Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 22 tháng 12 năm 2024,
Bộ trưởng Bộ Y tế: Quản lý hoạt động quảng cáo thực phẩm chức năng gặp nhiều khó khăn
Nguyễn Lê - 07/11/2024 16:08
 
Từ năm 2022 đến nay, Bộ Y tế đã cấp giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố cho 24.643 sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe, trong đó sản phẩm trong nước chiếm 84,7%.
.

Thực trạng quản lý các mặt hàng thực phẩm chức năng, dược mỹ phẩm và giải pháp xử lý các vi phạm là một trong các vấn đề đã được Quốc hội chọn để chất vấn Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan vào chiều 11/11.

Tại báo cáo gửi các đại biểu Quốc hội về một số nội dung liên quan đến nhóm vấn đề chất vấn tại kỳ họp thứ 8, Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, hệ thống pháp luật quản lý về thực phẩm chức năng tương đối đồng bộ, đáp ứng yêu cầu về quản lý nhà nước.

Từ năm 2022 đến nay, Bộ Y tế đã cấp giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố cho 24.643 sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe, trong đó sản phẩm trong nước chiếm 84,7%.

Bộ này cũng cấp 201 giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm đạt yêu cầu thực hành sản xuất tốt (GMP) thực phẩm bảo vệ sức khỏe.

Báo cáo cũng nêu, Bộ Y tế đã cấp 6.653 giấy xác nhận nội dung quảng cáo; chuyển thông tin của 95 sản phẩm vi phạm trên 184 đường link vi phạm tới Bộ Thông tin và Truyền thông, 92 sản phẩm vi phạm trên 165 đường link vi phạm tới Bộ Công Thương để xử lý.

Bộ Y tế đã thực hiện và chỉ đạo các địa phương thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh các sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe, theo khẳng định của Bộ trưởng Đào Hồng Lan.

Cụ thể Bộ Y tế đã xử lý 126 hành vi vi phạm, với tổng số tiền phạt hơn 16,8 tỷ đồng

Các địa phương đã kiểm tra 941.836 cơ sở, trong đó có 85.551 cơ sở có vi phạm, phạt tiền 20.881 cơ sở, với tổng số tiền phạt hơn 123 tỷ đồng.

Các vi phạm chủ yếu trong hoạt động thanh tra, kiểm tra về thực phẩm chức năng, theo Bộ trưởng Bộ Y tế chủ yếu về sản xuất thực phẩm chức năng giả.

Phần lớn thực phẩm chức năng giả, kém chất lượng được nhập về Việt Nam được các cơ sở thay bao bì, nhãn mác, nguồn gốc xuất xứ và mang đi tiêu thụ. Những sản phẩm làm giả này được bán ra thị trường với giá rẻ hơn hàng thật.

Các vi phạm khác là sản xuất thực phẩm chức năng có chứa chất cấm, sản xuất, kinh doanh thực phẩm chức năng không đúng chất lượng đã công bố; quảng cáo thực phẩm chức năng như thần dược, quảng cáo sai sự thật, quảng cáo lừa dối, gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng.

Sử dụng hình ảnh, thiết bị, trang phục, tên, thư tín của các đơn vị, cơ sở y tế, bác sĩ, dược sĩ, nhân viên y tế, thư cảm ơn của người bệnh, bài viết của bác sĩ, dược sĩ, nhân viên y tế để quảng cáo thực phẩm cũng là vi phạm được chỉ ra qua thanh tra, kiểm tra.

Nhìn nhận hạn chế, Bộ trưởng Đào Hồng Lan nêu, việc quản lý hoạt động quảng cáo thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe còn gặp nhiều khó khăn do sự phát triển của các hình thức quảng cáo qua mạng.

Đặc biệt là khó khăn khi xử lý các vi phạm nhất là trên các trang mạng xã hội, các quảng cáo từ các máy chủ ở nước ngoài.

Các cơ quan chức năng cũng gặp khó khăn trong việc quản lý việc mua bán qua một số hình thức mới như: quảng cáo thông qua hình thức tư vấn bán hàng qua điện thoại, đe dọa, nghiêm trọng hóa tình trạng bệnh nhằm bán thực phẩm chức năng.

Bộ trưởng Bộ Y tế cũng cho biết, việc quản lý chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp được tự công bố sản phẩm thực phẩm bổ sung và sản xuất, kinh doanh ngay sau khi tự công bố mà không cần có ý kiến của cơ quan quản lý.

Tuy nhiên, một bộ phận doanh nghiệp đã lợi dụng cơ chế này để thực hiện không đúng quy định, không gửi hồ sơ tự công bố đến cơ quan quản lý địa phương, công bố không đúng, không đầy đủ, thậm chí không công bố sản phẩm do mình sản xuất, kinh doanh, dẫn đến nhiều sản phẩm không được hậu kiểm và nguy cơ sản phẩm không đảm bảo an toàn, Bộ trưởng nhìn nhận.

Báo cáo cũng nêu nhiều nguyên nhân, trong đó, một số tổ chức, cá nhân vì lợi nhuận bất chấp pháp luật, sức khỏe và tính mạng của cộng đồng.

Cụ thể, nhiều đối tượng lợi dụng nhu cầu sử dụng thực phẩm chức năng cao nên cố tình sản xuất thực phẩm chức năng giả, nhập khẩu thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc về dán nhãn, mác của các dòng sản phẩm của Mỹ, Canada, Nhật, Úc..., cố tình quảng cáo sai sự thật bất chấp quy định, đạo đức.

Thời gian tới, bà Lan cho biết sẽ triển khai nhiều giải pháp, trong đó tăng cường công tác quản lý quảng cáo, nhất là quảng cáo qua mạng xã hội.

Công khai tên cơ sở vi phạm, sản phẩm vi phạm, nội dung vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng theo quy định của pháp luật và có chế tài xử phạt phù hợp; bổ sung hành vi và tăng mức tiền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quảng cáo để đảm bảo tính răn đe.

Tăng cường công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra trong hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm chức năng và xử lý vi phạm cũng là giải pháp được Bộ trưởng nêu.

Về quản lý mỹ phẩm, theo báo cáo, đến nay, Bộ Y tế đã giải quyết 33.938 hồ sơ công bố mỹ phẩm, số lượng hồ sơ đang giải quyết là 3.695 hồ sơ. Giải quyết đơn hàng nhập khẩu mỹ phẩm dùng nghiên cứu, kiểm nghiệm cho 28/28 đơn hàng. Thực hiện kiểm tra, đánh giá 10 cơ sở đề nghị và cấp giấy chứng nhận cơ sở đáp ứng các nguyên tắc, tiêu chuẩn “Thực hành tốt sản xuất mỹ phẩm” của Hiệp hội các nước Đông Nam Á (CGMPASEAN) cho 14 cơ sở.
Thủ tướng yêu cầu quản lý chặt quảng cáo thực phẩm chức năng
Quản lý chặt chẽ hoạt động quảng cáo thực phẩm chức năng là yêu cầu được Thủ tướng Chính phủ đưa ra đối với các Bộ: Y tế, Công...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư