Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 26 tháng 04 năm 2024,
Chủ tịch Fed: Mỹ sẽ kéo kinh tế toàn cầu hồi phục
Lê Quân - 18/03/2021 16:23
 
Mỹ sẽ khiến các nền kinh tế phát triển khác "hít khói" trong năm 2021 với mức tăng trưởng cao nhất trong nhiều thập kỷ qua, theo Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed).
Trụ sở Fed tại Washington, D.C. Ảnh: AFP
Trụ sở Fed tại Washington, D.C. Ảnh: AFP

Bất luận thế nào thì Chủ tịch Fed Jerome Powell vẫn cho rằng khả năng cao là sự phục hồi mạnh mẽ của Mỹ từ đại dịch Covid-19 sẽ giúp các nền kinh tế "đang ở vạch xuất phát" tìm chỗ đứng của mình, chẳng hạn như châu Âu.

"Nhu cầu của Mỹ đang tăng rất mạnh mẽ, khi nền kinh tế Mỹ tốt lên cũng sẽ hỗ trợ hoạt động toàn cầu", ông Powell nhận định trong cuộc họp báo diễn ra ngày 17/3 sau cuộc họp chính sách mới nhất của Fed.

"Khi nền kinh tế Mỹ mạnh lên thì sức mạnh đó có xu hướng hỗ trợ hoạt động kinh tế toàn cầu", Chủ tịch Fed nói thêm.

Ông Powell đưa ra nhận định trên khi được hỏi về những triển vọng tăng trưởng khác biệt rõ rệt về các nền kinh tế lớn gần đây, đặc biệt là giữa Mỹ - nơi chương trình tiêm chủng vaccine kháng Covid-19 đang được triển khai nhanh chóng và các khoản cứu trợ liên bang trong vài tháng qua đã lên tới gần 3.000 tỷ USD, và châu Âu - nơi chương trình tiêm vaccine kháng Covid-19 đang bị chậm lại còn các gói cứu trợ được phê duyệt nhiều tháng trước nhưng vẫn trong tình trạng lấp lửng.

Các nhà hoạch định chính sách của Fed hôm 17/3 dự báo kinh tế Mỹ sẽ tăng trưởng 6,5% trong năm 2021 - mức cao nhất kể từ những năm 1980. Lần điều chỉnh dự báo tăng trưởng này của Fed cao hơn 2,3 điểm phần trăm so với dự báo của cơ quan này vào tháng 12/2020. Nếu đúng được như dự báo của Fed, kinh tế Mỹ sẽ đạt mức tăng trưởng kinh ngạc 10 điểm phần trăm so với mức suy giảm 3,5% trong năm 2020.

Ngược lại, Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), bà Christine Lagarde, người đồng cấp xuyên Đại Tây Dương của ông Powell, cho biết nền kinh tế khu vực đồng Euro có thể suy giảm trong quý I/2021. Các nhân viên ECB dự báo tăng trưởng của khu vực này sẽ đạt 4% trong năm 2021.

"Tôi không lo ngại về ngắn hạn - ý tôi là tôi muốn thấy châu Âu phát triển nhanh hơn, tôi muốn thấy việc triển khai vaccine Covid-19 diễn ra suôn sẻ hơn - còn tôi không lo lắng quá nhiều về chúng tôi (kinh tế Mỹ) trong thời gian tới bởi chúng tôi đang trên đà phát triển rất tốt, sắp có hỗ trợ tài chính rất mạnh, hiện nay quá trình tiêm chủng đang diễn ra nhanh chóng và các ca nhiễm đang sụt giảm", ông Powell nhấn mạnh.

"Tôi nghĩ chúng tôi đang ở vị thế tốt", Chủ tịch Fed nói.

Dự báo tốc độ tăng trưởng kinh tế Mỹ năm nay không chỉ bỏ xa châu Âu, mà kết quả thăm dò tháng 2 của Reuters ước tính kinh tế Nhật Bản cũng sẽ suy giảm trong quý I/2021 và tăng trưởng năm tài khóa 2021 sẽ chỉ đạt mức 3,6%.

Nhu cầu của Mỹ tăng mạnh mẽ được đánh giá sẽ hỗ trợ tích cực cho nền kinh tế phụ thuộc vào xuất khẩu như Nhật Bản. Một diễn biến đáng hoan nghênh của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản là cơ quan này đang xem xét đánh giá lãi suất trong cuộc họp chính sách 2 ngày kết thúc vào ngày mai 19/3.

Các thị trường đang tập trung theo dõi những động thái chính sách sắp tới của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản có đủ bền vững để vượt qua cuộc chiến kéo dài với lạm phát và xem Thống đốc Haruhiko Kuroda sẽ đánh giá ra sao về triển vọng phục hồi mong manh của nền kinh tế này.

"Sức mạnh của nền kinh tế Mỹ là rất rõ ràng. Điều đó có nghĩa là nền kinh tế Nhật Bản sẽ được phục hồi nhờ nhu cầu bên ngoài hồi phục vững chắc", bà Mari Iwashita, chuyên gia kinh tế trưởng tại Công ty chứng khoán Daiwa (Nhật Bản) cho biết.

"Nhưng chỉ riêng nhu cầu bên ngoài sẽ không đẩy lạm phát (Nhật Bản) tăng lên, lạm phát sẽ tiếp tục suy giảm trừ khi tiêu dùng tăng lên", bà Mari Iwashita nói thêm.

Trước đây, sự khác biệt trong dự báo tăng trưởng và chính sách tiền tệ giữa các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới đôi khi gây ra nhiễu loạn thị trường. Không chỉ chứng khoán mà thị trường trái phiếu và tiền tệ đều đi theo quyết định của Fed.

"Chúng tôi đã trải qua những đợt phục hồi khác nhau, giống như chúng tôi đã làm sau cuộc khủng hoảng gần đây nhất. Trong trường hợp này, cũng như trường hợp khác, sự phục hồi của Mỹ đang dẫn dắt sự phục hồi toàn cầu", ông Powell đánh giá.

Mỹ và đồng minh tặng "món quà" 1 tỷ liều vaccine cho châu Á
Mỹ và ba đồng minh thận cận cam kết cung cấp 1 tỷ liều vaccine Covid-19 cho châu Á vào cuối năm 2022, trong một nỗ lực đối phó sức ảnh hưởng ngày...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư