Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 28 tháng 03 năm 2024,
6 cổ phiếu cần quan tâm ngày 19/2
 
Đầu tư trích báo cáo phân tích một số cổ phiếu cần quan tâm trước phiên 19/2 của các công ty chứng khoán.

1. DXG: Có thể lướt sóng trong ngắn hạn

 

CTCK KIS Việt Nam (KIS)

Giá cổ phiếu của CTCP Dịch vụ và Xây dựng Địa ốc Đất Xanh (DXG - sàn HOSE) đang chuyển động trong kênh hẹp giới hạn bởi hai đường MA100 và MA200 ở vùng 17.5-18.5. Vùng này cũng đang có sự hiện diện của đường xu hướng giảm ngắn hạn bắt đầu từ 10/2015.

Khối lượng giao dịch của DXG cũng chưa tăng trở lại. Do đó, đường giá của DXG có thể vẫn cần thêm thời gian chuyển động tích lũy trong vùng này.

Bollinger Bands đang co hẹp lại cho thấy khả năng DXG đang tích lũy cho những nhịp biến động có biên độ rộng hơn.

ADX đã liên tục giảm từ 27.9 về 12.5, cho thấy độ mạnh của xu hướng giảm từ 10/2015 đã yếu đi đáng kể. Do đó, có thể kỳ vọng DXG có thể có những diễn biến tích cực trở lại sau giai đoạn chuyển động tích lũy này.

Vì vậy, nhà đầu tư lướt sóng ngắn hạn có thể giao dịch trong vùng hẹp, với việc mua khi chạm về vùng hỗ trợ quanh ngưỡng 17.5, và bán khi chạm ngưỡng kháng cự 18.5.

Nhà đầu tư đánh sóng trung hạn có thể chờ đợi tín hiệu mua vào khi giá DXG vượt qua được vùng 18.5-18.8. Kỳ vọng trước mắt có thể test lại vùng đỉnh cũ 20-20.3. Ngưỡng cắt lỗ đặt tại 18.

2. NLG: Tiếp tục nắm giữ trong trung hạn

CTCK KIS Việt Nam (KIS)

Sau khoảng hơn hai tuần tích lũy, giá cổ phiếu CTCP Đầu tư Nam Long (mã NLG) đã vượt qua được ngưỡng Fibonacci Retracement 78.6% của nhịp giảm từ tháng 05/2013 đến 12/2013, ở quanh mức 23.5. ADX cũng đã cho thấy xu hướng tăng của NLG đã bắt đầu mạnh trở lại sau khi vượt qua được ngưỡng này.

Khối lượng giao dịch của NLG tuy không thể duy trì được một xu hướng tăng liên tục, nhưng mức độ suy giảm cũng không quá mạnh. Bên cạnh đó, diễn biến khối lượng giao dịch như vậy đã liên tục đưa giá NLG tăng từ tháng 11/2015 đến giai đoạn hiện tại.

Giá NLG hiện đang tích lũy quanh ngưỡng 23.8, ngưỡng Fibonacci Retracement 161.8% của nhịp giảm từ 04/2014 đến 06/2014. Nếu vượt qua được ngưỡng Fibonacci Retracement 161.8%, giá NLG có thể hướng đến ngưỡng Fibonacci Retracement tiếp theo tại 25.8-25.9.

Nhà đầu tư trung hạn có thể tiếp tục nắm giữ cổ phiếu. Nhà đầu tư ngắn hạn có thể chờ đợi tín hiệu mua vào khi giá NLG vượt qua ngưỡng 24, kỳ vọng có thể chạm được đến vùng 25.8-25.9. Ngưỡng cắt lỗ đặt tại 23.

3. DRC: Khuyến nghị nắm giữ

CTCK BIDV (BSC)

Cổ phiếu CTCP Cao su Đà Nẵng (DRC - sàn HOSE) là cổ phiếu ưu thích của chúng tôi trong ngành săm lốp nhờ sở hữu thương hiệu mạnh, có lợi thế trong phân khúc lốp xe tải, sở hữu nhiều khách hàng doanh nghiệp lớn hỗ trợ đắc lực cho việc tiêu thụ sản phẩm và tiết giảm chi phí bán hàng.

Chúng tôi cho rằng, DRC là doanh nghiệp có khả năng duy trì thị phần và tăng trưởng tốt nhất ngành. Năm 2015, sản lượng tiêu thụ lốp bias tăng 10% lên 2,3 triệu lốp, sản lượng tiêu thụ lốp Radial đạt 174.000 lốp (đạt 58% công suất, thấp hơn 27% so với kế hoạch đầu năm). Do chưa đạt sản lượng hòa vốn, DRC vẫn tiếp tục lỗ đối với nhà máy lốp Radial (biên lợi nhuận gộp là -6% trong 6 tháng cuối năm 2015). Giá bán sản phẩm giảm trung bình từ 7%-10% do cạnh tranh cao.

Kết quả kinh doanh năm 2015, doanh thu thuần đạt 3.318 tỷ đồng, tăng 2% so với năm trước, lợi nhuận sau thuế đạt 415 tỷ đồng, tăng 18% so với năm trước, chủ yếu nhờ tiết giảm chi phí bán hàng trong kỳ.

Kế hoạch kinh doanh 2016, DRC đặt mục tiêu doanh thu đạt 3.778 tỷ đồng, tăng 14% và lợi nhuận trước thuế tương đương 2015, đạt 532 tỷ đồng. Ước tính, doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế năm 2016 của DRC lần lượt là 3.511 tỷ đồng, tăng 6% và 432 tỷ đồng, tăng 4% so với năm trước, tương đương EPS 2016 là 4.347 đồng/cp.

Vì vậy, chúng tôi khuyến nghị nắm giữ đối với cổ phiếu DRC.

4. CSM: Khuyến nghị trung lập

CTCK BIDV (BSC)

CTCP Công nghiệp Cao su miền Nam (CSM - sàn HOSE) ghi nhận doanh thu thuần năm 2015 đạt 3.636 tỷ đồng, tăng 14% so với năm trước; lợi nhuận sau thuế đạt 290 tỷ đồng, giảm 12% so với năm trước.

Nếu loại trừ doanh thu và lợi nhuận từ chuyển nhượng bất động sản, doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế ước tính của CSM đạt lần lượt là 3.235 tỷ đồng, tăng 2% so với năm trước và 241 tỷ đồng, giảm 27% so với năm trước.

So với 3 quý đầu năm, kết quả kinh doanh quý IV/2015 của CSM cao hơn, đạt 88 tỷ đồng lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh. Tuy nhiên, chúng tôi lưu ý, sự cải thiện này không đến từ hoạt động côt lõi chủ yếu là do công ty không còn phải hạch toán khoản lỗ chênh lệch tỷ giá do USD tăng giá so với VND như 2 quý đầu năm.

Chúng tôi dự báo kết quả kinh doanh năm 2016 của CSM có thể giảm do sản lượng tiêu thụ Radial tăng chậm, chưa đạt điểm hòa vốn (ước tính đạt 100 nghìn lốp, tương đương 29% công suất thiết kế). Chúng tôi cũng cho rằng công ty nên tập trung đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm lốp Radial trước khi mở rộng công suất nhà máy lốp Radial lên 600.000 lốp và lốp Radial bán thép lên 4 triệu lốp như kế hoạch.

Ước tính, doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế năm 2016 của CSM lần lượt là 3.303 tỷ đồng và 210 tỷ đồng (giảm 13% so với lợi nhuận lõi 2015 của CSM), EPS 2016 khoảng 2.567 đồng/CP.

Vì vậy, chúng tôi duy trì quan điểm Trung lập đối với cổ phiếu săm lốp do lo ngại cạnh tranh tăng cao, đặc biệt là cạnh tranh với các doanh nghiệp săm lốp Trung Quốc.

5. SHB: Khuyến nghị nắm giữ

Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBS)

Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB - sàn HNX) vừa công bố kết quả kinh doanh 2015. Theo đó, tăng trưởng tín dụng và huy động của SHB đều đạt trên 20%. SHB tiếp tục tập trung cho vay các ngành ưu tiên như nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản, chiếm 20,5% tổng dư nợ cho vay; cho vay bất động sản và xây dựng chiếm 21,8% tổng dư nợ cho vay.

Thu nhập lãi thuần đạt 3.372 tỷ đồng, tăng 19,7% so với cùng kỳ. Thu nhập ngoài lãi đạt 531 tỷ đồng, tăng gần 15% so với cùng kỳ do tất cả các mảng hoạt động đều tăng trưởng tốt, ngoài trừ hoạt động dịch vụ giảm 4,5%. Thu nhập hoạt động của ngân hàng tăng 19%, đạt 3.903 tỷ đồng. Tuy nhiên, chi phí hoạt động tăng 26%, đạt 2.035 tỷ đồng (chiếm 52% thu nhập hoạt động) cùng với chi phí dự phòng rủi ro tăng 32%, bào mòn lợi nhuận trước thuế của ngân hàng, đạt 1.027 tỷ đồng, tương đương với con số năm 2014.

Nợ xấu đạt 1.718 tỷ đồng, tăng 7,4%. Tuy nhiên, tỷ lệ nợ xấu giảm về mặt kỹ thuật còn 1,71% do tăng trưởng tín dụng cao. Trong báo cáo cập nhập hồi tháng 9, chúng tôi đã lưu ý các nhà đầu tư rằng trong năm 2013, SHB đã cơ cấu lại hơn 5.000 tỷ đồng nợ xấu theo Quyết định 780, tươngđương 6,5% tổng dư nợ vào thời điểm đó. Trong năm 2013, 60% số nợ tái cơ cấu có thể là nợ xấu, vì vậy, chúng tôi lo ngại về rủi ro tiềm tàng trong các khoản nợ tái cơ cấu của SHB. SHB cho biết tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng có thể tăng 1% đên 2% khi Thông tư 09 có hiệu lực. Tuy nhiên tính đến cuối năm 2015, tổng nợ xấu của SHB tăng không đáng kể. Hiện chưa có thuyết minh chi tiết về việc xử lý nợ xấu của SHB.

Như chúng tôi đã dự phóng trước đó, ngân hàng khó có thể hoàn thành được chỉ tiêu lợi nhuận cả năm. Trên thực tế, kết quả kinh doanh 2015 của SHB tương tự như dự phóng của VPBS. Do đó, chúng tôi duy trì khuyến nghị Nắm giữ đối với cổ phiếu này ở mức 6.800 đồng.

6. BTP: Khuyến nghị nắm giữ

Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBS)

Đóng cửa phiên 18/2, cổ phiếu BTP của CTCP Nhiệt điện Bà Rịa đã tăng trần, đứng tại mức giá 12.600 đồng/cổ phiếu. Đây là mức giá mục tiêu mà chúng tôi đã dự phóng trong báo cáo cập nhật về BTP phát hành ngày 21/12/2015, tương đương với mức tăng 16,7% so với giá tại thời điểm phát hành báo cáo.

Mới đây công ty đã công bố tình hình kinh doanh quý IV/2015 khả quan với lợi nhuận sau thuế đạt 112,5 tỷ đồng, tăng 248% theo năm và là quý có kết quả lợi nhuận cao nhất trong vòng 6 năm qua. Lợi nhuận sau thuế cả năm 2015 đạt 115,6 tỷ đồng, gấp đôi mức kế hoạch đặt ra là 58 tỷ đồng. Chúng tôi tin rằng diễn biến giá cổ phiếu BTP trong một tháng qua đã phản ánh thông tin này. Do đó chúng tôi thay đổi nhận định dài hạn từ Under-valued (thị trường định giá thấp) sang Fully-valued (đúng giá trị).

Với xu hướng thị trường thuận lợi và xu hướng ổn định của ngành, chúng tôi thay đổi khuyến nghị từ MUA sang NẮM GIỮ đối với cổ phiếu BTP.

 

Ngành Chứng khoán Việt Nam chính thức có ngày truyền thống
Thủ tướng Chính phủ vừa quyết định lấy ngày 28/11 hàng năm là "Ngày Truyền thống ngành Chứng khoán Việt Nam".
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư