Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 19 tháng 03 năm 2024,
Bà Rịa - Vũng Tàu lấy trung tâm logistics làm bệ phóng
Minh Lý - 10/08/2016 10:05
 
Tài nguyên biển tại vị trí ở cửa ngõ giao thương với thế giới là điều kiện tiên quyết cho Bà Rịa - Vũng Tàu phát triển hệ thống cảng biển có tầm cỡ khu vực như hiện nay. Đó cũng là tiền đề tất yếu để tỉnh phát triển thành trung tâm dịch vụ logistics tương xứng.

Hội tụ điều kiện phát triển trung tâm logistics khu vực

Bà Rịa - Vũng Tàu nằm trong Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam. Tỉnh có hệ thống cảng nước sâu và tiếp giáp với biển Đông; Bà Rịa - Vũng Tàu nằm trên tuyến hàng hải quốc tế nối liền Bắc - Nam và Đông - Tây của thế giới, nơi chiếm hơn 85% vận chuyển thương mại quốc tế. TP. Vũng Tàu là điểm cuối của Quốc lộ 51, chặng cuối cùng của đường xuyên Á (AH1), nối liền Việt Nam với các nứơc ASEAN qua cửa khẩu Mộc Bài.

Dựa trên những yếu tố đó, tỉnh xác định, kinh tế biển đóng vai trò trọng yếu. Ngoài hoạt động khai thác dầu khí và các dịch vụ đi kèm, Bà Rịa - Vũng Tàu còn là một trong những trung tâm của cả nước về năng lượng, công nghiệp nặng, du lịch. Đặc biệt, trong 5 năm trở lại đây, hệ thống cảng có khả năng đón tàu công suất lớn hoạt động nhộn nhịp tại hành lang nước sâu trên sông Thị Vải - Cái Mép đã giúp Bà Rịa - Vũng Tàu khẳng định vị thế cửa ngõ kết nối giao thương với bên ngoài của vùng Đông Nam bộ và với quốc gia láng giềng Campuchia.

Xây dựng trung tâm logistics cho hệ thống cảng Thị Vải - Cái Mép là bước đi đón đầu, nhằm đáp ứng nhu cầu giao thương của một vùng kinh tế năng động. Ảnh: Lê Toàn
Xây dựng trung tâm logistics cho hệ thống cảng Thị Vải - Cái Mép là bước đi đón đầu, nhằm đáp ứng nhu cầu giao thương của một vùng kinh tế năng động. Ảnh: Lê Toàn

Vị trí địa lý thuận lợi, tiềm năng kinh tế mạnh là những điều kiện đủ để Bà Rịa - Vũng Tàu phát triển trung tâm logistics tầm cỡ khu vực.

Nhu cầu giao thương hối thúc trung tâm logistics ra đời

Sự phát triển hệ thống cảng tại Thị Vải - Cái Mép cũng là bước đi đón đầu, nhằm đáp ứng nhu cầu giao thương hàng hóa tại vùng kinh tế năng động này.

Theo số liệu của UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, trên địa bàn tỉnh đã đưa vào khai thác 28/57 dự án cảng đã được Chính phủ phê duyệt. Các cảng đã đi vào hoạt động có tổng vốn đăng ký đầu tư khoảng 2 tỷ USD; tổng công suất khoảng 98,9 triệu tấn/năm, tổng chiều dài cầu cảng là 11,6 km.

Khu vực Cái Mép-Thị Vải có 35 dự án cảng được quy hoạch, hiện đã đưa vào khai thác 17 cảng, gồm 7 bến cảng container, 3 bến cảng chuyên dụng xăng dầu và 7 cảng tổng hợp, hàng rời, với tổng công suất khoảng 93 triệu tấn/năm.

Các cảng container tại Cái Mép - Thị Vải được đầu tư trên 27.000 tỷ đồng, đi vào hoạt động từ năm 2009, với tổng công suất trên 6,8 triệu TEUs/năm, tổng chiều dài cầu bến 4 km.

Cụm cảng Cái Mép - Thị Vải hiện là cụm cảng duy nhất ở Việt Nam có các chuyến tàu mẹ chở container đi thẳng châu Âu, châu Mỹ mà không phải trung chuyển qua nước thứ ba. Hàng tuần, có 20 chuyến tàu mẹ trên 80.000 DWT, trong đó có 2 chuyến trên 160.000 DWT. Đây là một trong những tàu container lớn nhất thế giới và cũng là cỡ tàu lớn nhất từng cập cảng Việt Nam.

Gọi vốn xây dựng hạ tầng kết nối với Cái Mép - Thị Vải

Hệ thống cảng hiện đại, nguồn hàng dồi dào, nhưng lượng hàng xuất khẩu trực tiếp qua hệ thống cảng biển của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu  trong 5 năm qua vẫn chưa phát huy được hiệu quả của hệ thống cảng Cái Mép - Thị Vải.

Một trong những trở ngại làm cho lượng hàng hóa qua hệ thống cảng Cái Mép - Thị Vải chưa được như mong đợi là hạn chế về giao thông nội vùng. Khi các tuyến đường nội vùng nói trên hoàn chỉnh, cùng với đường cao tốc, đường sắt Biên Hoà - Vũng Tàu kết nối cảng Cái Mép - Thị Vải với các tiểu vùng kinh tế trọng điểm phía Nam được đầu tư, kết hợp với sân bay Long Thành (chỉ các hệ thống cảng khoảng 20 km), chắc chắn, cụm cảng này sẽ xứng tầm là một trung tâm cảng biển của khu vực. 

Lấy trung tâm logistics làm bệ phóng

Trong buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu mới đây, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh tầm quan trọng của cụm cảng đối với sự phát triển kinh tế. Để cảng Cái Mép - Thị Vải phát triển bền vững, thực hiện được vai trò là cửa ngõ trung chuyển lớn nhất cả nước, Phó thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông - Vận tải, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phải cập nhật, bổ sung quy hoạch đã có một cách cầu thị. Có thể thấy rằng, đẩy mạnh hoạt động của hệ thống cảng Cái Mép - Thị Vải đã nhận được sự quan tâm sâu sắc của Chính phủ, khẳng định quyết tâm của Chính phủ và địa phương phát triển trung tâm logistics khu vực này.

Dịch vụ logistics là chuỗi dịch vụ trong quá trình thực hiện và kiểm soát dịch chuyển của hàng hóa từ điểm xuất tới điểm nhập. Quá trình logistics đối với hàng hóa qua cảng bao gồm nhiều công đoạn và thủ tục: đóng gói sản phẩm nơi xuất; vận chuyển tới trạm trung chuyển; lưu trữ tại kho bãi, vận chuyển tới cảng, lưu trữ tại kho bãi của cảng, thủ tục thông quan; kiểm soát chất lượng - số lượng, thương mại, an ninh, vệ sinh dịch tễ; kết nối cảng nơi nhận, giao hàng nơi nhận…

Có thể nói, đó là một quá trình nhiều khâu đòi hỏi chuyên môn sâu, trong khi đó việc ngân hàng lâu tại các điểm trung chuyển và tại các cảng sẽ làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng hàng hóa, thời gian giao hàng, uy tín của các bên xuất và nhập…

Hiện tại, hệ thống cảng tại Cái Mép - Thị Vải đã có khả năng tiếp nhận tàu 160.000 tấn, nhưng sự đáp ứng của cơ sở hạ tầng mới chỉ là điều kiện cần tạo tiền đề cho phát triển trung tâm cảng trung chuyển quốc tế, sự chuyên nghiệp trong hoạt động loigistics tại khu vực này được coi là điều kiện đủ. 

Lãnh đạo tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã nhận thấy tầm quan trọng của logistics và quyết tâm phát triển địa phương này thành một trung tâm dịch vụ logistics. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu lần thứ VI, nhiệm kỳ 2015-2020 ghi rõ: “Phát triển mạnh công nghiệp, cảng biển, dịch vụ hậu cần cảng và du lịch…”

Thực tế, ngay từ khi có hoạt động giao thương tại hệ thống cảng Cái Mép - Thị Vài từ năm 1998 thì hoạt động dịch vụ logistics đã được hình thành, nhưng cho đến nay các hoạt động này vẫn rời rạc, chưa có mạng lưới tổ chức thống nhất, chưa mang tính chuyên nghiệp. Hiện tại, tỉnh Bà Rịa -Vũng Tàu đang tập trung nguồn lực, với các giải pháp như kêu gọi đầu tư vào logistics, quy hoạch hệ thống kho bãi, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính về hải quan tại cảng, hoàn chỉnh hạ tầng… để xây dựng và phát triển một trung tâm logistics thực thụ.

Kêu gọi đầu tư vào Trung tâm logistics

Đề án quy hoạch phát triển tổng thể dịch vụ logistics đã được tỉnh lập với quy mô hơn 1.000 ha, trong đó tập trung quy hoạch và kêu gọi đầu tư Trung tâm logistics quy mô khoảng 800 ha tại khu vực Cái Mép hạ, với mục tiêu phát triển khu vực này trở thành trung tâm trung chuyển hàng hóa của quốc gia và quốc tế, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho thương mại, đầu tư và hoạt động hiệu quả của các cảng biển, giảm chi phí và giá thành sản phẩm hàng hóa, nâng cao lợi thế cạnh tranh quốc gia.

Trung tâm logistics Cái Mép hạ bao gồm: một cảng nước sâu có diện tích khoảng 100 ha, chiều dài bến khoảng 1.800 m, có khả năng tiếp nhận tàu trọng tải trên 100.000 DWT và ngay phía sau cảng là Trung tâm logistics với diện tích hơn 700 ha. Trung tâm Logistics Cái Mép hạ có vị trí địa lý thuận lợi, hội đủ các điều kiện phát triển, cụ thể:

Bà Rịa - Vũng tàu đang tổ chức thi tuyển quốc tế ý tưởng quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 khu Trung tâm logistics Cái Mép hạ. Theo quy hoạch nhóm cảng biển Đông Nam bộ (nhóm 5) giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, hệ thống cảng Bà Rịa - Vũng Tàu  là cụm cảng tổng hợp quốc gia, cửa ngõ quốc tế kết hợp trung chuyển container quốc tế, tiếp nhận tàu có tải trọng trên 100.000 tấn.

Logistics yếu và thiếu "kìm chân" xuất khẩu
Logistics yếu và thiếu một định hướng trung hạn và dài hạn là một yếu tố quan trọng làm ảnh hưởng lớn đến sự tạo thuận lợi thương mại...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư