Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 11 tháng 05 năm 2024,
Đóng cửa "ngân hàng vợ", chúng tôi tiết kiệm được nhiều từ khi tiền ai nấy quản
Hoàng Anh (VnExpress) - 01/05/2018 14:19
 
Trước đây, chồng làm bao nhiêu về đưa hết cho chị Huyền, nhưng nhiều tháng số tiền anh lấy ra từ "ngân hàng vợ" còn nhiều hơn đóng vào.

Dưới đây là chia sẻ của chị Nguyễn Thanh Huyền, 36 tuổi, sống tại TP HCM về hiệu quả khi vợ chồng vừa có quỹ riêng vừa có quỹ chung.

Vợ chồng tôi kết hôn năm 2011. Cưới xong, chúng tôi ở ngôi nhà 2 tầng chồng mua bằng tiền bố mẹ cho từ trước khi cưới (tuy nhiên, ngôi nhà này đang bị thế chấp ngân hàng, mỗi tháng chồng tôi phải trả lãi và gốc tầm 6 triệu). Nhà có sẵn rồi, việc của chúng tôi là kiếm tiền để chi tiêu hàng ngày, trả nợ và tích lũy cho tương lai.

Thời độc thân, tôi thuê nhà 3 triệu/tháng, lấy chồng xong, bớt được hẳn khoản thuê nhà, bản thân thu nhập hơn 10 triệu/tháng nên tôi không quá chi li chuyện tiền bạc với chồng. Hơn nữa, đi làm về, chồng đã đưa hết lương cho tôi. Tôi đóng nợ ngân hàng hộ chồng vì tôi dùng internet banking, ngồi văn phòng vẫn giao dịch được. Mỗi lần đi chơi với bạn hay muốn mua món đồ gì, chồng lại hỏi tiền tôi. Có lúc vui vẻ, có lúc cằn nhằn vài câu nhưng cuối cùng tôi vẫn xuất tiền ra như ý chồng. Chồng tôi làm kỹ sư điện lạnh trong một công ty xuất nhập khẩu thực phẩm, tôi nhớ hồi cưới xong, lương anh khoảng 8 triệu/tháng, tức là sau khi đóng ngân hàng, anh cũng chẳng còn dư được bao nhiêu. 

Cuộc sống cứ bình bình trôi qua, chúng tôi không giàu cũng không nghèo. Một năm, tôi vẫn mua vé máy bay về quê hai lần, thỉnh thoảng gia đình tôi vẫn đi du lịch, ăn hàng, quần áo giày dép không mua nhiều nhưng vẫn có sắm mới. Mỗi tháng, nhận lương xong tôi đều chuyển vài triệu vào tài khoản tiết kiệm online nhưng không hiểu sao đến cuối năm, lại chẳng còn đồng nào.

Năm 2014-2015, công ty chồng tôi làm ăn sa sút, lương giảm trong khi thời gian làm việc bị o ép, anh quyết định nghỉ việc, về mở xưởng sửa chữa. Lúc này khoản nợ ở ngân hàng của chồng tôi chỉ còn 200 triệu, nhưng để có tiền phục vụ cho công việc mới, anh cần khoảng 800 triệu nữa. Hai vợ chồng quyết định bán nhà, được 2 tỷ. Chúng tôi mua một miếng đất 1,3 tỷ còn bản thân đi thuê nhà, hết 4 triệu/tháng.

Sau khi chuyển đổi công việc và chỗ ở, chúng tôi vẫn phải vay ngân hàng tầm 350 triệu, mỗi tháng trả lãi và gốc khoảng 7 triệu. Sau đó, một phần không muốn nợ nần thêm nếu xây nhà, một phần cảm thấy dân trí xung quanh miếng đất đã mua không phù hợp, vợ chồng tôi quyết định bán đi, được 1,5 tỷ. Tuy nhiên, hết năm 2016, trong tay chúng tôi chỉ còn 1,4 tỷ và vẫn còn một khoản nợ ngân hàng đã trả dần.

 Ảnh: nelive.in
Ảnh: nelive.in

Ban đầu chồng nghi ngờ tôi "biển thủ" tiền chung. Rất may, mỗi lần đưa tiền cho chồng tôi đều ghi lại ra sổ. Nhìn lại, năm vừa rồi chồng tôi đổi điện thoại 2 lần, lỗ vốn hết 15 triệu, đi thăm họ hàng bên nội ốm đau, cưới hỏi hết 45 triệu (tiền phong bì, tiền thuê xe)…

Tôi cũng cảm thấy bực mình vì mỗi lần về quê hay mua quần áo hay bị chồng cằn nhằn lãng phí tiền trong khi tôi toàn mua dịp sale.  

Sau đó, vợ chồng tôi quyết định tiền của ai người nấy quản, mỗi người phải có trách nhiệm đóng góp vào quỹ chung của gia đình, để có tiền mua nhà, lo cho con học sau này. Hàng tháng, chồng lo trả nợ ngân hàng và đưa cho vợ 4 triệu để chi tiêu hàng ngày. Ngoài ra, mỗi năm chồng chịu trách nhiệm đóng vào quỹ gia đình tối thiểu 200 triệu. Còn tôi vì đã lo phần lớn các chi tiêu hàng ngày nên mỗi năm sẽ cố gắng góp 50 triệu vào quỹ chung.

Sau khi quy trách nhiệm như vậy, vợ chồng tôi đều có ý thức với đồng tiền hơn. Bản thân tôi trước đây đã chi tiêu tương đối tiết kiệm nên cũng không cắt giảm được là bao, ngoại trừ việc hạn chế đi siêu thị - vốn hay mua nhiều những món đồ không cần thiết. Tuy nhiên, tôi cũng muốn mình có nhiều tiền hơn nên làm việc chăm chỉ hơn, lương cũng được tăng chút đỉnh.

Từ khi không thể ỷ vào vợ nữa, chồng tôi chi tiêu tiết kiệm hơn hẳn. Anh nhiều lúc bí tiền nhưng sĩ diện nên không muốn vay vợ, nhờ tôi mua cái thẻ điện thoại cũng tức khắc trả tiền vì không thể làm sai quy ước mình đã đề ra. Anh đặc biệt giảm hẳn mấy vụ bù khú vô nghĩa, cân nhắc kỹ càng khi muốn mua món đồ gì. Không chơi bời thì thời gian làm việc, kiếm tiền cũng nhiều hơn, ngoài công việc chính còn tham gia lướt sóng đầu tư

Sau một năm 2017, kế hoạch tài chính của gia đình chúng tôi đã hoàn thành. Tháng 1 vừa rồi, vợ chồng tôi vừa mua được một miếng đất thổ canh 1,2 tỷ ở quận 12, sau khi chuyển đổi mục đích sử dụng, chúng tôi sẽ xây nhà để không phải đi thuê nữa.

Số tiền trong quỹ của gia đình chắc chắn sẽ hết sạch sau khi xây xong nhà. Tuy nhiên chúng tôi còn nhiều mục tiêu như cho con đi học đại học sau này, mua ô tô nên hai vợ chồng vẫn sẽ tiếp tục cách quản lý tiền như hiện nay: tiền ai nấy tiêu, vừa thoải mái tự do nhưng vẫn có trách nhiệm chung cho gia đình.

Giáo sư tiến sĩ tâm lý Vũ Gia Hiền cho rằng, mô hình tài chính gia đình: vợ chồng mỗi người có một quỹ riêng và cả hai có một quỹ chung phổ biến trong các gia đình mà vợ chồng mỗi người theo đuổi một hướng kinh doanh riêng biệt. Ông cho rằng, ưu điểm của mô hình này là người trong cuộc có cảm giác tự do hơn, mỗi người đều phải tự chịu trách nhiệm trong phạm vi của mình, không ỷ lại nhau. Tuy nhiên, nhược điểm là khả năng hỗ trợ lẫn nhau giữa hai vợ chồng bị hạn chế. Thậm chí, có nhiều trường hợp, vợ hay chồng có vấn đề tài chính nhưng người còn lại không hề biết, cho đến khi người kia vỡ nợ, phá sản.

 

Ít tiền lại cố mua ô tô cũ, chúng tôi rước nợ về nhà
Nửa năm nay, chiếc ô tô của gia đình chị Thúy nằm phơi nắng phơi mưa ngoài đường.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư