Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Chủ tịch DRH: Mua tối thiểu 51% KSB phần lớn bằng vốn tự có, hạn chế vay mượn
Ngọc Nhi - 23/09/2016 11:46
 
Tại ĐHCĐ bất thường lần 1 của CTCP Đầu tư Căn nhà mơ ước (DRH) diễn ra vào chiều 22/9, một trong những vấn đề được nhiều cổ đông quan tâm xung quanh câu chuyện gia tăng tỷ lệ sở hữu tại KSB lên tối thiểu 51% của DRH.
TIN LIÊN QUAN

Trả lời thắc mắc của cổ đông về nguồn vốn để mua lại cổ phần KSB, ông Đặng Đức Thành, chủ tịch HĐQT DRH khẳng định việc mua cổ phần tại KSB sẽ dựa trên nguồn vốn tự có hoặc vốn phát hành và hạn chế tối đa việc vay mượn.

Thêm vào đó, ông Phan Tấn Đạt, Phó chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc DRH cho hay việc thanh lý tài sản cũ, những dự án nhỏ và bán các khoản đầu tư không hiệu quả tại các công ty liên kết sẽ tạo một lượng tiền mặt tương đối lớn cho DRH, công ty chỉ tiến hành huy động vốn qua các kênh tín dụng nếu thật sự cần thiết. Công ty cam kết không sử dụng nguồn vôn từ các dự án có sẵn để mua lại KSB.

.
.

Theo ông Đạt, hiện DRH không có ý định chào mua công khai. Tuy nhiên vì tỷ lệ mua vượt quá 25% nên HĐQT KSB phải lấy ý kiến cổ đông về việc DRH muốn tăng tỷ lệ sở hữu tối thiểu 51% và phải được ĐHCĐ KSB thông qua. Hiện nay tỷ lệ sở hữu KSB của DRH ở mức 22.3%.

HĐQT DRH mong muốn việc mua lại sẽ được thực hiện trong năm nay. Về mức giá, đại diện KSB đề xuất mức giá xoay quanh giá mua lại cổ phiếu quỹ KSB là 68.000 đồng/CP.

Theo ban lãnh đạo công ty, hoạt động đầu tư tại KSB không đơn thuần là đầu tư tài chính mà quan trọng hơn HĐQT muốn đầu tư dài hạn tại KSB. KSB là doanh nghiệp thuần sản xuất, lợi nhuận ổn định qua các năm. Chưa kể, ước tính 9 tháng đầu năm, KSB đã hoàn thành kế hoạch lợi nhuận cả năm. Như vậy việc đầu tư nắm 51% cổ phần KSB sẽ mang lại doanh thu tài chính cho DRH một khoản không nhỏ.

Đại hội cũng thông qua một số nội dung quan trọng tác động đến chiến lược kinh doanh và phát triển của công ty trong thời gian sắp tới.

Theo đó, HĐQT DRH thống nhất rút khỏi kinh doanh trong lĩnh vực phân bón vì cho rằng tiềm năng phát triển ngành này trong tương lai là không cao. Thay vào đó, công ty sẽ tập trung vào hoạt động kinh doanh cốt lõi ở lĩnh vực bất động sản, đồng thời bổ sung mục đích sử dụng nguồn vốn huy động được để đầu tư vào những mảng kinh doanh tiềm năng khác.

Bên cạnh đó, HĐQT DRH cũng đã thông qua việc bổ sung hình thức đầu tư vào 2 dự án là Dự án 1177 Huỳnh Tấn Phát, quận 7, TP.HCM và dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng Lộc An tại Bà Rịa-Vũng Tàu. Theo đó, để rút ngắn thời gian chuyển nhượng và triển khai dự án, ngoài hình thức nhận chuyển nhượng trực tiếp dự án đã thông qua tại ĐHCĐ trước đây, DRH có thể chuyển nhượng 99,95% cổ phần của 2 công ty sở hữu 2 dự nêu trên bao gồm CTCP Địa ốc An Phú Long và CTCP khai thác du lịch Phương Trang. Như vậy, 2 công ty trên sẽ trở thành công ty con trực tiếp dưới quyền chi phối của DRH và DRH có toàn quyền trong việc quyết định đầu tư và phát triển 2 dự án bên trên theo đúng tiến độ đề ra mà không ảnh hưởng bất lợi đến hoạt động kinh doanh của công ty cũng như hoạt động quản trị các công ty con. HĐQT DRH cho biết tùy tình hình kinh doanh thực tế và điều kiện pháp lý mà sẽ quyết định hình thức đầu tư nào cho phù hợp.

Về tình hình hoạt động trong 6 tháng đầu năm, ông Phan Tấn Đạt, Phó chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc DRH khẳng định chiến lược kinh doanh của DRH trong tương lai sẽ tập trung vào các dự án bất động sản. Bên cạnh đó, công ty cũng sẽ tái cơ cấu công ty theo hướng thoái vốn tại các công ty liên kết, hoạt động không hiệu quả, hiện nay công ty chỉ giữ khoản đầu tư ở 2 công ty con là CTCP Căn nhà mơ ước Cửu Long (Phú Quốc) và CTCP Căn nhà mơ ước Đông Nam (Nhơn Trạch, Đồng Nai).

Ước tính, lợi nhuận sau thuế 9 tháng đầu năm đạt 24 tỷ đồng, hoàn thành gần 36% kế hoạch năm.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư