Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Cảnh báo dịch Covid-19 lây lan nhanh tại các khu công nghiệp, nhà trọ tại Bình Dương
D.Ngân - 12/07/2021 09:24
 
Đại diện Bộ Y tế lo ngại dịch Covid-19 có xu hướng lây lan nhanh tại các khu công nghiệp, nhà trọ tại tỉnh Bình Dương.

Ngày 12/6, Bình Dương phát hiện ca bệnh đầu tiên là bệnh nhân Covid-19 đầu tiên là bệnh nhân 10584, có địa chỉ ở phường Tân Phước Khánh, thị xã Tân Uyên, làm nghề bán trà sữa tại phường Phú Mỹ, TP Thủ Dầu Một.

Dịch ở Bình Dương đang có diễn biến phức tạp.

Từ đó, địa phương này liên tiếp ghi nhận các ca mắc mới và tạo ra hàng loạt chuỗi lây nhiễm như Công ty House Wares, Công ty Hiền Hòa Anh, Công ty xử lý rác thải, Công ty Puku thuộc khu công nghiệp Đồng An (TP Thuận An)... Tính đến sáng ngày 12/7, Bình Dương đã ghi nhận tổng cộng 1.500 ca mắc Covid-19 trong làn sóng thứ 4.

Ông Nguyễn Hồng Chương, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bình Dương, cho biết hiện tỉnh đã phát hiện nhiều ca bệnh là người lao động, công nhân trong các công ty, khu công nghiệp. Cụ thể: Công ty Premier Global Việt Nam có 78 ca, công ty Wanek 2 có 28 ca…

Dịch bệnh đã xuất hiện ở 45 công ty/xí nghiệp và hàng chục khu nhà trọ công nhân. Tích lũy từ đầu mùa dịch đến nay, tỉnh đã thực hiện 57.255 mẫu xét nghiệm cho 130.003 lượt người.

Về năng lực xét nghiệm theo Giám đốc Sở Y tế Bình Dương, tỉnh có gần 600 đội lấy mẫu xét nghiệm, trong đó, 150 đội là cán bộ, sinh viên Đại học Y Hà Nội chi viện cho tỉnh. Với lượng nhân lực trên, năng lực lấy mẫu của tỉnh có thể đạt trên 100.000 dân/ ngày. Tỉnh đang xây dựng kế hoạch vận động thêm và tập huấn cho lực lượng đoàn viên thanh niên, năng lực lấy mẫu sẽ tăng lên nhiều hơn.

Về năng lực chạy mẫu xét nghiệm, tỉnh đang có 12 máy rRT-PCR, trong đó, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) có 5 máy, còn lại ở các trung tâm y tế huyện. Ngoài ra, tỉnh đang ký kết hợp tác với một đơn vị tư nhân, đơn vị này cam kết trả kết quả xét nghiệm trong vòng 20 giờ. Mỗi ngày, các đơn vị có thể chạy được 5.000 mẫu đơn, tương đương 50.000 mẫu gộp.

“Vật tư y tế cho việc lấy mẫu xét nghiệm sắp hết, Sở Y tế huy động hơn 200 tỷ để tích cực mua sắm vật tư thiết bị y tế, bảo đảm cho chiến dịch lấy mẫu xét nghiệm trên diện rộng sắp tới”, ông Nguyễn Hồng Chương nêu.

Theo ông Chương, khó khăn lớn nhất hiện nay là công tác tổ chức lấy mẫu. Cụ thể, những ngày vừa qua, tỉnh gặp một số trục trặc do việc bố trí phương tiện, phân công chưa hợp lý, lập danh sách lấy mẫu còn lúng túng. Tuy nhiên, đến nay, các khó khăn cơ bản được khắc phục. Công tác huy động người dân đến lấy mẫu đã được cải thiện hơn.

Trong buổi làm việc với tỉnh Bình Dương về tình hình chống dịch Covid-19, ông Dương Chí Nam, Phó cục trưởng Cục Quản lý môi trường y tế, Bộ Y tế nhận định Bình Dương phát hiện nhiều ca mắc Covid-19 qua điều tra dịch tễ. Điều đó cho thấy tỉnh có nhiều ổ dịch đang âm ỉ, nguy cơ bùng phát trên diện rộng.

Bên cạnh đó, Bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế hỗ trợ chống dịch Covid-19 đã có những trao đổi, "hiến kế" với ngành Y tế tỉnh Bình Dương trong công tác tổ chức lấy mẫu xét nghiệm, truy vết ca bệnh.

Ông Dương Chí Nam, Phó cục trưởng Cục Quản lý môi trường y tế, nhận định số ca bệnh được phát hiện trên địa bàn tỉnh thông qua quá trình điều tra dịch tễ, đặc biệt, nhiều ca bệnh là người lao động trong khu công nghiệp được phát hiện mắc Covid-19 khi đến khám tại các cơ sở y tế. Điều đó cho thấy có thể trong cộng đồng, nhiều ổ dịch đang âm ỉ, nguy cơ bùng phát trên diện rộng.

Trước tình hình đó, năng lực rRT-PCR của tỉnh chưa đến 5.000 mẫu đơn, tương đương 50.000 mẫu gộp, và 45.000 test nhanh còn rất hạn chế. Tỉnh Bình Dương cần nhanh chóng nâng cao năng lực rRT-PCR, đặc biệt là test nhanh. Mua sắm tối thiểu 500.000 test nhanh và thậm chí nhiều hơn để “gối đầu” cho những đợt lấy mẫu xét nghiệm sau.

Bên cạnh đó, chính quyền cấp xã phường cần tham gia tích cực hơn trong công tác tổ chức phân luồng, đảm bảo khoảng cách tại các điểm lấy mẫu, tránh ùn tắc trong quá trình lấy mẫu.

Các cơ sở sản xuất, khu công nghiệp cần có kế hoạch lấy mẫu cụ thể, không bố trí lấy mẫu tập trung với quy mô nhiều công ty. Việc lấy mẫu cần bố trí tại từng công ty, phân xưởng để đảm bảo khoảng cách.

Về chiến lược xét nghiệm, GS.TS Lê Thị Quỳnh Mai, Phó viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, cho hay tỉnh cần nhanh chóng tầm soát trong toàn cộng đồng để đánh giá rõ về tình hình và nguy cơ lây nhiễm của toàn địa bàn, truy vết, khoanh vùng sớm. Tuy nhiên, công tác tổ chức và triển khai lấy mẫu cần có chiến lực.

Đối với phương pháp khẳng định rRT-PCR, với năng lực hiện tại, khả năng trả lời kết quả trong 24 giờ trong khi số lượng mẫu quá lớn sẽ khó có thể đảm bảo được. Do đó, tỉnh cần cân đối số lượng mẫu, mẫu lấy cần có tập trung, trọng điểm ở những khu vực nguy cơ cao.

Trong giai đoạn hiện nay, chiến lược phối hợp giữa test nhanh và rRT-PCR sẽ mang lại nhiều hiệu quả trong công tác truy vết. Theo đó, tỉnh cần ưu tiên thực hiện test nhanh, cho kết quả sớm, từ đó, kịp thời nhận diện những mẫu có nguy cơ và khẳng định bằng rRT-PCR.

Với ổ dịch đang phức tạp nhất hiện nay là TP.HCM, theo lãnh đạo Sở Y tế, cơ quan này đã đề nghị các đơn vị không trả kết quả xét nghiệm dương tính cho người bệnh và không để họ tự do đi lại ngoài cộng đồng.

Trong văn bản khẩn gửi các bệnh viện trên địa bàn và cơ sở xét nghiệm SARS-CoV-2, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM Tăng Chí Thượng cho biết hiện nay, số lượng ca bệnh Covid-19 phát hiện qua khám sàng lọc tại các cơ sở khám, chữa bệnh rất lớn, có thể hơn 100 ca/ngày.

Tuy nhiên, thông tin ca bệnh từ các đơn vị gửi về Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM (HCDC) không đầy đủ, đặc biệt là thông tin cá nhân, gây nhiều khó khăn cho công tác điều tra truy vết.

Sở Y tế đề nghị các phòng khám đa khoa, phòng xét nghiệm đủ điều kiện làm test nhanh kháng nguyên nhưng chưa được Bộ Y tế công bố đủ điều kiện xét nghiệm khẳng định rRT-PCR, cần lưu ý chuyển mẫu bệnh phẩm đến đơn vị đủ điều kiện.

Khi người bệnh có test nhanh kháng nguyên dương tính, cơ sở y tế cần khẩn trương lấy mẫu đơn để xét nghiệm rRT-PCR, phối hợp trung tâm y tế trên địa bàn để cách ly người bệnh ở khu cách ly tập trung quận, huyện và báo cáo về HCDC.

Sở Y tế TP.HCM đặc biệt lưu ý các đơn vị tuyệt đối không được trả kết quả xét nghiệm rRT-PCR dương tính cho người bệnh, để họ đi lại tự do làm tăng nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng.

Đối với người bệnh có chỉ định hoặc có nhu cầu xét nghiệm SARS-CoV-2, Sở Y tế TP.HCM phân loại 2 trường hợp cụ thể như sau.

Trường hợp người bệnh có triệu chứng nghi nhiễm: Lấy mẫu test nhanh kháng nguyên và hướng dẫn người bệnh ở lại chờ kết quả xét nghiệm. Nếu test nhanh dương tính, tiếp tục lấy mẫu đơn làm rRT-PCR, chuyển viện nếu kết quả này dương tính. Nếu test nhanh âm tính, người bệnh được trả kết quả xét nghiệm và tự theo dõi sức khỏe tại nhà.

Trường hợp người bệnh không có triệu chứng nghi nhiễm: Nếu test nhanh dương tính, người bệnh được cách ly tạm thời, lấy mẫu đơn làm xét nghiệm rRT-PCR và chuyển viện nếu kết quả này dương tính. Nếu test nhanh âm tính, người bệnh được trả kết quả xét nghiệm.

Sở Y tế TP.HCM lưu ý các đơn vị khi lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 phải đảm bảo phân luồng hợp lý, tuân thủ giãn cách, tránh ùn ứ người bệnh, làm tăng nguy cơ lây nhiễm. Đặc biệt là thu thập đầy đủ thông tin của người bệnh để khi cần vẫn có thể điều tra, truy vết.

Khi các cơ sở y tế phát hiện trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 (qua test nhanh hoặc rRT-PCR), phải thực hiện đầy đủ, chính xác các thông tin vào “Phiếu điều tra trường hợp xét nghiệm SARS-CoV-2 dương tính”, sau đó thông báo, gửi phiếu về HCDC trong vòng một giờ, không chờ đợi để gửi cùng lúc.

Từ ngày 5/7, người từ TP.HCM, Bình Dương đi, đến Đồng Nai phải có xét nghiệm âm tính
Từ 0h ngày 5/7, tất cả người đi, về, đến Đồng Nai từ TP.HCM và Bình Dương phải có giấy xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 trong vòng 7 ngày.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư