Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 27 tháng 04 năm 2024,
Công trình Hầm Cù Mông: Hội tụ trí tuệ, kinh nghiệm của các kỹ sư Việt Nam
Ngọc Tân - 21/01/2019 10:06
 
Sau Hầm đường bộ Đèo Cả, việc hoàn thành và đưa vào vận hành chính thức Hầm Cù Mông nối Bình Định và Phú Yên có ý nghĩa rất lớn, mở ra những cơ hội phát triển mới cho khu vực phía Bắc Phú Yên và vùng Nam Bình Định. Việc xây dựng thành công thêm lần nữa khẳng định trình độ và khả năng làm chủ công nghệ thi công hầm tiên tiến nhất của kỹ sư Việt Nam.

Hội tụ của kinh nghiệm, trí tuệ

Những cái tên như Quản Trung, Lũng Lô, Sông Đà 10, Hải Thạch… từ lâu đã quá nổi tiếng với việc thi công những công trình lớn mang tính trọng điểm về cầu, đường trên khắp cả nước. Lần này, họ lại tiếp tục tạo nên kỳ tích lớn với những công trình hầm đường bộ, trong đó có Hầm Cù Mông.

Để phục vụ cho Dự án Hầm đường bộ Cù Mông (một hạng mục thuộc Dự án Hầm đường bộ Đèo Cả), các nhà thầu lẫn các đơn vị tư vấn giám sát đã huy động một lượng lớn kỹ sư, công nhân lành nghề và giàu kinh nghiệm tham gia vào thi công công trình.

Ông Nguyễn Văn Bình, kỹ sư thường trú phụ trách các gói thầu phía Bắc Hầm Cù Mông cho biết, trước khi đến với Dự án Hầm đường bộ Đèo Cả, ông từng kinh qua nhiều vị trí khác nhau tại nhiều đơn vị lớn như EVN, Tập đoàn Dầu khí… trong đó có việc phụ trách các hạng mục đào hầm, xây đập thuỷ điện... Do vậy, ông đã tích luỹ được nhiều kinh nghiệm về các dạng kiến tạo địa chất. Cũng nhờ nắm rõ các kiến tạo địa chất nên trong quá trình giám sát thi công hạng mục Dự án Hầm Cù Mông, ông Bình đã có những dự đoán rất chuẩn về điều kiện thi công, cũng như các sự cố có thể xảy ra, để từ đó đưa ra các phương án chuẩn bị sớm.

Trên góc độ quản lý giám sát các hạng mục dự án, ông Bình chia sẻ:“ Đối với quá trình thi công dự án, công tác chuẩn bị đầu vào, kiểm tra kỹ chất lượng nguồn vật liệu là vô cùng quan trọng. Tiếp đến là phải đảm bảo môi trường an toàn lao động tại công trường. Khi chất lượng nguyên vật liệu đầu vào được đảm bảo, môi trường lao động được tốt thì sẽ không xảy ra sự cố và khi không có sự cố thì tiến độ công trình sẽ được đẩy nhanh”.

Công trình hầm do chính người Việt Nam thực hiện

Dự án Hầm Cù Mông có chiều dài toàn tuyến là 6,62 km (tuyến làm mới), với điểm đầu tại Km 1239+119, Quốc lộ 1 (tỉnh Bình Định), điểm cuối tại Km 1247+739 Quốc lộ 1 (tỉnh Phú Yên). Chiều dài hầm là 2.600 m, chiều dài đường dẫn là 4.020 m, trên tuyến có 2 cầu với tổng chiều dài là 36 m. Đường dẫn được thiết kế theo tiêu chuẩn đường cấp III (TCVN 4054-2005), vận tốc thiết kế 80 km/h. Hầm Cù Mông thiết kế theo quy mô mặt cắt của hầm đường bộ Đèo Cả.

Trong một chuyến thăm dự án, Thủ tướng Chính phủ bày tỏ: “Tôi rất tự hào vì đây là công trình hầm do chính người Việt Nam thực hiện. Việc đảm nhận dự án lớn có tính phức tạp, thể hiện sự trưởng thành vượt trội của các nhà đầu tư, nhà thầu trong nước, nhất là đội ngũ công nhân viên kỹ thuật, kỹ sư, giám sát thi công…”.

Ông cho rằng, thành công của công trình là sự hội tụ của những lý do như: sự quyết đoán, yếu tố về con người (bao gồm năng lực chỉ đạo, năng lực quản lý, điều hành, tầm nhìn, kinh nghiệm và ý chí quyết tâm của cả đội ngũ từ công nhân, kỹ sư, giám sát cho đến người quản lý).

Và cũng nhờ yếu tố kinh nghiệm và sự nhanh nhạy, trong quá trình thi công dự án, các kỹ sư, công nhân Việt Nam đã có những ý tưởng, biện pháp kỹ thuật mới, giúp nâng cao năng suất, hiệu quả lao động. Nổi bật là sáng kiến “biện pháp thi công cấp thoái nước tuần hoàn”.

Kỹ sư Nguyễn Văn Linh, Giám đốc Liên danh tư vấn giám sát hạng mục Dự án Hầm Cù Mông cho biết, do đặc thù nguồn nước khan hiếm, nên khi thi công Dự án Hầm Cù Mông, các nhà thầu đã nghĩ ra phương pháp “thi công cấp thoái nước tuần hoàn” nhằm tiết kiệm và tái sử dụng nguồn nước.

Với biện pháp này, nước thải sau khi thải ra ngoài, được đưa về bể chứa, sau đó cho vào bể lắng, chuyển qua bể lọc và lọc qua 3 lớp, cuối cùng là đưa trở lại vào hầm để sử dụng cho công đoạn khoan hầm.

“Sáng kiến này được phát kiến từ trong thực tiễn thi công dự án khi địa chất khu vực thi công hầm Cù Mông rất khan hiếm nước. Tuy sáng kiến có vẻ đơn giản, nhưng nó giúp cho công trình gần như không có nước thải ra ngoài, tiết kiệm được nguồn nước và hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường”, kỹ sư Linh cho biết.

Thúc đẩy liên kết vùng

Dãy Cù Mông xuất phát từ thế núi trải dài, bắt đầu từ cao nguyên An Khê (Gia Lai) đổ ra biển. Hình dáng dãy núi được ví như con rồng phủ phục, mà đầu là Xuân Lộc (Phú Yên) ra tới Ghềnh Ráng (Bình Định), đuôi níu giữ dãy Ngọc Linh. Đèo Cù Mông như yên ngựa vắt qua dãy núi Cù Mông, là điểm nối liền hai tỉnh Phú Yên và Bình Định. Cũng như hầu hết các con đèo khác trên chặng đường thiên lý Bắc - Nam, đèo Cù Mông là nỗi ám ảnh lớn với cánh tài xế đường dài trong suốt mấy thập kỷ qua.

Hầm Cù Mông thuộc Dự án đầu tư xây dựng Hầm đường bộ qua Đèo Cả (bao gồm Hầm Đèo Cả và Cổ Mã, hầm đèo Cù Mông và mở rộng hầm đèo Hải Vân), được khởi công vào ngày 25/9/2015. Công trình có tổng mức đầu tư là 3.921 tỷ đồng, được thực hiện từ nguồn vốn phần tiết giảm hơn 4.000 tỷ đồng từ hầm đường bộ Đèo Cả. Theo đánh giá của các chuyên gia, hầm Cù Mông hoàn thành đóng một vai trò rất quan trọng, mà trước hết là giúp giảm thiểu tai nạn giao thông trên "cung đường đen" Quốc lộ 1A, đoạn giữa Bình Định và Phú Yên; thúc đẩy kinh tế - xã hội khu vực này phát triển đột phá; mở ra cơ hội mới trong việc phát triển du lịch khu vực Nam Bình Định và cả phía Bắc tỉnh Phú Yên.

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, ông Hồ Quốc Dũng cho biết, trong chiến lược phát triển TP. Quy Nhơn, tỉnh Bình Định định vị được hướng phát triển thành phố trong tương lai là mở rộng theo hướng Đông Bắc hoặc hướng Tây. Ở hướng Đông Bắc, tỉnh sẽ dựa trên tuyến đường ven biển kết nối Khu kinh tế Nhơn Hội với Sân bay Phù Cát. Hướng Tây sẽ lấy tuyến Quốc lộ 1A và tuyến Quốc lộ 19 - một huyết mạch được cho là cánh cửa của khu vực Tây Nguyên.

“Hiện tại, dọc tuyến Quốc lộ 1A đang được quy hoạch phát triển khá mạnh với ga Diêu Trì và cả vệt đô thị kéo dài đến chân đèo Cù Mông. Việc hoàn thành và đưa vào hoạt động công trình hầm đường bộ đèo Cù Mông sẽ tạo nên một điểm nhấn quan trọng cho sự phát triển về hướng Tây của TP. Quy Nhơn, cũng như góp phần mở toang cánh cửa cho Bình Định nói chung và TP. Quy Nhơn nói riêng phát triển”, ông Dũng nhận định.

“Hội đồng Nghiệm thu Nhà nước thống nhất đánh giá hầm Cù Mông đảm bảo chất lượng để đưa vào khai thác, biểu dương các nỗ lực của nhà đầu tư trong quá trình thực hiện đã hoàn thành Dự án vượt tiến độ 2,5 tháng. Đặc biệt, trong qua trình tổ chức thực hiện đã duy trì hệ thống quản lý chất lượng đảm bảo nguyên tắc khách quan, độc lập.

Việc hoàn thành hầm Cù Mông đã chứng tỏ sự trưởng thành nhiều mặt của nhà đầu tư, cùng với việc triển khai thực hiện hầm Hải Vân 2, cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn, cao tốc Chi Lăng - Hữu Nghị, và có thể tiếp tục là cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh (Cao Bằng)… mong nhà đầu tư tiếp tục phát huy các kết quả đã đạt được để ngày càng góp phần vào việc kiến thiết phát triển đất nước. Bộ Xây dựng sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ các kết quả nổi bật đạt được tại Dự án”.

Trích ý kiến của Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Mạnh Hùng, Phó chủ tịch Hội đồng Nghiệm thu Nhà nước

Thông xe hầm đường bộ Cù Mông từ ngày 21/1/2019
Công ty cổ phần Đèo Cả vừa đề xuất thông xe hầm đường bộ Cù Mông, Dự án hầm đường bộ qua Đèo Cả từ ngày 21/1/2019 để phục vụ việc đi...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư