Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 19 tháng 04 năm 2024,
Air Mekong còn nguyên cơ hội tham chiến
Anh Minh - 13/05/2014 10:04
 
Việc Air Mekong nhiều khả năng sẽ nối lại hoạt động với vai trò là một hãng hàng không chi phí thấp sau gần 2 năm đình bay sẽ giúp người tiêu dùng có thêm sự lựa chọn và tiếp tục cạnh tranh với Vietnam Airlines, VietJet Air…
TIN LIÊN QUAN
TIN LIÊN QUAN
Hãng hàng không Air Mekong: Sếu đầu đỏ lại sắp bay
Lộ dần giá trị Vietnam Airlines
CEO Lưu Đức Khánh: Vietjet Air bỏ hàng không giá rẻ
Air Mekong sẽ trở lại
  Air Mekong, sếu đầu đỏ  
  Air Mekong vẫn có cơ hội chen chân vào thị trường, đặc biệt là phân khúc giá rẻ  

Lối pháp lý đã mở

Sở dĩ phải khẳng định như vậy là bởi vào cuối tuần qua, Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) đã chính thức gia hạn giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không của Công ty cổ phần Hàng không Mê Kông (Air Mekong) đến hết ngày 31/12/2014.

Như vậy, Air Mekong – hãng hàng không tư nhân được định vị với logo “sếu đầu đỏ” sẽ có thêm 6 tháng để hoàn tất công tác chuẩn bị cho việc bay trở lại.

“Nếu sau thời hạn này mà Air Mekong không tổ chức khai thác trở lại, Vụ Vận tải phải chủ trì, phối hợp với Cục Hàng không Việt Nam thực hiện các thủ tục hủy bỏ giấy phép kinh doanh”, Thứ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Phạm Quý Tiêu khẳng định.

Trước đó, vào cuối tháng 4/2014, Cục Hàng không Việt Nam đã kiến nghị Bộ Giao thông - Vận tải xem xét chưa hủy giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không của Air Mekong theo đề nghị của lãnh đạo hãng cho đến ngày 31/12/2014 nhằm tạo điều kiện cho hãng này có đủ điều kiện pháp lý để bay trở lại.

Sở dĩ Chủ tịch Air Mekong là ông Đoàn Quốc Việt phải sốt sắng đề nghị cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực hàng không chưa hủy giấy phép kinh doanh, Giấy chứng nhận người khai thác tàu bay (AOC) là bởi theo quy định tại Nghị định số 30/2013/NĐ - CP ngày 8/4/2013 của Chính phủ về kinh doanh vận chuyển hàng không, hai chứng chỉ quan trọng nhất để kinh doanh hàng không này sẽ bị hủy bỏ nếu một hàng hãng không ngừng khai thác vận chuyển trong vòng 12 tháng.

Trong khi đó, Air Mekong được Bộ Giao thông - Vận tải cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không vào 30/12/2008, tổ chức bay thương mại từ tháng 10/2010 và tạm ngừng khai thác từ 1/3/2013. AOC của AirMekong hết hiệu lực từ đầu tháng 4/2013.

Hiện Air Mekong đang rốt ráo thực hiện tái cơ cấu toàn diện để chuyển đổi thành hãng hàng không chi phí thấp tập trung vào các đường bay dài, trong đó có cả đường bay quốc tế với lộ trình đã được xác định là: tiếp thị, bán vé trở lại vào quý III/2014, bay trở lại vào đầu năm 2015.

Bên cạnh đó, Air Mekong đang cân nhắc lựa chọn giữa tàu bay Airbus320 và Boeing737-800 thay cho đội tàu bay Bombardier CRJ900 khai thác kém hiệu quả. 

Trước đó, tại thông cáo phát đi vào cuối tháng 3/2013, Air Mekong cho biết, năm 2013 được xác định là năm khó khăn cho thị trường vận tải hàng không và các hãng hàng không Việt Nam.

“Hướng tới đội bay phù hợp với thị trường và đảm bảo kinh doanh hiệu quả, từ ngày 1/03/2013, Air Mekong tạm ngừng khai thác bay thương mại để thay đổi máy bay”, đại diện hãng giải thích

Vẫn còn chỗ cho “sếu đầu đỏ”

Trong cuộc trả lời phỏng vấn phóng viên Báo Đầu tư (thuộc nhóm báo của cơ quan Báo Đầu tư) vào tháng 2/2013 – vài ngày trước khi ngừng bay, ông Đoàn Quốc Việt, Chủ tịch hãng cho biết: Có hai yếu tố quyết định thời điểm Air Mekong nối lại các chuyến bay thương mại, cũng như việc công bố phương án kinh doanh mới.

Một là kết quả đàm phán với các đối tác để triển khai phương án kinh doanh mới và phát triển đội tàu bay. Hai là sự chuyển biến của nền kinh tế thế giới và trong nước - yếu tố nền tảng vô cùng quan trọng với thị trường hàng không, nếu kinh tế sớm phục hồi ngày nào, Air Mekong sẽ bay lại sớm ngày ấy.

Theo thông tin riêng của Báo Đầu tư điện tử - Baodautu.vn,  Air Mekong đang tiến rất sát thỏa thuận hợp tác với một nhóm nhà đầu tư có tiềm lực tham gia góp vốn vào hãng. Bên cạnh đó, thị trường vận tải hàng không nội địa – yếu tố cần thứ hai đang diễn biến khá thuận lợi cho sự trở lại của “sếu đầu đỏ”.

Trên thực tế, năm 2013 ghi nhận thị trường hàng không nội địa đang là lĩnh vực có tốc độ phục hồi mạnh mẽ nhất với mức tăng trưởng về vận tải hành khách lên tới 21% so với năm 2012.

Thống kê của Cục Hàng không Việt Nam cho thấy, năm 2013, thị trường nội địa tăng trưởng cao với 14,5 triệu khách, tăng 19,3% so năm 2012. Tổng lượng khách thông qua cảng hàng không đạt 44 triệu khách tăng 17,5% so năm 2012

Tốc độ tăng trưởng này đã góp phần nâng đỡ kết quả kinh doanh của các hãng hàng không. Theo Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Đinh La Thăng, không chỉ Vietnam Airlines mà toàn bộ các hãng hàng không của Việt Nam đều kinh doanh có lãi. Trước đó, VietJetAir trong quý III/2013 đã xác nhận hãng đã bắt đầu kinh doanh có lãi chỉ sau một thời gian ngắn gia nhập thị trường.

Xu hướng thị trường hàng không phục hồi với tốc độ tăng trưởng 2 chữ số được Cục Hàng không Việt Nam dự báo cho năm 2014, 2015 do kinh tế thế giới đã bước vào giai đoạn phục hồi và khả năng cạnh tranh về điểm đến du lịch của Việt Nam tiếp tục được cải thiện, thu hút nhiều du khách quốc tế.

Ngoài ra, với tỷ lệ về hệ số sử dụng ghế trung bình trên hầu hết đường bay nội địa của các hãng hàng không trọng yếu đều cao (trong quý I/2014, Vietnam Airlines đạt 81,3%; VietJet Air đạt 88%; Jetstar Pacific đạt 88,7%... ), Cục Hàng không Việt Nam đang chờ đợi một sự tăng tải cung ứng lớn nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường.

Được biết, nếu gia nhập lại thị trường vào năm 2015, với đội tàu bay gồm khoảng 6 chiếc với năng lực chuyên chở khoảng 200 khách/lượt, Air Mekong sẽ là hãng hàng không có quy mô khiêm tốn nhất, nếu không tính trường hợp của Công ty ty Dịch vụ vận tải hàng không (VASCO) – công ty trực thuộc Vietnam Airlines.

Cụ thể, nếu xếp theo quy mô, thứ tự của các hãng hàng không Việt Nam như sau: Vietnam Airlines (104 chiếc vào năm 2015, hiện là 83); VietJet Air (20 chiếc vào năm 2015, hiện là 12 chiếc); Jetstar Pacific (12 chiếc vào năm 2015, hiện là 7 chiếc)…

“Với tốc độ tăng trưởng hàng khách ấn tượng như hiện nay, Air Mekong vẫn có cơ hội chen chân vào thị trường, đặc biệt là phân khúc giá rẻ”, một chuyên gia hàng không nhận định.

Tại thị trường nội địa, các hãng hàng không đang khai thác 40 đường bay đến 21 cảng hàng không, sân bay.

Trong quý I/2014, Vietnam Airlines chiếm 59,% thị phần vận chuyển hành khách, 74% thị phần vận tải hàng hóa; VietJet Air chiếm 24,8% về hành khách, 18,6% về hàng hóa; Jetstar Pacific chiếm 14% về hành khách, 7,2% về hàng hóa, VASCO chiếm 1,7% về hành khách, 0,4% về hàng hóa.

“Tôi không chỉ là cậu ấm” “Tôi không chỉ là cậu ấm”

(baodautu.vn) Bỏ ngoài tai biệt danh “cậu ấm” mà giới truyền thông đặt cho mình, Đoàn Quốc Huy đang nỗ lực để khẳng định, anh không phải là người chỉ biết thừa hưởng những thành quả mà cha mẹ để lại.  Air Mekong sẽ trở lại

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư