Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 11 tháng 01 năm 2025,
Cảnh báo hệ luỵ khi người trẻ nghiện game
Mộc An - 10/08/2023 15:29
 
Thay vì tập trung học hành, làm việc, game khiến nhiều người trẻ rời xa thực tại, đắm chìm trong thế giới ảo.

Các chuyên gia Viện Sức khỏe tâm thần (Bệnh viện Bạch Mai) cảnh báo nhiều hệ luỵ khi học sinh, thanh, thiếu niên nghiện game online. Nam thanh niên tên P.M.Q (22 tuổi ở Hà Nội) được người nhà đưa đến Viện Sức khỏe tâm thần vì tính tình thay đổi, dễ cáu gắt do chơi game rất nhiều.

Theo chia sẻ của mẹ Q., em vốn là sinh viên khoa công nghệ sinh học của Trường đại học Mở. Cha mẹ ly hôn từ khi Q. còn học lớp 7, hiện tại bệnh nhân đang ở cùng mẹ. Vì gia đình đổ vỡ nên Q. được mẹ rất chiều chuộng.

Khi hôn nhân cha mẹ tan vỡ cũng là lúc Q. bắt đầu chơi game online. Ban đầu chỉ là được bạn bè rủ chơi cùng, sau đó Q. lấy đó giải tỏa căng thẳng trong học tập và quen nhiều bạn bè hơn. Dần dà, Q. mải mê chơi game, trung bình 10-12 tiếng/ngày, thậm chí em còn bỏ bữa hoặc chỉ ăn uống qua loa như mỳ tôm.

Chia sẻ về bệnh nhân này, Ths-Bs. Nguyễn Thành Long (Viện Sức khỏe tâm thần) cho hay, Q. được chẩn đoán mắc hội chứng nghiện game online, kèm rối loạn cảm xúc hành vi, rối loại giấc ngủ. 

Theo các chuyên gia, việc ngồi quá lâu trước màn hình điện thoại, máy tính sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến mắt, xương sống, ngón tay, hay gây rối loạn giấc ngủ. Nguy hiểm hơn, những người trẻ nghiện game còn gánh chịu hậu quả khôn lường về mặt tâm sinh lý.

Chẳng hạn, một hình ảnh tươi mát, tính cách quái dị, lối sống kỳ bí sẽ dễ in sâu vào suy nghĩ, định hướng cuộc sống của người chơi. Điều này dễ dẫn đến nhận thức sai về giá trị sống, xác định phong cách sống quái lạ và tính ích kỷ, tự tôn. Nhiều đứa trẻ vì quá mê game mà sinh ra những thói hư, tật xấu như nói dối, trộm tiền bố mẹ, thậm chí có cả hành vi cướp bóc… nhằm kiếm tiền, thỏa mãn thú vui.

Trẻ có thể bị game chi phối, tìm mọi cách để có tiền và thời gian chơi, bắt chước game, có hành vi hung hãn, dẫn đến những hệ quả vô cùng nghiêm trọng và đáng tiếc như đánh bố mẹ, đi cướp tiền chơi game, bắt chước “làm theo game”, hay có hành động tự tử đầy đau xót như sự việc nam sinh lớp 8 xảy ra mới đây.

Theo thống kê của Viện Sức khỏe tâm thần, bệnh nhân ở nhóm 10-24 tuổi chiếm 43% điều trị nội trú về nghiện Internet, nghiện game online. Bs. Bùi Nguyễn Hồng Bảo Ngọc (Bệnh viện Bạch Mai) chia sẻ, các yếu tố thúc đẩy nghiện game thường thấy là ở tuổi thanh thiếu niên. Sự phát triển tâm sinh lý muốn trở thành người lớn, muốn được tôn trọng, song bố mẹ giáo dục bằng roi vọt hay áp đặt, trẻ thấy cô đơn, bất mãn, chán nản, tìm đến hơi game như một cách thể hiện bản thân và cảm xúc. Ngoài ra, thiếu địa điểm vui chơi; trẻ tự ti về bản thân; sức hấp dẫn của trò chơi điện tử; môi trường xung quanh có nhiều người chơi game online...

Người nghiện game tăng mức độ ưu tiên dành cho việc chơi game. Trò chơi điện tử được ưu tiên hơn các lợi ích cuộc sống khác và hoạt động thường ngày. Thậm chí, trẻ nghiện game online còn có xu hướng trì hoãn những việc cấp bách, ví dụ như hạn chót làm bài tập, ôn thi...

Nghiện game là bệnh, thuộc nhóm đối tượng bị rối loạn. Tuy nhiên, khi đã nghiện game và lấn sâu vào thế giới ảo khiến cho người chơi rất khó mà thoát ra được. Do đó, người nghiện game cần được sự quan tâm, cũng như hỗ trợ nhiều của người thân và gia đình để có thể thoát khỏi tình trạng này.

Gia đình có con nhỏ bị nghiện game online không nên quát tháo hay nặng lời, đánh mắng trẻ. Thay vào đó, sự quan tâm đúng mực, đúng cách sẽ giúp trẻ nhiều hơn. Theo Bs. Ngọc, để phát hiện sớm trẻ nghiện game online, cần lưu ý đến thời gian trẻ sử dụng Internet. Thời gian sử dụng không quá 2 tiếng/ngày nghỉ và 1 tiếng/ngày bình thường, không tính thời gian dùng vào việc học tập.

Giải quyết bài toán về nguồn nhân lực cho ngành sản xuất nội dung game
Sự bùng nổ của ngành công nghiệp game đã tạo ra nhiều cơ hội nghề nghiệp mới. Làm thế nào để một studio game xây dựng và phát triển nguồn...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư