Bất động sản TP.HCM: Đua làm dự án tại khu Nam
Gia Huy - 02/08/2019 10:04
 
Hưng Thịnh Corp, Tiến Phát Corp, Vietnam GS Industry (VGSI)… là những doanh nghiệp công bố phát triển dự án mới tại khu Nam TP.HCM trong quý III/2019.
Khu Nam TP.HCM đang thu hút nhiều Dự án bất động sản bởi hạ tầng ngày càng hoàn thiện. Trong ảnh: Đường Nguyễn Văn Linh - tuyến huyết mạch của khu Nam.
Khu Nam TP.HCM đang thu hút nhiều dự án bất động sản bởi hạ tầng ngày càng hoàn thiện. Trong ảnh: Đường Nguyễn Văn Linh - tuyến huyết mạch của khu Nam.

Xuất hiện nhiều dự án mới

Công ty cổ phần Bất động sản Tiến Phát vừa phát đi thông báo sắp ra mắt dự án mới mang tên Ascent Garden Homes, tọa lạc trên đường Bến Nghé, quận 7. Dự án có 2 tòa tháp cao 21 tầng, với 478 căn hộ, có diện tích từ 60 - 190 m2, được bố trí từ 1 đến 4 phòng ngủ.

Dự án này tiếp tục là dòng sản phẩm mang phong cách Nhật Bản mà Tiến Phát đã thành công ở nhiều dự án trước. Đây là dự án thứ 2 mà Tiến Phát phát triển ở quận 7, trước đó, năm 2017, doanh nghiệp này phát triển thành công dự án mang tên Ascent Lakeside trên đường Nguyễn Văn Linh.

Hưng Thịnh Corp cũng cho biết, chuẩn bị ra mắt dự án Q7 Boulevard, xây dựng trên diện tích 1,64 ha, với 4 block (mỗi block gồm 23 tầng nổi và 1 tầng hầm, 2 tầng trung tâm thương mại). Hồi năm 2017, nhà đầu tư này cũng đưa ra thị trường một dự án chung cư tại quận 7 với khoảng 4.000 căn hộ.

Một dự án lớn khác cũng đang được triển khai tại khu Nam, do Công ty Vietnam GS Industry (VGSI) - công ty con của Tập đoàn GS E&C Hàn Quốc làm chủ đầu tư, phát triển tại huyện Nhà Bè. Dự án có tên Zeit River County 1, với diện tích 17,9 ha, gồm 359 biệt thự, nhà phố và shophouse, mật độ xây dựng chỉ 30%.

Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), hiện tại khu Nam đang có quỹ đất lớn của các doanh nghiệp đã chuẩn bị sẵn chờ phát triển dự án của các Tập đoàn Novaland, Himlamland, HungThinh Corp, Phú Long, Kepel land Việt Nam…

Theo Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong, Thành phố muốn xây dựng khu Nam mà điểm nhấn là quận 7 sẽ là trung tâm tài chính trong những năm tới. Đặc biệt, TP.HCM đặt ra tầm nhìn đến năm 2025, khu Nam sẽ trở thành một trong 4 khu đô thị vệ tinh, giúp Thành phố phát triển kinh tế - xã hội và giảm bớt áp lực dân số cho khu vực trung tâm. 

Một điều đáng lưu ý của thị trường khu Nam, đó là mức giá bất động sản đang tăng khá mạnh, dù thị trường này trong thời gian qua rất ít dự án mới. Điều này chứng tỏ thị trường nơi đây vẫn nhiều tiềm năng phát triển.

Ông Trần Hiếu, Phó tổng giám đốc Khối tiếp thị & kinh doanh DKRA Vietnam cho biết: “Giá đất đường Nguyễn Hữu Thọ hiện vào khoảng 100 - 120 triệu đồng/m2, tăng 60 - 70% so với năm 2016. Còn trên trục Lê Văn Lương, giá đất vào khoảng 30 - 50 triệu đồng/m2, tăng 80 - 100% so với cuối năm 2016”.

Một số khu vực xa xôi của TP.HCM như huyện Cần Giuộc, giá đất cũng bứt phá mạnh. Trong năm 2016, giá đất Cần Giuộc chỉ ở mức 3,5 - 4,5 triệu đồng/m2, nhưng đến nay, giá đất tại Cần Giuộc đang dao động ở mức 17 - 20 triệu đồng/m2.

Đại diện HoREA cho rằng, sức nóng của thị trường bất động sản khu Nam chưa dừng lại trong năm 2019, mà có thể kéo dài 1 - 2 năm tới, bởi các dự án hạ tầng lớn được chính quyền thành phố đầu tư vào khu vực này sẽ hoàn thiện và đưa vào sử dụng trong năm 2019 - 2020.

Cơ hội rộng mở

Từ năm 2007, khu Nam đã dẫn đầu thị trường bất động sản TP.HCM với những dự án lớn như Khu đô thị Phú Mỹ Hưng, Khu đô thị Him Lam, cũng như các dự án Dragon Hill Premier Central, Dragon Village, Chung cư Phú Hoàng Anh, chung cư Quốc Cường Gia Lai… Ngay cả khi thị trường năm 2009 rơi vào trầm lắng, khu Nam vẫn phát triển khá vững vàng.

Nhưng tới năm 2014, thị trường khu vực này này rơi vào cảnh đóng băng và hạn chế dự án mới, khách hàng cũng ngại về đây mua nhà. Lý do chính là hạ tầng giao thông quá tải, không được nâng cấp và tình trạng ngập nước cũng bắt đầu xuất hiện trên diện rộng.

Tuy nhiên, những khó khăn này đang dần được khắc phục, khi năm 2018, TP.HCM quyết định chi 115.000 tỷ đồng để tiến hành phát triển hạ tầng khu Nam, khiến thị trường khu vực này rộng mở với nhà đầu tư.

Cụ thể, hàng loạt dự án giao thông được đưa vào lộ trình phê duyệt đầu tư từ nay đến năm 2020 như: dự án cầu Thủ Thiêm 3; cầu Thủ Thiêm 4; dự án xây nút giao thông Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ (vốn đầu tư 2.600 tỷ đồng).

Dự án cầu Nguyễn Khoái từ quận 7 qua quận 4 (vốn đầu tư 1.250 tỷ đồng); dự án mở rộng đường Nguyễn Tất Thành, quận 4; dự án đường trục Bắc - Nam kết nối khu vực trung tâm với các quận 4, 7 và huyện Nhà Bè, có tổng kinh phí dự trù hơn 8.500 tỷ đồng; dự án cầu Rạch Đĩa và cầu Long Kiểng vừa được khởi công…

UBND TP.HCM cũng đã giao một số đơn vị liên quan nhanh chóng xúc tiến phương án đầu tư dự án hệ thống hầm chui, cầu vượt tại ngã tư Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ, với số vốn gần 5.000 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, khu Nam còn có sự phát triển đồng bộ nhiều tuyến đường để kết nối thuận tiện với khu trung tâm như đường Huỳnh Tấn Phát được mở rộng lên 30 m kết nối với trục đường chính Nguyễn Văn Linh. Cầu Bình Tiên được xây dựng để mở đường cho việc hình thành tuyến đường vành đai trong kết nối toàn bộ khu Nam với các khu vực Tây và Tây Nam thành phố.

Ngoài việc ưu tiên giải quyết các điểm ùn tắc, trước mắt, Thành phố cũng lên phương án mở rộng lộ giới đường Lê Văn Lương lên hơn 40 m - đây là tuyến đường huyết mạch kết nối khu Nam TP.HCM đi qua Khu đô thị cảng Hiệp Phước và kết nối trực tiếp với huyện Đức Hoà, Cần Giuộc của tỉnh Long An.

Về phần mình, UBND tỉnh Long An cũng phối hợp cùng TP.HCM xây dựng kế hoạch đầu tư nâng cấp và mở rộng Quốc lộ 22, nâng cấp và mở rộng Tỉnh lộ 824, Tỉnh lộ 9 đi qua các huyện Đức Hòa, Cần Giuộc. Tuyến đường Vành đai 4 đoạn Bến Lức - Hiệp Phước đang chuẩn bị khởi công xây dựng, với chiều dài toàn tuyến khoảng 35,8 km, đi qua Long An (32 km) và huyện Nhà Bè của TP.HCM (3,8 km).

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Bất động sản