Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 08 tháng 11 năm 2024,
Bán lẻ online hút khách nhờ khác biệt
Anh Hoa - 12/05/2020 14:32
 
Đến gần hơn với người dùng thông qua mạng xã hội, thỏa mãn trải nghiệm mua hàng trên website và ứng dụng mua sắm, đáp ứng nhanh nhu cầu sản phẩm của người dùng sẽ giúp nhà bán lẻ trở nên khác biệt và ghi điểm trong tâm trí người dùng.
Vinmart đã rất nhanh nhạy phát triển các kênh bán hàng online trong mùa dịch.
Vinmart đã rất nhanh nhạy phát triển các kênh bán hàng online trong mùa dịch.

Cộng hưởng vị thế

Công ty cổ phần Đầu tư Thế giới Di động đang đẩy nhanh mô hình kinh doanh Bách hóa Xanh (BHX). Doanh thu năm 2019 của toàn chuỗi bán lẻ thực phẩm tiêu dùng này đạt 10.770 tỷ đồng, cao gấp 2,5 lần so với năm 2018.

Doanh số trung bình năm 2019 đạt 1,35 tỷ đồng/tháng/cửa hàng, tương đương mức tăng 45% so với năm 2018 (khoảng 900 triệu đồng). Trong đó, doanh số trung bình các cửa hàng ở TP.HCM đạt 1,4 tỷ đồng và ở tỉnh là 1,3 tỷ đồng.

Với việc mở mới nhanh, chuỗi BHX đã đạt 1.000 cửa hàng vào cuối năm ngoái. Tổng giám đốc Thế giới Di động, ông Trần Kinh Doanh cho biết, Công ty sẽ mở các cửa hàng gần nhau hơn để tối ưu hoạt động của các trung tâm phân phối. Trong đó, sẽ triển khai thêm trung tâm phân phối loại nhỏ cho mô hình BHX online, diện tích chỉ 800 - 1.000 m2. Hiện BHX online có lợi thế nhờ cung cấp 5.000 - 7.000 loại sản phẩm, trong khi các cửa hàng BHX hiện hữu trưng bày ít hơn do hạn chế diện tích.

Mục tiêu chung của BHX là đóng góp khoảng 19% vào doanh thu toàn Công ty năm 2020 và nâng lên 30% vào năm 2021. Ông Doanh ước tính, doanh số BHX sẽ gấp đôi, lên khoảng 22.000 - 23.000 tỷ đồng trong năm nay. Hiện nhà bán lẻ này không có ý định điều chỉnh kế hoạch kinh doanh.

Trong bối cảnh Covid-19 diễn biến phức tạp, doanh thu của các cửa hàng vẫn ổn định và có xu hướng tăng nhờ kinh doanh nhu yếu phẩm. Bình quân mỗi cửa hàng bách hóa đạt doanh thu 1,2 tỷ đồng/tháng. Tháng qua, đơn hàng online tăng xấp xỉ 30% so với tháng trước và gấp đôi trung bình tháng của năm trước.

Trong mùa dịch, nhà bán lẻ này sẽ đẩy mạnh bán hàng đa kênh, tranh thủ tăng thị phần khi các chuỗi nhỏ hoạt động không hiệu quả và tập trung bán những sản phẩm có nhu cầu cao. Điển hình như ngành hàng máy tính xách tay ghi nhận mức tăng doanh thu đến 80% trong 2 tháng đầu năm do nhu cầu học tập và làm việc từ xa tăng mạnh.

Thống kê của SimilarWeb cho thấy, lượng khách hàng truy cập Bách hóa Xanh đạt hơn 8 triệu lượt trong quý I, bỏ xa 4 nhà bán lẻ còn lại trên thị trường là VinID (Vinmart), Speed L (Lotte Mart), Co.opmart (Saigon Co.op) và Big C. Đây là Top 5 nhà bán lẻ được nhắc tới nhiều nhất trong các cuộc thảo luận của người dùng trên mạng xã hội trong quý I/2020.

Với hơn 8 triệu lượt truy cập trong quý I, Bách hóa Xanh đã tạo nên một sự cộng hưởng từ vị thế có sẵn của thương hiệu trong tâm trí người dùng, với những cập nhật tức liên tục về sản phẩm, nội dung liên quan tới những nhu cầu tăng cao trong mùa dịch.

Thống kê của YouNet Media cho thấy, các từ khóa được đề cập nhiều nhất khi người dùng truy cập trang web Bách hóa Xanh đều liên quan tới dịch bệnh.

Trong khi đó, Speed L ghi nhận những từ khóa được người dùng sử dụng nhiều nhất khi tìm kiếm là “gà rán”, “khoai tây chiên”…

Với VinID, các từ khóa được tìm kiếm đa dạng nhất so với các nhà bán lẻ còn lại, từ thực phẩm (bánh mì đen, xúc xích, sữa...), tới các mặt hàng phục vụ nhu cầu tạm thời mùa dịch (khẩu trang y tế...).

Điểm thú vị là, 4/10 cụm từ khóa được tìm kiếm nhiều nhất là những mặt hàng do Vinmart tự sản xuất, như “bánh mì đen Vinmart”, “baking soda Vinmart”, “khẩu trang y tế Vinmart”. Trong khi đó, một đơn vị cũng sở hữu nhiều mặt hàng tự sản xuất là Saigon Co.op lại không có bất kỳ sản phẩm nào đi kèm tên thương hiệu Saigon Co.op hay Co.op Mart xuất hiện trong những từ khóa được khách hàng tìm kiếm nhiều khi nhắc tới thương hiệu.

Có thể nói, bức tranh bán lẻ trực tuyến trong quý I/2020 tại Việt Nam rất sôi động và có nhiều thay đổi. Sự xuất hiện của Covid-19 dù tác động tiêu cực, nhưng cũng là một đòn bẩy để hoạt động trực tuyến sôi nổi hơn quý trước đó.

Dù ít dù nhiều, các nhà bán lẻ truyền thống đã phải dịch chuyển hoặc đẩy mạnh hoạt động trên kênh trực tuyến để đáp ứng nhu cầu mua sắm đang thay đổi của người dùng. Thậm chí, Saigon Co.op, dù sở hữu nhiều chuỗi mô hình bán lẻ đa dạng từ bình dân (Co.opMart, Co.op Extra) tới trung cao cấp (siêu thị FineLife), nhưng lại chậm chân khi dịch chuyển lên trực tuyến. Trang web đặt hàng của hệ thống Co.opmart được ra mắt hồi cuối năm ngoái, trong khi dịch vụ nhận đơn hàng qua hotline/Zalo/Viber của nhà bán lẻ này mới được triển khai trong tháng 3/2020. Trong 2 tháng đầu năm, doanh thu bán lẻ của Saigon Co.op giảm khoảng 50% so với cùng kỳ năm trước.

Trong khi đó, thay vì tự vận hành, Big C đang liên kết với các ứng dụng đi chợ hộ như Grab Mart, Now Fresh và mới đây nhất là Chopp.vn để đẩy mạnh bán lẻ trực tuyến.

VinID, Bách hóa Xanh, Speed L hiện đều triển khai bán hàng cả qua website và ứng dụng mua sắm trên di động, cho dù sở hữu cả 2 kênh phân phối trực tiếp và online. Đây là điểm cộng cho 3 nhà bán lẻ này.

Có vẻ VinID đang tỏ rõ là tay chơi nhanh chân hơn sau thương vụ sáp nhập sàn thương mại điện tử Adayroi vào ứng dụng này cuối năm 2019. Việc nâng cấp mảng thương mại điện tử thành mô hình “New Retail” - kết hợp giữa bán lẻ truyền thống và trực tuyến dựa trên công nghệ số đã tỏ ra hiệu quả.

Hiện VinID có hơn 10 triệu thành viên. Theo một thống kê nhanh, lượng khách hàng đi chợ online qua ứng dụng trong tháng 4 tăng mạnh so với thời điểm đầu năm, với rau củ quả tăng 42,6%; thịt tươi sống tăng 56,9%; gạo tăng 78,3%; thủy hải sản, kem, sữa tăng 52,8%. Đặc biệt, có mặt hàng khô tăng 83,4%.

Điểm nghẽn về công nghệ

Nhìn chung, các nhà bán lẻ đang ghi điểm trong suy nghĩ của khách hàng trên mạng xã hội khi họ nhớ tới một nhà bán lẻ và mua các sản phẩm để đối phó với dịch bệnh.

Cụ thể, Speed L đã có 3.494 lượt thảo luận, Bách hóa Xanh có 3.823 lượt thảo luận, VinID có 10.370 thảo luận trên fanpage và kênh YouTube của thương hiệu. Không ngạc nhiên khi VinID xuất hiện nhiều trên mạng xã hội, bởi nhà bán lẻ này tung ra video “VinID - Tết Corona, Tết hoài không hết” ngay trong mùa dịch, cho thấy sự nhanh hơn của Vinmart. Ngoài ra, giống với Speed L, VinID cũng nằm trong một hệ sinh thái bao gồm chuỗi bán lẻ, ứng dụng mua sắm, ví điện tử…

Tuy nhiên, các nhà bán lẻ cũng gặp phải những phản hồi tiêu cực với các ứng dụng, liên quan tới lỗi kỹ thuật như tải chậm, không thể đăng nhập vào ứng dụng.

Speed L và Bách hóa Xanh có ghi nhận phản hồi tiêu cực liên quan tới trải nghiệm khách hàng như giao diện không bắt mắt, tính năng còn đơn giản... Trong khi đó, 60% người dùng ứng dụng VinID gặp vấn đề khi đăng nhập vào ứng dụng hoặc ứng dụng tải chậm/giật; 20% còn lại là các lỗi liên quan tới thanh toán.

Điều đó cho thấy, các ứng dụng mua sắm cần phải cải thiện để lọt vào mắt xanh người tiêu dùng giữa ma trận mua sắm, với các tên tuổi trong và ngoài nước như Tiki, Lazada, Shopee, Chợ Tốt, SHEIN, Robins, eBay, The Hunt… Chưa kể, các siêu ứng dụng “tỷ đô” đang làm mưa làm gió ở Việt Nam như Grab, Amazon, WeChat, Alipay...

Hiện tại, hầu hết các nhà bán lẻ có xu hướng đầu tư thành siêu ứng dụng. Công ty cổ phần Đầu tư Thế giới Di động dự kiến ra mắt siêu ứng dụng vào tháng 9 năm nay. Mọi chi tiết chưa được tiết lộ, nhưng ông Nguyễn Đức Tài, đồng sáng lập và Chủ tịch HĐQT Thế giới Di động kỳ vọng, người dùng sẽ được mua sắm mọi sản phẩm của Công ty qua một ứng dụng duy nhất này. Một khi đã có tập khách hàng lớn, siêu ứng dụng của Thế giới Di động có thể cung cấp luôn dịch vụ bán vé xem phim, vé máy bay, vé xe, vé tàu, voucher...

Đại diện Grab Việt Nam cho rằng, một siêu ứng dụng hoạt động thành công khi nó giải quyết được nhu cầu thực tế hàng ngày của người dân một cách đơn giản, dễ nhớ, tiết kiệm thời gian và tiền bạc. Điều này cho thấy, nhà bán lẻ cần đầu tư nhiều hơn cho công nghệ.

Giờ cao điểm sử dụng ứng dụng của các nhà bán lẻ

Ứng dụng thương mại điện tử có lượt truy cập cao nhất vào buổi trưa (từ trưa đến 2 giờ chiều và đạt đỉnh lần hai vào buổi tối (từ 7 giờ đến 10 giờ). Tương tự, các ứng dụng ăn uống có lượt truy cập tăng đột biến từ 5 giờ chiều đến 8 giờ tối, chiếm 31% tổng lượt truy cập hàng ngày.

Ứng dụng game có lượt truy cập ổn định theo thời gian. Game casual được chơi nhiều nhất trong khoảng thời gian từ 12 giờ trưa đến 4 giờ chiều, nhưng mức tăng rất khiêm tốn (chỉ 15%). Trong khi đó, game Mid-core được chơi nhiều từ sáng sớm (5 giờ sáng) và nhiều nhất lúc 1 giờ chiều.

Nguồn: Xu hướng ứng dụng toàn cầu thường niên của Công ty SaaS toàn cầu Adjust
Thế chân vạc trong bán hàng online
Theo khảo sát mới nhất của Bizweb, 3 kênh bán hàng hiệu quả nhất là Website - Facebook - Cửa hàng, đang tạo thành “thế chân vạc” vững chắc cho các...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư