Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Thị trường chứng khoán: Những cổ phiếu siêu... giảm giá
 
Trong vòng gần 2 tháng qua, nhiều cổ phiếu đã giảm giá rất mạnh. Ngoài yếu tố tác động của thị trường chung, khi VN-Index tạo đỉnh mới và rơi về mức dưới 1.000 điểm, thì mỗi doanh nghiệp lại có một câu chuyện riêng.

Trong danh sách này, mức giảm lớn nhất là cổ phiếu DAT của Công ty cổ phần Đầu tư Du lịch và Phát triển Thủy sản. Năm 2017, Công ty có lợi nhuận sau thuế đạt 25,363 tỷ đồng trên vốn điều lệ 438 tỷ đồng. DAT đã tổ chức họp Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2018, với kế hoạch 1.650 tỷ đồng doanh thu và 43,815 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, chia cổ tức năm 2017 bằng cổ phiếu tỷ lệ 5%, cổ tức năm 2018 dự kiến chia tỷ lệ 5%.

Kết quả kinh doanh có lãi nhưng không quá xuất sắc, lợi nhuận ở mức trung bình, thanh khoản cổ phiếu rất thấp (chỉ giao dịch 380 cổ phiếu trong gần 2 tháng do gần như toàn bộ vốn điều lệ được nắm giữ bởi cổ đông lớn và người có liên quan), DAT là cổ phiếu bị mất giá nhiều nhất kể từ đầu tháng 4/2018. Tuy nhiên, nếu nhìn lại cả lịch sử giao dịch 3 năm gần đây, thì đây là vùng giá thấp nhất của cổ phiếu này.  DAT đã mất giá đến hơn 65% kể từ đầu năm 2018 đến nay.

Sau DAT, L61 và INC là 2 mã có mức giảm trên 56% trong cùng khoảng thời gian trên, nhưng cả 2 mã này đều có thanh khoản tương đối thấp. Riêng cổ phiếu ALV của Công ty cổ phần Đầu tư phát triển Hạ tầng ALV có mức giảm giá lớn thứ 4 toàn thị trường (niêm yết), nhưng là cổ phiếu có mức thanh khoản khá tốt, với khối lượng giao dịch lên tới gần 4,4 triệu cổ phiếu trong gần 2 tháng trên vốn điều lệ gần 56,6 tỷ đồng.

ALV có tên cũ là Công ty cổ phần Khoáng sản Vina A Lưới. Điểm thú vị là trong vòng 3 năm gần nhất, giá và thanh khoản cổ phiếu ALV khá èo uột, cho đến khi doanh nghiệp có phương án phát hành riêng lẻ. Giữa tháng 12/2017, khi Công ty chuẩn bị phát hành thành công 25 triệu cổ phiếu, ALV đạt đỉnh 18.400 đồng/cổ phiếu, với thanh khoản tăng mạnh, để rồi sau đó lao dốc. Ở mức giá hiện tại 4.200 đồng/cổ phiếu, ALV đã giảm giá tới 71,17% so với mức đỉnh.

Trong nhóm cổ phiếu siêu giảm giá tính từ đầu tháng 4 đến nay, xuất hiện tên một ông lớn của nền kinh tế nói chung, doanh nghiệp lớn trên thị trường chứng khoán nói riêng là cổ phiếu HSG của Công ty cổ phần Tập đoàn Hoa Sen. Đây là cổ phiếu bị nhà đầu tư nước ngoài bán ròng hơn 8,3 triệu cổ phiếu, với mức giá giảm đến 44,6% kể từ đầu tháng 4/2018.

Thị trường đang quan sát rất kỹ những câu chuyện liên quan đến Hoa Sen, từ hiệu quả hoạt động kinh doanh, giao dịch bán ra của cổ đông nội bộ và những vấn đề về quản trị. Theo đó, một loạt vấn đề của doanh nghiệp đang đẩy giá HSG rơi thẳng đứng, hướng dần về vùng đáy của quá khứ.

Bên cạnh HSG, một cổ phiếu cũng nằm trong Top 15 mã chứng khoán niêm yết giảm giá nhiều nhất và có thanh khoản lớn là HAR của Công ty cổ phần Đầu tư Thương mại Bất động sản An Dương Thảo Điền. Với mức giảm 46,1% kể từ đầu tháng 4/2018, trên 60% kể từ đỉnh tháng 11/2017 và giảm hơn 71% kể từ mức đỉnh năm 2017, HAR là một câu chuyện gây “đau đầu” cho không ít nhà đầu tư khi trót tin vào một sự lột xác của doanh nghiệp với chiến lược M&A bùng nổ.

Khó có cổ phiếu tốt trong một thị trường xấu và việc cổ phiếu bị giảm giá mạnh khi thị trường lao dốc từ vùng đỉnh cũng là điều bình thường.

Thế nhưng, trong bức tranh bình thường ấy, vẫn tồn tại những điều bất thường của các mã chứng khoán, mà mức giảm đã lên tới trên 40% trong vòng gần 2 tháng, và thậm chí đến 60 - 70% kể từ vùng đỉnh đạt được ngay trước đó.

Nguyên nhân chủ yếu là hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp có vấn đề, nhưng đôi khi, thị trường liên tưởng đến những câu chuyện về biến động giá mang tính trục lợi.

Thị trường chứng khoán: Ai được lợi trong thời điểm này?
Trong hơn một tháng qua, mọi nỗ lực hồi phục của thị trường bao gồm cả phục hồi kỹ thuật đều bị “bẻ gẫy” nhanh chóng.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư