Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Bàn giải pháp phát triển bền vững bảo hiểm y tế toàn dân
Kim Lan - 24/11/2016 08:34
 
Cuối tuần qua, Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Bảo hiểm Xã hội Việt Nam tổ chức Hội thảo “Bảo hiểm y tế toàn dân tại Việt Nam - thực trạng và giải pháp phát triển bền vững”, nhằm trao đổi, tìm giải pháp phát triển bảo hiểm y tế bền vững, tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân vào năm 2020.

Chủ trì Hội thảo là Phó trưởng ban Ban Kinh tế Trung ương Ngô Đông Hải; Phó chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi; Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn; Phó tổng giám đốc Bảo hiểm Xã hội Việt Nam Phạm Lương Sơn. Tham dự Hội thảo có đại diện Văn phòng Chính phủ, Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Quốc phòng, Hội Nông dân, Hội Phụ nữ Việt Nam…

Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Ngô Đông Hải khẳng định, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế là 2 trụ cột chính trong hệ thống chính sách an sinh xã hội của đất nước. Thực hiện bảo hiểm y tế toàn dân là một chủ trương lớn, xuyên suốt của Đảng, Nhà nước.

Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế ngày càng nhiều do quyền lợi được mở rộng. Ảnh: Đức Thanh
Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế ngày càng nhiều do quyền lợi được mở rộng. Ảnh: Đức Thanh

Sau 25 năm thực hiện chính sách pháp luật về bảo hiểm y tế, đặc biệt sau 4 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 21 của Bộ Chính trị, công tác bảo hiểm y tế đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Hệ thống chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế được xây dựng cơ bản; nhận thức của cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp và các ngành, đoàn thể xã hội về chủ trương của Đảng trong triển khai bảo hiểm y tế được nâng lên một bước; số người tham gia bảo hiểm y tế ngày một tăng; quyền lợi người tham gia bảo hiểm y tế được mở rộng trong cả khám chữa bệnh, y tế dự phòng, chăm sóc sức khỏe; cơ chế tài chính bảo hiểm y tế được đổi mới gắn với lộ trình tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế, người dân có bảo hiểm y tế được hưởng nhiều dịch vụ y tế hiện đại...

Tuy nhiên, ông Hải cũng chỉ ra những hạn chế trong thực hiện chính sách quan trọng này như: Tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế trong dân số chưa đạt mục tiêu đề ra, nhiều thách thức trong triển khai bảo hiểm y tế bắt buộc, tình trạng trốn đóng, nợ bảo hiểm y tế còn diễn ra... do đó cần tìm những giải pháp để phát triển bảo hiểm y tế bền vững, đảm bảo chăm sóc sức khỏe cho nhân dân.

Theo báo cáo của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, đến hết tháng 6/2016, số người tham gia bảo hiểm y tế là 72,81 triệu người, đạt tỷ lệ bao phủ 79% dân số. Hiện nay, chi phí khám chữa bệnh của đối tượng tham gia bảo hiểm y tế chiếm 70 - 90% nguồn thu của các bệnh viện, cơ bản bảo đảm các chi phí trực tiếp để phục vụ người bệnh và hoạt động của bệnh viện.

Các nhóm đối tượng tham gia bảo hiểm y tế đều có sự gia tăng về số lượng, trong đó, nhóm đối tượng có tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế cao (đạt gần 100%) là nhóm người lao động thuộc khối hành chính sự nghiệp; nhóm đối tượng hộ gia đình cận nghèo cũng có tỷ lệ bao phủ tăng đáng kể (hiện tại khoảng 90%), do hầu hết các địa phương đã hỗ trợ 30% kinh phí.

Quyền lợi của người dân tham gia bảo hiểm y tế ngày càng được mở rộng, nguồn kinh phí cho công tác khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế được bảo đảm.

Tuy nhiên, trong 9 tháng của năm 2016, đã có 38 địa phương bội chi quỹ với số tiền gần 6.000 tỷ đồng. Dự kiến cả năm 2016, Quỹ Bảo hiểm y tế sẽ bội chi trên 7.000 tỷ đồng. Nếu không có điều chỉnh, Quỹ Bảo hiểm y tế có nguy cơ mất cân đối sau năm 2018.

Phân tích thực tế triển khai thực hiện chính sách bảo hiểm y tế tại Việt Nam, Phó tổng giám đốc Bảo hiểm Xã hội Việt Nam Phạm Lương Sơn cho rằng, những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện bảo hiểm y tế toàn dân có nguyên nhân từ chính sách, pháp luật và cách thức tổ chức thực hiện.

Ông Sơn chỉ rõ, mặc dù hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về bảo hiểm y tế đã được ban hành khá đầy đủ và kịp thời, tuy nhiên việc sửa đổi những bất cập và bổ sung các thiếu hụt phát sinh trong quá trình triển khai thực hiện còn chậm, dẫn đến khó khăn cho các đơn vị tổ chức thực hiện. Sự  hạn chế trong tuân thủ pháp luật về bảo hiểm y tế là vấn đề cần quan tâm. Trách nhiệm của các cơ quan liên quan trong thực hiện chính sách như nhà trường, chính quyền địa phương… vẫn chưa được thể hiện rõ ràng. Một số hạn chế trong đáp ứng và tiếp cận dịch vụ y tế, nhất là ở các tuyến y tế cơ sở và các tỉnh miền núi, vùng sâu, vùng xa, hay tình trạng quá tải tại các bệnh viện tuyến tỉnh, trung ương, là nguyên nhân khiến người dân chưa tích cực tham gia bảo hiểm y tế. Với nhiều người, bảo hiểm y tế chỉ thực sự có giá trị khi bị mắc bệnh nặng, hoặc phải vào bệnh viện điều trị nội trú.

Thủ tướng đặt chỉ tiêu hơn 90% dân số có bảo hiểm y tế vào năm 2020
Ngày 3/6, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì hội nghị trực tuyến với các bộ ngành, địa phương trên...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư