Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 20 tháng 04 năm 2024,
Các thương vụ M&A tiêu biểu năm 2014 - 2015, phần 1
Baodautu.vn - 10/09/2015 14:34
 
Tại Diễn đàn Mua bán - sáp nhập năm 2015 (M&A Forum 2015) vừa qua, Ban Tổ chức đã bình chọn danh mục 50 thương vụ M&A tiêu biểu trong năm 2014 - 2015 trên tất cả các lĩnh vực, từ bất động sản, hàng tiêu dùng, tài chính - ngân hàng. Báo Đầu tư online - Baodautu.vn xin giới thiệu lần lượt các thương vụ tiêu biểu trên các lĩnh vực và những đánh giá của giới chuyên môn về các thương vụ.

(1) Ngân hàng Southern Bank  -  Ngân hàng Sacombank

Thời gian

5/2015

Bên A

Sacombank

Bên B

Southernbank

Tính chất

Sáp nhập, Hợp nhất

Tỷ lệ

1:0,75

Giá trị

N/a

Tại phiên họp ngày 16/04/2014, ĐHCĐ SouthernBank đã thông qua chủ trương sáp nhập SouthernBank vào Sacombank. Đồng thời, ủy quyền cho HĐQT được toàn quyền quyết định tất cả vấn đề liên quan đến việc sáp nhập này như quyết định tỷ lệ hoán đổi cổ phiếu, đặt tên ngân hàng sau sáp nhập...

.

 

Sau một năm triển khai thực hiện Nghị quyết của ĐHCĐ nêu trên, tại phiên họp ĐHCĐ thường niên được tổ chức ngày 20/04/2015, HĐQT SouthernBank đã báo cáo tình hình thực hiện công tác sáp nhập Southern Bank vào Sacombank. Ngày 14/7/2015, 99.88% cổ đông của Southernbank đã đồng ý sáp nhập vào Sacombank trong phiên ĐHCĐ bất thường thông qua phương án sáp nhập vào Sacombank.  Trước đó, ngày 11/7, Sacombank cũng đã tổ chức đại hội cổ đông bất thường về việc nhận sáp nhập Southern Bank với hơn 93% cổ đông bỏ phiếu đồng ý.

Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín Sacombank sau khi sáp nhập sẽ có vốn điều lệ đạt trên 18.853 tỷ đồng. Tổng tài sản của tổ chức mới đạt 290.861 tỷ đồng và dự kiến tăng lên gần 355.000 tỷ vào năm 2017,  đưa Sacombank vào top 5 ngân hàng TMCP Việt Nam.

(2) Sáp nhập giữa MHB và Ngân hàng BIDV

Thời gian

5/2015

Bên A

BIDV

Bên B

MHB

Tính chất

Hợp nhất sáp nhập

Tỷ lệ

1:1

Giá trị

150 triệu USD (Khoảng 3.370 tỷ đồng)   

Ngân hàng TMCP Phát triển nhà Đồng bằng sông Cửu Long với thương hiệu MHB chính thức chấm dứt hoạt động từ ngày 22/05/2015. Thủ tục cuối cùng để MHB chính thức hoàn thành sáp nhập vào BIDV được thực hiện khi lãnh đạo hai ngân hàng ký kết biên bản bàn giao toàn hệ thống và công bố sáp nhập MHB vào BIDV tại TPHCM.

.

 

Theo thông tin công bố tại lễ ký kết giữa hai ngân hàng từ cuộc họp báo sau đó, từ ngày 25-5, toàn bộ các chi nhánh của MHB trước đây nay hoạt động với tư cách là chi nhánh của BIDV. BIDV đã chuyển đổi toàn bộ nhận diện thương hiệu của hội sở chính, 44 chi nhánh, 187 phòng giao dịch của MHB trên toàn quốc theo nhận diện của BIDV chỉ trong hai ngày. Việc tiến hành các thủ tục sáp nhập MHB vào BIDV được tiến hành ở cả hai cấp, cấp chi nhánh và cấp hệ thống.

Sau sáp nhập, tổng tài sản BIDV đạt trên 700.000 tỉ đồng, đứng thứ tư trong hệ thống ngân hàng thương mại nội địa về quy mô tài sản. Vốn điều lệ của ngân hàng tăng lên trên 34.000 tỉ đồng. Mạng lưới kênh phân phối mở rộng lên gần 1.000 điểm trên cả nước với tổng số lao động là gần 24.000 người.

Theo đại diện hai bên, việc sáp nhập diễn ra nhanh chóng là nhờ yếu tố quan trọng: hai ngân hàng về bản chất cùng một chủ. Tỷ lệ sở hữu nhà nước tại BIDV trên 96% và tại MHB trên 91%.

(3) VietinBank – PG Bank

Thời gian

05/2015

Bên sáp nhập

PGBank

Bên nhận sáp nhập

VietinBank

Tính chất

Sáp nhập, Hợp nhất

Tỷ lệ

n/a

Giá trị

n/a

Ngày 14/04/2015, theo tờ trình đại hội cổ đông thường niên 2015 Vietinbank đã chính thức xin ý kiến cổ đông phương án sáp nhập NH TMCP Xăng dầu Petrolimex – PGBank vào ngân hàng.  Ngày 22/5/2015, tại Hà Nội diễn ra lễ ký kết Hồ sơ sáp nhập PG Bank vào VietinBank & Thỏa thuận hợp tác toàn diện giữa VietinBank và Petrolimex.

.

 

Theo Vietinbank, ngân hàng sau sáp nhập sẽ trở thành ngân hàng có vốn điều lệ lớn nhất Việt Nam với 40.234 tỷ đồng và vươn lên là ngân hàng lớn thứ hai cả nước sau Agribank về giá trị tổng tài sản lên tới 686.895 tỷ đồng. Theo đó, việc sáp nhập PGBank vào Vietinbank giúp ngân hàng tăng trưởng nhanh, khẳng định vị thế là ngân hàng hàng đầu.

Thương vụ này trong số chương trình tái cấu trúc ngân hàng của ngân hàng nhà nước công bố theo đó giảm số lượng các ngân hàng tại Việt nam và nâng cao chất lượng các ngân hàng thương mại.

(4) MDBank (Ngân hàng TMCP phát triển Mê Kông) – MaritimeBank

Thời gian

08/2015

Bên sáp nhập

MDBank

Bên nhận sáp nhập

Maritime Bank

Tính chất

Sáp nhập

Tỷ lệ

n/a

Giá trị

n/a

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ban hành Quyết định số 1391/QĐ-NHNN chính thức chấp thuận cho Ngân hàng Thương mại cổ phần Phát triển Mê Kông được sáp nhập vào Ngân hàng Thương mại cổ phần Hàng Hải Việt Nam (Maritime Bank) kể từ ngày 12/08/2015.

.

 

Kế hoạch MDB sáp nhập với Maritime Bank chính thức được ông Đào Trọng Khanh - Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) (Maritime Bank) cho biết tại đại hội thường niên của ngân hàng vào sáng 19/04/2014.

Sau sáp nhập, MaritimeBank có số vốn điều lệ lên tới 11.750 tỷ đồng đứng trong  Top 5, tổng tài sản 111.753 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu 14.000 tỷ đồng. Nhân sự của ngân hàng này sẽ tăng lên hơn 5.000 người với số lượng khách hàng cá nhân đạt hơn 1,4 triệu khách hàng cá nhân và gần 30.000 khách hàng doanh nghiệp và mạng lưới giao dịch thuộc Top 3 trong khối ngân hàng thương mại cổ phần.

(5) Credit Saison và HDBank

Thời gian

05/2015

Bên bán

HD Bank

Bên mua

Credit Saison

Tính chất

Phát hành riêng lẻ

Tỷ lệ

49%

Giá trị

n/a

HDFinance là công ty tài chính trực thuộc HD Bank, lĩnh vực kinh doanh chính là cung cấp cho người dân dịch vụ tín dụng bán lẻ. HDFinance đã đóng góp tích cực vào lợi nhuận của HDBank trong 2 năm qua khi tình hình kinh doanh ngày càng được cải thiện.

Ngày 31/3/2015,Thống đốc NHNN đã có công văn chấp thuận cho ngân hàng HDBank chuyển nhượng một phần vốn điều lệ của của Công ty tài chính HDFinance và thay đổi hình thức pháp lý của HDFinance từ  Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên thành Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên. Trong đó, Credit Saison Co., Ltd (Nhật Bản) sở hữu 49% vốn điều lệ của HDFinance. 

.

 

Tháng 5/2015, HDBank và Tập đoàn tài chính Credit Saison của Nhật Bản công bố đã hoàn tất các thủ tục cuối cùng về vốn góp cho kế hoạch hợp tác chiến lược, cùng thỏa thuận thúc đẩy ngành tài chính bán lẻ tại Việt Nam.

Sau khi được chuyển nhượng vốn góp, HD Finance sẽ đổi tên thành HD SAISON Finance

Việc HDBank bắt tay cùng Credit Saison (Nhật Bản) là 1 bước đi chiến lược của HD Bank nhằm biến HDFinance  trở thành một công ty tài chính tiêu dùng hàng đầu được tin cậy nhất tại Việt Nam.

(6) Fairfax Asia và  Tổng CTCP Bảo hiểm BIDV

Thời gian

04/2015

Bên bán

Tổng CTCP Bảo hiểm BIDV (BIC)

Bên mua

Fairfax Asia Ltd

Tính chất

Phát hành riêng lẻ

Tỷ lệ

35%

Giá trị

50 triệu USD

Với kỳ vọng đưa Tổng công ty Bảo hiểm BIDV (BIC) trở thành công ty bảo hiểm phi nhân thọ dẫn đầu về các kênh phân phối hiện đại và dẫn đầu thị trường về khả năng sinh lời, BIDV quyết định bắt tay hợp tác với nhà đầu tư ngoại nhằm tận dụng khoản đầu tư chiến lược, các hỗ trợ kỹ thuật cũng như chuyển giao công nghệ.

Đối tác ngoại trong giao dịch là Fairfax Asia Ltd - công ty con của Fairfax Financial Holding Limited (FFHL) có trụ sở đặt tại Toronto, Canada. Là một Tập đoàn tài chính bảo hiểm toàn cầu, FFHLthông qua các công ty con hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ, tái bảo hiểm và quản lý đầu tư. Tại thời điểm 31/12/2014, FFHLcó vốn chủ sở hữu 9.74 tỷ USD và tổng tài sản 36.13 tỷ USD.

Tháng 5/2015, BIC ký kết Hợp đồng với Fairfax, theo đó, FairFax sẽ mua 35% cổ phần phát hành mới của BIC, tương đương với 41.046.913 cổ phần và trở thành nhà đầu tư chiến lược nước ngoài của BIC.

Giao dịch này dự kiến sẽ hoàn tất trong Quý 3/2015 và phụ thuộc vào phê duyệt của các cơ quan quản lý tại Việt Nam.

Về phần Fairfax, Ông Prem Watsa, Chủ tịch kiêm CEO của hãng cho biết: "Chúng tôi mong muốn đầu tư chiến lược vào BIC và đưa BIC trở thành hãng bảo hiểm phi nhân thọ hàng đầu tại Việt Nam. BIC hiện chiếm lĩnh thị phần lớn ở Việt Nam cũng như Campuchia và Lào, đó là cơ hội lớn để chúng tôi mở rộng thị trường trong khu vực thông qua đối tác tập trung kinh doanh cốt lõi, có khả năng sinh lời tốt ".

(7) Thương vụ giữa Bảo Hiểm PTI và Dongbu Insurance (Hàn Quốc)

Thời gian

Tháng 5/2015

Bên mua

Dongbu Insurance Hàn Quốc         

Bên bán

Bảo hiểm Bưu điện PTI

Tính chất

Phát hành riêng lẻ

Giá trị

45 triệu USD (37%)

Theo hợp đồng đăng ký mua cổ phần ngày 29/1/2015, Tổng Công ty Cổ phần Bảo hiểm Bưu điện đồng ý phát hành 30 triệu cổ phần phổ thông cho Công ty TNHH bảo hiểm Dongbu - một công ty bảo hiểm đến từ Hàn Quốc, qua đó tăng vốn điều lệ lên hơn 803,9 tỷ đồng.  

Ngày 18/5/2015, PTI đã hoàn thành đợt chào bán cổ phiếu phổ thông cho đối tác Hàn Quốc và thu về số tiền hơn 1.077 tỷ đồng với giá bán trung bình 35.912 đồng/cổ phiếu. Đây là mức giá khiến cổ đông bất ngờ khi giá giao dịch hiện tại của PTI chỉ ở quanh mức dưới 18.000 đồng/cổ phần.

Về phía đối tác Hàn Quốc,  sẽ có hơn 37% tổng vốn điều lệ của PTI được nắm giữ. Đây sẽ là cổ đông sở hữu số lượng cổ phần lớn nhất tại PTI, vượt cả cổ đông lớn hiện nay của PTI là Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam (VietnamPost).

(8) Smartlink mua lại Banknetvn

Thời gian

Tháng 12/2014

Bên sáp nhập

Smartlink

Bên nhận sáp nhập

Banknet

Tính chất

Hợp nhất – Sáp nhập

Tỷ lệ

100%

Giá trị

n/a

Ngày 25/12/2014, Công ty Cổ phần Chuyển mạch Tài chính Quốc gia Việt Nam (Banknetvn) và Công ty Cổ phần Dịch vụ Thẻ Smartlink (Smartlink) đã ký kết hợp đồng sáp nhập.

Sau khi Banknetvn và Smartlink sáp nhập sẽ đóng vai trò quan trọng, mở ra khả năng đẩy nhanh quá trình hiện đại hóa công nghệ trong thanh toán, nâng cao năng lực tài chính, quản trị và đáp ứng tốt yêu cầu của các tổ chức tài chính tín dụng về dịch vụ trung gian thanh toán, đủ năng lực thực hiện vai trò làm đầu mối kết nối duy nhất với các tổ chức quốc tế.

Bên cạnh đó, Công ty sau sáp nhập cũng sẽ thực hiện nhiệm vụ rà soát, tổ chức sắp xếp lại hệ thống ATM, POS của các ngân hàng thương mại theo hướng nâng cao hiệu quả đầu tư, giảm chi phí xã hội, cải thiện chất lượng dịch vụ, phát triển và đa dạng hóa các dịch vụ giá trị gia tăng trên nền tảng hệ thống chuyển mạch thống nhất. 

(9) VPBank mua lại Công ty tài chính TKV

Thời gian

2014

Bên mua

VPbank

Bên bán

Tập đoàn Than khoáng sản

Tính chất

Mua lại

Giá trị

n.a

Vào tháng 6/2014, Chính phủ đồng ý về chủ trương cho phép Tập đoàn Than-Khoáng sản (Vinacomin) bán 100% vốn điều lệ tại Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên tài chính Than-Khoáng sản Việt Nam (CMF) cho VPBank.

Việc Vinacomin bán lại phần vốn tại CMF cho VPBank nhằm thực hiện chủ trương thoái vốn đầu tư ngoài ngành của các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước, tái cơ cấu hệ thống tổ chức tín dụng.

Ngoài ra, đây cũng là mục tiêu của VPBank trong việc hiện thực hóa định hướng tập trung cung cấp dịch vụ tín dụng tiêu dùng, là một phần của chiến lược bán lẻ của VPBank.

(10) SHB – Công ty tài chính Vinaconex-Viettel

Thời gian

2014

Bên bán

Vinaconex Viettel Finance

Bên mua

SHB

Tính chất

Mua lại

Tỷ lệ

100%

Giá trị

n/a

Đại hội cổ đông Ngân hàng Sài Gòn - Hà Nội (SHB) thông qua việc Ngân hàng SHB phát hành 100 triệu cổ phần để hoán đổi toàn bộ cổ phiếu của Công ty Tài chính Viettel - Vinaconex (VVF) theo tỷ lệ 1:1. Chủ tịch SHB - ông Đỗ Quang Hiển cho biết sau khi sáp nhập, VVF sẽ phát triển thành công ty tài chính tiêu dùng. "Việc nhận sáp nhập công ty này sẽ giúp SHB có được thế mạnh từ hệ thống khách hàng của Viettel để đẩy mạnh mảng dịch vụ tiêu dùng. Ngoài ra, tổng tài sản của VVF theo đánh giá thì cao hơn mệnh giá của cổ phiếu VVF hiện nay, vì vậy, việc hoán đổi cổ phiếu VVF – SHB theo tỷ lệ 1:1 là hợp lý"

 VVF có vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng, trong đó Tổng công ty Xuất nhập khẩu và xây dựng Việt Nam (Vinaconex) và Tập đoàn Viễn thông quân đội Việt Nam (Viettel) là cổ đông lớn nhất, sở hữu 65% vốn điều lệ. Tuy nhiên, trong bối cảnh các tập đoàn, tổng công ty phải thoái vốn đầu tư ngoài ngành, từ cuối năm 2014, thị trường đã có thông tin SHB muốn nhận sáp nhập VVF để phát triển mảng cho vay tiêu dùng.

(Còn tiếp)

Sáp nhập SouthernBank vào Sacombank: Khép lại một thương vụ ồn ào
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) vừa có công văn chấp thuận nguyên tắc việc sáp nhập SouthernBank vào Sacombank. Công văn chính thức khép lại...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư