Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 15 tháng 01 năm 2025,
Bản lĩnh doanh nhân Việt
Nguyên Đức - 24/10/2011 23:00
 
  Giới kinh doanh toàn cầu vẫn chưa hết ngỡ ngàng sau sự ra đi của Steve Jobs, vị thuyền trưởng tài ba của quả táo cắn dở Apple.
TIN LIÊN QUAN

Khập khiễng chăng khi nhắc đến vị CEO huyền thoại này trong Ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10? Không hề, bởi trong mỗi con người doanh nhân Việt, hẳn nhiên cũng có những khát vọng “thay đổi cả thế giới” như Steve Jobs...

“Nhưng rất ít người trong số chúng ta có thể thành công bằng 1/100 những gì Steve Jobs đã từng gặt hái được”. Một nhà báo đã viết vậy sau khi huyền thoại này tuyên bố rời vị trí CEO Apple vào cuối tháng 8 vừa qua. Càng khó hơn, khi đó là những doanh nhân Việt, vốn ít tiềm lực tài chính, mỏng kinh nghiệm kinh doanh trên thương trường toàn cầu bỏng rẫy cạnh tranh và thương hiệu, thì hầu như vẫn rất ít được biết đến…

Nhưng tháng 6/2012 tới, ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai sẽ là doanh nhân đại diện cho Việt Nam tham dự Vòng chung kết Giải thưởng Doanh nhân toàn cầu của Ernst & Young tại Monte Carlo (Monaco). Chưa nói thắng - thua, chuyện một doanh nhân Việt có thể “mang gươm đi đánh xứ người” đã là xưa nay hiếm. Càng tự hào hơn, khi ông Đức cho tới nay là người Việt Nam duy nhất được Wall Street Journal bầu chọn vào danh sách những doanh nhân có ảnh hưởng nhất khu vực Đông Nam Á. Tài sản của ông, tính đến giữa năm 2011 đã lên tới trên 23.000 tỷ đồng. Ông là tỷ phú, một tỷ phú USD thực sự.

Cùng chung danh sách những doanh nhân đất Việt thành đạt, còn một Phạm Nhật Vượng của “họ” VinGroup, một Đặng Thành Tâm của Kinh Bắc, một Trần Bá Dương của Ô tô Trường Hải… và rất, rất nhiều cái tên trong danh sách những người giàu nhất trên sàn chứng khoán, năm 2010, 2011…

Thuộc thế hệ sau, nhưng Trần Trọng Kiên cũng rất nổi danh với Buffalo Tours, một trong những thương hiệu tổ chức tour du lịch uy tín nhất Việt Nam. Ít ai ngờ, một vị bác sĩ thuở nào giờ đã nắm trong tay một loạt thương hiệu nổi tiếng như Mai Chau Lodge, Intrepid Vietnam, Jetwing Indochina… và đặc biệt là Victoria Hotels & Resorts. Khoảng hơn nửa năm trước đây, khi Thiên Minh của Trần Trọng Kiên tuyên bố mua lại hệ thống 6 khách sạn và resort Victoria, giới kinh doanh khách sạn, du lịch không khỏi ngỡ ngàng.

Nguyễn Hòa Bình cũng thế. Khi eBay của Mỹ chính thức đầu tư vào Công ty PeaceSoft của chàng doanh nhân vừa tròn 30 tuổi dưới hình thức mua cổ phần; hay khi Cổng thanh toán hàng đầu thế giới Paypal.com ký thỏa thuận hợp tác với PeaceSoft, không ít người đã phải ngước nhìn anh…

Và cũng còn rất nhiều nữa những cái tên, mà chỉ nghe thôi, đã đủ đầy ngưỡng mộ.

Dẫu chưa thể sánh bằng Steve Jobs, dẫu quy mô nền kinh tế và quy mô mỗi doanh nghiệp (DN) Việt còn nhỏ bé, nhưng những cái tên ấy vẫn là niềm tự hào của đất Việt. Ai nói doanh nhân Việt thiếu bản lĩnh?

Năm 2011 là một năm đầy khó khăn của DN Việt. Sức ép của lạm phát, của tăng chi phí đầu vào, của lãi suất cao ngất ngưởng, của thị trường bị thu hẹp... là thủ phạm hàng đầu. Luôn là những cái lắc đầu và thở dài, nỗi lo lắng và quan ngại thường trực, nhất là sau 3 năm chịu tác động của khủng hoảng tài chính toàn cầu, DN Việt đã đuối sức phần nào. Bởi thế, 9 tháng đầu năm, đã có tới 48.700 DN phải giải thể dừng hoạt động, hoặc không có hoạt động phát sinh thuế. Con số này chẳng khiến dư luận bất ngờ, mà thậm chí, còn băn khoăn về một con số có thể lớn hơn thế.

Chính ông Nguyễn Đức Kiên, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, cũng đã cho rằng, đó là chuyện bình thường. Trong một thương trường đầy cạnh tranh và biến đổi không ngừng, chuyện DN sinh ra và chết đi âu là lẽ dĩ nhiên. Người mạnh sẽ thắng và ở lại. Kẻ không chịu vận động, chẳng chịu thay đổi sẽ lặng lẽ ra đi.

Dù 9 tháng qua, gần 5 vạn DN đã “bó tay” trước cuộc cạnh tranh gai góc của thương trường, thì vẫn có tới khoảng 57.800 DN đăng ký kinh doanh mới, với tổng vốn đăng ký ước đạt trên 363,7 nghìn tỷ đồng. Cả năm, cả nước ước sẽ có gần 80.500 DN đăng ký thành lập mới và khi ấy, lũy kế đến ngày 31/12/2011, đất Việt có khoảng 624.000 DN đăng ký thành lập, trong đó có 550.000 DN đang hoạt động. Ngoài ra, còn có gần 19.000 hợp tác xã và 350.000 tổ hợp tác. Khát vọng kinh doanh vẫn tràn đầy. Và tất cả đều đã, đang và sẽ tiếp tục cống hiến cho nền kinh tế Việt Nam. Dù bộn bề khó khăn, dù vất vả muôn chừng, vẫn nhiều DN làm ăn có lãi, nuôi sống hàng ngàn nhân công và đóng góp không nhỏ cho xã hội, cho nền kinh tế.

“Bản lĩnh không chỉ là đối phó với hoàn cảnh, mà là sẵn sàng các phương án để ứng phó chủ động với mọi hoàn cảnh”. Ông Đoàn Nguyên Đức đã nói thế. Chính các doanh nhân Việt thực tâm cũng xác định rằng, trong họa có phúc. Giờ là lúc để tái cơ cấu lại DN, làm sao để đầu tư hiệu quả hơn, sử dụng nguồn lực đúng và chính xác hơn, mang lại thành tựu lớn hơn. Chấp nhận chịu đau hôm nay, để có thành quả ngày mai…

Người Việt Nam chưa bao giờ hết niềm tin. Người Việt Nam đã và luôn sẽ làm được những điều kỳ diệu. Đó không phải là những khẩu hiệu, hay chỉ là lời động viên khuôn sáo, mà đó là thực tế rất thực. Trong khó khăn, doanh nhân Việt vẫn vững vàng tiến bước. Có thể chưa đủ sức và đủ tầm để thay đổi cả thế giới như Steve Jobs, nhưng bản lĩnh doanh nhân Việt thì vẫn luôn hiện hữu...

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư