Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 26 tháng 04 năm 2024,
“Bông hồng vàng” phủ sóng nền kinh tế
Anh Hoa - 08/03/2018 07:03
 
Nền kinh tế Việt Nam ngày càng xuất hiện nhiều gương mặt phụ nữ mang trong mình khát vọng xây dựng thương hiệu trị giá tỷ USD, dẫn dắt xu hướng tiêu dùng, chiếm lĩnh thị trường nội địa và vươn ra châu lục.

Kiên trì thực hiện ước mơ

Gần 50 năm cuộc đời gắn với con gà, con vịt và người nông dân, bà Phạm Thị Huân, Tổng giám đốc Công ty Ba Huân được người đời gọi là “Nữ hoàng hột vịt” ở tuổi 64. Làm sao hỗ trợ được nhiều nhất cho người nông dân, giúp họ thoát nghèo là giấc mơ của cả đời bà. Giấc mơ ấy càng thuận hơn khi quỹ đầu tư VOF, thuộc VinaCapital vừa đầu tư 32,5 triệu USD và có thể đầu tư thêm một khoản vốn bổ sung trong vòng 12 tháng tới, nếu Công ty đạt được các cột mốc đã thỏa thuận chung.

Năm 2017, bà Huân được Tạp chí Forbes bình chọn là một trong 50 phụ nữ ảnh hưởng nhất tại Việt Nam. Đặc biệt, bà còn là đại diện duy nhất của Việt Nam nhận Giải thưởng “Nông dân điển hình” của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) khu vực châu Á - Thái Bình Dương trao tặng năm 2016.

doanh nhân nữ ngày càng khẳng định vai trò trong nền kinh tế. Trong ảnh: VCCI trao cúp Bông hồng vàng cho các doanh nữ doanh nhân tiêu biểu.
Doanh nhân nữ ngày càng khẳng định vai trò trong nền kinh tế. Trong ảnh: VCCI trao cúp Bông hồng vàng cho các nữ doanh nhân tiêu biểu.

Xuất phát điểm từ hoạt động kinh doanh thương mại trứng gia cầm, khoảng 10 năm gần đây, Công ty Ba Huân có cuộc lột xác ngoạn mục, lấn sang sản xuất và chế biến. Hiện doanh nghiệp này đang nắm giữ 30% thị phần trứng tại Việt Nam. Công ty quản lý hai trang trại chăn nuôi gia cầm, gồm một trang trại nuôi gà lấy trứng có quy mô 1,5 triệu con và một trang trại nuôi gà thịt có quy mô 400.000 con.

Do năng suất thấp và tập quán chăn nuôi lạc hậu, ngành chăn nuôi gia cầm Việt Nam được đánh giá là chịu áp lực lớn khi nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) được thông qua. Dù vậy, bà Phạm Thị Huân vẫn nhìn thấy vô số cơ hội ở thị trường nội địa. Bà kỳ vọng, doanh thu Công ty Ba Huân sẽ vượt mốc 90 triệu USD (khoảng 2.000 tỷ đồng) trong năm 2018. Ở tuổi 64, nhiều người nghi ngờ khả năng dẫn dắt của bà với Ba Huân trong giai đoạn tăng trưởng tiếp theo, song bà rất tự tin vì Công ty có đội ngũ nhân sự trẻ, được đào tạo bài bản, có thể giúp bà thực hiện giấc mơ.

Năm 2017 cũng là một năm đáng nhớ đối với nữ tướng Lê Hồng Thủy Tiên, Tổng giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Liên Thái Bình Dương (Imex Pan-Pacific, IPP Group). Bà Tiên đã nâng tỷ lệ sở hữu tại IPP lên 59%, nhờ quyết định chuyển giao của chồng mình, ông Johnathan Hạnh Nguyễn.

Bà Thủy Tiên yêu thích kinh doanh thời trang, đặc biệt là các thiết kế lộng lẫy đến từ những thị trường đẳng cấp. Cùng với sự định hướng, dìu dắt của chồng, bà đã kiên trì theo lĩnh vực này, nắm bắt cơ hội, trở thành người tiên phong trong việc đưa những thương hiệu thời trang đẳng cấp của thế giới về Việt Nam. Bất cứ ai làm trong ngành thời trang đều hiểu, bên trong sự hào nhoáng là một chiến trường khốc liệt, IPP phải leo từng nấc thang một để tạo dựng được chữ tín trên thị trường.

Vượt ra khỏi biên giới Việt Nam, thế giới đã biết nhiều hơn đến danh tiếng của các nữ doanh nhân đang dẫn dắt từng ngành nghề. Trong lĩnh vực hàng không, bất động sản, sự xuất hiện của tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo, CEO VietJet Air lọt vào vị trí thứ 780 trong danh sách người giàu thế giới với khối tài sản 3,1 tỷ USD, theo cập nhật mới nhất từ Tạp chí Forbes.

Cùng với đó là những tên tuổi gắn bó nhiều năm với giới kinh doanh và người dân như bà Mai Kiều Liên, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk); bà Nguyễn Thị Mai Thanh, Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Cơ điện lạnh (REE) và bà Nguyễn Thị Nga, Chủ tịch Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank). Họ cũng nằm trong danh sách 50 nữ doanh nhân quyền lực nhất châu Á được Forbes bình chọn năm 2014. Những công ty này phần lớn đã được thế hệ kế thừa tiếp quản, nhưng dấu ấn của họ tại doanh nghiệp khó phai mờ.

Sự trỗi dậy của start-up nữ

Ngày càng có nhiều cơ hội cho người trẻ tham gia vào khởi nghiệp trong các lĩnh vực, khi Chính phủ quyết liệt thúc đẩy chiến lược quốc gia khởi nghiệp. Trong đó, sự trỗi dậy của phái nữ ở địa hạt bán lẻ, hàng tiêu dùng, thời trang khiến nhà đầu tư nam giới ngỡ ngàng. Mặc dù trong cuộc đua gọi vốn, nhiều mồ hôi và nước mắt đã rơi, có người phải rời bỏ cuộc chơi.

Phụ nữ mong muốn ổn định, đó là lối suy nghĩ lâu nay. Nhưng thời đại mới, với tâm lý chủ động, nhiều phụ nữ đã dấn thân khởi nghiệp để khẳng định bản thân, tìm công việc có gắn kết lâu dài, hay lăn xả trong hoạt động xã hội… Việt Nam dần lộ diện những gương mặt mới là những phụ nữ mang trong mình khát vọng xây dựng những thương hiệu giá trị tỷ đô, dẫn dắt người tiêu dùng, xoay chuyển thị trường và đi ra châu lục. Sự trỗi dậy đó đã được nhiều quỹ đầu tư đánh giá cao và bỏ vốn.

Investing in Women Fund là quỹ đầu tư mạo hiểm đầu tiên ở Việt Nam, có tổng giá trị tài sản 45 triệu USD, chỉ đầu tư cho start-up có nhà sáng lập là nữ ở Việt Nam, Indonesia và Philippines. Quỹ ra đời với sự bắt tay của Patamar Capital và Investing in Women Initiative (Chương trình Sáng kiến đầu tư vào phụ nữ) của Chính phủ Australia.

Bà Shuyin Tang, Giám đốc đầu tư Patamar Capital là một nữ doanh nhân người Australia kỳ vọng sẽ tìm ra những công ty thực sự có tiềm năng, nhưng đang bị đánh giá thấp hơn so với khả năng thực tế và những cơ hội mà những nhà đầu tư khác không nhìn thấy. Đặc biệt, Quỹ nhắm tới những nữ doanh nhân tài năng có thể truyền cảm hứng cho các nữ doanh nhân tiếp theo.

“Về cơ hội, phụ nữ mang lên bàn đàm phán những góc nhìn mới. Tôi tin rằng, những doanh nghiệp được sáng lập và lãnh đạo bởi phụ nữ và tạo lợi ích cho phụ nữ đang là một trong những cơ hội thường bị bỏ qua nhất trên thị trường. Là một phụ nữ có sức ảnh hưởng nhất định đến quyết định đầu tư, tôi cảm thấy phải có trách nhiệm trong việc thách thức những thành kiến của bản thân và đầu tư vào những cơ hội này”, bà Shuyin nói.

Ngày nay, trên thương trường, người ta không quan tâm nhiều đến giới tính, mà chủ yếu nhìn vào trí tuệ, kỹ năng và tầm nhìn của doanh nhân. Với đức tính tỉ mỉ, sự tinh tế, nhạy cảm, cộng với tư duy khác biệt, các nữ doanh nhân Việt Nam đang không ngừng khẳng định mình, tham vọng viết lên những kỳ tích mới.

Bắt tay khởi nghiệp ở tuổi 19, nữ doanh nhân trẻ này giờ đã sở hữu công ty tỷ USD
Từ buổi học nhóm với sinh viên cùng trường, Melanie Perkins tạo nên công cụ thiết kế trực tuyến giúp các trường học thiết kế kỷ yếu.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư