Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 27 tháng 04 năm 2024,
Chiến lược "5K + vắc-xin + công nghệ": Biến chủ trương thành hành động cụ thể
D.Ngân - 05/06/2021 18:26
 
Việt Nam đang có rất nhiều giải pháp cụ thể để biến chủ trương chống dịch “5K + vắc-xin + công nghệ” của Thủ tướng Phạm Minh Chính thành hành động thực tế.

Tăng nguồn cung vắc-xin

Với số mắc Covid-19 đã lên tới 5.249 tính tới sáng ngày 5/6, theo Bộ Y tế làn sóng dịch thứ 4 số lượng ca mắc đã tăng gấp hơn năm lần so với đợt dịch thứ 3, gấp chục lần so với đợt dịch thứ 2 và gấp khoảng 40 lần so với đợt dịch đầu tiên.

Số ca mắc của làn sóng dịch lần thứ 4 đang tăng cao. Ảnh: Việt Hùng.

Làn sóng dịch lần này đã 16 ca bệnh Covid-19 tử vong, hàng trăm ca bệnh nặng và nguy kịch đang được điều trị tại các cơ sở y tế. 

Riêng Bắc Giang, Bắc Ninh là hai địa phương có xu hướng diễn biến rất phức tạp do xuất hiện hình thái lây nhiễm trong khu công nghiệp với số ca mắc có ngày lên tới 3 con số.

Chưa kể, nhiều biến thể của Sars-Cov-2 đang lưu hành ở Việt Nam có tỉ lệ lây nhiễm chéo gia tăng, vòng lây truyền rút ngắn lại nên chỉ trong vòng hơn 1 tháng dịch đã lan ra hơn 30 tỉnh, thành phố đang là thách thức với ngành Y tế. 

Trước sự biến đổi khôn lường của virus, sự tàn khốc của làn sóng dịch lần này Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh thông điệp phòng, chống dịch là “5K+vắc-xin+ công nghệ", chuyển trạng thái phòng, chống dịch từ phòng ngự sang chủ động tấn công, song phải hài hòa giữa phòng ngự và tấn công, bảo đảm hiệu quả cao nhất.

Với chiến lược vắc-xin, theo tính toán của Bộ Y tế, dự kiến Việt Nam cần mua khoảng 150 triệu liều để tiêm phòng cho khoảng 75 triệu người, với tổng kinh phí ước tính 25,2 nghìn tỉ đồng.

Nguồn kinh phí cần là rất lớn nên bên cạnh nguồn ngân sách, cần huy động thêm các nguồn lực từ đóng góp mang tính thiện nguyện của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước để mua đủ số lượng vắc-xin dự tính trên.

Từ nay đến cuối năm Việt Nam sẽ có khoảng 120 triệu liều vắc-xin.

Trong thời gian ngắn vừa qua, đã có hàng trăm tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân đã đăng ký ủng hộ hàng trăm tỉ đồng và nếu tính cả ở các tỉnh, thành thì đã lên hàng nghìn tỉ đồng (bằng cam kết đóng góp tiền hoặc số liều vắc-xin cụ thể). 

Thậm chí đã có tập đoàn lớn ngoài đóng góp số tiền lớn vào quỹ vắc-xin, còn cam kết tài trợ chi phí nhập khẩu 60.000 liều vắc-xin Covid-19 để tiêm phòng cho 100% cư dân của khu đô thị và nhân viên Tập đoàn.

Chưa kể, rất nhiều tổ chức, doanh nghiệp, trong đó có các hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài như AmCham, EuroCham đều cho biết sẵn sàng tự bỏ ra chi phí để thực hiện tiêm chủng cho nhân viên của họ. 

Đơn cử, có tới 88% doanh nghiệp thành viên AmCham đồng ý sẵn sàng chi trả để được tiêm chủng; 79% doanh nghiệp thành viên EuroCham cũng cho biết có thể hỗ trợ chi phí để nhân viên của họ được tiêm chủng. 

Trước các nghĩa cử đẹp của các doanh nghiệp, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã có cuộc gặp gỡ đại diện các hiệp hội, doanh nghiệp tham gia đóng góp ý kiến cho chiến lược vắc-xin phòng Covid-19.

Phó Thủ tướng gửi lời cảm ơn đến cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đã cùng nhau vượt qua khó khăn do dịch bệnh gây ra trong hơn một năm qua. Hệ lụy dịch bệnh tác động không nhỏ đến sản xuất, kinh doanh, nhưng với sự nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp, kinh tế Việt Nam vẫn có bước phát triển. 

Bên cạnh đó, Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, cộng đồng doanh nghiệp cũng phát huy tinh thần trách nhiệm, đóng góp nhiều nguồn lực vào cuộc chiến chống dịch như hỗ trợ vật tư, trang thiết bị y tế, hỗ trợ đội ngũ y, bác sĩ, tích cực nghiên cứu các giải pháp phòng, chống dịch.

Phó Thủ tướng nêu rõ, vắc-xin phòng Covid-19 về Việt Nam chưa nhiều không phải vì chúng ta thiếu tiền, hay phải chờ xã hội hóa mà bởi vì nguồn cung khan hiếm.

Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Chính phủ mong muốn người dân, doanh nghiệp đóng góp công sức, trí tuệ, rồi mới đến tiền bạc vào phòng, chống dịch nói chung, việc tiếp cận nguồn vắc-xin nói riêng. 

"Chính phủ thành lập Quỹ vắc-xin phòng Covid-19 để bảo đảm nguồn tài chính bền vững cho việc tiêm vắc-xin phòng dịch cho người dân. Các doanh nghiệp, cá nhân có thể đóng góp vào thực hiện chiến lược vắc-xin không chỉ việc đóng góp vào Quỹ vắc-xin phòng Covid-19 mà còn bằng nhiều phương thức khác nhau, bảo đảm sử dụng các nguồn đóng góp công khai, minh bạch", Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nêu.

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế cần tạo mọi điều kiện để việc nhập khẩu vắc-xin thuận lợi, không để các tổ chức, doanh nghiệp có nguồn mua được vắc-xin mà lại không nhập về được. Nhưng những nguồn vắc-xin thông qua các tổ chức môi giới thì phải kiểm tra kỹ trước khi đề xuất với Bộ Y tế.

Về phía Bộ Y tế, để tăng nhanh nguồn cung vắc-xin, ngày 4/6, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã làm việc trực tuyến với Johnson & Johnson trao đổi về vấn đề nhập khẩu, cung ứng vắc-xin phòng Covid-19 tại Việt Nam, cũng như chuyển giao công nghệ trong sản xuất vắc-xin của hãng tại Việt Nam.

Johnson & Johnson cam kết sau cuộc làm việc với Bộ Y tế, sẽ nỗ lực triển khai tất cả các giải pháp để thúc đẩy nhanh quá trình cung ứng vắc-xin của Johnson & Johnson qua cơ chế COVAX, để Việt Nam có vắc-xin của Johnson & Johnson sớm nhất.

Đồng thời Johnson & Jonhson cũng cho biết đã có kế hoạch để nộp hồ sơ đăng ký vắc-xin Jonhson & Jonhson tại Việt Nam. Hãng sẽ nghiên cứu khả năng chuyển giao công nghệ sản xuất vắc-xin cho Việt Nam.

Bộ Y tế cũng vừa phê duyệt có điều kiện vắc-xin cho nhu cầu cấp bách trong phòng, chống dịch Covid-19 đối với vắc-xin Covid-19 Vắc-xin (Vero Cell), Inactivated (tên khác là SARS- CoV-2 Vắc-xin (Vero Cell), Inactivate).

Như vậy, đến thời điểm hiện tại Việt Nam đã cấp phép nhập khẩu cho 3 vắc-xin Covid-19 và mục tiêu từ nay đến cuối năm 2021 sẽ có 120 triệu liều vắc-xin Covid-19 được nhập khẩu về Việt Nam từ các nguồn khác nhau như COVAX, AstraZeneca, Sputnik V, Modenar, Pfizer.

Sáng kiến công nghệ chống dịch

Để ứng phó với tình hình mới của dịch Covid-19, việc ứng dụng công nghệ thông tin đã được nâng lên thêm một bước nhằm thần tốc truy vết F0, lập danh sách F1, F2. 

Hai tâm dịch là Bắc Ninh và Bắc Giang đã ứng dụng nhiều giải pháp công nghệ thông tin để phòng chống dịch.

Các “vũ khí” công nghệ như Bluezone (ứng dụng cảnh báo tiếp xúc gần người nghi nghiễm Covid-19); NCovi (hệ thống quản lý tờ khai y tế tự nguyện); Khai báo y tế cho người nhập cảnh; Hệ thống ghi nhân người đến, đi các địa điểm công cộng (thông qua quét mã QR); Hệ thống bản đồ chống dịch an toàn Covid-19… tiếp tục phát huy hiệu quả cao nhất trong phát hiện, truy vết ca lây nhiễm ngoài cộng đồng.

Ngoài những ứng dụng khai báo y tế, truy vết, xét nghiệm, ngày 29/5, Bộ Thông tin và Truyền thông đã thành lập Trung tâm công nghệ phòng chống Covid-19, thống nhất một đầu mối toàn quốc về công nghệ, vừa phát triển giải pháp vừa vận hành khai thác hiệu quả ứng dụng của công nghệ trong phòng, chống dịch. 

Theo ông Trần Quý Tường, Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin, Bộ Y tế, hai tâm dịch là Bắc Ninh và Bắc Giang đã ứng dụng nhiều giải pháp công nghệ thông tin để phòng chống dịch.

Tại Bắc Ninh có gần 580.000 người cài đặt và sử dụng ứng dụng Bluezone trên điện thoại thông minh, chiếm hơn 42% dân số tỉnh, đứng thứ 2 trong 63 tỉnh, thành cả nước; toàn tỉnh có 10.519 cơ sở lập mã QR code từ hệ thống tờ khai y tế để người dân checkin bằng ứng dụng Bluezone.

Theo thống kê từ Hệ thống thông tin quản lý khai báo y tế, tổng số lượt khai báo y tế tại Bắc Ninh đến ngày 1/6/2021 là 1.059.179, trong đó từ ngày 1/5/2021 đến ngày 1/6/2021 là 824.862 lượt khai báo.

Đối với đối tượng công nhân, Ban quản lý các khu công nghiệp đã phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông xây dựng phần mềm quản lý thông tin của toàn bộ công nhân tại các khu công nghiệp, giúp cho việc quản lý, giám sát, truy vết một cách nhanh chóng khi có ca bệnh tại khu công nghiệp; đồng thời cung cấp dữ liệu kịp thời cho công tác chỉ đạo, điều hành.

Tại Bắc Giang, ngày 22/5/2021, với sự hỗ trợ của Cục Công nghệ thông tin, Bộ Y tế, tỉnh đã thành lập Tổ giám sát, truy vết điện tử gồm 15 thành viên từ Sở Y tế, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh và Tỉnh Đoàn. Các thành viên của yổ đã được cấp tài khoản, tập huấn khai thác dữ liệu từ Hệ thống thông tin quản lý khai báo y tế để giám sát, truy vết. 

Tính đến ngày 1/6/2021, tổ đã thực hiện 3.976 cuộc gọi cho người dân khai báo y tế có triệu chứng hoặc có yếu tố dịch tễ, hướng dẫn người dân biện pháp phòng chống dịch phù hợp với từng người hoặc chuyển thông tin cho tuyến xã, huyện tiến hành xác minh, xử lý trực tiếp. 

Đặc biệt, dựa trên thông tin của hệ thống, tổ đã phát hiện 66 ca F1 hiện đang cách ly tại nhà và đã chuyển thông tin cho tuyến huyện quản lý theo quy định.

Đến nay tỉnh Bắc Giang có 480.306 người cài đặt và sử dụng ứng dụng Bluezone trên điện thoại thông minh, chiếm 26,63% dân số tỉnh, đứng thứ 9 trong 63 tỉnh, thành cả nước.

Ông Trần Quý Tường, Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin đang quét mã QR.

Với các sáng kiến liên quan tới công nghệ trong phòng chống dịch Covid-19, ông Dương Chí Nam, Phó Cục trưởng Cục Quản lý môi trường y tế, Bộ Y tế cho biết, các cán bộ của tổ công tác của Bộ Y tế tại Bắc Giang đang phối hợp chặt chẽ với Sở Thông tin, truyền thông tỉnh để hoàn chỉnh các form thông số dữ liệucủa phần mềm giám sát lao động tại các khu công nghiệpsau đó sẽ tích hợp vào thành một ứng dụng chuyên biệt và áp dụng cho toàn bộ các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnhBắc Giang. 

Ông Nam phân tích, phần mềm sẽ bao gồm đầy đủ thông tin về mỗi lao động như: Tên tuổi, số chứng minh nhân dân, quê quán, số điện thoại, đặc biệt là các trường thông tin về nhà máy làm việc được cụ thể xuống tận phân xưởng, những chuyến xe, biển số, danh tính tài xế mà lao động đi về hàng ngày, cũng như nơi ở trọ, và cả thông tin, liên hệ của những người ở cùng phòng, khu trọ… từ đó truy xuất ra các doanh nghiệp khác liên quan rất nhanh và đơn giản.

Phần mềm này hỗ trợ đắc lực cho công tác truy vết, khoanh vùng bởi khi cần phân tích về một đối tượng, chỉ cần nhấn vào tên của đối tượng đó, lập tức sẽ nắm đủ các thông tin về cả chủ thể lẫn tất cả những người có liên quan.

Cũng theo đại diện Bộ Y tế, sau khi hoàn thiện phần mềm, Tổ công tác sẽ tham mưu cho lãnh đạo tỉnh Bắc Giang thẩm định, đưa vào quy chuẩn và có văn bản để yêu cầu các nhà máy tuân thủ chặt chẽ. 

Kho dữ liệu từ phần mềm sẽ giúp bao quát tất cả 160.000 công nhân của các nhà máy trong và ngoài khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh. 

“Chúng tôi cũng tham mưu để Ban quản lý các khu công nghiệp đôn đốc việc khai báo dữ liệu trong khu công nghiệp, còn Sở Công Thương sẽ giám sát dữ liệu của các doanh nghiệp ngoài khu công nghiệp”, ông Dương Chí Nam cho biết thêm.

Trước đó, tổ giám sát cách ly và xử lý môi trường y tế thuộc Bộ phận thường trực đặc biệt Bộ Y tế tại Bắc Giang đã tham mưu, hoàn thiện và bàn giao cho tỉnh Bắc Giang mẫu phiếu điện tử để thu thập báo cáo hàng ngày từ gần 200 khu cách ly tập trung. 

Hiện tất cả các cơ sở này đều đã thực hiện đúng các mẫu báo cáo điện tử, góp phần thuận lợi để CDC tỉnh Bắc Giang tổng hợp xử lý, điều tiết nhanh chóng.

Kiên trì 5K

Ngoài vắc-xin và công nghệ, “5K” vẫn là lá chắn thép chống dịch thành công của Việt Nam kể từ khi dịch xuất hiện tại Việt Nam vào đầu năm 2020.

Ngay cả khi đã được tiêm chủng thì nguyên tắc “5K” vẫn phải thực hiện, không thể loại bỏ hoàn toàn

Ngành Y tế yêu cầu người dân cần đeo khẩu trang khi ra khỏi nhà, tại các nơi công cộng và trên các phương tiện giao thông công cộng; thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn; hạn chế tụ tập đông người ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện; giữ khoảng cách an toàn khi tiếp xúc và khai báo y tế.

Theo các chuyên gia, 3 trọng điểm chống dịch nêu trên là 5K+ vắc-xin+ công nghệ không được phép có phút chủ quan, lơ là hay đứt quãng mà cần kiên trì bởi ngay cả khi đã có đủ lượng vắc-xin và tiêm cho đại trà (75% dân số để đạt miễn dịch cộng đồng) thì các biến chủng mới vẫn có thể khiến chúng ta rơi vào vòng xoáy của các làn sóng dịch mới kháng lại vắc-xin đã tiêm, nên sẽ phải tiếp tục tiêm nhắc lại hàng năm - như một dạng cúm mùa biến chủng. 

Như vậy, cuộc chiến với Covid-10 có thể sẽ rất lâu dài, đòi hỏi chúng ta phải kiên trì và có các kế hoạch để tiến tới chủ động nguồn vắc-xin, cũng như nghiên cứu sản xuất ra vắc-xin nội có khả năng thích ứng với các biến chủng mới.

Ông Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế cho hay, ngay cả khi đã được tiêm chủng thì nguyên tắc “5K” vẫn phải thực hiện, không thể loại bỏ hoàn toàn nguy cơ vì thực tế thời gian qua cho thấy, mỗi lần xuất hiện biến chủng mới đều cho thấy tốc độ lây lan và mức độ nguy hiểm lớn hơn. 

“Nếu vắc-xin không đáp ứng được với các biến chủng mới như vậy, việc kiên trì “5K” chắc chắn vẫn là chiến lược hiệu quả trước khi chúng ta đến được trạng thái bình thường mới hoàn toàn”, chuyên gia nêu ý kiến.

Ngoài ra, để phòng chống dịch Covid-19, Việt Nam vừa đưa ra 4 mức độ mà các địa phương sẽ tự xác định dựa trên tiêu chí mà Bộ Y tế quy định là: Bình thường mới, nguy cơ, nguy cơ cao và nguy cơ rất cao tương ứng các màu xanh, vàng, cam, đỏ.

Ông Trần Đắc Phu, cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp các sự kiện công cộng, Bộ Y tế cho biết, nhìn vào bản đồ đó, chúng ta sẽ biết xã, huyện, tỉnh thuộc màu nào và có các biện pháp tương ứng. Chẳng hạn, địa phương ở mức bình thường mới chỉ cần đeo khẩu trang, thực hiện 5K, còn ở mức nguy cơ phải dừng hoạt động 30 người trở lên.

Mục tiêu khi xây dựng quy định này là phải rất dễ hiểu để bất kỳ ai nhìn vào từ cấp lãnh đạo cao nhất của Chính phủ đến chủ tịch xã hoặc người dân đều có thể biết được. Đặc biệt, dựa trên các tiêu chí cụ thể, trong một tỉnh, mỗi huyện, mỗi xã lại có những vùng nguy cơ khác nhau.

Quy định này giúp các địa phương sẽ tránh được tình trạng chủ quan, lơ là song cũng không làm quá. Vừa qua, thực tế cho thấy có tỉnh chỉ vài ca mắc Covid-19 đi từ địa phương khác về, biết rõ nguồn lây, nguy cơ lây lan dịch ra các xã khác là không có nhưng lại giãn cách xã hội toàn tỉnh.

Mục tiêu của bản đồ Covid-19 là để chúng ta vừa phòng chống dịch, vừa phát triển kinh tế, không ngăn sông cấm chợ khi không cần thiết.

Hy vọng với tổng hợp các giải pháp nêu trên để hiện thực hoá yêu cầu hành động của Thủ tướng Chinh phủ, làn sóng dịch lần thứ 4 sẽ sớm được kiểm soát, trả lại bình yên cho người dân đồng thời ổn định tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Bài viết triển khai thực hiện Nghị quyết  84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, đảm bảo trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh dịch Covid-19.

Xem thêm nội dung TẠI ĐÂY!

Dù tiêm vắc-xin Covid-19 vẫn phải thực hiện 5K
Theo các chuyên gia y tế, người dân không được chủ quan cho rằng, chỉ cần tiêm vắc-xin Covid-19 mà lơ là việc thực hiện 5K.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư