Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 18 tháng 01 năm 2025,
Bệnh hiếm “ẩn nấp” qua triệu chứng đau mỏi cổ vai gáy
D.Ngân - 16/04/2021 08:54
 
Chị V.T.H (41 tuổi) mắc căn bệnh Syringomyelia hay còn gọi là bệnh rỗng tủy. Đây là loại bệnh thần kinh mạn tính hiếm gặp ở tủy sống, tỷ lệ mắc 8,4/100 000 người.

Điều đặc biệt là bệnh không có biểu hiện đặc trưng, các dấu hiệu ban đầu chỉ là cơn đau mỏi cổ vai gáy, tê bì tay nên nhiều người bệnh dễ nhầm lẫn và bỏ qua. 

Rỗng tủy do hình thành trong tủy hốc chứa dịch tích lại phát triển dần gây đè ép, tổn thương tủy. (ảnh minh họa) 


Chị V.T.H. vào viện thăm khám trong tình trạng đau vùng cổ gáy, nhức vai phải, tê bì tăng rõ gần 2 tháng nay. Các triệu chứng đau không liên quan đến vận động, nghỉ ngơi vẫn đau, cảm giác nặng và giảm sức cơ tay phải khi lao động. Các triệu chứng không cải thiện kể cả khi nghỉ ngơi, xoa bóp, bấm huyệt hoặc chườm ấm. 

Bác sĩ Vũ Hải Yến, chuyên khoa Nội thần kinh tại Phòng khám Đa khoa Thu Cúc, thuộc Hệ thống y tế Thu Cúc cho biết, chị H. có tiền sử khỏe mạnh, đã có gia đình và 2 con, hiện đang là nhân viên văn phòng và đi lại thường xuyên bằng xe máy.

Ban đầu cũng chỉ nghi ngờ là bệnh nhân bị đau mỏi cổ vai gáy do viêm dây thần kinh vai gáy hoặc gai đốt sống cổ hoặc thoái hóa đốt sống cổ, bệnh thường gặp ở dân văn phòng.

Nhưng điều đặc biệt là qua kiểm tra bệnh nhân H. không nhận biết được nóng lạnh ở tay phải, không biết đau dù bị đứt tay phải, tay trái của bệnh nhân vẫn bình thường. Ngoài ra, các phản xạ gân xương ở tay phải của bệnh nhân cũng bị giảm, thậm chí không có phản xạ.

“Khi có những dấu hiệu nghi ngờ này, tôi đã chỉ định cho bệnh nhân chụp cộng hưởng từ MRI cột sống và tuỷ sống để đánh giá tình trạng tổn thương và để loại trừ các bệnh lý khác có liên quan”, bác sĩ Hải Yến cho hay.

Hình ảnh thu được từ chụp cộng hưởng từ MRI tủy sống của chị H. cho thấy trong đoạn tủy sống của chị hình thành một hốc rỗng chứa các dịch, các dịch này tích lại thành các khoang và nang hốc đây là biểu hiện của căn bệnh rỗng tủy. 

Ngay sau khi có kết quả khám cận lâm sàng,  các bác sĩ của Thu Cúc đã hội chẩn nhằm xác định căn nguyên bệnh và tìm ra phương pháp điều trị tốt nhất cho chị H.

Trong trường hợp của chị H. là rỗng tủy vô căn, nên các bác sĩ đã tư vấn cần thăm khám định kỳ thường xuyên 2 tháng/lần, chụp MRI 6 tháng/lần để đánh giá và bổ sung các loại vitamin nhóm B, sử dụng một số loại thuốc giúp làm giảm triệu chứng đau mỏi, tê bì.

Bác sĩ khuyến cáo bệnh nhân cần hạn chế công việc cần cúi ngửa nhiều, các công việc cần sự tinh tế ở bàn tay đặc biệt là tay phải.

Bên cạnh đó, người bệnh cần tập các bài tập phục hồi chức năng tổn thương tủy sống. Nếu mức độ nặng gây thiếu hụt thần kinh nhiều các bác sĩ có thể phải chỉ định can thiệp ngoại khoa để hút dịch trong ống rỗng giúp giải phóng chèn ép tủy, làm ngừng sự diễn tiến của bệnh, bởi vì rỗng tủy hiện nay chưa có phương pháp điều trị triệt để. 

Theo các chuyên gia về thần kinh cột sống, bệnh rỗng tủy là do ở trong đoạn tủy sống hình thành một hốc rỗng ở trung tâm của chất xám chứa dịch não tủy.

Dịch não tủy tích lại hình thành các khoang hoặc nang hốc phát triển lớn dần và gây huỷ hoại tuỷ, chèn ép dây thần kinh, khiến bệnh có biểu hiện là những rối loạn vận động, rối loạn cảm giác và dinh dưỡng.

Bệnh thường được phát hiện tình cờ khi thăm khám các bệnh lý liên quan hoặc khi có các triệu chứng như đau mỏi cổ vai gáy, tê bì tay, mất cảm giác yếu cơ, teo cơ, mất phản xạ gân cơ, mất cảm giác đau hoặc nóng lạnh đặc biệt là ở bàn tay.

Được biết, bệnh rỗng tủy (Syringomyelia) là bệnh mạn tính không thường gặp ở tủy sống với tỷ lệ mắc 8,4/100 000 và thường gặp ở độ tuổi 20-50 tuổi.. Bệnh có thể gặp ở vùng cổ, ngực và thắt lưng, tuy nhiên tỷ lệ gặp nhiều nhất nằm ở ranh giới giữa tủy cổ và tủy ngực.

Có nhiều nguyên nhân gây bệnh rỗng tủy, trong đó có một số trường hợp vô căn (không xác định được nguyên nhân). Một số có căn nguyên như: dị tật cột sống bẩm sinh; sau chấn thương; viêm tủy sống thắt lưng…

Có nhiều nguyên nhân gây bệnh rỗng tủy, trong đó có một số trường hợp vô căn (không xác định được nguyên nhân). Một số có căn nguyên như: dị tật cột sống bẩm sinh; sau chấn thương; viêm tủy sống thắt lưng.

 

Bệnh nhân lao khớp gối đầu tiên được thay khớp gối nhân tạo
Các bác sỹ BV Phổi Trung ương vừa tiến hành phẫu thuật thành công thay khớp gối nhân tạo cho người bệnh 59 tuổi bị mắc lao khớp gối.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư