Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Đầu tư trực tiếp nước ngoài: Hé lộ những con số thực
Nguyên Đức - 10/08/2016 07:59
 
Theo số liệu lũy kế tới tháng 7/2016, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam đã lên tới trên 293 tỷ USD. Liệu con số này có ảo không, khi vốn giải ngân chỉ bằng phân nửa?

Một cách thẳng thắn, GS-TSKH Nguyễn Mại, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về Hợp tác và Đầu tư đã khẳng định rằng, là người đã theo dõi tình hình thu hút FDI vào Việt Nam gần 3 thập niên qua, kể từ khi có Luật Đầu tư trực tiếp nước ngoài (tháng 12/1987), thì phần lớn đó là số ảo.

“Đáng tiếc là, con số ảo đó vẫn được đưa vào niên giám thống kê và báo cáo kinh tế hàng năm mà thực chất chẳng có giá trị thực tế”, GS-TSKH Nguyễn Mại nói.

Riêng Dự án Hồ Tràm Strip “đóng góp” khoảng 3 tỷ USD vào số hơn 100 tỷ USD vốn FDI chưa giải ngân. Ảnh: Đức Thanh
Riêng Dự án Hồ Tràm Strip “đóng góp” khoảng 3 tỷ USD vào số hơn 100 tỷ USD vốn FDI chưa giải ngân. Ảnh: Đức Thanh

Thực tế, lâu nay, Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) vẫn công bố 2 số liệu liên quan đến thu hút vốn FDI. Đó là vốn đăng ký và vốn thực hiện. Tuy nhiên, khoảng cách giữa 2 nguồn vốn này quá xa nhau. Vốn giải ngân trên thực tế chỉ chiếm phân nửa con số trên 293 tỷ USD vốn FDI lũy kế mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư công bố mới đây.

Liên quan tới con số này, gần đây, khi trao đổi với báo chí, ông Phan Hữu Thắng, nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài cũng đã đặt câu hỏi về việc hiện có trên 100 tỷ USD vốn FDI chưa thực hiện, vậy con số đó đi đâu?

Thực ra, không quá khó để tìm kiếm được con số này. Chỉ thử điểm qua một số dự án tỷ USD đã được cấp chứng nhận đầu tư mà chưa triển khai cũng có thể sơ sơ tính được hàng chục tỷ USD.

Chẳng hạn, ở Bà Rịa - Vũng Tàu có Dự án Saigon Atlantis Hotel, vốn đăng ký 4,1 tỷ USD; Dự án Trung tâm Hội nghị triển lãm du lịch quốc tế Dragon Sea, vốn đầu tư 900 triệu USD đã được cấp chứng nhận đầu tư từ lâu mà chưa triển khai. Hay Hóa dầu Long Sơn, có vốn đầu tư lên tới 4,5 tỷ USD, nhưng vẫn đang nhùng nhằng thu xếp vốn. Ngoài ra, còn có thể kể đến Hồ Tràm Strip, vốn đầu tư 4,2 tỷ USD. Dự án này tuy đã bắt đầu đi vào hoạt động và hoạt động rất hiệu quả, nhưng thực tế, mới giải ngân được 1 tỷ USD, số còn lại đang nằm trong kế hoạch của chủ đầu tư. Như vậy, chỉ tính riêng ở Bà Rịa - Vũng Tàu, số vốn trên giấy đã có thể kiểm đếm lên tới 12,7 tỷ USD - một con số không hề nhỏ.

Nếu tính thêm các địa phương khác, sẽ “hé lộ” những con số khủng của các dự án chậm triển khai. Ở Đồng Nai, chỉ riêng Dự án Thành phố mới Nhơn Trạch Berjaya, vốn đầu tư đã là 2 tỷ USD. Ở TP.HCM, cũng Berjaya đã đăng ký đầu tư Khu đô thị đại học quốc tế (vốn đầu tư 3,5 tỷ USD), rồi Dự án Trung tâm Tài chính Việt Nam (930 triệu USD). Cũng tại TP.HCM, Dự án 1 tỷ USD của First Solar dù đã tuyên bố ngừng thực hiện, nhưng vẫn đang loay hoay tìm kiếm nhà đầu tư thay thế.

Bên cạnh đó, có thể kể đến hàng loạt dự án khác, từ Lọc dầu Vũng Rô (vốn đầu tư 3,2 tỷ USD) ở Phú Yên chưa triển khai, đến dự án thép của Guang Lian (3 tỷ USD) ở Quảng Ngãi vừa bị chấm dứt đầu tư mà chưa làm thủ tục thu hồi. Hay Dự án Thép Kobelco ở Nghệ An (1 tỷ USD); rồi Dự án Lọc dầu Cần Thơ (500 triệu USD)… Ngay cả dự án đang gây eo xèo trong dư luận là Liên hợp Thép Formosa chắc chắn cũng còn một lượng lớn trong tổng vốn đăng ký 10,5 tỷ USD chưa được giải ngân trên thực tế…

Nếu hỏi hơn 100 tỷ USD vốn FDI chưa giải ngân ở đâu, thì chính là nằm ở những dự án đang “đắp chiếu” như vậy. Câu chuyện nằm ở chỗ, dự án chưa, thậm chí là khó có khả năng triển khai, song chưa bị thu hồi giấy chứng nhận đầu tư, nên vẫn đang nằm trong số liệu tổng hợp về thu hút FDI của cả nước.

“Tôi cho rằng, để phản ánh đúng tình hình FDI của nước ta, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần chỉ đạo các địa phương kiểm tra toàn diện tình hình các dự án chưa triển khai để phân thành hai loại là dự án có khả năng thực hiện trong năm 2016 và dự án không thể triển khai, để từ đó kiên quyết loại bỏ số liệu thống kê các dự án loại 2, đồng thời đôn đốc, theo dõi để các dự án loại 1 nhanh chóng được triển khai”, GS-TSKH Nguyễn Mại nói và cho rằng, không nên tiếp tục gây “ảo tưởng” với số liệu thống kê “vốn đăng ký” lũy kế, vì không phù hợp với tình hình thực tế.

Trong khi đó, trao đổi với báo giới, ông Phan Hữu Thắng cho rằng, cần tìm xem khoản vốn lớn chưa thực hiện đang nằm ở dự án nào, tại sao vẫn chưa được triển khai.

“Tạo điều kiện cho các dự án triển khai tốt cũng là một khâu rất quan trọng trong thu hút FDI”, ông Thắng nói và cho rằng, cần bài bản hơn trong thu hút, quản lý FDI, phải bỏ tư duy cứ thấy dự án quy mô lớn là chấp nhận, mà không tính tới năng lực tiếp nhận ra sao.

Thực tế, tình trạng này đang diễn ra không phải chỉ với vốn FDI. Với vốn ODA cũng vậy, số liệu có thấy, còn có tới 22 tỷ USD vốn ODA đã ký kết hiệp định mà chưa được giải ngân. “Có tiền mà không tiêu được” đã trở thành nỗi ám ảnh của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và ông đã chỉ đạo phải rốt ráo thực hiện để đưa vốn vào giải ngân. Chỉ đạo này có lẽ cũng có ý nghĩa ngay cả với vốn FDI.

Báo cáo của Chính phủ về vụ Formosa: Giám sát FDI từ góc độ bảo vệ môi trường là rất cấp bách
Đó là khẳng định trong báo cáo của Chính phủ vừa gửi đến các vị đại biểu Quốc hội Báo cáo tình hình, nguyên nhân, hậu quả và giải pháp...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư