo SIP 100 do Trường Đại học Ngoại thương phối hợp với Trung tâm Sáng tạo và Ươm tạo FTU (Trung tâm FIIS) tổ chức.
.
Các nhóm khởi nghiệp trẻ của Việt Nam được đánh giá là tài năng và nhiệt tình nhưng rất cần hỗ trợ từ các quỹ, đặc biệt là hỗ trợ về tài chính.

Đây là 10 nhóm khởi nghiệp được tuyển chọn từ trên 200 ý tưởng đến từ các nhóm khởi nghiệp sinh viên và các nhóm khởi nghiệp trên toàn quốc.

Trong số các nhóm khởi nghiệp tham gia cuộc tranh tài này có khá nhiều nhóm đã có thị trường như nhóm Slidefactory.Asia chuyên cung cấp dịch vụ thiết kế thuyết trình phục vụ cho khách hàng là người đi làm và doanh nghiệp tại Đông Nam Á. Khách hàng có nhu cầu có thể dễ dàng đặt dịch vụ, yêu cầu qua website và nhận được sản phẩm trong vòng 48 giờ. Nhóm này hiện đã cung cấp dịch vụ cho khoảng 350 doanh nghiệp nước ngoài và 80 doanh nghiệp trong nước.

Tương tự, nhóm Vinarongbien, một dự án giải quyết thực trạng đầu ra của rong biển Việt Nam nói chung và rong biển Lý sơn nói riêng qua các sản phẩm gồm nước uống đóng chai, trà thảo dược rong biển, mặt nạ dưỡng da, bột rong biển và sản phẩm mới nhất là rong biển lên men. Nhóm này đã bắt đầu bán được sản phẩm cho khách du lịch đến Lý Sơn.

Trong khi đó, nhắm vào phân khúc sản xuất phân bón hữu cơ nhưng Tasa đã tìm ra được hướng đi mới là làm phân bón từ phân tằm, một sản phẩm đầu tiên được sản xuất tại Việt Nam. Hiện, nhóm này đã kết hợp với 2 doanh nghiệp khác bán sản phẩm ra thị trường, chủ yếu phục vụ sản xuất rau hữu cơ gia đình và cây cảnh.

Trong số những nhóm tranh tài tại Demo Day, một nhóm được ban giám khảo đánh giá là có sự khác biệt hẳn về ý tưởng là nhóm Csam. Dự án này được thành lập để giải quyết các vấn đề mà sinh viên và cán bộ quản lý ký túc xá gặp phải về đăng ký lưu trú, quản lý dữ liệu, cung cấp dịch vụ trực tuyến. Dự án này cũng đã triển khai tại trường Đại học Bách khoa Hà Nội và ký túc xá Pháp Vân. Mục tiêu của dự án này là sẽ mở rộng đối tượng phục vụ sang khu vực bệnh viện, khách sạn….

Ngoài ra còn có một số nhóm khác như Nuvisrael chuyên cung cấp cây giống đạt chuẩn global gap theo công nghệ Isael; Mgreen giải pháp ứng dụng công nghệ thẻ tích điểm trên điện thoại để tổ chức thu gom rác tái chế thông qua khuyến khích các hộ gia đình tích điểm phân loại rác để đổi quà; dự án khởi nghiệp từ mô hình lọc nước bằng phương pháp màng sinh học; dự án chế phẩm sinh học làm từ bã mía nuôi tôm và dự án give and take kết nối người đọc sách, nhà xuất bản và người viết sách.

Đánh giá về các nhóm khởi nghiệp, ông Bùi Anh Tuấn, Hiệu trưởng trường Đại học Ngoại thương đánh giá cao những ý tưởng sáng tạo của các sinh viên. Ông Tuấn cho biết, đây là lần đầu tiên, Đại học Ngoại thương tổ chức chương trình Demoday với sự góp mặt của đại diện các quỹ đầu tư, các chuyên gia trong lĩnh vực khởi nghiệp.

Ông Tuấn đặt kỳ vọng có thể tiếp tục thực hiện các hoạt động này để giúp biến ý tưởng của sinh viên thành hiện thực và hơn hết là đem cơ hội tiếp cận vốn đến gần hơn với các nhóm khởi nghiệp.

“Trước đây chúng tôi mới quan tâm đến ý tưởng của sinh viên và lựa chọn những ý tưởng xuất sắc qua các cuộc thi. Tuy nhiên, để biến ý tưởng áp dụng vào được thực tế thì nó lại là câu chuyện khác. Do đó, chúng tôi sẽ quan tâm tới việc hình thành các quỹ khởi nghiệp cho sinh viên. Hiện chúng tôi đang kết hợp với FIIS nhằm tiến tới mục tiêu có thể hình thành được quỹ đầu tư mạo hiểm và chỉ khi hình thành được quỹ này thì bài toán giúp các dự án khởi nghiệp được đưa vào thực tế mới được giải quyết trọn vẹn”, ông Tuấn nói.

Đứng ở góc độ nhà đầu tư nước ngoài, ông Ted Kim, CEO Công ty KimC tỏ ra khá ấn tượng với các ý tưởng khởi nghiệp của các sinh viên.

Tuy nhiên, ông Ted cũng đặt lưu ý các nhóm khởi nghiệp nên tập trung và phân tích rõ hơn thị trường mục tiêu mà mình đang hướng tới là gì.

“Theo tôi biết, Việt Nam sẽ có khoảng 50.000 doanh nghiệp khởi nghiệp thời gian tới, trong khi Hàn Quốc có ít hơn 30.000 doanh nghiệp khởi nghiệp. Do đó, Việt Nam sẽ là thị trường rất năng động. Chúng tôi sẽ tập trung ưu tiên cho Việt Nam. Hiện, chúng tôi đang triển khai các sáng kiến để cùng xây dựng không gian làm việc chung kết nối các đơn vị khởi nghiệp của Việt Nam với các nhà đầu tư, doanh nghiệp vừa và nhỏ của Hàn Quốc. Tài năng và nhiệt tình là những ưu điểm của các bạn trẻ Việt Nam khi khởi nghiệp. Tuy nhiên, để tạo lực đẩy cần có nguồn tài chính hỗ trợ. Do đó, chúng tôi sẽ hợp tác với các nhà đầu tư, doanh nghiệp Hàn Quốc để tư vấn về kinh nghiệm, kỹ thuật phát triển thế nào đi cùng đổi mới sáng tạo công nghệ cũng như cấp vốn cho các nhóm khởi nghiệp của Việt Nam”, ông Ted nói.  

Được biết, sau ngày hôm nay, các chuyên gia, nhà đầu tư sẽ còn tiếp tục làm việc để lựa chọn dự án xuất sắc nhất xứng đáng nhận khoản đầu tư 20.000 USD. Các nhóm còn lại sẽ tiếp tục được hỗ trợ đào tạo kỹ thuật để có thể hoàn thiện dự án và phát triển.

Tố chất chịu trách nhiệm cho người khởi nghiệp
Mọi người đều có thể khởi nghiệp nhưng thành công không chia đều cho tất cả. Những kế hoạch dự phòng nếu thất bại khi khởi nghiệp, liệu...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư