Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 20 tháng 04 năm 2024,
Chủ tịch PNJ: Xây dựng PNJ không phải chỉ để đi bán vàng
Thị Hồng - 18/10/2019 14:16
 
Vừa nhận “giải Oscar của ngành kim hoàn Châu Á”, bà Cao Thị Ngọc Dung, Chủ tịch Công ty cổ phần vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) không chỉ xúc động mà theo sau đó là áp lực trong hành trình đưa PNJ phát triển bền vững.

Giữa tháng 09/2019, bà Cao Thị Ngọc Dung, Chủ tịch Công ty cổ phần vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) được  xướng tên nhận giải thưởng danh giá “Thành tựu trọn đời”  của ngành kim hoàn Châu Á do Tạp chí Jewellery News Asia (JNA) trao tặng. 

JNA Awards được ví như là giải Oscar của ngành kim hoàn Châu Á. 

Ban giám khảo JNA cho rằng, bà Cao Thị Ngọc Dung đã những đóng góp to lớn cho công cuộc vực dậy, làm sống dậy nghề kim hoàn Việt Nam từ những năm 1988, trong thời buổi nghề kim hoàn có nguy cơ bị mai một.  Bà Dung còn góp phần gầy dựng đội ngũ hơn 1.000 thợ nữ trang , nghệ nhân kim hoàn,…

Cùng với đó là thay đổi diện mạo của ngành kim hoàn trong nước, tiên phong xây dựng ngành công nghiệp sản xuất trang sức, nỗ lực đưa trang sức Việt Nam ra khu vực và thế giới, khẳng định vị thế quốc tế ngành kim hoàn Việt Nam.

Nữ doanh nhân từng thẳng thắn từ chối liên doanh với các doanh nghiệp trang sức lớn của các nước lớn ngay từ những năm đầu thành lập. 

Bởi, bà giữ vững niềm tin về một thế giới trang sức cho người phụ nữ Việt Nam, do người Việt làm nên. Điều gì người nước ngoài làm được thì người Việt cũng sẽ làm được. 

“Tôi xúc động khi nhận giải nhưng đó cũng là áp lực. Những thành tựu PNJ đã gầy dựng, không phải làm để đạt giải thưởng mà làm mọi thứ như công việc hàng ngày. Ngay khi bắt đầu với PNJ, tôi nghĩ đến việc vực dậy ngành kim hoàn Việt Nam chứ không phải chỉ để đi bán vàng”, bà Cao Thị Ngọc Dung chia sẻ tại một buổi chia sẻ do Hội Nữ doanh nhân TP.HCM (Hawee) tổ chức gần đây.  

.
 Bà Cao Thị Ngọc Dung, Chủ tịch PNJ (Ảnh: HP).

Bà Dung tự hào, bất kỳ hành động nào được thực hiện đều tuân theo triết lý định sẵn cũng như tầm nhìn rõ ràng. Theo đó, đặt lợi ích khách hàng, xã hội hoà vào lợi ích của doanh nghiệp trong hành trình phát triển bền vững. 

“Lợi ích từ khi áp dụng các giải pháp phát triển bền vững là tăng 20% doanh thu, chi phí giảm 16%, giá trị thương hiệu tăng 30%. Và 65% các nhà đầu tư kỳ vọng vào doanh nghiệp không chỉ có khả năng quản trị mà còn thể hiện trách nhiệm với xã hội và môi trường”, bà Cao Thị Ngọc Dung chia sẻ số liệu nghiên cứu của Diễn đàn kinh tế thế giới.

Lấy PNJ làm ví dụ, trước hết, họ tạo ra những sản phẩm dịch vụ mang tính bền vững, không tàn phá môi trường. Kế đó là cải thiện tính hiệu quả trong hoạt động sản xuất như giảm lượng điện, nước tiêu thụ. 

Như Đoàn viên thanh niên PNJ đồng lòng thực hiện chương trình, 1 đồng chi phí tiết kiệm là 1 đồng nước, 1 đồng chi phí tiết kiệm là 1 đồng lợi ích.

Hệ thống 7.000 người tại PNJ cũng không còn sử dụng chai nhựa. Nữ doanh nhân/Chủ tịch PNJ tin rằng, từng hành động nhỏ sẽ góp phần tạo nên thói quen trong cộng đồng lớn sau này. 

Cùng với đó, doanh nghiệp không chỉ tuân thủ mà còn thực hiện các tiêu chuẩn cao hơn Luật bảo vệ môi trường của quốc gia. Bởi, đôi khi vì lợi ích doanh nghiệp lờ đi quy chế và vô tình hoặc cố ý gây ra tác hại trong tương lai mà “bản thân doanh nghiệp, con cháu gánh lấy hậu quả”.  

Cũng theo đánh giá của Diễn đàn kinh tế thế giới, 85% những người từ 18-34 tuổi (hay còn Millennials- thế hệ Y được sinh ra từ 1980 đến đầu năm 2000) sẽ muốn đầu quân vào công ty có những hành động tích cực đến môi trường và xã hội.

Chủ tịch PNJ còn lấy ví dụ về con gái 25 tuổi của mình khi vừa tốt nghiệp Thạc sỹ. Cả hai có chuyến du lịch nhiều ngày tại Mỹ, Singapore, châu Âu nhưng vali từ Mỹ về Việt Nam của bà Dung trống rỗng bởi “không mua được gì”. 

“Bạn ấy nói: Đồ của Mẹ ở nhà nhiều lắm rồi, mua là xả rác. Một hôm bước vào cửa H&M ở Úc có cái áo rất đẹp, bạn ấy rất thích, nhào tới đó rồi nhưng giật mình lại, không mua vì khẳng định phải trung thành với lý tưởng của mình. Các bạn trẻ ngày nay là như vậy. Nếu chúng ta không nghĩ đến lực lượng này thì trong tương lai sẽ mất khách hàng tiềm năng này”, bà Cao Thị Ngọc Dung chia sẻ và cho rằng, đây là câu chuyện các doanh nghiệp cần suy nghĩ. 

Trong hành trình phát triển bền vững, cần những mối liên kết chặt chẽ giữa các doanh nghiệp trong và ngoài ngành. Khi cùng hệ tư tưởng, tư duy tiến cùng nhau có thể bổ trợ trong nghiên cứu thay đổi ngành, đẩy lùi khả năng tụt hậu. 

“Doanh nghiệp Việt có thể thua trên sân nhà bởi còn tư duy của người nông dân là làm một mình, chưa có tư duy liên kết trong khi không ai có thể tự làm được tất cả mọi thứ”, Chủ tịch PNJ chia sẻ.

Theo PNJ, từ 1 cửa hàng kinh doanh vàng bạc của quận Phú Nhuận thành lập 1988 với vốn 7,4 lượng vàng và 20 con người, đến nay PNJ đã có 400 cửa hàng bán lẻ tại 54 tỉnh thành trên toàn quốc.
Tính đến cuối năm 2018, vốn hóa thị trường PNJ đạt trên 1 tỷ USD cùng tổng doanh thu hơn 14.600 tỷ đồng và lãi sau thuế hơn 959 tỷ đồng. 
Doanh nhân Cao Thị Ngọc Dung, Chủ tịch, Tổng giám đốc PNJ: Nhìn ra thách thức ngay lúc vàng son nhất
Bà Cao Thị Ngọc Dung, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) vừa tròn 60 tuổi, nhưng vẫn đang là người...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư