Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 20 tháng 04 năm 2024,
Bác sĩ tuyến trên “Cầm tay, chỉ việc” từ xa cho bác sĩ tuyến dưới
D.Ngân - 22/10/2021 08:43
 
Dịch bệnh xảy ra khiến quá trình đào tạo liên tục tại các cơ sở y tế tuyến dưới với tuyến trên gặp khó.

Tuy vậy nhờ “cầm tay, chỉ việc” từ xa, các kỹ thuật mới, tiến bộ vẫn được các bác sĩ tuyến trên chuyển tải cho y tế cơ sở.

Dịch bệnh xảy ra khiến quá trình đào tạo liên tục tại các cơ sở y tế tuyến dưới với tuyến trên gặp khó. 

Chẳng hạn, tại Bệnh viện Nhi Trung ương, thời gian qua cơ sở đã tổ chức nhiều lớp tập huấn, đào tạo, chuyển giao kỹ thuật y tế cho gần 1.000 học viên tuyến cơ sở.

Từ đó, nhiều kỹ thuật mới, chuyên sâu được thực hiện tại các bệnh viện tuyến tỉnh như phẫu thuật tim hở, nội soi tiêu hóa dưới, chụp cắt lớp vi tính, cộng hưởng từ tại Phú Thọ, Nam Định, Bắc Giang, Quảng Ninh, Bắc Ninh… 

Kết quả là bệnh nhân đến khám ngoại trú và điều trị nội trú ở tuyến dưới tăng hơn. Bác sĩ Vũ Văn Sơn, Phó Giám đốc Bệnh viện Sản Nhi Hà Nam cho biết, qua các lớp đào tạo của Bệnh viện Nhi Trung ương, trình độ chuyên môn của Bệnh viện Sản Nhi Hà Nam đã được nâng cao rõ rệt.

Theo đó, các bác sĩ tại đây đã thành thạo trong việc tiếp cận xử lý các bệnh thường gặp ở trẻ em; hồi sức sơ sinh tại phòng đẻ; nuôi dưỡng tĩnh mạch trẻ sơ sinh; các thủ thuật thở máy, đặt nội khí quản đã thuần thục hơn trước. 

Nhiều bệnh viện vệ tinh của Bệnh viện Nhi Trung ương đều đề xuất tiếp tục thực hiện Đề án bệnh viện vệ tinh do hiệu quả trong chuyển giao kỹ thuật cho tuyến dưới.

Mặc dù dịch bệnh bùng phát tại một số tỉnh miền Nam, nhiều đơn vị cử cán bộ, y bác sĩ chi viện đã ảnh hưởng tới công tác chỉ đạo tuyến, đề án 1816. 

Tuy nhiên, sau khi dịch tạm lắng, các bệnh viện tiếp tục trở lại tổ chức các khóa đào tạo cho nhân viên y tế của bệnh viện tuyến dưới. 

TS.BS.Nguyễn Công Hựu, Giám đốc Bệnh viện E cho biết, Bệnh viện vừa khai giảng các lớp đào tạo, chuyển giao kỹ thuật theo công tác chỉ đạo tuyến và đề án 1816 năm 2021 cho các đơn vị y tế tuyến cơ sở từ tỉnh đến huyện, trong đó có không ít cơ sở y tế tuyến huyện vùng sâu vùng xa, vùng khó khăn.

Do tình hình dịch Covid-19 nên đây là lần đầu tiên Bệnh viện E tiến hành khai giảng trực tuyến thông qua hệ thống Telehealth để kết nối giữa Bệnh viện E với các bệnh viện tuyến dưới xích gần lại, gần như không khoảng cách.

Giám đốc Bệnh viện E cho hay, việc ào tạo trong ngành y là đào tạo đặc thù, liên tục cập nhật kiến thức, kỹ thuật mới. Chương trình đào tạo cũng phải thay đổi phù hợp điều kiện thực tiễn. 

Đối với phần lý thuyết có thể dạy và học online. Do vậy, các học viên đều phải thu xếp thời gian học đầy đủ. Cụ thể, Trung tâm đào tạo chỉ đạo tuyến sẽ thu lại các buổi giảng của giảng viên gửi cho học viên để họ có thể xem lại bất kỳ lúc nào. 

“Đối với phần thực hành, Trung tâm phân bố, sắp xếp lịch phù hợp với tình hình dịch bệnh để học viên có thể đến Bệnh viện E học tập”, Giám đốc Bệnh viện E chia sẻ.

Còn theo ThS.Vũ Văn Nhân, Phó giám đốc Trung tâm chỉ đạo tuyến, Bệnh viện Bạch Mai, không chỉ tổ chức đào tạo trực tuyến, sau khi vừa kết thúc chiến dịch phòng chống dịch Covid-19, Sở Y tế TP.HCM đã ký kết thỏa thuận hợp tác, hỗ trợ phát triển toàn diện với Bệnh viện Bạch Mai nhằm góp phần cùng với các bệnh viện tại Thành phố nâng cao năng lực y tế cho các cơ sở y tế.

Hiện tại, đoàn công tác Bệnh viện Bạch Mai cũng đang hỗ trợ chống dịch tại Đắk Lắk và sẽ tiếp tục ký thỏa thuận hợp tác hỗ trợ phát triển toàn diện về y tế với tỉnh Đắk Lắk, nhằm giúp nâng cao năng lực chống dịch Covid -19 cũng như phát triển chuyên môn, kỹ thuật phục vụ tốt hơn cho người dân.

Về phía cơ sở, bác sĩ Lê Thánh Tuấn, Khoa Cấp cứu, Trung tâm y tế Bắc Quang, tỉnh Hà Giang cho hay, dù học tập dưới bất kỳ hình thức nào, từ zoom, online… chúng tôi cũng luôn cố gắng khắc phục mọi khó khăn để tiếp thu các kiến thức của các thầy, cô truyền đạt, hoàn thành tốt khóa học để phục vụ tốt hơn nữa công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân tại địa phương.

Nguy hiểm tính mạng vì chần chừ đi khám chữa bệnh
Không ít người dân có tâm lý trì hoãn đi khám chữa bệnh và tự ý mua thuốc về sử dụng do lo ngại Covid-19, khiến bệnh tiến triển nặng hơn.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư