Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 23 tháng 08 năm 2024,
Bối rối về quy định cấm “gắn kèm” bảo hiểm, ngân hàng - doanh nghiệp mong thông tư hướng dẫn
Liên Thùy - 08/07/2024 08:45
 
Các ngân hàng, doanh nghiệp bảo hiểm đang có cách hiểu khác nhau về quy định cấm tổ chức tín dụng bán bảo hiểm không bắt buộc gắn kèm với sản phẩm dịch vụ dưới mọi hình thức (khoản 5 Điều 15 Luật Các tổ chức tín dụng 2024).
f
Đại diện ABIC chi nhánh Thăng Long và đại diện Agribank Lộc Bình chi trả quyền lợi bảo hiểm cho thân nhân khách hàng gặp rủi ro.

Luật cho phép ngân hàng bán bảo hiểm, băn khoăn khái niệm “gắn” kèm

Do thiếu hướng dẫn, hơn một tuần qua (kể khi Luật Các tổ chức tín dụng 2024 có hiệu lực), một số ngân hàng đã tạm dừng triển khai hoạt động đại lý bảo hiểm.

 Điều 113 Luật Các tổ chức tín dụng quy định: “Ngân hàng thương mại được thực hiện hoạt động đại lý bảo hiểm theo quy định của pháp luật về kinh doanh bảo hiểm, phù hợp với phạm vi hoạt động đại lý bảo hiểm theo quy định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước”. Như vậy, Luật Các tổ chức tín dụng 2024 đã cho phép ngân hàng thương mại được tư vấn, chào bán bảo hiểm. Tuy vậy, khoản 5 Điều 15 cấm ngân hàng chào bán bảo hiểm “gắn" với sản phẩm dịch vụ ngân hàng dưới mọi hình thức. Hiện tại, nhiều ngân hàng, doanh nghiệp đang có cách hiểu khác nhau về khái niệm "gắn" này.

Lãnh đạo một công ty bảo hiểm cho hay, không chỉ ngân hàng, công ty bảo hiểm, mà ngay cả cơ quan thanh tra tại địa phương cũng có cách hiểu khác nhau về quy định trên, đặc biệt là khái niệm “gắn”.

Có luồng ý kiến cho rằng, bắt buộc mua bảo hiểm khi vay vốn thì mới được tính là gắn kèm, còn giới thiệu, tư vấn về dịch vụ bảo hiểm thì không được tính là gắn kèm, vì hai dịch vụ này là độc lập với nhau. Tuy vậy, luồng ý kiến còn lại thì cho rằng, cấm gắn kèm có nghĩa là khi làm hồ sơ cho khách hàng vay vốn, ngân hàng cũng không được tư vấn, mời chào gì về sản phẩm bảo hiểm.

“Chúng tôi có bàn tư vấn bảo hiểm tại tất cả các điểm giao dịch của ngân hàng, bán sản phẩm bảo hiểm độc lập với sản phẩm tín dụng. Vậy chúng tôi tư vấn thông tin cho khách hàng, quy trình bán rất rõ ràng, khách hàng được tự do lựa chọn mua hoặc không. Vậy thì có tính là gắn kèm? Chúng tôi đã đi hỏi nhiều nơi, cả cơ quan quản lý lẫn chuyên gia luật, nhưng không ai dám đưa ra câu trả lời thỏa mãn được tất cả. Chúng tôi tham vấn ý kiến của hơn 20 ngân hàng thì mỗi ngân hàng lại có một cách hiểu khác nhau về khái niệm ‘gắn kèm” này”, lãnh đạo một công ty bảo hiểm cho biết.

Cách hiểu khác nhau này khiến các doanh nghiệp bảo hiểm và nhiều ngân hàng bối rối và mong mỏi Ngân hàng Nhà nước ban hành văn bản hướng dẫn. Được biết, khoản 5 Điều 15 Luật Các tổ chức tín dụng lại không nằm trong danh mục điều khoản cần được ban hành hướng dẫn thi hành Luật. Tuy vậy, trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp, ngân hàng vướng mắc như hiện nay, Ngân hàng Nhà nước và Ủy ban Thường vụ Quốc hội cần có văn bản giải thích để doanh nghiệp hiểu và thực hiện Luật.  

Được biết, do có cách hiểu khác nhau về khái niệm “gắn kèm”, nhiều ngân hàng đã dừng bán bảo hiểm, kể cả bảo hiểm phi nhân thọ, khiến doanh thu của các doanh nghiệp giảm sút mạnh ngay từ khi Luật có hiệu lực.

Đại diện Công ty Bảo hiểm BIC cho hay, chỉ riêng 2 ngày đầu tiên trong tháng 7/2024, doanh số bán bảo hiểm qua ngân hàng của công ty giảm tới 50%. Nguyên nhân chính là nhiều chi nhánh ngân hàng tạm dừng bán bảo hiểm và đợi hướng dẫn cụ thể.

Theo ông Nguyễn Hồng Phong, Tổng giám đốc Công ty bảo hiểm Agribank (ABIC), 10 năm trở lại đây, tốc độ tăng trưởng bình quân của thị trường bảo hiểm phi nhân thọ từ 10-15%. Nhưng năm 2023, tăng trưởng thị trường bảo hiểm phi nhân thọ chỉ còn hơn 2%, chưa bao giờ  ngành bảo hiểm gặp “cú sốc” và khủng hoảng lớn như hiện tại.   

Cần phân loại bảo hiểm để quản lý đúng

Tại Việt Nam, lùm xùm liên quan đến bảo hiểm nhân thọ năm 2023 khiến dư luận có cái nhìn xấu về bảo hiểm. Bảo hiểm phi nhân thọ vì vậy cũng bị “vạ lây” dù không liên quan gì đến các lùm xùm này. Hơn thế nữa, bảo hiểm phi nhân thọ có ý nghĩa hết sức quan trọng trong bảo vệ an toàn dòng vốn ngân hàng cũng như bảo vệ khách hàng.

Bà Lê Thị Quỳnh Hoa, Phó tổng giám đốc Bảo hiểm VietinBank chia sẻ, sản phẩm bảo hiểm phi nhân thọ nhằm bảo vệ hoạt động an toàn của hệ thống ngân hàng và khách hàng vay vốn. Đó là các sản phẩm bảo hiểm bảo vệ tài sản đảm bảo như: xe cộ, nhà xưởng, máy móc thiết bị và sức khỏe, tính mạng của người vay. Sau khi vay vốn, chẳng may khách hàng gặp rủi ro, hoặc hàng hóa bị mất mát, bảo hiểm đứng ra chi trả toàn bộ khoản vay đó thay cho khách hàng. Như vậy, ngân hàng không bị nợ xấu, hệ thống hoạt động an toàn; khách hàng lại không mất đi tài sản lớn.    

Một trường hợp khách hàng vay vốn mua Container kinh doanh bị thiệt hại do cháy nổ đã được Bảo hiểm Agribank bồi thường
Một trường hợp khách hàng vay vốn mua container kinh doanh bị thiệt hại do cháy nổ đã được Bảo hiểm Agribank bồi thường.

Đặc biệt, trong lĩnh vực nông nghiệp - lĩnh vực rất dễ bị tổn thương bởi thiên tai,  dịch bệnh - nếu không được bảo hiểm, người nông dân rất dễ rơi vào cảnh tái nghèo. Việc tham gia bảo hiểm không chỉ bảo vệ người nông dân mà còn giúp ngân hàng yên tâm cho vay.

“Ngân hàng cũng là một doanh nghiệp, cũng có quyền được phòng vệ rủi ro. Bảo hiểm là công cụ rất quan trọng, giúp ngân hàng phòng vệ rủi ro. Nếu không có bảo hiểm, rất nhiều trường hợp ngân hàng sẽ không dám cho vay vì lo ngại nợ xấu”, đại diện một ngân hàng chia sẻ.

Những lùm xùm về bảo hiểm phi nhân thọ, đặc biệt là bảo hiểm liên kết đầu tư thời gian qua buộc cơ quan quản lý phải siết chặt hơn nữa hoạt động chào bán bảo hiểm của các ngân hàng. Điều này là hoàn toàn đúng đắn. Tuy vậy, theo các chuyên gia, doanh nghiệp và ngân hàng, không nên đánh đồng bảo hiểm nhân thọ và bảo hiểm phi nhân thọ để có cơ chế quản lý phù hợp.

"Cần làm rõ các tồn tại của ngành bảo hiểm để trả lại công bằng cho các doanh nghiệp bảo hiểm làm ăn chân chính, không nên đánh đồng tất cả loại bảo hiểm là xấu. Hi vọng cơ quan chức năng sẽ sớm ban hành văn bản, thông tư hướng dẫn để doanh nghiệp ,ngân hàng dễ dàng thực hiện”, đại diện một doanh nghiệp bảo hiểm kiến nghị.

Được biết, trong 10 năm qua, chỉ tính riêng 3 công ty bảo hiểm phi nhân thọ trực thuộc ngân hàng Agribank (ABIC), VietinBank (VBI), BIDV (BIC) đã chi trả bồi thường hơn 20.000 tỷ đồng cho các khách hàng gặp rủi ro.   

Sẽ tiếp tục thanh tra hoạt động bancassurance tại 10 doanh nghiệp bảo hiểm
Bốn doanh nghiệp bảo hiểm gồm Prudential, MB Ageas, Sun Life và BIDV Metlife đều có nhiều sai phạm, đặc biệt là khâu tư vấn của nhân viên ngân hàng,...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư