Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 20 tháng 04 năm 2024,
Thu hút nhà đầu tư thiên thần nước ngoài: Kinh nghiệm từ “Quốc gia khởi nghiệp”
Kỳ Thành - 12/12/2018 08:37
 
Israel được biết đến là "Quốc gia khởi nghiệp" với nhiều chính sách hỗ trợ start-up và khuyến khích nhà đầu tư thiên thần. Đây là những kinh nghiệm để Việt Nam áp dụng trong xây dựng chính sách nhằm thu hút vốn đầu tư thiên thần, hỗ trợ tích cực cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

Chính sách khuyến khích đầu tư vào start-up chưa đủ mạnh

Hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt Nam chưa hoàn thiện cùng với hành lang pháp lý chưa rõ ràng là nguyên nhân khiến các quỹ đầu tư thiên thần, mạo hiểm còn dè dặt khi đầu tư vào các start-up Việt. Thậm chí, có những start-up khi nhận được cam kết đầu tư, các quỹ đầu tư yêu cầu phải thành lập doanh nghiệp ở Singapore.

Đó là góc nhìn của Khôi Nguyễn - Founder & CEO WeFit - start-up trong lĩnh vực sức khỏe đời sống đang rất thành công với hơn 100.000 người sử dụng chia sẻ tại Hội thảo quốc tế “Thu hút vốn đầu tư thiên thần nước ngoài vào phát triển start-up ở nước chủ nhà: Kinh nghiệm quốc tế và hàm ý cho Việt Nam” do Đại học Kinh tế - ĐHQGHN tổ chức ngày 11/12.

Có cùng quan điểm này, TS - Luật sư Vũ Văn Tính, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho rằng, Việt Nam hiện chưa có khung pháp luật mang tính đặc thù giúp start-up phát huy thế mạnh một cách hiệu quả và chưa có chính sách về thuế để khuyến khích các nhà đầu tư vào start-up.

“Chính sách thuế không khuyến khích thì rất khó cho đầu tư vào khởi nghiệp”, Luật sư Tính nói.

Hội thảo quốc tế về thu hút vốn đầu tư thiên thần nước ngoài do Đại học kinh tế tổ chức
Hội thảo quốc tế về thu hút vốn đầu tư thiên thần nước ngoài do Đại học Kinh tế tổ chức

PGS-TS. Nguyễn Anh Thu, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế cho biết, theo thống kê của Bộ Khoa học công nghệ, từ năm 2015 đến nay, số lượng startup tại Việt Nam đã tăng gấp 2 lần, đóng góp tích cực vào thúc đẩy tinh thần đổi mới sáng tạo, đổi mới công nghệ, tạo việc làm và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Điều này đã góp phần thu hút vốn từ các quỹ đầu tư có xu hướng tăng trong những năm gần đây.

Theo bà Thu, vốn đầu tư thiên thần là một trong những yếu tố không thể thiếu của khởi nghiệp. Hiện có khoảng 40 quỹ đầu tư đang hoạt động tại Việt Nam, trong đó chủ yếu là quỹ nước ngoài. Số lượng giao dịch có nhà đầu tư nước ngoài chiếm hơn 30% với giá trị đầu tư gấp hơn 5 lần giá trị đầu tư trong nước.

“Nhà đầu tư thiên thần từ nước ngoài không chỉ cung cấp tài chính mà còn tư vấn, chia sẻ tri thức kinh nghiệm, mạng lưới kinh doanh… Đây đều là những yếu tố cần thiết cho start-up trong giai đoạn ươm mầm, phát triển”, bà Thu nói.

Theo Topica Founder Institute, năm 2017, Việt Nam tiếp nhận 92 thương vụ đầu tư thiên thần với tổng số vốn hơn 291 triệu USD, tăng gần 2 lần về số lượng thương vụ và gần 50% tổng giá trị đầu tư so với 2016. Trong đó có 6 thương vụ thoái vốn thành công thông qua M&A trị giá 128 triệu USD.

Tuy nhiên, theo bà Thu, những con số này vẫn khá khiêm tốn khi tổng số vốn đầu tư vào start-up tại Việt Nam mới chiếm 5% trong tổng số vốn đầu tư vào start-up khu vực Đông Nam Á.

Ngoài vấn đề chính sách, Founder của WeFit cũng chỉ ra rằng, ngoài yếu tố chính sách thì nguyên nhân chủ quan khiến các start-up Việt còn khó tiếp cận các quỹ đầu tư có thể kể đến như tiếng Anh kém, chưa có uy tín cá nhân, hay gọi số vốn quá nhiều ngay từ vòng đầu tiên. “Vòng 1, WeFit gọi 15.000 USD, vòng 2 gọi 155.000 USD và đến vòng 3 mới tới con số triệu USD”, Khôi Nguyễn chia sẻ và cho biết, các nhà đầu tư thiên thần thường chỉ góp vốn ở những vòng đầu.

PGS-TS. Nguyễn Anh Thu, Phó hiệu trưởng Trường Đại học kinh tế
PGS-TS. Nguyễn Anh Thu, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế

Kinh nghiệm từ “Quốc gia khởi nghiệp”

Từ kinh nghiệm thực tiễn trong phát triển start-up tại “Quốc gia khởi nghiệp” Israel, ThS. Nguyễn Thị Phương Linh (Đại học Kinh tế) cho rằng, đối với các nhà đầu tư thiên thần, yếu tố con người, tiềm năng thị trường và chính sách, môi trường kinh doanh là 3 yếu tố ảnh hưởng đến quyết định đầu tư của nhà đầu tư thiên thần.

“Chính phủ Israel đã thu hút các thiên thần kinh doanh nước ngoài bằng cách đề xuất các chương trình nhằm kết nối doanh nghiệp khởi nghiệp Israel với các nhà đầu tư thiên thần nước ngoài. Chính sách nổi bật thứ hai là ưu đãi về thuế được thực hiện từ năm 2011”, bà Linh cho hay.

Làm rõ hơn vấn đề này, PGS-TS. Nguyễn Thị Kim Anh, Chủ nhiệm Đề tài QG.18.23 (Đại học Kinh tế) cho biết, Israel đã áp dụng những chính sách khuyến khích đối với nhà đầu tư thiên thần từ cách đây gần 30 năm, với Luật Thiên thần, YOZMA 1993, INBAL 1991, khuyến khích phát triển mạng lưới đầu tư thiên thần và làm cầu nối cho start-up tiếp cận các nhà đầu tư này.

Trong khi đó, đối với các start-up, Chính phủ Israel chủ yếu hỗ trợ về kỹ năng quản lý, kinh nghiệm thu hút đầu tư, giúp start-up đưa sản phẩm tiếp cận thị trường…

Ông Bobby Liu, Giám đốc Topica Founder Institute đánh giá, Việt Nam đang có nhiều lợi thế về khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ như đội ngũ kỹ sư tốt thuộc hàng top trong khu vực, kinh tế tăng trưởng nhanh cùng thị trường đông dân tiềm năng, và đặc biệt là người Việt Nam có tư duy muốn khởi nghiệp và làm chủ.

Tuy nhiên, để khơi dậy và khai thác những tiềm năng này, PGS-TS. Nguyễn Anh Thu cho rằng, Việt Nam cần có những chính sách, biện pháp mạnh mẽ cải thiện môi trường kinh doanh, phát triển và hoàn thiện hệ sinh thái khởi nghiệp.

Các nhà đầu tư thiên thần bắt tay hỗ trợ start-up
9 tổ chức tích cực hàng đầu trong hệ sinh thái khởi nghiệp đã cùng ký cam kết xây dựng mạng lưới nhà đầu tư thiên thần đề hỗ trợ các dự...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư