Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Hai, Ngày 25 tháng 11 năm 2024,
Điều kiện cần và đủ
Hà Nguyễn - 19/07/2015 11:37
 
Có thể nói, các đạo luật được Quốc hội thông qua và có hiệu lực từ ngày 1/7/2015 đã thể hiện rõ quan điểm đổi mới, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, thuận lợi cho doanh nghiệp và các nhà đầu tư, phù hợp với tinh thần Hiến pháp 2013. Đó là điều kiện cần để cải thiện môi trường pháp lý cho hoạt động kinh doanh. Song để các luật mới đi vào cuộc sống, đòi hỏi cần có các văn bản hướng dẫn thi hành luật.
.
Môi trường pháp lý cho hoạt động kinh doanh của các nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam đang được cải thiện mạnh mẽ

 

Đối với hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), không chỉ các nhà đầu tư, mà cả các cơ quan quản lý nhà nước về đầu tư nước ngoài tại các địa phương vẫn tiếp tục chờ đợi Danh mục đầu tư có điều kiện áp dụng đối với nhà đầu tư nước ngoài. Danh mục này được xây dựng trên cơ sở rà soát các điều kiện áp dụng cho nhà đầu tư nước ngoài được quy định tại các văn bản pháp luật chuyên ngành, cũng như các cam kết quốc tế đa phương, song phương mà Việt Nam đã ký kết.

Đây cũng là cơ sở pháp lý để các cơ quan quản lý nhà nước về đầu tư nước ngoài áp dụng khi xem xét cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho nhà đầu tư nước ngoài.

Mặc dù theo nguyên tắc, trong khi chưa có Danh mục đầu tư có điều kiện và điều kiện đầu tư áp dụng đối với nhà đầu tư nước ngoài, việc cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho nhà đầu tư nước ngoài vẫn phải tiến hành như trước thời điểm Luật Đầu tư (sửa đổi) có hiệu lực, dựa trên các văn bản pháp lý hiện hành cũng như nguyên tắc áp dụng trực tiếp các cam kết mà Việt Nam là thành viên, song việc thực thi là không dễ.

Không dễ bởi có không ít điểm khác biệt, thậm chí là thiếu đồng nhất giữa các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã cam kết liên quan tới mở cửa đối với nhà đầu tư nước ngoài. Ngay cả ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cũng thừa nhận rằng, trong Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam - Nhật Bản, các điều kiện đầu tư được thực hiện theo phương pháp “chọn bỏ”, trong khi các cam kết với Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) lại thực hiện theo phương pháp “chọn cho”. Hơn thế nữa, theo cam kết gia nhập WTO, một khi đã mở cửa cho nhà đầu tư của một quốc gia nào đó thì buộc phải mở cửa đối với tất cả các thành viên còn lại.

Hài hòa hóa các điều ước quốc tế như thế nào để vừa phù hợp với pháp luật Việt Nam, vừa không trái các điều ước quốc tế đã cam kết là câu hỏi đang được đặt ra và cần sớm có lời giải.

Việc sớm có Danh mục có điều kiện và điều kiện đầu tư áp dụng đối với nhà đầu tư nước ngoài không chỉ là công việc của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, mà còn là của các bộ, ngành liên quan. Bởi vì, các quy định về lĩnh vực đầu tư có điều kiện và điều kiện đầu tư được quy định trong pháp luật chuyên ngành đang cần ý kiến của các bộ, ngành để được chỉnh sửa, phù hợp với luật đầu tư mới và với cam kết quốc tế mà Việt Nam đã ký kết.

Dư luận đang trông chờ những hiệu ứng tích cực từ việc thi hành Luật Đầu tư mới và để có thể có được hiệu ứng đó, đòi hỏi phải sớm rà soát, tổng hợp và ban hành danh mục đầu tư có điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài phù hợp với các điều kiện của quốc tế mà Việt Nam đã ký kết. Đây là điều kiện đủ để tư tưởng đổi mới của Luật Đầu tư 2014 được thể hiện trên thực tế, góp phần nâng cao sức cạnh tranh của môi trường đầu tư Việt Nam.

Làm rõ thủ tục đăng ký với doanh nghiệp FDI
Một cuộc họp căng thẳng suốt một buổi chiều tại Phòng Đăng ký kinh doanh thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hải Dương. Kết thúc, ông Lê Xuân...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư