Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Bi đát số phận Bệnh viện Giao thông vận tải
Bảo như - 18/05/2019 08:43
 
Việc thoái lui bất đắc dĩ và chưa có tiền lệ trong vai trò cổ đông chiến lược giữ vai trò chi phối của các nhà đầu tư tư nhân đang đẩy Bệnh viện Giao thông vận tải (GTVT) - một trong những cơ sở y tế lớn, hiện đại tại Thủ đô vào tình thế bi đát.
Bệnh viện GTVT vắng vẻ dù cơ sở vật chất khá hiện đại.
Bệnh viện GTVT vắng vẻ dù cơ sở vật chất khá hiện đại.

Sa sút

Đã gần 9h sáng ngày thứ Tư (15/5/2019), nhưng tại Khoa khám bệnh trong nước, Bệnh viện GTVT (phố Chùa Láng, quận Đống Đa, Hà Nội) chỉ có khoảng chục bệnh nhân, chủ yếu là người cao tuổi. Ở khu vực chẩn đoán hình ảnh đặt tại tòa nhà kỹ thuật cao 7 tầng hiện đại, mới được đưa vào khai thác hơn 4 năm cũng không khá hơn. Người bệnh chỉ cần xếp sổ là được điều dưỡng đưa vào khám ngay, trái ngược hoàn toàn cảnh tượng ken đặc của các bệnh viện cùng cấp với Bệnh viện GTVT tại khu vực trung tâm Hà Nội như Bệnh viện Đại học Y; Bệnh viện Bưu điện; Bệnh viện Đống Đa…

Sự vắng vẻ tại Bệnh viện GTVT có thể phần nào mang lại sự thảnh thơi cho các bệnh nhân, nhưng đối với các cổ đông Công ty cổ phần Bệnh viện GTVT, thì đây thực sự là thảm họa.

Cần phải nói thêm rằng, Bệnh viện GTVT từng được đánh giá là khá có uy tín trong số các cơ sở khám chữa bệnh tại Thủ đô, với thế mạnh về chạy thận nhân tạo; mổ đục thủy tinh thể mắt Phaco… Chất lượng thiết bị chẩn đoán tại Bệnh viện cũng thuộc top đầu, sau khi được Nhà nước đầu tư xây mới tòa nhà nghiệp vụ kỹ thuật và nội trú thuộc Dự án Đầu tư xây dựng, nâng cấp Bệnh viện đa khoa GTVT Trung ương bằng việc sử dụng nguồn vốn ODA từ Quỹ Phát triển quốc tế của các nước phát triển dầu mỏ (OFID) và ngân sách nhà nước.

Tòa nhà nghiệp vụ kỹ thuật gồm 7 tầng và 2 tầng hầm, cùng hệ thống hạ tầng kỹ thuật ngoài nhà đồng bộ, tổng diện tích xây dựng gần 17.000 m2, quy mô 200 giường bệnh được khánh thành vào năm 2015, rất hiện đại, khiến nhiều bệnh viện lớn trong nước phải mơ ước.

Trên thực tế, những con số thống kê mới nhất về tình hình hoạt động tại Bệnh viện GTVT đã cho thấy sự sa sút đáng lo ngại của cơ sở y tế công lập duy nhất trong cả nước được chọn thí điểm cổ phần hóa vào năm 2015 này.

Cụ thể, trong năm 2018, các chỉ tiêu của nhóm bệnh nhân khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT) nhìn chung giảm hoặc không tăng so với năm 2017. Tổng số lượt khám bệnh và điều trị nội trú trong năm 2018 tại Bệnh viện GTVT lần lượt là 157.499 và 9.701 trường hợp, kém xa so với Bệnh viện Đống Đa nằm trên cùng địa bàn.

Liên quan đến chỉ tiêu kinh doanh, trong năm 2018, Bệnh viện GTVT lỗ 33,08 tỷ đồng, tăng 1,62 tỷ đồng so với năm 2017. Trước đó, cũng do làm ăn thua lỗ, nên vốn chủ sở hữu của Bệnh viện GTVT tính đến cuối quý IV/2017 chỉ còn 122,9 tỷ đồng, giảm hơn 46 tỷ đồng so với thời điểm đơn vị chuyển sang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần vào năm 2016.

Đây vẫn chưa phải là vấn đề bi đát nhất tại Bệnh viện GTVT lúc này. Theo ông Trần Trung, Tổng giám đốc Bệnh viện GTVT - một trong hai người đại diện phần vốn nhà nước, từ năm 2017, 2018, Công ty cổ phần Bệnh viện GTVT không tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên, không họp HĐQT, nên không ban hành được Kế hoạch kinh doanh hàng năm, không có quỹ lương hàng năm.

HĐQT Bệnh viện gồm 5 thành viên, trong đó nhóm cổ đông - Công ty cổ phần T&T giữ 3 ghế, bao gồm chức vụ Chủ tịch HĐQT đã không phê duyệt kế hoạch và kết quả đấu thầu thuốc, dẫn đến thiếu thuốc và tiềm ẩn nguy cơ vi phạm pháp luật. Do Bệnh viện không nhận được sự hỗ trợ tài chính từ cổ đông chiến lược như cam kết ban đầu nên thiếu thiết bị phục vụ chuyên môn, một số cơ sở vật chất xuống cấp trầm trọng.

“Một số cán bộ có trình độ tiếp tục xin chuyển công tác. Tình trạng lo lắng, chán nản và rã đám đã bắt đầu xuất hiện”, ông Trần Trung cho biết.

Tiến thoái lưỡng nan

Có nhiều lý do khiến bệnh viện hàng đầu này rơi vào tình trạng bi đát, nhưng nguyên nhân chủ yếu là do những bất ổn tại Công ty cổ phần Bệnh viện GTVT chậm được xử lý.

Trên thực tế, cuộc “hôn phối” từng được đánh giá là rất đẹp giữa Bệnh viện GTVT và Công ty cổ phần Tập đoàn T&T (T&T) đã đi đến hồi kết từ tháng 4/2018. Tại thời điểm này, T&T đã phát văn bản đề nghị Bộ trưởng các bộ GTVT, Tài chính, Y tế cho phép nhà đầu tư này thoái toàn bộ vốn đầu tư và không tham gia vào HĐQT, Ban Kiểm soát trong tư cách là cổ đông chiến lược tại Công ty CP Bệnh viện GTVT.

Trước đó khoảng 2 tuần, Bộ GTVT đã có công văn yêu cầu HĐQT Công ty cổ phần Bệnh viện GTVT và nhà đầu tư chiến lược khẩn trương thực hiện ngay điều chỉnh tăng vốn điều lệ tương ứng với phần tăng vốn nhà nước được xác định sau khi quyết toán Dự án ODA tòa nhà Bệnh viện theo đúng trình tự, thủ tục quy định hiện hành và ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Yêu cầu của Bộ GTVT là nhằm triển khai Công văn số 157/TB-VPCP ngày 3/5/2018 của Văn phòng Chính phủ thông báo kết luận của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về việc thực hiện phương án thí điểm cổ phần hóa Bệnh viện GTVT Trung ương. Tại văn bản này, Thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT chỉ đạo người đại diện phần vốn nhà nước tại Công ty cổ phần Bệnh viện GTVT thực hiện giữ nguyên tỷ lệ vốn nhà nước tại Công ty sau khi điều chỉnh tăng vốn điều lệ tương ứng với phần tăng vốn nhà nước được xác định sau khi quyết toán Dự án ODA tòa nhà Bệnh viện.

Theo tính toán của Bộ GTVT, sau khi quyết toán Dự án ODA tòa nhà và hạch toán các chi phí cổ phần hóa, vốn điều lệ của Công ty cổ phần Bệnh viện GTVT sẽ tăng vọt từ 168 tỷ đồng lên 391,4 tỷ đồng, trong đó, phần vốn của Nhà nước là khoảng 278,4 tỷ đồng, chiếm 71,12% vốn điều lệ.

Quyết định số 1129/QĐ-TTg ngày 21/7/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Phương án thí điểm cổ phần hóa Bệnh viện GTVT Trung ương đã nêu rõ: “Vốn điều lệ sẽ được điều chỉnh tăng phần vốn nhà nước tương ứng giá trị quyết toán Dự án ODA tòa nhà Bệnh viện, đồng thời, sẽ tiếp tục bán phần vốn nhà nước để duy trì tỷ lệ vốn điều lệ mà Nhà nước nắm giữ tại Công ty cổ phần Bệnh viện GTVT là 30%”. Tuy nhiên, do không thực hiện thoái vốn đúng lộ trình cam kết, nên tỷ lệ nắm giữ vốn điều lệ của nhóm cổ đông còn lại (bao gồm cả cổ đông chiến lược là T&T) sau khi tiến hành tăng vốn điều lệ sẽ giảm xuống chỉ còn chưa đầy 30%.

Ông Trần Đỗ Thành, thành viên HĐQT Công ty cổ phần Bệnh viện GTVT, đại diện cho T&T đánh giá, sự thay đổi này là khác biệt với chủ trương công bố ban đầu và sẽ ảnh hưởng lớn đến công tác quản trị, điều hành, cũng như chiến lược phát triển Bệnh viện GTVT. Đây là lý do chính khiến T&T phải “dứt tình”, không còn tha thiết với Công ty cổ phần Bệnh viện GTVT, dù đã đặt rất nhiều kỳ vọng.

Theo thông tin của Báo Đầu tư, tại cuộc họp xử lý các vướng mắc tại Bệnh viện GTVT vào tháng 3/2019, lãnh đạo Bộ GTVT đã yêu cầu nhóm cổ đông Công ty cổ phần T&T đang nắm giữ cổ phần chi phối tại Bệnh viện và nắm giữ 3/5 vị trí thành viên Hội đồng Quản trị (bao gồm cả Chủ tịch HĐQT) thực hiện ngay các quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của mình theo đúng quy định của pháp luật và Điều lệ tổ chức và hoạt động của Bệnh viện, đảm bảo việc quản trị, điều hành hoạt động của Bệnh viện liên tục, thông suốt, tuân thủ các quy định của pháp luật về y tế, doanh nghiệp, chứng khoán.

Tuy nhiên, do không đạt được kỳ vọng như ban đầu, T&T tiếp tục bảo lưu quan điểm rút vốn đầu tư và xin thôi không nhận thù lao đối với Chủ tịch HĐQT và 2 thành viên HĐQT kể từ ngày 1/4/2019. Điều này tiếp tục đẩy Công ty cổ phần Bệnh viện GTVT lún sâu vào cuộc khủng hoảng về nhân sự, tổ chức.

Được biết, nhóm người đại diện phần vốn nhà nước tại Công ty cổ phần Bệnh viện GTVT đang thúc Bộ GTVT sớm xem xét, xử lý đề nghị của T&T và các cổ đông khác liên quan đến việc rút vốn. Việc hoàn trả tiền mua cổ phần sẽ được thực hiện sau khi hoàn thành việc tăng vốn điều lệ, ghi nhận đầy đủ số cổ phần tăng thêm của cổ đông Nhà nước đúng với giá trị đầu tư của Nhà nước hiện nay tại Bệnh viện.

Cuộc “ly hôn” này không chỉ khiến người ra đi, mà ngay Bệnh viện GTVT cũng gặp rất nhiều khó khăn khi rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan. Cụ thể, trong trường hợp Nhà nước chấp thuận mua lại lô cổ phần T&T, phần vốn nhà nước tại Bệnh viện GTVT sẽ lên tới gần 95%. Số cổ phần còn lại chủ yếu được nắm giữ bởi cán bộ, công nhân viên và công đoàn Bệnh viện GTVT.

Mặc dù cổ đông Nhà nước nắm quyền chi phối tuyệt đối, nhưng do vẫn còn hoạt động theo mô hình công ty cổ phần, Bệnh viện GTVT vẫn sẽ không thể tiếp cận được gói hỗ trợ 25 tỷ đồng/năm từng nhận được từ ngân sách nhà nước trong vai trò là cơ sở y tế công lập.

“Giải pháp tốt nhất là Nhà nước mua lại toàn bộ cổ phần đã bán để tái công lập Bệnh viện GTVT, giúp ổn định hoạt động của một trong những cơ sở khám chữa bệnh uy tín tại Thủ đô”, một lãnh đạo Cục Y tế GTVT (Bộ GTVT) cho biết.

Mông lung số phận Bệnh viện Giao thông Vận tải
Việc thoái lui bất đắc dĩ và chưa từng có tiền lệ với tư cách là cổ đông chiến lược giữ vai trò chi phối của Công ty cổ phần Tập đoàn T&T...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư