Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Bán vốn cho nhà đầu tư ngoại: “Nhà giàu” lại khóc
Hà Tâm - 17/01/2019 08:16
 
Không phải ngẫu nhiên, cả 3 ngân hàng TMCP lớn nhất hệ thống đều lên tiếng than vãn, đề nghị Chính phủ nới tỷ lệ sở hữu (room) và tháo gỡ những vướng mắc khác trong việc bán vốn cho nhà đầu tư nước ngoài.
VietinBank hiện đã hết room cho nhà đầu tư ngoại, trong khi tỷ lệ sở hữu nhà nước cũng đã chạm mức tối thiểu. Ảnh: Đ.T
VietinBank hiện đã hết room cho nhà đầu tư ngoại, trong khi tỷ lệ sở hữu nhà nước cũng đã chạm mức tối thiểu. Ảnh: Đ.T

Khao khát thêm room để đẩy nhanh bán vốn

Đều đang rất khát vốn, lại đứng trước cơ hội vàng vì lĩnh vực ngân hàng đang được nhiều nhà đầu tư ngoại để ý, song cả ba ngân hàng TMCP quốc doanh có vốn nhà nước là Vietcombank, VietinBank, BIDV đều đang có những vướng mắc riêng, khiến hầu hết các thương vụ bị kẹt.

Dập dòm bán 7,73% cho đối tác Quỹ đầu tư quốc gia của Singapore (GIC) từ năm 2016, song đến cuối năm 2018, Vietcombank mới hoàn tất bán 3% vốn cho nhà đầu tư ngoại. So với “hạn mức” room 10% được Chính phủ phê duyệt, Vietcombank vẫn còn 7% cho lần phát hành riêng lẻ tiếp theo.

Chính vì vậy, dù đã thu về 6.200 tỷ đồng từ thương vụ chào bán thành công này, song ông Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch HĐQT Vietcombank cho biết, tăng vốn với Vietcombank vẫn là nhu cầu bức thiết để đáp ứng yêu cầu tăng trưởng thời gian tới. Chính vì vậy, Chủ tịch HĐQT Vietcombank đề nghị Chính phủ cho phép ngân hàng này được nới tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài.

Tuy nhiên, bức thiết nhất với việc nới room vốn ngoại là VietinBank. Hiện nay, tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại ngân hàng này đã hết (30%), trong khi tỷ lệ sở hữu nhà nước cũng đã chạm mức tối thiểu theo quy định là 65%. Trong bối cảnh cửa tăng vốn kẹt tứ bề, giải pháp tăng vốn trước mắt của VietinBank là Bộ Tài chính “gật đầu” giữ lại cổ tức tiền mặt để tăng vốn. Sau năm 2020, giải pháp được VietinBank mong chờ là được nới room cho nhà đầu tư ngoài.

Trước đó, ông Lê Đức Thọ, Chủ tịch HĐQT VietinBank cho biết, nhà băng này đang đề xuất với Ngân hàng Nhà nước để được lựa chọn là một trong những ngân hàng quốc doanh thí điểm giảm sở hữu nhà nước xuống còn 51%, lộ trình sau năm 2020.

Trong khi đó, BIDV là ngân hàng có vẻ dễ thở nhất với bài toán tăng vốn, khi room vốn ngoại vẫn còn nguyên 30%. Thế nhưng, những quy định khắt khe trong việc bán vốn nhà nước cho nhà đầu tư ngoại đang khiến ngân hàng này chưa thể hoàn tất thương vụ bán 15% vốn cho Keb Hana (Hàn Quốc).

Ông Phan Đức Tú, Chủ tịch HĐQT BIDV mới đây đã đề xuất Chính phủ tháo gỡ điều kiện ràng buộc về vốn với nhà đầu tư nước ngoài để ngân hàng này đẩy nhanh việc hoàn tất thương vụ này.

Theo lãnh đạo các ngân hàng TMCP quốc doanh, bên cạnh quy định giá bán cho nhà đầu tư nước ngoài không được thấp hơn giá thị trường, thì quy định các nhà đầu tư phải nắm giữ cổ phần trong vòng 1 năm mới được chuyển nhượng đang gây khó khăn trong đàm phán với các nhà đầu tư lớn.

Nên nới room lên 35%?

TS. Võ Trí Thành, chuyên gia kinh tế nhận định, năm nay, trong bối cảnh nhu cầu tăng vốn ngặt nghèo, có thể, Bộ Tài chính sẽ chấp nhận cho các ngân hàng TMCP quốc doanh được chia cổ tức bằng cổ phiếu để tăng vốn theo một tỷ lệ nhất định, thay vì nộp cổ tức tiền mặt về ngân sách như trước đây. Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp tạm thời. Về lâu dài, cách tăng vốn khả dĩ nhất vẫn là thoái bớt vốn nhà nước, mở rộng room để bán cho nhà đầu tư ngoại.

Theo Chiến lược Phát triển ngành ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 được Thủ tướng phê duyệt vào tháng 8/2018, tỷ lệ sở hữu của Nhà nước tại 3 ngân hàng TMCP trên là 65%. Giai đoạn 2021 - 2025, tỷ lệ này có thể giảm còn 51%.

Hiện tại, room sở hữu của nhà đầu tư ngoại tại ngân hàng Việt Nam là 30%. Các chuyên gia cho rằng, trong bối cảnh ngân sách khó khăn, Chính phủ có thể nới room cho nhà đầu tư ngoại lên 35%, sau đó có thể tăng lên 40 - 49% theo lộ trình.

TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế cho rằng, triển vọng sáng sủa của nền kinh tế Việt Nam khiến lĩnh vực ngân hàng đang được nhiều nhà đầu tư nước ngoài quan tâm. Trong bối cảnh hội nhập, cần sớm tháo gỡ các vướng mắc trong các khâu phê duyệt để đẩy nhanh quá trình bán vốn.

Thực tế, tỷ lệ sở hữu hiện nay chỉ giúp các nhà đầu tư ngoại tham gia như một khoản đầu tư tài chính, chứ chưa đóng góp nhiều về mặt quản trị, điều hành ngân hàng. Mặc dù vậy, xét về đầu tư tài chính, nhiều ngân hàng Việt thời gian qua đã mang lại cho nhà đầu tư tỷ lệ sinh lời khá tốt. Vì vậy, theo TS. Võ Trí Thành, trong bối cảnh Việt Nam vẫn thận trọng về an ninh tiền tệ quốc gia, chưa mở cửa mạnh lĩnh vực ngân hàng, thì có thể xem xét nới room cho nhà đầu tư ngoại bằng cách phát hành cổ phiếu vàng cho nhà đầu tư (loại cổ phiếu mà nhà đầu tư được hưởng mọi quyền lợi, trừ quyền biểu quyết).

Tăng vốn là vấn đề vô cùng khó khăn với các ngân hàng TMCP quốc doanh hiện nay. Theo tôi, nới room cho nhà đầu tư ngoại là việc nên làm, nhất là trong bối cảnh các ngân hàng trên thế giới đang thay đổi chóng mặt về công nghệ như hiện nay. Chúng ta sợ mất quyền sở hữu, song thực tế ở những ngân hàng có cổ đông chiến lược nước ngoài, khả năng này không xảy ra. Nhà đầu tư ngoại mua cổ phần là họ đã “chung thuyền” với chúng ta, cùng mong muốn ngân hàng phát triển, thì tại sao chúng ta phải lo ngại?

- PGS-TS Đặng Ngọc Đức, Viện trưởng Viện Ngân hàng - Tài chính (Trường đại học Kinh tế quốc dân)
Ngân hàng mạnh tay đẩy vốn khi được mở room
Hạn ngạch tăng trưởng tín dụng năm 2019 của các ngân hàng đã được mở. Đây là cơ hội để các nhà băng đẩy mạnh vốn ra thị trường, đáp...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư