Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 27 tháng 04 năm 2024,
Bán lẻ xăng dầu phải xuất hóa đơn, không có ngoại lệ
Mạnh Bôn - 17/12/2023 09:10
 
Ngay trong tháng 12/2023, các cửa hàng bán lẻ doanh xăng dầu phải lập hóa đơn điện tử và kết nối dữ liệu với cơ quan thuế. “Bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ phải xuất hóa đơn, không có ngoại lệ”, ông Bùi Ngọc Bảo, Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam đề xuất.
Ông Bùi Ngọc Bảo, Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam

Thưa ông, hóa đơn điện tử đã thay thế hóa đơn giấy truyền thống kể từ ngày 1/7/2022, tất cả các lĩnh vực đều thực hiện, ngoại trừ bán lẻ xăng dầu?

Chỉ có xe công, xe của doanh nghiệp, tổ chức khi đi mua xăng dầu mới có nhu cầu lấy hóa đơn, còn lại hầu hết cá nhân đi mua xăng dầu không có nhu cầu lấy hóa đơn, vì lấy cũng chẳng biết để làm gì, lại mất thời gian. Nhu cầu lấy hóa đơn bán lẻ rất thấp trong khi điểm bán lẻ mất thời gian và cả chi phí cho việc phát hành hóa đơn, nên doanh nghiệp xăng dầu chưa sẵn sàng.

Nói ngắn gọn, việc doanh nghiệp xăng dầu chưa sẵn sàng sử dụng hóa đơn điện tử có 2 nguyên nhân chính: không có áp lực từ khách hàng và chưa có sự quyết liệt của các bộ, ngành hữu quan, cũng như chính quyền địa phương các cấp, đặc biệt là ngành thuế.

Nhưng thực tế, Petrolimex và Saigon Petro vẫn tự nguyện thực hiện?

Không phải đợi đến thời điểm ngày 1/7/2022, Petrolimex đã thực hiện kết nối điện tử từ trung tâm của Tập đoàn xuống đến tận cửa hàng bán lẻ xăng dầu từ năm 2016, nhằm quản lý nội bộ. Petrolimex có hơn 2.700 cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên khắp cả nước, nếu không kết nối điện tử để quản lý đến từng cửa hàng, thì không tài nào biết cửa hàng nào có hành vi gian lận.

Do đã được kết nối từ trước, nên Petrolimex áp dụng hóa đơn điện tử khi bán lẻ xăng dầu nhanh hơn, vì đầu tư thêm không lớn, sau đó kết nối dữ liệu với cơ quan là xong.

Hiện tại, Việt Nam có 38 doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối, nhiều đơn vị chưa có sẵn hạ tầng kết nối như Petrolimex và Saigon Petro, nên bắt buộc phải đầu tư. Chi phí đầu tư ban đầu không hề rẻ, nhưng doanh nghiệp phải ý thức rằng, việc kết nối dữ liệu không chỉ nhằm thực hiện hóa đơn điện tử, mà phục vụ chính nhu cầu quản lý của doanh nghiệp hiệu quả hơn, minh bạch hơn.

Thực hiện hóa đơn điện tử, doanh nghiệp xăng dầu phải chi phí thế nào?

Có lẽ là khá lớn, vì ngoài đường truyền kết nối từ doanh nghiệp đến các điểm bán lẻ xăng dầu, kết nối dữ liệu với cơ quan thuế, thì hiện còn rất nhiều trụ xăng sử dụng công nghệ cũ không có cổng kết nối, nên phải đầu tư lại. Đây là đầu tư ban đầu, nhưng đầu tư hàng tháng không hề ít.

Đơn cử, với Petrolimex, nếu không phải xuất hóa đơn bán lẻ cho từng lần bán hàng, thì mỗi năm chỉ phát hành khoảng 25 triệu hóa đơn, nhưng sử dụng hóa đơn điện tử thì phải xuất trên một tỷ hóa đơn, tức là gấp 40 lần. Các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu khác cũng tương tự.

Chưa tính đến chi phí cho việc xuất hóa đơn, chỉ tính chi phí thanh toán cũng không hề ít, vì nếu người tiêu dùng sử dụng thẻ thanh toán quốc tế, thì mỗi lần “quẹt thẻ”, doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu phải trả phí cho đơn vị phát hành thẻ 1% giá trị thanh toán. Với thẻ thanh toán nội địa, doanh nghiệp trả phí ít hơn, nhưng với hàng chục tỷ hóa đơn phát hành mỗi năm, chi phí cộng lại cũng không hề ít.

Mặc dù chi phí không hề rẻ, nhưng bán lẻ xăng dầu vẫn bắt buộc phải thực hiện, thưa ông?

Nghị định 123/2020/NĐ-CP về việc quản lý, sử dụng hóa đơn khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ đã quy định, thời điểm lập hóa đơn điện tử đối với trường hợp bán xăng dầu tại các cửa hàng bán lẻ là thời điểm kết thúc việc bán xăng dầu theo từng lần bán. Người bán phải đảm bảo lưu trữ đầy đủ hóa đơn điện tử đối với trường hợp bán xăng dầu cho khách hàng là cá nhân không kinh doanh, cá nhân kinh doanh và đảm bảo có thể tra cứu khi cơ quan có thẩm quyền yêu cầu. Nghị định 80/2023/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu cũng quy định bán lẻ xăng dầu phải áp dụng hóa đơn điện tử.

Để triển khai 2 nghị định trên, mới đây, Thủ tướng Chính phủ liên tiếp ban hành 2 công điện yêu cầu phải thực hiện. Thủ tướng giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Công thương, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Thông tin và Truyền thông, UBND cấp tỉnh triển khai ngay các giải pháp phù hợp, khả thi, hiệu quả để giám sát chặt chẽ, tăng cường thanh tra, kiểm tra việc phát hành và sử dụng hóa đơn điện tử, đặc biệt là trong việc lập hóa đơn điện tử tại các cửa hàng bán lẻ xăng dầu theo từng lần bán hàng, bảo đảm đúng quy định pháp luật, xử lý nghiêm nếu không thực hiện hoặc cố tình không thực hiện.

Thủ tướng còn giao Bộ Công an chủ trì việc kết nối dữ liệu dân cư với các cơ quan thuế và các cơ quan quản lý thuế, các địa phương để phối hợp phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm không thực hiện hóa đơn điện tử.

Như ông đã nói, do chưa có sức ép từ khách hàng, nên doanh nghiệp chưa muốn áp dụng hóa đơn điện tử. Có cách nào để xử lý vấn đề này?

Cần phải sửa Luật Thuế thu nhập cá nhân cho phép chi phí xăng dầu của hộ gia đình, cá nhân kinh doanh được tính là chi phí hợp lý khi xác định thu nhập chịu thuế. Thực tế tại hộ gia đình, cá nhân kinh doanh, để tạo ra thu nhập đóng thuế thì phải chi phí, trong đó có chi phí xăng dầu không hề nhỏ. Đây là chi phí hợp lý, hợp lệ, cần phải được tính khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân. Muốn được tính khoản chi này vào chi phí kinh doanh, thì hộ gia đình, cá nhân kinh doanh phải có hóa đơn bán lẻ xăng dầu.

Người dân có lợi ích chắc chắn sẽ yêu cầu cửa hàng bán lẻ xăng dầu xuất hóa đơn điện tử, nên bắt buộc cửa hàng phải xuất hóa đơn, nếu không thì mất khách hàng vì mệnh lệnh của khách hàng là tối thượng. Chỉ cần giải pháp này, chắc chắn dù không muốn, doanh nghiệp cũng phải thực hiện nghiêm quy định về hóa đơn điện tử.

Không xuất hóa đơn điện tử, cửa hàng bán lẻ xăng dầu sẽ bị xử lý
UBND tỉnh, thành phố có giải pháp đồng bộ, thúc đẩy cửa hàng kinh doanh bán lẻ xăng, dầu thực hiện việc phát hành hóa đơn điện tử sau từng...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư