Định hướng đúng, hình thức BT sẽ là động lực phát triển hạ tầng
Trong bối cảnh ngân sách nhà nước hạn hẹp, việc kêu gọi xã hội hóa trong đầu tư cơ sở hạ tầng theo hình thức hợp đồng BT (xây dựng - chuyển giao) được xem là lựa chọn hợp lý. Tuy nhiên, do còn một số điểm chưa minh bạch, nên hình thức đầu tư thường được gọi là đổi đất lấy hạ tầng này đang chịu nhiều tiếng oan.

BT không có lỗi

Theo giới chuyên gia, Việt Nam là một nền kinh tế đang phát triển và cơ sở hạ tầng còn thiếu, yếu, cần được hoàn thiện, nhưng nợ công cao gây khó cho quỹ vốn đầu tư hạ tầng. Do đó, việc thúc đẩy xã hội hóa, đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP), trong đó có hình thức hợp đồng BT, BOT (xây dựng - khai thác - chuyển giao) để hoàn thiện nền kinh tế là rất cần thiết.

Các chuyên gia cho rằng, lợi ích lớn nhất của các dự án BT chính là những đóng góp quan trọng cho xã hội và cộng đồng. Nếu không áp dụng hình thức đầu tư BT, thì không dễ dàng triển khai những dự án quy mô lớn, đặc biệt là với những dự án phục vụ mục đích công.

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Dương, với nguồn vốn ngân sách hạn hẹp hiện nay, việc kêu gọi các nguồn vốn đầu tư ngoài ngân sách, đặc biệt là mô hình PPP được xem là giải pháp hiệu quả. Việc thực hiện chủ trương huy động các nguồn lực trong nước và nước ngoài để phát triển hệ thống hạ tầng đô thị, hạ tầng giao thông, các dự án chỉnh trang đô thị thông qua phương thức đầu tư theo hợp đồng BT, BOT... đã mang lại nhiều hiệu quả rất thiết thực, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và các địa phương.

Cùng quan điểm, theo Sở Kế hoạch Đầu tư TP.HCM, chỉ riêng giai đoạn 2015 - 2017, địa phương này đã huy động được khoảng 20.400 tỷ đồng từ khu vực tư nhân thông qua hình thức hợp đồng BT cho các dự án phát triển hạ tầng. Theo UBND TP.HCM, từ nay đến năm 2020, Thành phố cần tới 850.000 tỷ đồng cho đầu tư phát triển, trong khi ngân sách chỉ đáp ứng khoảng 20%. Mặc dù còn nhiều trở ngại, nhưng hiện nay, hình thức đầu tư BT vẫn được xem là giải pháp khả thi và có tiềm năng để giải bài toán về phát triển hạ tầng tại đầu tàu kinh tế của cả nước này.

Tại 2 thành phố lớn của cả nước là TP.HCM và Hà Nội nổi lên nhiều doanh nghiệp tích cực tham gia đầu tư theo hình thức BT như Đại Quang Minh, với dự án 4 tuyến đường chính trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm (TP.HCM), Geleximco với Dự án đường cao tốc Hòa Lạc - TP. Hòa Bình, Him Lam với Dự án Đầu tư xây dựng nút giao thông trung tâm quận Long Biên (Hà Nội)...

Đặc biệt, cuối tháng 4 vừa qua, Vingroup đã khởi công dự án BT tuyến đường Vành đai 2 đoạn Vĩnh Tuy - Ngã Tư Sở. Dự án bao gồm cả tuyến đường bộ trên cao từ Vĩnh Tuy - Ngã Tư Sở, kết hợp với mở rộng theo quy hoạch phần dưới thấp từ Vĩnh Tuy - Ngã Tư Vọng, với tổng số vốn hơn 9.400 tỷ đồng. Theo kế hoạch của UBND TP. Hà Nội, thời gian triển khai dự án này là 20 tháng, nhưng Vingroup cam kết, sẽ hoàn thiện dự án trong 15 tháng. Khảo sát thực tế công trường dự án của phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản cho thấy, chủ đầu tư đang thi công khẩn trương, huy động nhiều máy móc, thiết bị, thi công liên tục 3 ca/ngày.

Có thể thấy, trên thực tế, các dự án BT giao thông đã phát huy hiệu quả khi mỗi dự án hoàn thành, đưa vào khai thác đã giúp giảm ùn tắc giao thông, tạo kết nối nhanh chóng giữa các khu vực, rút ngắn khoảng cách, tiết kiệm chi phí vận chuyển, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.

Tuy nhiên, theo nhận định của giới chuyên gia, tất cả những điều này chỉ là một phần sức hấp dẫn của hình thức BT. Nếu người dân được hưởng hạ tầng phúc lợi với chất lượng tốt hơn, ngân sách nhà nước giảm bớt chi phí, thì các doanh nghiệp, các nhà đầu tư dự án BT cũng có cơ hội phát triển các dự án bất động sản quy mô lớn trên các quỹ đất được Nhà nước thanh toán. Câu chuyện đặt ra là lợi ích tất cả các bên tham gia vào dự án BT cần được bảo đảm hài hòa, bởi đây là loại hợp đồng đã rất phổ biến.

Nhờ hình thức BT, nhiều Dự án hạ tầng giao thông trọng điểm đã được triển khai. Ảnh: Lê Toàn
Nhờ hình thức BT, nhiều dự án hạ tầng giao thông trọng điểm đã được triển khai. Ảnh: Lê Toàn

Theo ông Yuichiro Robert Yoi, chuyên gia của Ngân hàng Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JBIC), điều quan trọng nhất trong thực hiện mô hình PPP là phân chia rủi ro hợp lý giữa các bên tham gia. Mặc dù có những rủi ro, khu vực tư nhân có thể quản lý tốt hơn, nhưng Nhà nước không thể dồn tất cả rủi ro cho khu vực tư nhân, mà có những rủi ro Nhà nước có thể đảm nhiệm để tránh tăng chi phí.

Chẳng hạn, đối với rủi ro ở giai đoạn hoàn thành công trình, đây là rủi ro lớn nhất, nên các bên cần phải cẩn trọng. Đó là nhà thầu, nhất là nhà thầu EPC, có thể chậm tiến độ so với thời gian cam kết. Do đó, cần tính đến các biện pháp xử lý đối với trường hợp nhà thầu chậm tiến độ. Nếu do nhà thầu thì đương nhiên nhà thầu phải chịu trách nhiệm, nhưng nếu vì lý do bất khả kháng như thiên tai…, thì công ty bảo hiểm phải chịu trách nhiệm với điều kiện công trình được bảo hiểm. Còn với các lý do khác, thì dự án có thể sử dụng quỹ dự phòng hoặc cam kết vốn bổ sung. 

Ở góc độ khác, ông Ben Darche, tư vấn quốc tế về PPP cho biết, kinh nghiệm thực hiện PPP của nhiều nước trên thế giới cho thấy, việc các luật thiếu thống nhất, thiếu các văn bản hướng dẫn thực hiện thỏa đáng là những yếu tố góp phần làm các dự án PPP thất bại. Phải đặc biệt quan tâm đến các quy định về trách nhiệm tài chính đối với hỗ trợ tài chính của Chính phủ, cơ chế lãi suất, cũng như quy định rõ cơ quan nhà nước chịu trách nhiệm thực hiện các dự án PPP.

Chính vì vậy, theo nhận định của giới chuyên gia, về bản chất, hình thức đầu tư BT không có lỗi và nó hoàn toàn phù hợp với thực tế Việt Nam hiện nay. Có chăng là cách làm, cách triển khai bị biến tướng, khiến BT không còn là chính nó và bị nỗi oan ức như hiện nay.

Minh bạch - “rửa oan” cho BT

PGS.TS. Nguyễn Đình Hòa, Phó giám đốc Trường Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán cho rằng, hình thức đầu tư BT chứa đựng rủi ro khiến Nhà nước chịu thiệt. Theo đó, vì không đấu thầu công khai mà lại chỉ định thầu, nhà đầu tư “một mình một chợ” và được quyền lập dự toán, nên khó tránh khỏi công trình bị “thổi giá” cao hơn so với thực tế. Trong khi đó, chưa có quy định rõ ràng về xác định giá trị đất đối ứng trong dự án BT, nên đây là khoảng trống lớn, khiến giá đất bị định giá thấp hơn giá thị trường.

Cùng quan điểm, TS. Phạm Sỹ Liêm, Tổng thư ký Tổng hội Xây Việt Nam cho rằng, việc thực hiện dự án theo hình thức BT, theo cơ chế cạnh tranh thị trường, thì dự án phải qua đấu thầu để chọn nhà thầu nào đưa ra giá thích hợp nhất, còn đất đai phải qua đấu giá thì mới chọn được người trả giá cao nhất. Thế nhưng, trên thực tế, việc này chưa thực hiện minh bạch, nên ở góc độ nào đó, Nhà nước vẫn chịu thiệt và vô hình trung khiến BT chịu oan ức.

Thực tế cho thấy, không ít trường hợp, đất đem đổi lại gần dự án hạ tầng mà nhà đầu tư xây dựng, khi hoàn thành, đất xung quanh trở thành “đất vàng” giá tăng chóng mặt, gấp nhiều lần so với định giá lúc đầu.

Chẳng hạn, tuyến đường trục phía Bắc Hà Đông - Hà Nội chỉ dài hơn 5 km, tiếp nối đường Lê Văn Lương kéo dài do Công ty cổ phần Tập đoàn Nam Cường xây dựng, tổng mức đầu tư hơn 700 tỷ đồng. Để đối ứng cho dự án, UBND TP. Hà Nội đã bố trí hơn 197 ha để nhà đầu tư thực hiện dự án đối ứng là Khu đô thị Dương Nội (Hà Đông, Hà Nội). Lúc bàn giao quỹ đất, giá đất chỉ được định giá khoảng 8,5 triệu đồng/m2, nhưng sau khi tuyến đường hoàn thành, đã lên mức 30 - 40 triệu đồng/m2.

Để tránh tình trạng này, các chuyên gia cho rằng, không được cho phép chỉ định thầu, dự án phải được đưa ra đấu thầu công khai để thu hút nhà đầu tư có năng lực thật sự. Ngoài ra, cần bỏ quy định cho phép nhà đầu tư tự lập dự án, thay vào đó, việc này phải do cơ quan nhà nước lập, thẩm định và phê duyệt như dự án sử dụng ngân sách nhà nước để tránh lợi ích nhóm, hay cơ chế xin - cho.

Theo nhận định của ông Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc Phát triển, Trường đại học Fulbright Việt Nam, hình thức đầu tư BT hấp dẫn nhà đầu tư ở thời điểm này là do hình thức này ít rủi ro, vì nhà đầu tư xây xong là bàn giao ngay cho Nhà nước. Hơn nữa, khi thực hiện dự án theo hình thức này, nhà đầu tư được Nhà nước thanh toán ngay bằng quỹ đất rõ ràng về mặt pháp lý, do đó quá trình triển khai dự án của chủ đầu tư được đẩy nhanh, chi phí được giảm xuống, mang lại hiệu quả tối đa cho đầu tư.

Theo chia sẻ của các chuyên gia, để BT trở thành xu hướng đầu tư mang lại lợi ích cho quốc gia và để rửa nỗi oan hiện nay, đều tiên quyết là phải minh bạch trong đấu thầu dự án, đấu giá quyền sử dụng đất và phải được thực hiện đồng bộ từ trên xuống dưới, từ khâu nhỏ nhất.     

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Bất động sản