Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 28 tháng 03 năm 2024,
5 cổ phiếu cần quan tâm ngày 4/3
Kỳ Thành - 04/03/2016 06:19
 
Đầu tư Online trích báo cáo phân tích một số cổ phiếu cần quan tâm trước phiên 4/3 của các công ty chứng khoán.

1. PDB: Khuyến nghị Mua với thời gian từ 6 đến 8 tháng

CTCK MBS

Chúng tôi khuyến nghị Mua đối với cổ phiếu Công ty Cổ phần Pacific Dinco (PDB - HNX) với mức định giá trên cơ sở thận trọng 27.684 đồng/CP, với tiềm năng tăng giá ~34% so với giá 20.700 đồng/CP ngày 02/03/2016 trên cơ sở:

(1) Nhu cầu bê tông xây dựng dự báo sẽ tăng trưởng mạnh nhờ hoạt động đầu từ cơ sở hạ tầng và khách sạn phục vụ APEC tại Đà Nẵng 2017.

Năm 2017, Đà Nẵng được Chính phủ đồng ý chọn là nơi đăng cai “Tuần lễ cấp cao APEC 2017” với sự kiện quan trọng nhất là “Hội nghị Lãnh đạo APEC”. Nhiều dự án xây dựng hạ tầng và bất động sản lớn quanh Đà Nẵng đang triển khai nhằm đón đầu sự kiện lớn này như: Dự án nâng cấp nhà ga hành khách quốc tế (khởi công 15/11/2015) với tổng mức đầu tư 3.504 tỷ đồng, dự án New Hoi An City, Nam Hội An, dự án khu hội nghị quốc tế ở KS JW Marriott… Đây là cơ hội để các doanh nghiệp cung cấp vật liêu xây dựng như như bê tông Dinco (PDB).

(2) PDB là công ty có uy tín, thị phần lớn trong khu vực miền Trung.

(3) Chủ động được nguồn nguyên liệu nhờ lợi thế từ mỏ đá riêng có.

Với các dự án đã được chuẩn bị và sẽ được thực hiện trong năm, PDB có thể đạt doanh thu hợp nhất khoảng 426 tỷ đồng (+24% so với cùng kỳ năm ngoái), LNST đạt 34,5 tỷ đồng (+18% so với cùng kỳ năm ngoái), tương đương mức EPS là khoảng 4.259 đồng/CP.

Năm 2016, PDB sẽ tiếp tục duy trì tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận khá cao nhờ nhu cầu bê tông cung cấp cho nhu cầu đầu tư cơ sở hạ tầng chuẩn bị cho APEC 2017 tại Đà Nẵng. Với mức PE hiện tại là 6,1 lần và dự báo triển vọng khả quan trong năm 2016, PE dự phóng đạt 6,5 lần thì giá hợp lý của PDB vào khoảng 27.684 đồng/CP. Do đó chúng tôi khuyến nghị Mua với PDB với thời gian đầu tư từ 6 đến 8 tháng.

2. HPG: Tăng trưởng bất chấp khó khăn

CTCK VCBS

Kết thúc năm tài chính 2015, KQKD của HPG tiếp tục tăng trưởng tích cực với doanh thu thuần đạt 27.452 tỷ đồng (+8,7% so với cùng kỳ năm ngoái, 122% kế hoạch), và LNST đạt 3.504 tỷ đồng (+7,8% so với cùng kỳ năm ngoái, 107,8% kế hoạch đã điều chỉnh) bất chấp bối cảnh khó khăn chung của toàn ngành thép.

Triển vọng: Trong ngắn hạn, vị thế dẫn đầu trên thị trường thép cùng ưu thế về công nghệ sản xuất và yếu tố tăng công suất giúp cho HPG đủ sức duy trì đà tăng trưởng trước áp lực cạnh tranh đồng thời gia tăng thị phần.

Rủi ro: Áp lực từ cạnh tranh trên thị trường thép năm 2016 được dự báo sẽ gay gắt hơn so với năm trước. Đồng thời, mảng sản xuất và kinh doanh thức ăn chăn nuôi sẽ phải đương đầu với khó khăn khi hiệp định TPP đã được ký kết.

Đánh giá: HPG là một trong những doanh nghiệp thép hàng đầu Việt Nam với nền tảng kinh doanh vững vàng cùng triển vọng tăng thị phần trong năm tới. Do đó, chúng tôi đánh giá cao khả năng HPG có thể tiếp tục tăng trưởng nhẹ bất chấp khó khăn chung của toàn ngành. Với dự phóng cho năm 2016, doanh thu thuần đạt 29.576 tỷ đồng (+9% so với cùng kỳ năm ngoái), và LNST đạt 3.719 tỷ đồng (+4,7% so với cùng kỳ năm ngoái) tương ứng với EPS đạt 5.073 đồng/CP. Chúng tôi duy trì khuyến nghị NẮM GIỮ HPG.

3. DHC: Khuyến nghị NẮM GIỮ

CTCK VCBS

Doanh thu năm 2015 tăng trưởng 17,5% so với cùng kỳ, đạt 640 tỷ đồng, trong khi lợi nhuận sau thuế tăng trưởng đột biến đạt 77,1 tỷ đồng (+78,89% so với cùng kỳ năm ngoái) nhờ:

(1) Hưởng lợi từ việc giá nguyên liệu đầu vào giảm, cụ thể giá OCC giảm từ mức 190$/tấn xuống còn 165$/ tấn, giá trấu giảm từ 1.200 đồng/kg xuống còn khoảng 680 đồng/kg, giá bột mì giảm xuống dưới 8000 đồng/kg. Trong khi đó giá giấy Testliner và Medium chỉ giảm nhẹ khoảng 100 đồng/kg giúp biên lợi nhuận gộp của DHC tăng mạnh từ mức 16,7% năm 2014 lên 18,3% năm 2015.

(2) Tăng sản lượng nhà máy bao bì lên 10% từ Tháng 10.2015 và tối đa năng suất nhà máy giấy (4.500 tấn/tháng so với công suất thiết kế là 5.000 tấn/tháng) giúp công ty giảm tỷ trọng chi phí cố định/sản phẩm và tối ưu hóa chi phí lao động cận biên.

(3) Nhờ việc áp dụng thông tư 96/2015-BTC về thuế thu nhập doanh nghiệp, nhà máy giấy Giao Long đã được miễn thuế năm 2015 và chịu mức thuế 10% trong năm 2016 so với mức 20% như quy định trước đó. Theo đó chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp giảm từ mức 12,3 tỷ đồng (2014) xuống 6,33 tỷ đồng 2015.

Triển vọng kinh doanh 2016 tích cực với các động lực từ việc tăng năng suất các nhà máy và tiếp tục được hưởng ưu đãi về thuế.

Tuy nhiên công ty vẫn phải đối mặt với rủi ro tỷ giá khi tỷ lệ nhập khẩu giấy xuống khoảng 40%/sản lượng Testliner. Theo đó, chúng tôi dự phóng sợ bộ KQKD năm 2016 ước đạt 720 tỷ đồng doanh thu (+12,59% so với cùng kỳ năm ngoái) và 83,7 tỷ đồng LNST (+8,5% so với cùng kỳ năm ngoái).

Tại mức giá ngày 01.03.2016 là 31.500 đồng/cổ phẩn, P/E trailing là 6,7 lần, P/E forward ước đạt 6,6 lần (sau điều chỉnh), tương đối hấp dẫn đối với một doanh nghiệp bao bì. Do đó chúng tôi khuyến nghị NẮM GIỮ đối với cổ phiếu DHC.

4. NCT: Khuyến nghị NẮM GIỮ

CTCK VCBS

Kết quả kinh doanh quý IV/2015 doanh thu đạt 196 tỷ đồng (+4% so với cùng kỳ), lợi nhuận đạt 56 tỷ đồng (-8,2% so với cùng kỳ). Lợi nhuận quý IV có sự sụt giảm do việc phát sinh các loại chi phí, cũng như việc 2 hãng hàng không CX và KA chuyển qua ALS.

Kết quả kinh doanh năm 2015 lãi 310 tỷ đồng (+13% so với cùng kỳ năm ngoái), doanh thu 796 tỷ đồng (+17% so với cùng kỳ năm ngoái) với EPS tương ứng 11.808 đồng. Kết quả tích cực trong năm 2015 chủ yếu đến từ việc tăng sản lượng hàng hóa quốc tế. Ngoài ra, công ty còn điều chỉnh tăng giá một số dịch vụ từ 5%-7% trong năm vừa qua. Với kết quả kinh doanh trên, công ty đã vượt 13,4% kế hoạch doanh thu đề ra trong năm 2015.

Chúng tôi xác định mức P/E của NCT là 10,9; EV/EBITDA 6,14 là mức chấp nhận được trong ngành khai thác cảng hàng không. Xét đến tình hình kinh doanh cũng như triển vọng ngành khả quan, chúng tôi khuyến nghị NẮM GIỮ đối với cổ phiếu NCT.

5. SCR: Hoạt động tái cấu trúc tài chính ghi nhận nhiều tín hiệu tích cực

CTCK BVSC

Ngày 25/2/2016, BVSC có buổi gặp với đại diện phía SCR và ghi nhận một số thông tin chính như sau:

Giai đoạn tái cơ cấu tài chính hoàn thành, tạo nền tảng cho sự phát triển từ 2016. Chịu áp lực từ khi có sự thay đổi sở hữu tại Ngân hàng Sacombank, trong giai đoạn 2012 đến 2014, hoạt động Sacomreal rất khó khăn khi chủ yếu tập trung vào việc đảm bảo thanh khoản và triển khai các dự án đang kinh doanh.

Tuy nhiên sang năm 2015, Công ty có tín hiệu khởi sắc về tình hình tài chính khi được sự hỗ trợ từ Tập đoàn Thành Thành Công, thu được nguồn tiền từ việc chuyển nhượng toàn bộ dự án Celadon City (Gamuda thanh toán phần tiền phát sinh từ quyền sử dụng đất trong cam kết trước đây về dự án Celadon City) và mở bán các dự án mới.

Tính tại 31/12/2015, tổng dư nợ vay ngắn và dài hạn là 556 tỷ đồng, giảm 1.569 tỷ đồng so với đầu năm. Tiền mặt dồi dào khoảng 200 tỷ đồng, tăng 160 tỷ đồng so với 31/12/2014. Kết quả là, cấu trúc vốn của SCR đã trở nên an toàn và lành mạnh hơn với tỷ lệ nợ vay/VCSH là 0,18 so với mức 0,93 (2014) và 0,97 (2013). Bên cạnh đó, Công ty đã tận dụng mua thêm một số dự án. Mặc dù, quy mô các dự án này không lớn (mỗi dự án khoảng 200 - 300 căn ở các khu vực đông dân cư) nhưng có tính thanh khoản cao, đảm bảo sự phát triển ổn định của doanh nghiệp.

Công ty sẽ triển khai kinh doanh nhiều dự án trong năm 2016. Theo danh mục dự án công bố, Công ty phân loại dự án theo từng phân khúc với 3 tên gọi Jamona (dự án phức hợp), Charmington (cao cấp) và Carillon (trung bình khá).

- Chuỗi dự án Carillon hiện có 5 dự án tập trung khu vực Tân Phú, Tân Bình với tổng số căn khoản 1.100 căn và giá bình quân từ 16 - 29triệu đồng/m2. Công ty đã bán 321 căn (Carillon 2&3) và 779 căn của Carillon 4,5,6 sẽ kinh doanh trong 2016. Thời điểm ghi nhận từ cuối 2017.

- Chuỗi dữ án Jamona có 3 dự án là Jamona City (10,5 ha ở Đào Trí), Jamona Gold Silk (7,6 ha ở Nguyễn Văn Ba) và Jamona Home Resort (Arista cũ). Jamona Home Resort có 238 căn đã bán xong. Jamona City đã bán 700/700 nhà ở xã hội, 100/249 nhà ở thương mại, 201 nền nhà phố. Công ty còn 301 căn nhà ở xã hội để cho thuê và khu biệt thự Sky Villa chưa mở bán (công ty đang điều chỉnh thiết kế). Đối với dự án Jamona Gold Silk gồm 238 căn nhà phố, biệt thự và 281 cănhộ với tổng mưc đầu tư 700 tỷ đồng. Các căn nhà phố, biệt thự được bán trước và kỳ vọng ghi nhận doanh thu trong 2016. Giá bán chưa công bố.

- Chuỗi dự án Charmington hiện có 1 dự án Charmington La Point ở Cao Thắng, Quận 3 với 508 căn. Đây là dự án phát triển theo hình thức thuê 50 năm và đang được kinh doanh. Công ty đang nghiên cứu phát triển hai dự án Charmington Plaza - Tản Đà, Quận 5 và Charmington Lý Tự Trọng. Tuy nhiên, hai dự án đang trong giai đoạn thực hiện thủ tục pháp lý.

Nhiều dự án được mở bán nhưng doanh thu và lợi nhuận chưa được ghi nhận. Mặc dù, công ty chưa chia sẻ kế hoạch kinh doanh năm 2016, tuy nhiên với tiến độ triển khai các dự án, chúng tôi dự đoán doanh thu bất động sản sẽ chỉ bắt đầu ghi nhận từ cuối 2017 và chủ yếu vào năm 2018.

Năm 2016, lợi nhuận của Công ty có thể sẽ tiếp tục được đóng góp từ hoạt động tài chính, khi mà, HĐQT đã thông qua Nghị quyết về giao dịch giữa SCR với 1 loạt công ty liên doanh, liên kết. Do đó, chúng tôi cho rằng kết quả kinh doanh 2016 chưa có sự tăng trưởng so với 2015.

Nhận định:

BVSC cho rằng Công ty đã có những tín hiệu lạc quan hơn so với đầu năm 2015. Trong đó, hai rủi ro lớn nhất mà công ty luôn phải đối diện trong giai đoạn 2012 -2014 là tính thanh khoản và hàng tồn kho lớn đã phần nào được giải quyết trong 2015.

Cụ thể, (1) Tình hình tài chính cải thiện đáng kể với dư nợ vay giảm mạnh, tiền mặt dồi dào; (2) Thị trường bất động sản phục hồi giúp công ty mở bán thành công hai dự án có tồn kho lớn là Jamona City và Jamona Home Resort.

Trên cơ sở tình hình tài chính ổn định và rủi ro về nhân sự giảm thiểu, SCR sẽ bắt đầu đẩy mạnh việc kinh doanh trở lại từ năm 2016. Mặc dù, doanh thu và lợi nhuận chưa kịp ghi nhận nhưng đó là tiền đề cho sự tăng trưởng vào năm 2018 - 2019. Dự kiến trong tháng 3, Công ty sẽ tổ chức 1 buổi giới thiệu danh mục dự án đến các nhà đầu tư. Đây là thông tin tích cực trong ngắn hạn của SCR.

Giá cổ phiếu SCR tăng 16% trong gần 1 tháng và chỉ số P/B hiện tại là 0,69 lần. Với mức P/B này, BVSC đánh giá cổ phiếu SCR vẫn còn phù hợp để nhà đầu tư xem xét khi mà tài sản vẫn còn định giá thấp. Vùng giá mà BVSC cho rằng nhà đầu tư có thể tích lũy là 8.800 - 9.000 đồng/CP.

Fecon Mining dự kiến chia cổ tức 5% trong tháng 5
Ngày 2/3, CTCP Khoáng sản FECON (Fecon Mining - mã chứng khoán FCM) đã công bố Nghị quyết của HĐQT về kế hoạch chia cổ tức năm 2015 với tỷ lệ 5%.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư