Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Nghề bán vốn nhà nước
Phong Lan - 22/02/2018 08:15
 
Quản lý khối tài sản hàng trăm ngàn tỷ đồng của Nhà nước với nhiệm vụ rõ ràng là bảo toàn và sinh lời, dưới góc nhìn của những người trong cuộc thực sự là một nghề khó.

Tâm sự người trong cuộc

Với cánh nhà báo tài chính, thương vụ bán vốn nhà nước tại Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) để lại nhiều dấu ấn. Tại cuộc họp công bố về việc bán vốn Vinamilk được tổ chức rất nhanh lẹ theo kiểu sáng thông báo, chiều đã diễn ra, cánh nhà báo tha hồ hỏi ngược, hỏi xuôi và được cung cấp thông tin một cách rành mạch. Sau đó, các cuộc roadshow, thông tin về đợt bán vốn được thường xuyên cập nhật…

Kết quả là, năm 2016, thương vụ bán 5,4% vốn Vinamilk đạt giá trị thu về là 11.286 tỷ đồng, trở thành thương vụ bán vốn lớn nhất tại Đông Nam Á. Năm 2017, lượng cổ phần chưa bán hết tiếp tục được chào bán với giá trị thu về đạt 8.990 tỷ đồng, vượt rất xa dự tính ban đầu.

Cách thức bán vốn Vinamilk trở thành những kinh nghiệm quý trong triển khai các đợt bán vốn quy mô lớn sau này của SCIC
Cách thức bán vốn Vinamilk trở thành những kinh nghiệm quý trong triển khai các đợt bán vốn quy mô lớn sau này của SCIC

Đặc biệt hơn, đợt bán vốn Vinamilk đã kích hoạt sóng thoái vốn, cổ phần hóa trên thị trường, tác động lan tỏa tốt cho thị trường thứ cấp. Cách thức bán vốn Vinamilk trở thành những kinh nghiệm quý trong triển khai các đợt bán vốn quy mô lớn sau này, đơn cử là đợt thoái vốn tại Sabeco. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã dẫn chứng thương vụ bán vốn Vinamilk như một điển hình cần nhân rộng để tối đa hóa tài sản nhà nước thu được.

Vinamilk là “con bò sữa” đối với các nhà đầu tư, bởi thống kê cho thấy, kể từ khi cổ phần hóa đến nay, chưa năm nào doanh nghiệp chia cổ tức dưới 80%. Cổ đông nhà nước cũng đã thu một nguồn lợi rất lớn từ doanh nghiệp này. Từ số vốn nhận bàn giao ban đầu là 800 tỷ đồng, số tiền thu được trong hai đợt bán vốn đã xấp xỉ 20.000 tỷ đồng, chưa kể 36% vốn tại doanh nghiệp mà Nhà nước đang sở hữu và số tiền cổ tức bằng tiền mặt thu được hằng năm rất lớn.

Đóng góp vào việc phát triển “những bò sữa” như vậy cho nền kinh tế là yêu cầu nhiều thách thức, song cũng là niềm tự hào của những người quản lý vốn nhà nước. Ông Nguyễn Đức Chi, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Tổng công ty Đầu tư kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) cho biết, ngay trong quý I/2018, SCIC sẽ triển khai việc thoái vốn tại các doanh nghiệp quy mô lớn bị lỗi hẹn năm 2017 như Nhựa Bình Minh (BMP), Nhựa Tiền Phong (NTP), Dược Domesco, FPT và các doanh nghiệp đầu ngành khác như Bảo Minh, Vinare, Sa Giang, Khoáng sản Hà Giang…

Trong năm 2017, tính cả việc bán vốn lần đầu tại Vinamilk, SCIC đã bán vốn thành công tại 38 doanh nghiệp, giá trị thu được là 21.208 tỷ đồng, gấp 19,1 lần giá vốn, chênh lệch bán vốn thu về 20.102 tỷ đồng.
Lũy kế từ khi thành lập đến nay, SCIC đã bán vốn tại 986 doanh nghiệp và bán quyền mua tại 19 doanh nghiệp, với giá vốn là 8.084 tỷ đồng và thu về 27.999 tỷ đồng (gấp 3,5 lần giá vốn).

Trong danh sách các doanh nghiệp nhà nước sắp thoái vốn, đa số là doanh nghiệp có vị thế đầu ngành, kinh doanh hiệu quả và có những yếu tố thu hút nhà đầu tư như thương hiệu, thị trường, nhân sự, bề dày lịch sử hoạt động. Đặc biệt, nhà đầu tư có cơ hội mua được số lượng lớn cổ phần, nói cách khác là mua thâu tóm được cả doanh nghiệp. Đây là cơ hội được đánh giá là không lặp lại, nên sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư là điều có thể dự đoán trước.

Là người trong cuộc, ông Chi rất trăn trở về việc phải làm sao đảm bảo sự phát triển bền vững của doanh nghiệp sau khi cơ cấu cổ đông thay đổi. Giải quyết bài toán này đòi hỏi cách nhìn tích cực, dám làm, dám chịu trách nhiệm của những người có liên quan.

Còn nhớ, ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương đã nhận xét: “Bán vốn nhà nước đúng là nghề khó. Bán cao thì ế, bán thấp người ta lại bảo làm thất thoát tài sản nhà nước”. Đem nhận xét này chia sẻ với ông Chi, ông bảo: “Quan trọng là các thương vụ bán vốn có công khai, minh bạch không”.

Sẵn sàng cho các thương vụ bom tấn

SCIC đang trong quá trình xây dựng và chờ phê duyệt kế hoạch năm 2018, song theo ông Chi, bán vốn nhà nước, tái cơ cấu các doanh nghiệp có vốn nhà nước theo hướng hoạt động ngày càng hiệu quả hơn, quản trị tốt hơn sẽ tiếp tục là các nhiệm vụ chính của Tổng công ty.

Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 1001/QĐ-TTg phê duyệt phương án sắp xếp, phân loại doanh nghiệp của SCIC đến năm 2020. Theo đó, số lượng doanh nghiệp mà SCIC bán vốn nhà nước trong giai đoạn 2017 - 2020 là 132 công ty.

“Với những doanh nghiệp quy mô lớn sắp tới sẽ bán vốn nhà nước, nếu không thận trọng thì có thể dẫn đến thua thiệt lợi ích của Nhà nước. Chúng tôi phải đưa vào kế hoạch 2018 - 2020 và có trách nhiệm cân đối hài hòa cho từng năm để nhà đầu tư, thị trường hấp thu tốt, lợi ích Nhà nước, lợi ích SCIC cao nhất, doanh nghiệp tiếp tục phát triển kể cả khi SCIC rời đi”, ông Chi trăn trở.

Chủ tịch SCIC cũng tự tin, Tổng công ty đã triển khai bán vốn ở nhiều doanh nghiệp quy mô nhỏ, đã rút ra nhiều bài học kinh nghiệm để hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, từ đó có thể thoái vốn tốt nhất ở các doanh nghiệp lớn. Với các doanh nghiệp như Nhựa Bình Minh, Nhựa Tiền Phong, Dược Domesco, SCIC đang thuê tư vấn để xác định giá trị thương hiệu, sở hữu trí tuệ…

“Chúng tôi sẽ điều hành thoái vốn theo tín hiệu thị trường và hiệu quả cho Nhà nước cao nhất”, ông Nguyễn Chí Thành, Phó tổng giám đốc phụ trách SCIC nói và tự tin rằng, với triển vọng VN-Index tăng tốt, thì tới đây, việc bán vốn sẽ mang lại lợi ích lớn hơn.

Song cũng phải thừa nhận, việc bán vốn còn gặp không ít khó khăn. Đại diện Công ty Chứng khoán ASEAN, một đầu mối tư vấn bán vốn cho SCIC cho biết, ở một số doanh nghiệp mà họ tư vấn bán vốn nhà nước, do lo sợ mất ghế khi cổ đông Nhà nước thoái vốn, lãnh đạo doanh nghiệp đã không hợp tác trong việc cung cấp thông tin, không muốn tiếp xúc với các nhà đầu tư quan tâm đến doanh nghiệp.

Trường hợp thoái vốn nhà nước tại Công ty cổ phần Xây dựng tư vấn đầu tư Bình Dương là ví dụ điển hình. Công ty này có vốn điều lệ 144 tỷ đồng, tỷ lệ vốn nhà nước 24%, SCIC triển khai bán vốn từ năm 2014. Doanh nghiệp có 17 lô đất lớn trên địa bàn Bình Dương, nhưng chưa cung cấp đầy đủ thông tin về đất đai, nên việc xác định giá khởi điểm gặp nhiều khó khăn.

Nhiều đơn vị tư vấn bán vốn nhà nước cho rằng, một trong những giải pháp thúc đẩy công tác bán vốn diễn ra thuận lợi là đơn vị chủ sở hữu “làm mới”, hay nói đúng hơn là tham gia quản trị, tái cơ cấu lại doanh nghiệp trước khi đem ra bán vốn. Làm được điều này sẽ đem lại hiệu quả tối ưu cho Nhà nước, hạn chế tối đa nguy cơ thất thoát, bán rẻ vốn nhà nước.

Về điểm này, ông Nguyễn Chí Thành cho biết, việc tham gia công tác quản trị, nâng cao hiệu quả doanh nghiệp đã được SCIC triển khai hàng chục năm nay. Ngay sau khi tiếp nhận vốn nhà nước tại các doanh nghiệp, SCIC phân loại doanh nghiệp thành các nhóm; chủ động xây dựng và thực hiện phương án tái cơ cấu doanh nghiệp như kiện toàn hệ thống người đại diện, củng cố hội đồng quản trị, ban điều hành, ban kiểm soát…

Làm mới món hàng trước khi bán đem đến hiệu quả không ngờ, song lại rất nhọc nhằn. Một ví dụ điển hình là Công ty cổ phần Du lịch Đồ Sơn có 51% vốn nhà nước. Sau khi 2 năm cổ phần hóa, Đại hội cổ đông thường niên của Công ty không thực hiện được do khiếu kiện triền miên giữa các nhóm cổ đông.

Sau khi tiếp nhận vốn nhà nước tại Du lịch Đồ Sơn, SCIC đã phải cử cán bộ biệt phái về doanh nghiệp, rà soát và chấn chỉnh toàn bộ hoạt động kinh doanh. Thậm chí, Đại hội cổ đông thường niên năm 2015 có nguy cơ bị phá nửa chừng, nếu chủ tọa là cán bộ SCIC không vững luật. Với rất nhiều tâm sức của SCIC, Du lịch Đồ Sơn đã cải thiện hiệu quả hoạt động kinh doanh và năm 2015, SCIC đã thoái vốn thành công với giá trị thu về gấp 35 lần giá trị sổ sách.

Với rất nhiều cái tên có trọng lượng trong danh sách doanh nghiệp mà Nhà nước thoái vốn tới đây, bán vốn đang trở thành sự kiện nóng đối với giới đầu tư. Nhờ thu hút được sự quan tâm lớn của nhà đầu tư, các đợt bán vốn này có sự cạnh tranh, giá bán sẽ tốt hơn. Thông tin được công bố minh bạch, rộng rãi cũng góp phần giảm thiểu những rủi ro, thiếu sót trong quá trình thoái vốn.

Khi công tác thoái vốn ngày càng chuyên nghiệp, ông Chi tin tưởng rằng, sẽ đem lại hiệu quả cao hơn cho Nhà nước và cũng sẽ giảm đáng kể các giao dịch có dấu hiệu không minh bạch. Quản lý vốn nhà nước vì thế cũng sẽ bớt áp lực của nghề khó.

Ông Nguyễn Đức Chi, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Tổng công ty Đầu tư kinh doanh vốn nhà nước: “Với những doanh nghiệp quy mô lớn sắp tới sẽ bán vốn nhà nước, nếu không thận trọng thì có thể dẫn đến thua thiệt lợi ích của Nhà nước. Chúng tôi phải đưa vào kế hoạch 2018 - 2020 và có trách nhiệm cân đối hài hòa cho từng năm để nhà đầu tư, thị trường hấp thu tốt, lợi ích Nhà nước, lợi ích SCIC cao nhất, doanh nghiệp tiếp tục phát triển kể cả khi SCIC rời đi”.

Thoái vốn Nhà nước: Định hình lượng hàng "khủng" từ SCIC
Rất nhiều nhà đầu tư đặt câu hỏi, sau 2 thương vụ lớn là VNM và Sabeco, kế hoạch thu 250.000 tỷ đồng từ thoái vốn, cổ phần hóa đến năm 2020...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư