Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 19 tháng 04 năm 2024,
Câu chuyện lạm phát của Nhật Bản qua 3 vật dụng hàng ngày
Tư Thuần - 09/03/2023 16:34
 
Xung đột Ukraine và đại dịch kết hợp đã làm được điều mà Ngân hàng trung ương Nhật Bản không thể làm trong hàng thập kỷ qua: thúc đẩy giá cả tại một nền kinh tế đình trệ.

Khi được hỏi về tác động của lạm phát trong phiên họp nghị viện gần đây, giáo sư Kazuo Ueda, người được Chính phủ đề cử làm Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) cho biết, ông không thể mua được một bữa cơm trưa tại cửa hàng tiện lợi ở trường đại học với đồng 500 yên (3,7 USD) nữa.

Bữa ăn với giá chỉ 1 đồng 500 yên từ lâu đã là “biểu tượng” cho việc nền kinh tế Nhật Bản chìm sâu trong giảm phát. Tuy nhiên, hiện tại, 500 yên đã không còn đủ để mua một bát tempura (món chiên với hải sản và rau củ tẩm bột) tại Tokyo. Giá cả một số loại chocolate và sốt sukiyaki đã tăng lần đầu tiên sau hàng thập kỷ, trong khi vé tàu điện cũng lần đầu tiên tăng trong gần 30 năm qua.

Giá cả tại Nhật Bản đang tăng ở mức nhanh nhất trong 4 thập kỷ qua, tạo nên thách thức cho chính sách tiền tệ của BOJ trong thời gian tới, cũng như cú sốc đối với người dân xứ sở hoa anh đào.

Giá cả tiêu dùng lõi tại Nhật Bản đã vượt qua mức mục tiêu của BOJ trong 9 tháng liên tiếp, với tốc độ tăng 4,2% trong tháng 1/2023. Trong khi giáo sư Kazuo Ueda cho rằng, lạm phát đã đạt đỉnh, vẫn còn nhiều ý kiến lo ngại về đà tăng của giá cả tiêu dùng trong thời gian tới, nhất là khi giá tiêu dùng, bao gồm cả đồ ăn và chi phí năng lượng đã tăng 3,2% trong tháng 1/2023, tốc độ tăng nhanh nhất kể từ năm 1990.

Diễn biến tăng giá tiêu dùng tại Nhật Bản kể từ năm 2018 tới nay

3 vật dụng hàng ngày dưới đây sẽ nói lên câu chuyện về lạm phát của Nhật Bản, cũng như tác động của nó tới người tiêu dùng và doanh nghiệp tại quốc gia này.

Món gà rán Karaage-kun

Với nhiều người dân, lạm phát thực sự gây ấn tượng khi chuỗi cửa hàng tiện lợi Lawson tại Nhật Bản lần đầu tiên tăng giá món gà rán Karaage-kun 10% lên 238 yên. Đây là lần tăng giá đầu tiên kể từ khi công ty tung sản phẩm này ra thị trường năm 1986. Nguyên nhân xuất phát từ việc chi phí các loại nguyên liệu, vận chuyển và đóng gói gia tăng.

“Chúng tôi muốn tiếp tục giữ nguyên giá mặt hàng này, nhưng các loại chi phí khác đã ở mức không thể xoay sở được nữa”, người phát ngôn Lawson cho biết.

Lần đầu tiên tăng món gà rán Karaage-kun tăng giá kể từ năm 1986 tới nay

Xung đột tại Ukraine – nhà cung ứng bột mỳ lớn nhất thế giới đã khiến giá bột mỳ trên toàn cầu leo dốc, đẩy chi phí nhập khẩu mặt hàng này của Nhật Bản tăng cùng chiều. Nhật Bản nhập khẩu tới 90% lượng bột mỳ phục vụ thị trường nội địa.

Đáng chú ý, giá cả sẽ còn tiếp tục gia tăng trong thời gian tới. Công ty cung cấp dữ liệu Teikoku Databank dự báo, 15.800 loại thực phẩm tại Nhật Bản sẽ tăng giá cho tới tháng 4/2023, với mức tăng trung bình 16%.

Đậu phụ

Ngay cả khi đã tiến hành tăng giá, Ryuji Yamaguchi – người đứng đầu nhà cung cấp đậu phụ tại Hokkaido vẫn vật lộn để duy trì kinh doanh trong nỗi lo sợ khách hàng sẽ rời bỏ, nhất là khi nhiều khả năng sẽ có thêm đợt tăng giá nữa mùa hè năm nay.

Năm ngoái, Yamaguchi đã tăng giá đậu phụ lên 10% nhằm bù đắp chi phí nhập khẩu đậu tương. 60% lượng đậu nguyên liệu đầu vào của Công ty phụ thuộc vào nhập khẩu. Vậy nhưng, giá nhập đậu đã tăng gấp ba lần trong thời gian qua, khiến doanh nghiệp vẫn tiếp tục báo lỗ.

“Năm ngoái chúng tôi đã tăng giá 10%, nhưng cũng chỉ là mức tối thiểu để có thể duy trì hoạt động”, Yamaguchi nói và cho biết, Công ty đang là nhà cung ứng cho loạt siêu thị, trường học và bệnh viện tại Hokkaido.

Một vấn đề nhức nhối khác là mức lương tăng lên. Ngành công nghiệp thực phẩm đang chịu nhiều áp lực nhưng nếu giá cả leo thang, người lao động cũng sẽ cần mức lương tăng thêm. Cho tới nay, Yamaguchi chưa thể xoay sở để tăng lương cho nhân công, vậy nên ông buộc phải giảm giờ làm.

Tình huống của Yamaguchi là trường hợp điển hình của cả hệ thống doanh nghiệp trong chuỗi tăng giá, tăng lương và các loại chi phí. Trong khi các công ty lớn như Toyota, Nintendo và Uniqlo có thể đáp ứng nhu cầu tăng lương, các doanh nghiệp nhỏ và vừa không có nhiều sự lựa chọn.

Thiết bị vệ sinh Toto

Đồng yên mất giá, chuỗi cung ứng đứt gãy vì Covid-19 và chi phí vận chuyển, năng lượng gia tăng đã khiến giá các mặt hàng thiết bị dân dụng leo dốc trên toàn quốc. Giá của các hàng hoá như tủ lạnh, nồi cơm điện, máy chơi trò chơi PlayStation của Sony… đều điều chỉnh tăng.

Toto – nhà sản xuất thiết bị vệ sinh lớn nhất Nhật Bản với doanh thu thường niên khoảng 5 tỷ USD trong tháng 1/2023 đã thông báo sẽ tăng giá mặt hàng thông dụng nhất là bồn cầu với mức tăng 8%. Trước đó, công ty 106 năm tuổi này cũng đã phải tăng giá khoảng 135 trong tháng 10/2022.

Trong đại dịch, tình trạng thiếu giấy vệ sinh diễn ra, doanh số bán mặt hàng bồn cầu với vòi xịt của Toto tăng trưởng mạnh tại Mỹ. Tuy nhiên, Công ty gặp khó khăn trong sản xuất khi thiếu các thành phần và chuỗi cung ứng đứt gãy.

Đáng chú ý, Toto đã đầu tư và sử dụng hàng loạt robot trong hoạt động nhằm giảm chi phí sản xuất, nhưng hiệu quả mang lại không đủ bù đắp cho đà tăng chóng mặt của các loại nguyên vật liệu.

Bức tranh của thị trường chung cho thấy, Thống đốc tiếp theo của BOJ sẽ đối diện nhiều thách thức, nhất là việc đạt được mục tiêu đưa lạm phát ổn định ở mức 2%, đồng thời không để nền kinh tế Nhật Bản rơi vào giảm phát.

Bộ Công thương đề xuất 8 nội dung hợp tác năng lượng với Nhật Bản
Định hướng phát triển ngành năng lượng và Chương trình chuyển đổi năng lượng tại Việt Nam mang tới cơ hội hợp tác rất lớn dành cho các nhà...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư