Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
6 cổ phiếu cần quan tâm ngày 25/1
 
Đầu tư trích báo cáo phân tích một số cổ phiếu cần quan tâm trước phiên 25/1 của các công ty chứng khoán.
1. TTC: Khuyến nghị mua vào

CTCK BIDV (BSC)

Hoạt động tái cơ cấu của CTCP Gạch men Thanh Thanh (mã TTC) đem lại hiệu quả tích cực, cụ thể Loại bỏ sản phẩm lỗi thời, nghiên cứu, phát triển sản phẩm mới đáp ứng nhu cầu thị trường; Đẩy mạnh hoạt động marketing, hỗ trợ nhà phân phối trong hoạt động bán hàng, giảm tồn kho;  Chuyển đổi sử dụng nhiên liệu cho máy móc thiết bị, giúp giảm chi phí và bảo vệ môi trường; Thay đổi cách sử dụng vốn, giảm nợ vay và chi phí lãi vay đáng kể.

Việt Nam giàu trữ lượng đất sét, tràng thạch,... là nguyên liệu cho TTC sản xuất gạch. Đa phần nguyên liệu sản xuất được TTC mua từ nhà cung cấp lâu năm, đảm bảo trữ lượng và giá tương đối ưu đãi. Giá nhiên liệu sử dụng trong sản xuất cũng được dự báo ổn định trong thời gian tới.

Trong đó, thị trường miền Nam chiếm 85% doanh thu của TTC, đã được duy trì ổn định trong nhiều năm nay. Hoạt động tiêu thụ khá tốt với sản lượng tiêu thụ tăng qua các năm và luôn xấp xỉ hoặc vượt lượng sản phẩm sản xuất ra.

Máy móc thiết bị đã hoạt động lâu năm, TTC thường xuyên đầu tư chiều sâu. Cụ thể, dây chuyền sản xuất gạch với tổng cồng suất 5.5 triệu m2/năm đã sản xuất từ những năm 1990s, 2000s; nhiều máy móc hết thời hạn khấu hao nhưng vẫn còn sử dụng tốt, tuy nhiên một vài máy móc hoạt động quá công suất nhiều năm, thường xuyên hỏng hóc, tốn chi phí sửa chữa và gián đoạn sản xuất. Hằng năm, TTC dành một phần lợi nhuận giữ lại để đầu tư chiều sâu phục vụ sản xuất.

Thời gian tới, TTC dự kiến sẽ mở rộng sản xuất với dây chuyền sản xuất Granite cao cấp, công suất 1.5 triệu m2/năm. Dự án sẽ thực hiện vào năm 2016, tổng vốn đầu tư 341 tỷ đồng, một phần tài trợ từ phát hành 9 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu. Giá trị cổ phiếu TTC phụ thuộc lớn vào hiệu quả của dự án mở rộng này.

Mặt khác, theo báo cáo kết quả kinh doanh 2015, sản lượng sản xuất đạt 5.3 - 5.4 triệu m2 gạch, trong đó khoảng 1 triệu m2 granite, doanh thu thuần đạt khoảng 388,3 tỷ đồng, tăng 2.83% so với năm trước; lợi nhuận sau thuế đạt khoảng 21,7 tỷ đồng, tăng trưởng 64,5%, EPS khoảng 3.650 đồng/cổ phiếu.

Vì vậy, chúng tôi khuyến nghị MUA cổ phiếu TTC với giá kì vọng 12 tháng tới là 16.780 đồng/cổ phiếu (upside 10,4%) theo phương pháp FCFF. TTC hiện giao dịch tại P/E 4.16x, thấp nhất so với P/E của các công ty sản xuất gạch ốp lát đang niêm yết.

2. DPM: Khuyến nghị thêm vào

CTCK FPT (FPTS)

Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (DPM - sàn HOSE) cho biết, doanh thu thuần năm ước đạt 9.510 tỷ đồng, giảm 0,4% so với năm trước, lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ ước đạt 1.418 tỷ đồng, tăng 29% năm trước, EPS 2015 ước đạt 3.300 đồng/CP.

Chúng tôi cho rằng giá phân bón năm 2016 sẽ giảm mạnh so với mức giảm nhẹ trong năm 2015 do áp lực nguồn cung phân bón giá rẻ thế giới khi giá urea có độ trễ so với giá dầu làm các đại lý phân bón tăng cường nhập khẩu để bán trong nước. Bên cạnh đó, các nhà máy hoạt động đầy đủ công suất sẽ làm cho nguồn urea trong nước tăng lên trong khi đó hiệu ứng Elnino sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến nhu cầu tiêu thụ phân bón. Ở kịch bản bình thường chúng tôi sẽ đưa ra kịch bản giá phân bón ở năm 2016 sẽ ở mức 6.840 đồng/kg, giảm 7% so với năm trước.

Mặc dù nguồn cung trên thị trường gia tăng nhưng chúng tôi cho rằng DPM vẫn giữ được sản lượng tiêu thụ là 830.000 tấn urea nhờ vào vị thế thương hiệu Công ty.

Trong khi đó, giá khí đầu vào sẽ xây dựng dựa trên các kịch bản khác nhau, chúng tôi đưa ra trường hợp bình thường tương ứng với giá dầu ở mức 40 USD/thùng, tương ứng giá khí đầu vào của DPM là 3,67 USD/MMBTU giảm 19% so với 2015, giúp DPM giảm được khoảng 20 triệu USD giá khí đầu vào.

Mảng kinh doanh UFC85 sẽ hoạt động vào năm 2016 với doanh thu là 190 tỷ đồng, sản lượng là 13.000 tấn theo kế hoạch của DPM do mảng kinh doanh này DPM chủ yếu bán cho các công ty phân bón urea trong nước như Cà Mau, Ninh Bình, Hà Bắc để thay lượng hàng nhập khẩu nên sản lượng này là hợp lý. Do mới đưa vào hoạt động nên chúng tôi dự phóng thận trọng biên lợi nhuận gộp mảng này là 30% so với mức dự phóng 51% của mảng urea.

Với các giả định trên, trong năm 2016, chúng tôi dự phóng DPM sẽ đạt được 9.156 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm 4% năm trước và 1.762 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng trưởng 24%, EPS đạt 3.960 đồng/CP. Với mức PE hợp lý là 8.0, chúng tôi khuyến nghị THÊM đối với DPM với giá mục tiêu 31.600 đồng/CP (cao hơn 16% so với giá hiện tại). Ngoài ra, sang 2016 Tập đoàn Dầu khí Việt Nam có kế hoạch sẽ giảm tỉ lệ sở hữu từ 61,38% như hiện tại xuống còn 51%.

3. BTP: Khuyến nghị mua vào

Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBS)

CTCP Nhiệt điện Bà Rịa (BTP - sàn HOSE) vừa công bố tình hình kinh quý IV/2015 tích cực. Cụ thể, sản lượng điện sản xuất đạt 629 triệu kWh, tăng 87,5% so với cùng kỳ và lũy kế năm 2015 ước khoảng 1.695 triệu kWh, tăng 12,5% năm trước, vượt kế hoạch 31,5%.

Doanh thu tăng 9% so với quý trước nhưng vẫn giảm 7,3% cùng kỳ, đạt 510,8 tỷ đồng và lũy kế cả năm đạt 1.832 tỷ đồng, giảm 12,8% so với năm trước, vượt nhẹ mức kế hoạch năm.

Theo BTP, sản lượng tăng đã giúp công ty giảm suất tiêu hao nhiên liệu đầu vào, nhờ đó giá vốn hàng bán giảm 15,8% so với cùng kỳ, đồng thời biên lợi nhuận gộp cải thiện từ mức 6,2% trong năm 2014 lên 9,5% trong năm 2015, giúp lợi nhuận đạt kết quả tốt hơn kỳ vọng.

Trong quý IV/2015, BTP cũng hoàn nhập chi phí sửa chữa lớn đã trích trước theo số thực tế quyết toán của các công trình sửa chữa lớn. Ngoài ra, biến động tỷ giá có tác động không quá lớn đến chi phí tài chính của doanh nghiệp trong quý vừa qua, giúp cải thiện lợi nhuận.

Vì vậy, lợi nhuận sau thuế trong quý IV/2015 đạt 112,5 tỷ đồng, tăng 248% cùng kỳ và là quý có kết quả lợi nhuận cao nhất trong vòng 6 năm qua. Lợi nhuận sau thuế năm 2015 đạt 115,6 tỷ đồng, gấp đôi mức kế hoạch đặt ra là 58 tỷ đồng, tuy nhiên vẫn giảm 13,4% so với năm trước do khoản lỗ lớn 122,9 tỷ đồng ghi nhận trong quý I/2015 (chủ yếu do đánh giá lại khoản nợ bằng đồng KRW theo chế độ kế toán mới).

Cổ phiếu BTP đã tăng trần trong phiên cuối tuần (22/1) và đóng cửa tại 11.200 đồng/cổ phiếu. BTP hiện đang giao dịch với mức P/E 2015 là 5,9 lần và P/E 2016 là 7,8 lần. Chúng tôi duy trì khuyến nghị MUA đối với BTP với giá mục tiêu là 12.600 đồng/cổ phiếu (+12,5% so với giá hiện tại, bao gồm 7,6% lợi suất cổ tức) do trạng thái dòng tiền dồi dào và định giá tương đối thấp.

4. IMP: Khuyến nghị mua vào

Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBS)

Doanh thu thuần trong quý IV/2015 của CTCP Dược phẩm Imexpharm (mã IMP) tăng 10% nhờ kết quả khả quan từ doanh thu hàng nhượng quyền (tăng 65%). Lũy kế cả năm 2015, IMP ghi nhận doanh thu thuần là 964 tỷ đồng và lợi nhuận ròng là 92 tỷ đồng, cùng tăng trưởng 8% so với năm trước và tương đương với dự phóng trước đó của chúng tôi.

Do ảnh hưởng về mặt kế toán theo Thông tư 200, biên lợi nhuận gộp trong năm 2015 của IMP giảm 6,8 điểm phần trăm, xuống còn 39,7%. Biên lợi nhuận ròng không bị ảnh hưởng và giữ ổn định ở mức 9,6%.

IMP dự kiến sẽ hoàn thành việc nâng cấp hai nhà máy ở Bình Dương từ tiêu chuẩn GMP-WHO lên GMP-EU vào quý II/2016. Tuy nhiên, do trong quý III thường có ít đợt đấu thầu thuốc hệ điều trị hơn so với cuối năm nên chúng tôi cho rằng việc nâng cấp nhà máy này sẽ có tác động đáng kể đến doanh thu hệ điều trị trong năm 2017, thay vì doanh thu của năm 2016. Lợi nhuận gộp năm 2017 tương ứng được kỳ vọng bị thu hẹp cùng với việc nâng cấp này, do doanh thu hệ điều trị (có biên lợi nhuận thấp hơn) sẽ chiếm tỷ trọng cao hơn trong doanh thu hàng sản xuất.

Chúng tôi dự phóng doanh thu thuần năm 2016 sẽ đạt 1.105 tỷ đồng, tăng 15% so với năm trước và lợi nhuận ròng ở mức 102 tỷ đồng, tăng trưởng 11%.

Chúng tôi duy trì giá mục tiêu 1 năm của IMP là 40.800 đồng/cổ phiếu, tương ứng với tiềm năng tăng giá là 12% (bao gồm 5% lợi suất cổ tức). Cổ phiếu đang giao dịch với tín hiệu trung lập cho xu hướng ngắn hạn, nhưng vẫn thấp hơn so với giá mục tiêu. Do đó, chúng tôi thay đổi khuyến nghị đối với IMP từ BÁN sang MUA.

5. TCM: Khuyến nghị nắm giữ

Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBS)

Đối với năm 2016, ban điều hành của CTCP Dệt May - Đầu tư - Thương mại Thành Công (mã TCM) đặt mục tiêu doanh thu thuần là 3.264 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế là 160 tỷ đồng.

Chúng tôi tin rằng TCM vẫn sẽ bị ảnh hưởng từ sự biến động tỷ giá trong năm 2016. Nhà máy may mới với công suất 6 triệu sản phẩm mỗi năm sẽ giúp doanh thu tăng trưởng đáng kể trong năm 2016.

Chúng tôi dự báo doanh thu thuần năm 2016 sẽ tăng 10% lên mức 3.075 tỷ đồng và lợi nhuận ròng sẽ đạt 159 tỷ đồng, tăng 3,3% (lưu ý rằng mảng kinh doanh may mặc của TCM sẽ áp dụng mức thuế thu nhập là 15% trong năm 2016, thay vì 7,5% như trong năm 2015). Chúng tôi dự báo EPS năm 2016 là 2.266 đồng và duy trì khuyến nghị NẮM GIỮ đối với cổ phiếu TCM với giá mục tiêu 30.000 đồng/cổ phiếu.

6. DRC: Lạc quan về triển vọng của Công ty

CTCK MB (MBS)

CTCP Cao su Đà Nẵng (mã DRC) công bố kết quả kinh doanh 2015 khả quan với doanh thu đạt 3.508 tỷ đồng, tăng 4% so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế 414 tỷ đồng, tăng 17% so với cùng kỳ.

Mặc dù trong năm 2015, DRC đã có doanh thu từ sản phẩm mới lốp radial khá lớn, tuy nhiên doanh thu tổng chỉ tăng nhẹ do Công ty phải giảm giá bán sản phẩm để cạnh tranh trên thị trường.

Bước đầu sản phẩm lốp radial của DRC chưa đem lại nhiều hiệu quả kinh doanh cho Công ty do sản lượng tiêu thụ mới tiệm cận ngưỡng hòa vốn. Tuy nhiên, chúng tôi đánh giá sản phẩm lốp radial vẫn sẽ là động lực tăng trưởng lợi nhuận chính cho DRC trong tương lai. Công ty cũng đã lên kế hoạch đầu tư xây dựng giai đoạn 2 nhà máy lốp radial tuy nhiên chúng tôi cho rằng thời điểm đầu tư sẽ phụ thuộc vào thời điểm giai đoạn 1 của nhà máy đạt đến mức công suất hiệu quả.

Trong năm qua, DRC cũng chính thức ra nghị quyết quyết toán nhà máy lốp Radial giai đoạn 1 với nguồn vốn đầu tư chính thức là 1.864 tỷ đồng, trong đó vốn vay thương mại là 1.152 tỷ đồng và vốn tự có là 711 tỷ đồng.

Lợi nhuận gộp của DRC trong năm 2015 giảm nhẹ so với cùng kỳ song lợi nhuận ròng tăng trưởng tốt do các chi phí trung gian đã được tiết giảm. Cụ thể, chi phí lãi vay chỉ còn 54 tỷ đồng, giảm 35% so với cùng kỳ; chi phí bán hàng đạt 75 tỷ đồng, giảm 53% so với cùng kỳ. Tuy nhiên chi phí quản lý tăng tăng 55% so với cùng kỳ cộng thêm khoản lỗ chênh lệch tỷ giá là 33 tỷ đồng, đã tác động không nhỏ đến kết quả kinh doanh của Công ty.

Mặc dù, chịu áp lực cạnh tranh lớn từ các hãng sản xuất lốp xe nước ngoài và lốp nhập khẩu từ Trung Quốc song sự tăng trưởng về doanh thu và lợi nhuận của DRC trong 2015 khiến chúng tôi tiếp tục lạc quan về triển vọng của Công ty. Chúng tôi kỳ vọng, Công ty sẽ đạt mức lợi nhuận sau thuế là 460 tỷ đồng trong năm 2016.

Mở màn “đại phẫu” công ty chứng khoán
Ủy ban Chứng khoán Nhà nước vừa trao giấy phép thành lập Công ty Chứng khoán Phú Hưng hợp nhất. Đây không chỉ là câu chuyện riêng của doanh...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư