Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 10 tháng 10 năm 2024,
“Chặt” đứt những cái bắt tay dơ bẩn hủy hoại đất nước
Ngô Sơn - 10/10/2024 10:29
 
Sự câu kết và những cuộc “đi đêm” tăm tối giữa các chính trị gia hủ bại và doanh nhân "bẩn" - tội phạm "cổ cồn trắng" trở thành cơn “ác mộng” với nền kinh tế.

Khi loạt bài “Chặn đứng tội phạm ‘cổ cồn trắng’ câu kết quan tham” của Báo Đầu tư được đăng tải, cũng là lúc Ủy ban Kiểm tra Trung ương, tại Kỳ họp 48, đề nghị kỷ luật hàng loạt quan chức cấp cao tỉnh Tuyên Quang liên quan sai phạm tại đại án Tập đoàn Thuận An, gây hậu quả nghiêm trọng, nguy cơ thất thoát lớn tiền, tài sản của Nhà nước, gây dư luận xấu, làm giảm uy tín của tổ chức Đảng và chính quyền địa phương.

Đó còn là thời điểm Viện Kiểm sát Nhân dân TP.HCM, ở giai đoạn II đại án Vạn Thịnh Phát, đề nghị tuyên phạt Trương Mỹ Lan tù chung thân bởi chủ mưu cùng đồng phạm lừa đảo chiếm đoạt hơn 30.000 tỷ đồng tiền trái phiếu, rửa tiền hơn 445.000 tỷ đồng, vận chuyển trái phép qua biên giới hơn 4,5 tỷ USD. Và cũng là lúc, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an công bố Kết luận điều tra đại án “chuyến bay giải cứu” giai đoạn II, đề nghị truy tố 17 bị can về 4 tội danh “nhận hối lộ; đưa hối lộ; lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ; che giấu tội phạm”.

Ngày 4/10/2024, Viện Kiểm sát Nhân dân TP.HCM đề nghị Hội đồng xét xử tuyên phạt bị cáo Trương Mỹ Lan mức chung thân về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, 12 - 13 năm tù tội Rửa tiền, 8 - 9 năm tù tội Vận chuyển trái phép tiền tệ, tổng hình phạt là chung thân.

Theo nhận định, đây là vụ án tham nhũng, chức vụ có tính chất đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, đã xâm phạm đến hoạt động đúng đắn của cơ quan nhà nước đối với việc bảo hộ công dân Việt Nam ở nước ngoài nói chung và trong hoàn cảnh đặc biệt người dân bị mắc kẹt trong đại dịch Covid-19.

Trước đó, dồn dập các vụ án “trời rung đất chuyển” được phanh phui đã phát lộ một sự thật đáng sợ về những thủ đoạn của “cổ cồn trắng” khu vực kinh tế tư nhân khi câu kết quan tham trong bộ máy nhà nước

Đó là việc các ông chủ doanh nghiệp tư nhân sẵn sàng dùng “núi tiền” để làm tê liệt các “hàng rào” kiểm soát của cơ quan công quyền nhằm trục lợi. Đáng sợ hơn, họ lũng đoạn cả hệ thống chính quyền cơ sở khi không chỉ dùng tiền hối lộ, mà còn dùng mối quan hệ thân thiết với người có chức vụ cấp cao để gây áp lực xuống cấp dưới; dùng cả chứng cứ hối lộ được bí mật ghi âm, ghi hình lưu trữ lại để khống chế quan tham.

Còn những quan chức thoái hóa, chuyển hóa, do không kiểm soát được lòng tham nên đã “dính” cả đạn “bọc đường” lẫn “đạn” có tính “sát thương” tới “ghế”, do vậy đã răm rắp theo ý muốn của tội phạm.

Sự câu kết và những cuộc “đi đêm” tăm tối đó trở thành cơn “ác mộng” với nền kinh tế. Bởi sự câu kết đó không chỉ gây thiệt hại cho ngân sách, chiếm đoạt những đồng tiền từ mồ hôi, xương máu của người dân, không chỉ phá nát thị trường, mà còn gây nên bi kịch cho nhiều gia đình.

Một Trương Mỹ Lan chiếm đoạt gây thiệt hại lớn gấp gần 1,5 lần thu ngân sách năm 2023 của TP.HCM (446.000 tỷ đồng) và gấp gấn 1,7 lần thu ngân sách năm 2023 của Hà Nội; một đám quan tham các tầng nấc đại án “chuyến bay giải cứu”; một dây chuyền tội liên ngành - liên bộ - liên địa phương ở đại án “Kit test Covid-19 Việt Á”... khiến người dân cả nước bừng bừng phẫn nộ.

Sự câu kết đó còn ảnh hưởng tới cả chế độ, hạ sát đạo lý chính trường, đạo lý kinh doanh, gây xói mòn niềm tin của người dân đối với cơ quan công quyền, làm mất uy tín của Đảng, của Nhà nước.

Bối cảnh hội nhập quốc tế sâu, rộng và ngày càng nhanh hiện nay luôn tiềm ẩn loại tội phạm “cổ cồn trắng” nói trên với thủ đoạn tinh vi, đáng sợ hơn, chứ không chỉ bỏ trốn, tẩu tán tài sản ra nước ngoài.

Về bản chất, đa phần doanh nghiệp tư nhân muốn làm ăn tử tế. Nhưng nhiều ông bà chủ trở thành tội phạm “cổ cồn trắng” cũng bởi bị chính quan tham “hành” bằng mọi cách để trục lợi. Kinh điển qua đại án “chuyến bay giải cứu”, đến cả những công việc tình nghĩa, liên quan tới hình ảnh của đất nước, các quan chức thoái hóa cũng bằng mọi cách hành hạ, buộc doanh nghiệp phải chung chi; nếu không sẽ không tạo điều kiện tổ chức các chuyến bay đưa đồng bào về nước. Đây không phải tham nhũng đơn thuần, mà đặc biệt nghiêm trọng, là biểu hiện suy thoái đạo đức và bất tuân, phạm luật ở quy mô lớn.

Cán bộ - lúc phấn đấu leo cao, đa phần được xác minh là đạo đức - nhưng khi đã “vắt vẻo trên ghế” thì lại thiếu tu dưỡng, để lòng tham dẫn dụ tới thoái hóa, hoặc hành hạ doanh nghiệp để buộc họ phải cống nộp. Cũng có trường hợp quan chức chủ động chui vào “thòng lọng” để tội phạm xỏ mũi dắt đi. Và chỉ khi phải đối diện với bản án, những kẻ “hét ra lửa” một thời mới ăn năn (hoặc tỏ ra ăn năn).

Nhưng đọng lại trong dân không phải là những lời hối cải kia, mà là sự phẫn uất trước việc lợi dụng cả dịch bệnh để “ăn”, tức vi phạm cả đạo lý làm người tối thiểu. Đọng lại trong dân còn là sự kinh ngạc vì sự tham lam không giới hạn của quan chức thoái hóa mọi tầng nấc; là sự phẫn nộ và hao mòn niềm tin bởi những kẻ sáng rao giảng liêm chính, tối thò tay nhận phong bao.

Qua đó cho thấy, việc mở rộng cuộc chiến chống tham nhũng sang khu vực tư, nhằm đảm bảo môi trường kinh doanh lành mạnh, đồng thời bảo vệ lợi ích của người dân và xã hội là đúng đắn, chính xác.

Việc Việt Nam tham gia Công ước của Liên hợp quốc về chống tham nhũng là vô cùng cần thiết. Thực tiễn cho thấy, tham nhũng ảnh hưởng rất lớn tới phát triển kinh tế đất nước, vì các công ty đa quốc gia sẽ căn cứ vào chỉ số tham nhũng ở mỗi quốc gia và thường quyết định đầu tư ở những nước có chỉ số tham nhũng thấp hơn. Tức việc đẩy mạnh chống tham nhũng trong khu vực công - tư còn giúp Việt Nam hội nhập sâu rộng, tận dụng được thời cơ lớn của thế giới để sẵn sàng bước sang “kỷ nguyên mới”.

Chặn đứng tội phạm “cổ cồn trắng” câu kết quan tham - Bài 2: Công thức kiếm tiền phi pháp
Nhiều chủ doanh nghiệp tư nhân thiết lập bộ phận pháp lý chỉ chuyên “soi” từng ngóc ngách quy định của luật pháp để tìm khe hở nhằm kiếm...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư