Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 16 tháng 01 năm 2025,
Chàng trai Tây học “mê” nông nghiệp, nông dân
Lã Quý Hưng - 22/06/2013 05:37
 
Từng sớm lăn lộn ở trời Tây, ước mơ làm những khu thương mại lớn, nhưng rồi lựa chọn của anh vẫn là gắn với bà con nông dân. Với sự chèo lái của doanh nhân Đặng Quốc Thái, Công ty TNHH Thiên Trường đã trở thành một nhà cung cấp dịch vụ trọn gói trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp.
TIN LIÊN QUAN

Vừa đi học, vừa tập kinh doanh

Biết Thiên Trường Plaza từ những ngày đầu khởi công xây dựng, nhưng khi gặp Giám đốc Đặng Quốc Thái và qua trò chuyện, tôi thật bất ngờ, bởi chàng trai tuổi đời tầm 40, nhưng đã có đến một nửa thời gian lăn lộn trên thương trường trong và ngoài nước.

Doanh nhân Đặng Quốc Thái

Thái trầm ngâm trở về quãng tuổi thơ lận đận. Ngay năm học lớp 12, nhà đông con, bố công chức, anh em phải mặc quần áo của nhau.

Ngồi trong lớp, nhưng đầu óc lại nghĩ đến việc mua hộp phấn, đôi dép… bán lại kiếm chút chênh lệch. Vừa ôn thi đại học, vừa mở lò bánh mỳ để kiếm sống.

Thái vào Đà Nẵng học nghề, rồi trở lại quê tổ chức sản xuất bia. Hơn 20 năm trước, ở Thái Bình, bia còn khan hiếm, nên bia của Thái bán được cả ngàn chai mỗi ngày, lãi lời cũng khá.

Khi nhà máy bia ong đi vào hoạt động, Thái chuyển sang dạy nghề nấu bia cho bà con ở dưới huyện. Thái nhớ, cứ chuyển giao kỹ thuật nấu hoàn chỉnh là thu 7 chỉ vàng.

Nước Đức và câu chuyện 2.000 USD

Bất ngờ nhất về con đường lập nghiệp của Thái là câu chuyện đi lao động nước ngoài đầy phiêu lưu, mạo hiểm. Cách đây 19 năm, lúc mới 22 tuổi, Thái đã “ném 5.000 USD” - số tiền tích lũy sau mấy năm sản xuất, kinh doanh và vay mượn - cho một môi giới ở Việt Nam rồi theo “đường dây” vượt sang Campuchia, Thái Lan, Nga, Séc và cuối cùng sang Đức.

Trên lộ trình xuyên quốc gia ấy, có lúc như trên đất Campuchia, Thái cùng đoàn người từng bị súng ngắn lạnh ngắt dí vào cổ. Hỏi vì sao mạo hiểm thế, lặng im một lúc, Thái trả lời: “Lúc đó chưa phải vì tiền, mà là thỏa mãn tính thích khám phá cái mới, muốn mở mang tầm mắt, ra nước ngoài xem họ thế nào”.

Và khác với nhiều lao động làm thuê cho người Trung Quốc kiếm tiền ngay, Thái xác định sẽ làm thuê cho người Đức và như thế phải khẩn trương học tiếng. Đó là một quyết định đúng. Làm cho người Đức lương cao gấp 4 lần làm cho người Trung Quốc và quan trọng là học hỏi ở họ được rất nhiều mặt trong sản xuất, kinh doanh, kể cả những điều trong cuộc sống hàng ngày. Đến đây, Thái kể câu chuyện 2.000 USD.

Thái được nhận vào làm lễ tân, bồi bàn ở một khách sạn lớn. Với vốn kinh nghiệm kinh doanh đã có, cùng thái độ cầu thị, cộng với sự năng động, tháo vát, Thái nhanh chóng chiếm được cảm tình của ông chủ người Đức. Một lần trong lúc làm việc, Thái nhặt được 2.000 USD, không chút băn khoăn, anh đã đưa lại cho ông chủ. Từ đó, ông càng tin tưởng, quý mến và giao cho anh trọng trách tổng quản lý toàn bộ khách sạn, toàn quyền quyết định các công việc trong thời gian vợ chồng ông đi xa.

Thái chia sẻ thêm, 6 năm ở Đức, Thái tranh thủ thời gian để đi thăm và tìm hiểu tình hình phát triển kinh tế của nhiều nước trong khối EU. Trong những chuyến đi này, hình ảnh các khu thương mại hiện đại đã ám ảnh sâu trong tâm trí anh.

Rồi một ngày cuối năm, ông chủ người Đức gọi anh và bảo: “Tôi rất yêu quý cậu, nhưng cậu nên về Việt Nam, vì đây không phải mảnh đất của cậu”.

Chọn con đường gắn bó với nông dân

Năm 2000, Đặng Quốc Thái tạm biệt đất nước Đức, lên máy bay về nước. Với vốn liếng chẳng nhiều nhặn gì, nhưng Thái vẫn ôm ấp mở một siêu thị. Nghe dự định này của Thái, mọi người coi như chuyện viễn tưởng.

Ước mơ lớn đành gác lại và công việc ban đầu của Thái là kinh doanh xe máy. Được 2 năm, nắm bắt chủ trương của tỉnh Thái Bình, Thái triển khai Dự án trồng hoa hồng, nuôi đà điểu theo mô hình xây dựng cánh đồng 50 triệu đồng/ha. Sau 2 năm đầu tư, hoa hồng nở đẹp, đà điểu lớn nhanh, nhưng không đem lại hiệu quả.

Nhưng “cái khó ló cái khôn”. Sau đó, Thái đã quyết định chuyển hướng sang xây dựng khu thương mại vốn đã ấp ủ từ lâu. Nhưng lấy đâu ra tiền để đầu tư? Một chiều lang thang, với phản xạ nhiều năm lăn lộn trên thương trường, Thái phát hiện có một doanh nghiệp đang đầu tư xây dựng một khu đô thị mới. Sau khi gặp gỡ và bàn bạc, Thái quyết định hành nghề san lấp công trình, với mục tiêu trước mắt là kiếm mặt bằng cho khu thương mại của mình.

Nhưng thật bất ngờ, không chỉ lấp đủ mặt bằng của mình, mà số tiền bán đất thịt cho cơ sở làm gạch đã giúp Thái đủ tiền xây hàng rào bao quanh Thiên Trường Plaza. Hơn thế, lượng đất cần vận chuyển vẫn còn rất lớn, lập tức Thái đầu tư thêm phương tiện, nhân lực nhận san lấp các công trình.

Kết quả sau gần 6 năm hành nghề lấp trũng, Đặng Quốc Thái đã tích lũy được số vốn gấp nhiều lần số tiền 6 năm lao động tại Đức, tới hàng chục tỷ đồng, cơ bản đủ để xây dựng khu thương mại mà anh từng ao ước. Và Thiên Trường Plaza, với diện tích 6.000 m2 sừng sững ở cửa ngõ TP. Thái Bình đã được khánh thành.

Thái tâm sự, cứ tưởng rằng, một khu thương mại đẹp nằm bên trục đường vành đai giao lưu với các huyện, các tỉnh sẽ là điểm hội tụ của nhiều ngành hàng, thu hút nhiều cá nhân, doanh nghiệp đến thuê, nhưng thực tế, sàn cứ trống trơn, thậm chí doanh nghiệp thuê rồi lại trả.

Sau nhiều trăn trở, Thái quyết định trực tiếp kinh doanh tại Thiên trường Plaza.

Sau chục năm trở lại quê hương, Thái nhận thấy, nông nghiệp vẫn là ngành sản xuất chính và diện tích trồng lúa còn rất lớn, Thái Bình cũng như nhiều tỉnh đang sôi nổi xây dựng nông thôn mới.

Và con đường kinh doanh gắn với nông nghiệp, nông dân đã được Thái quyết định, trong đó, mặt hàng máy nông nghiệp được chọn đầu tiên, để nắm bắt chủ trương cơ khí hóa nông nghiệp, dồn điền đổi thửa xây dựng cánh đồng mẫu lớn. Bên cạnh đó, Thiên Trường Plaza còn kinh doanh máy đảo bê tông, các loại đầm rung và ô tô vận tải…

Thái sang Trung Quốc, tìm những nhà sản xuất máy nông nghiệp chất lượng, phù hợp với đồng đất Việt Nam làm đối tác cung cấp. Công ty tổ chức đưa máy và cán bộ hướng dẫn xuống tận đồng thao diễn kỹ thuật sử dụng, bảo quản máy cho bà con nông dân. Máy nông nghiệp của Thiên Trường Plaza bảo hành 12 tháng, khi có sự cố, nhân viên của Thiên Trường nhanh chóng xuống tận nơi sửa chữa.

Đặng Quốc Thái chia sẻ: “Rất vui là thiết bị cung cấp cho bà con nông dân đạt hiệu quả rất cao. Với bà con nông dân, máy giúp giảm nhiều chi phí, thời gian và sức lực. Với người mua máy, máy mang lại hiệu quả kinh tế rất cao, như một chiếc máy gặt đập liên hoàn có giá hơn 300 triệu đồng thì chỉ sau 2 năm là hoàn vốn. Còn với Thiên Trường Plaza, sau gần 2 năm cung cấp máy nông nghiệp, năm đầu doanh số đạt 20 tỷ đồng; 6 tháng đầu năm 2013 đã cung cấp hơn 100 máy nông nghiệp, xe vận tải các loại trên địa bàn tỉnh Thái Bình và các tỉnh lân cận.

“Tôi muốn Thiên Trường Plaza là một nhà cung cấp dịch vụ trọn gói trong sản xuất nông nghiệp: máy cày, máy cấy, gặt đập liên hoàn phân bón thuốc trừ sâu; là một nhà cung cấp các loại máy móc phục vụ nông nghiệp theo hướng sản xuất hiện đại. Không hiểu sao càng gắn bó, tôi càng “mê” nông nghiệp, nông dân”, Đặng Quốc Thái bộc bạch.

Trò chuyện với Đặng Quốc Thái

Các mục tiêu lớn của anh?

- Muốn thay đổi cách nghĩ, cách làm, đưa máy móc hiện đại vào sản xuất nông nghiệp - một việc đã làm từ thời bao cấp, nhưng chưa thành công.

- Gắn bó với máy móc nông nghiệp, tham vọng là chiếm lĩnh thị trường máy nông nghiệp khu vực phía Bắc.

- Thỏa mãn những mơ ước, ý chí của mình và làm giàu.

- Không phải là kiếm được bao nhiêu tiền, mà giúp được bao nhiêu người.

Phong cách sống thế nào?

Thích tự do, không phụ thuộc, không muốn bó buộc, phù hợp với lĩnh vực kinh doanh.

Cơ hội của nhà doanh nghiệp?

Cơ hội dành cho mọi người, nhưng sẽ thành hiện thực với ai biết nắm bắt.

Hướng phát triển?

Tiếp xúc với nền văn minh kinh doanh của nước ngoài, tôi nhận thấy, chỉ có phát triển bền vững, thì thành công mới đến với mình.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư