Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 20 tháng 04 năm 2024,
Giá thành cao làm hẹp đường đi của rau quả xuất khẩu
Thế Hải - 06/04/2018 07:47
 
Thanh long, xoài, chuối, dừa Việt Nam đã bước đầu thâm nhập được thị trường khó tính như Mỹ, EU, Nhật Bản, nhưng để thu về con số nhiều tỷ USD, ngành sản xuất, chế biến rau quả nội địa phải giải quyết vấn đề về giá thành.

Khó cạnh tranh vì giá thành cao

Xuất khẩu rau quả đóng góp 3,5 tỷ USD trong con số 36 tỷ USD xuất khẩu của ngành nông nghiệp trong năm 2017, nhưng có đến 75% giá trị xuất khẩu, tương đương gần 2,7 tỷ USD được mang lại bởi thị trường Trung Quốc.

Cước phí vận chuyển, đóng gói, chiếu xạ cao… đã đẩy giá thanh long lên cao
Cước phí vận chuyển, đóng gói, chiếu xạ cao… đã đẩy giá thanh long lên cao

Nhật Bản, Mỹ, Australia… là những thị trường tuy đã mở cửa cho gần chục loại trái cây Việt như xoài, nhãn, thanh long, chôm chôm, vải thiều, nhưng để thu về mức ngoại tệ tỷ USD, các doanh nghiệp phải xử lý một loạt vấn đề tồn tại, như phí bảo quản lạnh, vận chuyển còn cao, để xuất khẩu có thể đi đường dài.

Là doanh nghiệp xuất khẩu chuối sang thị trường Nhật Bản từ sớm, Công ty Huy Long An cho rằng, giá trị xuất khẩu rau quả của Việt Nam có thể còn vượt xa mức 127,2 triệu USD (năm 2017) nếu như giảm cước, phí vận chuyển, chiếu xạ và có công nghệ bảo quản tốt hơn.

Năm qua, xuất khẩu rau quả sang Nhật Bản ghi nhận mức tăng 69,3% so với năm 2016,  tuy nhiên, Việt Nam mới chỉ chiếm thị phần 0,8% tại thị trường này.

“Trừ thanh long có khả năng tăng trưởng tốt do đáp ứng tốt về thị hiếu và chất lượng, các loại trái cây tươi khác đều kém cạnh tranh so với các nước về giá vì cước phí vận chuyển hàng không và chi phí bảo quản lạnh của Việt Nam cao hơn”, đại diện Công ty Huy Long An cho biết.

Tại thị trường Nhật Bản, hiện giá chuối của Việt Nam vẫn cao hơn Philippines 8%, Costa Rica 52%; giá xoài cao hơn Mexico và Thái Lan 50%... Đó là những điểm nghẽn làm hẹp đường đi của trái cây tươi vào Nhật Bản, dù nhu cầu tiêu thụ trái cây tươi nhiệt đới của thị trường này ngày càng gia tăng.

Ông Nguyễn Đình Tùng, Giám đốc Công ty Vina T&T Group thừa nhận, đây vẫn là câu chuyện đã tồn tại từ nhiều năm nay của ngành xuất khẩu trái cây. Cước phí vận chuyển, đóng gói, chiếu xạ cao… đã đẩy giá thành trái cây của Việt Nam lên cao và khó cạnh tranh hơn với sản phẩm cùng loại của các nước trong khu vực như Thái Lan, Malaysia, Indonesia…

Trước thực trạng này, mỗi doanh nghiệp đều phải chủ động các giải pháp nhằm giảm thiểu chi phí. Đơn cử, Vina T&T Group đã nghiên cứu và áp dụng công nghệ bảo quản trái cây giữ độ tươi lâu hơn, nhưng không lạm dụng chất bảo quản, nên 2/3 sản lượng trái cây tươi của Vina T&T có thể xuất khẩu bằng đường biển. Dẫu vậy, với những thị trường xa, thời gian vận chuyển tàu biển tới 30 ngày, thì Công ty phải chuyển sang đường hàng không và chấp nhận giá cước cao.

Chưa dễ giảm chi phí

Muốn xuất khẩu sang các thị trường khó tính như Mỹ, châu Âu, Nhật, Australia,... trái cây Việt Nam đều phải qua quy trình chiếu xạ nhằm tiêu diệt vi sinh vật gây hại, các loại sâu mối mọt có bên trong quả… Dù vậy, khâu chiếu xạ cho trái cây xuất khẩu hiện nay phụ thuộc các doanh nghiệp độc quyền chiếu xạ tại từng khu vực.

Tại Thái Lan, Philippines, Trung Quốc..., hầu hết các khu vực trồng cây chuyên canh đều có nhà máy chiếu xạ do công ty chế biến thực phẩm đầu tư.

Việc phụ thuộc chiếu xạ từ doanh nghiệp độc quyền đã làm gia tăng chi phí vận chuyển trái cây của doanh nghiệp, đặc biệt với những lô hàng đòi hỏi phải bảo quản, vận chuyển bằng xe giữ lạnh. Thay vì được chiếu xạ tại các công ty và đi thẳng từ kho ra cảng, thì hiện trái cây xuất khẩu của Việt Nam vẫn phải mất thêm thêm thời gian cho công đoạn vận chuyển qua doanh nghiệp chiếu xạ.

Bên cạnh đó, giá cước vận chuyển đường hàng không cũng là một gánh nặng cho doanh nghiệp xuất khẩu rau quả. “Hiện nay, chỉ có 4 hãng hàng không bay từ Việt Nam sang Nhật Bản, trong khi tại Thái Lan có tới 10 hãng bay nên doanh nghiệp có nhiều sự lựa chọn hơn và giá đương nhiên cạnh tranh hơn”, ông Tùng nói.

Theo tính toán, các chi phí vận chuyển, chiếu xạ, đóng gói tới vận chuyển máy bay sang thị trường nhập khẩu chiếm từ trên 50% giá thành...

Các doanh nghiệp xuất khẩu trái cây đều cho rằng, ngành rau quả xuất khẩu có nhiều triển vọng đi xa và góp ngoại tệ lớn cho xuất khẩu, nếu khai thông được các điểm nghẽn chi phí đầu vào kể trên.

Trong Báo cáo Xuất nhập khẩu năm 2017 do Bộ Công thương vừa công bố, câu chuyện khó cạnh tranh, làm hẹp đường đi của trái cây Việt tiếp tục được đề cập tới.

Chẳng hạn, tại thị trường EU, mặc dù kim ngạch xuất khẩu liên tục tăng trưởng trong những năm gần đây, nhưng Việt Nam vẫn chỉ chiếm thị phần rất nhỏ trong tổng kim ngạch nhập khẩu trái cây của EU với 0,4%. Trái cây tươi Việt Nam kém cạnh tranh so với các đối thủ khác có vị trí địa lý gần hơn như Brazil, Pêru, Ecuador, Panama cũng như các đối thủ trong khu vực (Thái Lan, Philippines, Malaysia) về giá, chất lượng và thời gian giao hàng.

Riêng tại Mỹ, dù vải, nhãn, chôm chôm, thanh long và mới đây là vú sữa được chấp thuận nhập khẩu, nhưng lượng xuất chưa đáng kể, chiếm thị phần nhỏ 3%, do các chi phí liên quan đến xuất khẩu trái cây tươi của Việt Nam như vận chuyển, bảo quản, kiểm dịch, xử lý chiếu xạ… còn cao và kém cạnh tranh.

Giá trị xuất khẩu rau quả vượt dầu thô
Hết năm 2017, theo thống kê của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu rau quả Việt Nam đã đạt hơn 3,5 tỷ USD, cao hơn rất nhiều so với các mặt hàng xuất...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư