Dư cung quá lớn, đầu tư vào xi măng gặp khó
Thế Hải - 12/05/2020 20:35
 
Nhiều khả năng sẽ không có dự án xi măng mới nào được khởi công xây dựng trong năm 2020.
.
Xi măng không còn là ngành kinh doanh “béo bở”, khi nguồn cung thường xuyên vượt nhu cầu vài chục triệu tấn.

Khó xoay vốn

Công ty cổ phần Đầu tư khoáng sản Đại Dương, chủ đầu tư Dự án xi măng Đại Dương tại Khu công nghiệp Nghi Sơn (Thanh Hóa) đang tiến hành giải phóng mặt bằng cho giai đoạn I.

Theo kế hoạch, Dự án sẽ được khởi công vào quý III/2020, nhưng với tình hình hiện tại còn phụ thuộc vào tiến độ giải phóng mặt bằng. Điều quan trọng hơn cả là câu chuyện vốn. Khởi công xong rồi thì cần nguồn vốn sẵn sàng để thực hiện các hạng mục xây dựng quan trọng.

Nhà máy xi măng Đại Dương dự kiến đầu tư xây dựng giai đoạn I với tổng vốn hơn 4.500 tỷ đồng, công suất 2,3 triệu tấn/năm. Chủ đầu tư xác định thời gian hoàn thành xây dựng, đưa nhà máy vào sản xuất là 18 tháng. Nhưng trong bối cảnh Covid-19, dự án ngàn tỷ này lo khó xoay vốn.

Không riêng Xi măng Đại Dương, mà một doanh nghiệp xi măng lớn tại miền Trung cũng xác nhận, chưa thể tiến hành đầu tư giai đoạn 2 vì vấn đề vốn, dù mặt bằng đã lo xong, địa phương rất tạo điều kiện.

Xi măng cũng không còn là ngành kinh doanh “béo bở”, khi nguồn cung thường xuyên vượt nhu cầu vài chục triệu tấn. Bản thân các doanh nghiệp có thâm niên trong ngành cũng rất thận trọng trong việc triển khai các dự án đầu tư, dù các doanh nghiệp này có dây chuyền nằm trong quy hoạch xi măng.

Ông Nguyễn Quang Cung, Chủ tịch Hiệp hội Xi măng Việt Nam nhận định, sẽ rất khó khăn với các doanh nghiệp mới bước chân vào ngành xi măng khi làm một dự án mới. Thời điểm và bối cảnh chung đều không thích hợp cho việc rót vốn vào làm xi măng. Thứ nhất, nguồn cung xi măng đang vượt cầu, hoàn toàn không thuận cho tiêu thụ. Thứ hai, lo vốn cho một dự án xi măng trên 2 triệu tấn với khoản vốn trên 4.500 tỷ đồng không hề dễ dàng. Ông Cung dẫn chứng, ngay tại Thanh Hóa, Dự án Xi măng Thanh Sơn làm cả chục năm nay còn chưa xong.

Đối mặt tồn kho lớn

Theo nhận định của Hiệp hội Xi măng Việt Nam, năm 2020, ngành xi măng lo tiêu thụ sản phẩm đã đủ mệt, bởi sức hấp thụ của thị trường nội địa hiện chỉ đạt gần 70 triệu tấn, trong khi quy mô công suất trên 100 triệu tấn, thị trường bất động sản trầm lắng cũng ảnh hưởng không nhỏ đến tiêu thụ xi măng.

Kênh xuất khẩu đang tiêu thụ trên 30 triệu tấn xi măng, clinker mỗi năm cũng chịu nhiều ảnh hưởng bởi Covid-19.

Trong đó, Philippines, thị trường đứng thứ 2 trong danh sách các quốc gia nhập khẩu nhiều xi măng của Việt Nam đang áp dụng thuế tự vệ trong 3 năm đối với xi măng nhập khẩu của Việt Nam. Theo số liệu của Bộ Công thương, trong 4 tháng đầu năm nay, xuất khẩu xi măng giảm mạnh 22% so với cùng kỳ 2019, với sản lượng dừng lại mức 10 triệu tấn, trị giá 378 triệu USD.

Kinh doanh gặp khó, kể cả các doanh nghiệp lớn cũng không tránh khỏi lợi nhuận sụt giảm. Quý I/2020, Công ty cổ phần Xi măng Vicem Bỉm Sơn công bố lợi nhuận trước thuế sụt giảm gần 16% so với cùng kỳ, lợi nhuận sau thuế đạt 18,5 tỷ đồng, giảm 17,2% so với cùng kỳ. 3 tháng đầu năm, doanh nghiệp này đối mặt với chi phí bán hàng tăng mạnh 28%, chi phí quản lý doanh nghiệp cũng tăng 24%, giá vốn tăng 15%... đã tác động trực tiếp đến lợi nhuận của Vicem Bỉm Sơn.

Ngay cả Công ty cổ phần Xi măng Vicem Hà Tiên 1, doanh nghiệp mạnh nhất trong hệ thống Vicem cũng chịu cảnh sụt giảm 13,3% doanh thu quý I, dù lợi nhuận duy trì bằng cùng kỳ 2019. Nhu cầu trong nước chững lại, xuất khẩu sụt giảm mạnh đã tác động trực tiếp đến hoạt động bán hàng tại cả 2 kênh của Hà Tiên 1. Do đó, năm 2020, Hà Tiên 1 đặt kế hoạch kinh doanh giảm so với cùng kỳ, trong đó mục tiêu sản xuất và tiêu thụ 7,28 triệu tấn sản phẩm. Doanh thu thuần 8.584 tỷ đồng, giảm 2,9% so với năm 2019. Lợi nhuận trước thuế giảm 10,6%, đạt 830 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Quang Cung dự tính, năm nay doanh nghiệp xi măng sẽ đối mặt với tồn kho lớn khi xuất khẩu xi măng khó duy trì ở mức 34 triệu tấn như năm 2019, tiêu thụ trong nước lại không tăng.

Chưa kể, năm 2020 sẽ có thêm 2 dự án xi măng đi vào vận hành sản xuất, bổ sung nguồn cung cho thị trường là Dự án Nhà máy Xi măng Tân Thắng, công suất 2 - 2,5 triệu và Dự án Nhà máy Xi măng Long Sơn (dây chuyền 3) công suất 2,3 triệu tấn.

Cần phải nói thêm, Xi măng Tân Thắng đáng lẽ đã hoàn thành đầu tư từ 2 năm trước, nhưng lo ngại nguồn cung quá lớn, sản phẩm làm ra khó cạnh tranh nên chủ đầu tư dự án đã chủ động cân nhắc và điều chỉnh tiến độ xây dựng dự án.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Bất động sản