Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Thiệt hại nặng vì Formosa, Agribank vẫn gồng mình hỗ trợ ngư dân
Hà Tâm - 12/07/2016 14:44
 
Sau bà con ngư dân, Agribank là tổ chức tín dụng bị ảnh hưởng hàng đầu bởi sự cố Formosa. Với tổng dư nợ cho vay hơn 27.000 tỷ đồng, các chi nhánh của Agribank trên địa bàn 4 tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế là những đơn vị đang bị tổn thất lớn.

 

Thiệt hại lớn vẫn tập trung hỗ trợ người dân

Tuy chịu nhiều thiệt hại, song trước mắt Agribank đang tập trung ban hành các chính sách hỗ trợ bà con ngư dân 4 tỉnh miền Trung khắc phục hậu quả, phục hồi sản xuất kinh doanh và ổn định cuộc sống.

Bà Nguyễn Thị Diên, Giám đốc Agribank Hà Tĩnh cho hay, hoạt động của Agribank Hà Tĩnh gắn liền với bà con nông dân, ngư dân. Vì vậy, với sự cố Formosa gây thiệt hại cho bà con trong tỉnh, Agribank Hà Tĩnh không thể đứng ngoài cuộc. Theo thống kê, xác định dư nợ bị ảnh hưởng thiệt hại trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh là 78.702 triệu đồng, bao gồm 273 khách hàng.

Trong bối cảnh này, chi nhánh Agribank Hà Tĩnh đã kịp thời chia sẻ, ủng hộ 32 tấn gạo và 05 tỷ đồng cho bà con ngư dân trên địa bàn thị xã Kỳ Anh và huyện Kỳ Anh, thực hiện miễn toàn bộ 660 triệu đồng lãi vay chưa trả đối với dư nợ bị thiệt hại; cơ cấu lại thời hạn trả nợ gốc phù hợp với chu kỳ sản xuất kinh doanh và khả năng trả nợ của khách hàng, ưu tiên vốn, lãi suất cho vay đối với khách hàng bị thiệt hại trực tiếp, ảnh hưởng gián tiếp có phương án sản xuất kinh doanh mới. Đến nay, chi nhánh đã thực hiện cơ cấu nợ cho 21 khách hàng với dư nợ cơ cấu là 15.988 triệu đồng.

Tại Quảng Bình, tình hình còn khó khăn hơn. Ông Nguyễn Xuân Hùng. Giám đốc Agribank Quảng Bình cho hay, trong sự cố môi trường biển do Công ty TNHH gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh gây ra, tỉnh Quảng Bình là địa phương bị thiệt hại nặng nề nhất. Theo thống kê sơ bộ, thiệt hại về mặt kinh tế lên đến hàng nghìn tỉ đồng. Nhưng đó chỉ là một phần nhỏ thuần túy về kinh tế biển, hệ lụy kéo theo cho cả nền kinh tế - xã hội còn lớn hơn.

Tính đến 30/6/2016, tổng dư nợ cho vay của chi nhánh đạt 7.500 tỷ đồng, trong đó dư nợ cho vay lĩnh vực nuôi trồng, đánh bắt thủy hải sản hơn 1.200 tỷ đồng, cho vay theo Nghị định 67/NĐ-CP của Chính phủ đã cam kết giải ngân hơn 350 tỷ đồng và đã giải ngân hơn 150 tỷ đồng cho ngư dân của tỉnh Quảng Bình. Do đó, sự cố Formosa gây ra hiện tượng cá chết bất thường, sau ngư dân và nhân dân trong tỉnh thì Agribank Quảng Bình chính là tổ chức tín dụng chịu ảnh hưởng hàng đầu bởi sự cố này.  

Đến nay, Agribank Quảng Bình đã triển khai hàng loạt giải pháp như: chủ động rà soát các khoản nợ vay của người dân, doanh nghiệp bị thiệt hại để có những biện pháp tháo gỡ khó khăn như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ, xem xét miễn, giảm lãi vay,… Đối với khách hàng bị thiệt hại trực tiếp, Agribank Quảng Bình thực hiện miễn toàn bộ lãi đối với dư nợ bị thiệt hại; cơ cấu lại thời hạn trả nợ gốc phù hợp với chu kỳ sản xuất kinh doanh và khả năng trả nợ của khách hàng. Đối với khách hàng bị ảnh hưởng gián tiếp, miễn 01 tháng lãi tiền vay của dư nợ bị ảnh hưởng; Dừng thu lãi 03 tháng của dư nợ bị ảnh hưởng; Cơ cấu lại thời hạn trả nợ gốc, lãi vay phù hợp với chu kỳ sản xuất kinh doanh và khả năng trả nợ của khách hàng  

Tương tự, tại Quảng Trị, Huế, ngay sau sự cố Formosa xảy ra, bà con ngư dân và chi nhánh Agribank tại các địa phương này đều bị thiệt hại nặng nề. Sau sự cố, Agribank đã miễn giảm lãi 150 triệu đồng, đã cho các doanh nghiệp và chủ vựa cá vay thu mua tạm trữ 13 tỷ đồng. Ngoài ra, khách hàng được vay vốn để chuyển đổi nghành nghề hoặc có vốn lưu động thực hiện các hoạt động nuôi trồng, đánh bắt và khắc phục hậu quả sau hiện tượng cá chết, số tiền ước khoảng gần 13 tỷ đồng. Tại Huế, tính đến ngày 11/05/2016, Agribank Thừa Thiên Huế đã hỗ trợ, khắc phục hậu quả do thủy hải sản chết bất thường đối với 330 khách hàng, dư nợ bị thiệt hại 13.860 triệu đồng tại các xã bị ảnh hưởng.  

Cần nhanh chóng bồi thường thiệt hại cho ngư dân

Ngày 30/6/2016, Chính phủ đã công bố nguyên nhân sự cố cá chết tại 4 tỉnh miền Trung là do chất thải nhà máy thép Formosa Hà Tĩnh gây ra, Công ty TNHH Hưng Nghiệp Formosa đã cam kết bồi thường 500 triệu USD cho thiệt hại gây ra cá chết hàng loạt tại các tỉnh ven biển miền Trung. Theo nhiều chuyên gia, số tiền này cần phải chi trả một cách nhanh nhất để người dân sớm hồi phục sản xuất.

Agribank đặt nhiều kỳ vọng vào tính hiệu quả của các chính sách hỗ trợ của Chính phủ sẽ nhanh chóng đến được với bà con ngư dân và nhân dân 4 tỉnh miền Trung bị thiệt hại.  

 Việc chi trả, đền bù, cho vay chuyển đổi ngành nghề cho ngư dân từ khoản bồi thường của Formosa rất cần một ngân hàng có đủ điều kiện tài chính, mạng lưới, nhân lực, kinh nghiệm, sự gắn bó, am hiểu địa bàn, chủ lực trong thực thi các chương trình, chính sách, mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế làm đầu mối phục vụ, tiếp nhận nguồn vốn từ Công ty TNHH Hưng Nghiệp Formosa để hỗ trợ ngư dân 4 tỉnh miền Trung. Agribank là một trong những ngân hàng lớn nhất hệ thống, đáp ứng các tiêu chuẩn này.

Lãnh đạo Agribank các tỉnh miền Trung khẳng định hoàn toàn có khả năng đảm đương vai trò này.

“Với cam kết thực hiện việc bồi thường thiệt hại của Formosa Hà Tĩnh, mong rằng các chính sách hỗ trợ của Chính phủ sẽ nhanh chóng đến được với bà con ngư dân và nhân dân 4 tỉnh miền Trung, trong đó có Quảng Trị. Agribank Quảng Trị có đặc thù mạng lưới giao dịch phủ khắp địa bàn tỉnh và 16 xã ven biển, với kinh nghiệm trong việc hỗ trợ vốn tín dụng phát triển kinh tế biển cũng như thực hiện chính sách hỗ trợ ngư dân, Agribank Quảng Trị nói riêng và Agribank nói chung sẽ làm tốt chức năng ngân hàng phục vụ chi trả tiền bồi thường, chuyển đổi ngành nghề, thanh toán và cho vay vốn bà con ngư dân vùng bị thiệt hại”, lãnh đạo Agribank Quảng Trị cho hay.

Bà Nguyễn Thị Diên khẳng định, trước đây, Agribank Hà Tĩnh đã có kinh nghiệm trong việc chi trả tiền đền bù giải phóng mặt bằng dự án Formosa nhanh chóng, chính xác và đảm bảo an toàn. Với mạng lưới hoạt động rộng khắp đến từng thôn xóm, đội ngũ cán bộ gần gũi và có tín nhiệm đối với bà con ngư dân, phương tiện và cơ sở vật chất đầy đủ, Agribank Hà Tĩnh nói riêng và Agribank nói chung có đầy đủ cơ sở để thực hiện tốt việc phục vụ chi trả tiền bồi thường chuyển đổi ngành nghề, thanh toán, cho vay vốn đối với bà con ngư dân bị thiệt hại, để phục hồi phát triển sản xuất kinh doanh, nâng cao đời đống, từ đó có điều kiện để trả nợ vay ngân hàng.

Tương tự, lãnh đạo Agribank chi nhánh Quảng Bình, Thừa Thiên Huế cũng mong mỏi tiền góp một tay giúp số tiền bồi thường nhanh chóng đến với ngư dân, giúp bà con sớm ổn định đời sống và hoạt động sản xuất kinh doanh, khôi phục kinh tế và hoàn trả nợ vay ngân hàng. 

Khách hàng 10 năm trúng thưởng 1 tỷ đồng của Agribank
Liên tiếp 2 giải đặc biệt trị giá 1 tỷ đồng từ chương trình tiết kiệm dự thưởng của Agribank đến với tỉnh An Giang.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư