Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 19 tháng 03 năm 2024,
Dùng phần mềm “chùa”, doanh nghiệp sẽ bị phạt tiền tỷ, dừng hoạt động
Tú Ân - 22/03/2018 10:00
 
Quy định mới của Luật hình sự về vi phạm bản quyền phần mềm như phạt nặng tới 1 tỷ đồng, đình chỉ hoạt động...được kỳ vọng sẽ hạn chế, chấm dứt nạn vi phạm bản quyền tại Việt Nam...
A
Cơ quan chức năng kiểm tra sử dụng bản quyền phần mềm tại doanh nghiệp.

Luật sư Phạm Vũ Khánh Toàn, Trưởng Văn phòng Luật sư Phạm và Liên danh cho biết, Luật Hình sự năm 2015, từ ngày 1/1/2018,  doanh nghiệp sử dụng phần mềm máy tính bất hợp pháp sẽ bị phạt tiền từ 20 triệu  đồng đến 1  đồng tùy theo mức độ xâm phạm, lợi nhuận thu được từ việc xâm phạm và thiệt hại gây ra, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm, phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.

Ngoài ra, doanh chủ phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 - 5 năm. Doanh nghiệp vi phạm có thể bị đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 6 tháng đến 2 năm, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 1 năm đến 3 năm tùy theo mức độ.

Luật Hình sự đặt khung chế tài nặng như vậy nhưng theo thông tin từ Thanh tra Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, trong năm 2017, đoàn thành tra liên ngành đã tiến hành thanh tra 63 doanh nghiệp, xử phạt vi phạm hành chính số tiền 1,56 tỷ đồng. So với, con số phạt vi phạm bản quyền phần mềm năm 2015 là 2,5 tỷ đồng thì số vi phạm đã giảm nhưng thực trạng vi phạm bản quyền phần mềm máy tính hiện nay vẫn rất nghiêm trọng và phổ biến với nhiều hình thức và mức độ khác nhau. Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng này chính là nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của nhiều cá nhân, tổ chức khai thác và sử dụng chương trình máy tính còn nhiều hạn chế.

Còn theo thống kê của Trung tâm Ứng cứu sự cố máy tính Việt Nam (VNCERT) cho thấy, trong 2 tháng đầu năm 2018, đã có 1.504 sự cố tấn công mạng vào Việt Nam với nhiều loại hình.Còn trong năm 2017 đã có hơn 10.000 cuộc tấn công mạng vào các doanh nghiệp, đơn vị , cá nhân tại Việt nam.

Theo đánh giá của VNCERT, một trong những nguyên nhân chính dẫn tới các sự cố trên là do các doanh nghiệp sử dụng phần mềm có nguồn gốc không rõ ràng dẫn tới máy tính bị lây nhiễm mã độc.

“Nếu các doanh nghiệp áp dụng các biện pháp quản lý hiệu quả tài sản phần mềm (cụ thể là sử dụng phần mềm chính hãng, có bản quyền) thì nguy cơ bị xâm phạm an ninh mạng sẽ giảm thiểu được rất nhiều bảo đảm sự an toàn của doanh nghiệp trước các nguy cơ an ninh mạng”, Chánh thanh tra Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch Phạm Cao Thái chia sẻ.

Theo ông Thái, hàng năm, Thanh tra Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã gửi hàng nghìn khuyến cáo đến các doanh nghiệp yêu cầu chủ động rà soát lại hệ thống công nghệ thông tin và chuẩn bị các tài liệu phù hợp chứng minh quyền sở hữu giấy phép đối với tất cả các phần mềm đang sử dụng hoặc phân phối và khuyến nghị tới các doanh nghiệp việc không tuân thủ các quy định của pháp luật về quyền tác giả quyền liên quan sẽ chịu trách nghiệm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự đồng thời cũng sẽ khiến cho khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam kém hơn so với các doanh nghiệp cùng loại trong khu vực.

Mới đây, Cục bản quyền tác giả Việt Nam vừa tiến hành gửi thư đến hàng ngàn doanh nghiệp trên cả nước, khuyến nghị các doanh nghiệp rà soát tình hình sử dụng chương trình máy tính tại doanh nghiệp mình, tuân thủ các quy định pháp luật về quyền tác giả, đồng thời tránh rủi ro bị tấn công mạng. Cục cũng cảnh báo về nguyên nhân chính dẫn tới các sự cố hệ thống thông tin của nhiều doanh nghiệp là do việc sử dụng chương trình máy tính có nguồn gốc không rõ ràng, dẫn tới máy tính bị lây nhiễm mã độc.

“Trong thời gian qua, công tác thực thi, bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan nói chung và quyền tác giả đối với chương trình máy tính nói riêng đã từng bước đạt được kết quả đáng khích lệ. Tuy nhiên, tình trạng vi phạm quyền tác giả chương trình máy tính còn diễn ra với các hình thức và mức độ vi phạm khác nhau. Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng này là nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của nhiều cá nhân, tổ chức khai thác và sử dụng chương trình máy tính còn nhiều hạn chế”, ông Bùi Nguyên Hùng, Cục trưởng Cục bản quyền tác giả cho biết.

Để doanh nghiệp không bị phạt nặng, thậm chí đình chỉ hoạt động như quy định mới của Luật hình sự có hiệu lực từ 1/1/2018, Luật sư Phạm Vũ Khánh Toàn khuyến cáo, doanh nghiệp và doanh chủ cần tiến hành những hành động sau để tránh bị truy cứu trách nhiệm hình sự khi điều luật sửa đổi có hiệu lực từ năm nay:

Thứ nhất, cần tiến hành xây dựng quy chế nội bộ cho doanh nghiệp. Trên thực tế dù không bắt buộc phải có quy chế doanh nghiệp nhưng tính pháp lý của các quy chế này vẫn được pháp luật thừa nhận, bởi vậy xây dựng tốt quy chế doanh nghiệp sẽ đảm bảo được lợi ích cho cả doanh chủ nói riêng và doanh nghiệp nói chung. Việc ban hành quy chế có thể là xem một giải pháp hữu ích trong việc điều hành bộ máy doanh nghiệp bên cạnh Điều lệ công ty, kiểm soát nội bộ đối với việc sử dụng các sản phẩm sở hữu trí tuệ của doanh nghiệp, tránh được những trường hợp xâm phạm bản quyền tác giả, quyền liên quan từ trong nội bộ công ty, gây ra những rủi ro không đáng có cho doanh nghiệp và doanh chủ.

Thứ 2, cần tiến hành rà soát lại các bản quyền tác giả, quyền liên quan đã được pháp luật bảo hộ để tránh vi phạm bản quyền xảy ra trong việc sử dụng của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng cần chủ động  bảo vệ tài sản trí tuệ của mình khỏi những sự xâm phạm đối với tài sản sở hữu trí tuệ nói chung và bản quyền nói riêng.

Theo thông tin từ Thanh tra Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, năm 2018, theo kế hoạch thanh tra đã được phê duyệt, Thanh tra Bộ tiếp tục triển khai thực hiện công tác thực thi bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan và sẽ xử phạt nặng theo quy định tại Luật Hình sự mới.
Phạt nặng doanh nghiệp dùng phần mềm “chui”
Ngay trong “Tháng hưởng ứng Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới 26/4” sẽ có rất nhiều doanh nghiệp đang sử dụng phần mềm “chui”, vi phạm bản...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư