Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Chứng khoán VIX và “nồi cơm” tự doanh
Thanh Thủy - 20/01/2022 08:59
 
CTCP Chứng khoán VIX tất toán khoản đầu tư tại 2 công ty gạch Viglacera Tiên Sơn và Viglacera Hạ Long. Lãi từ các tài sản tài chính tiếp tục là nguồn thu lớn nhất trong cơ cấu doanh thu của VIX.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Nồi cơm chính tự doanh

Ngày 28/12, thời điểm chỉ cách ngày “chốt sổ” quý cuối năm 3 ngày làm việc, CTCP Chứng khoán VIX (mã VIX, sàn HoSE) cùng lúc bán toàn bộ cổ phần tại CTCP Viglacera Tiên Sơn (VIT) và CTCP Viglacera Hạ Long (VHL). VIX cũng chỉ vừa mới trở thành cổ đông lớn (sở hữu trên 5% lượng cổ phiếu đang lưu hành) của 2 doanh nghiệp gạch men này trong năm 2021.  Cả hai giao dịch đều được thực hiện nhanh chóng bằng phương thức thỏa thuận trong một phiên giao dịch thu về tổng cộng hơn 174 tỷ đồng.

Dù chiếm tỷ lệ đáng kể so với quy mô vốn điều lệ của Viglacera Tiên Sơn và Viglacera Hạ Long, khoản đầu tư trên có tỷ trọng khá khiêm tốn so với danh mục tài sản tài chính mà Chứng khoán VIX đang sở hữu.

Tại thời điểm 31/12/2021, giá trị tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi/lỗ (FVTPL) tính theo giá trị thị trường đạt hơn 1.600 tỷ đồng, chiếm 33,8% tổng tài sản của công ty chứng khoán này, bao gồm hơn 880 tỷ đồng trái phiếu chưa niêm yết, 705 tỷ đồng cổ phiếu niêm yết và 15,5 tỷ đồng cổ phiếu chưa niêm yết.

Khối tài sản này thông qua các giao dịch mua bán cổ phiếu nhiều năm qua đang là “nồi cơm chính” đóng góp tỷ trọng lớn nhất trong kết quả kinh doanh của VIX.

Kết thúc năm 2021, công ty chứng khoán này tiếp tục đạt kết quả kinh doanh tăng trưởng vượt trội. Tổng doanh thu hoạt động và lợi nhuận sau thuế lần lượt là 1.570 tỷ đồng và 736 tỷ đồng, đều cao gấp đôi năm 2020. So với kế hoạch lãi ròng 544 tỷ đồng đề ra tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2021, Chứng khoán VIX đã vượt hơn 35% mục tiêu.

Lãi từ các tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi/ lỗ cả năm đã mang về gần 1.100 tỷ đồng, tăng 82% so với năm 2020 và đóng góp tới 70% tổng doanh thu hoạt động của VIX. Trong đó, riêng khoản thu từ việc bán các tài sản tài chính đã giúp chốt lời 776 tỷ đồng. Ngoài ra, công ty chứng khoán này còn nhận về 245 tỷ đồng cổ tức, tiền lãi phát sinh; cùng gần 78 tỷ đồng từ chênh lệch tăng đánh giá lại các tài sản tài chính đang nắm giữ. Sau khi trừ đi lỗ các tài sản tài chính cùng chi phí hoạt động tự doanh, phần lãi chênh lệch từ mảng này vẫn đạt trên 610 tỷ đồng, tăng 75% so với năm 2020.

Tuy nhiên, phần lớn doanh thu đạt được mảng tự doanh năm nay lại đến từ quý đầu tiên của năm (427 tỷ đồng). Nếu tính riêng trong quý IV vừa qua, hoạt động tự doanh suy giảm đáng kể. Doanh thu mảng này giảm 18,3%, phần lợi nhuận giảm 1/3 so với cùng kỳ. Không chỉ trong quý IV, hoạt động tự doanh của Chứng khoán VIX ở quý I/2022 cũng sẽ áp lực khá lớn khi phải so sánh với mức nền cơ sở cao của cùng kỳ năm 2020.

Hoạt động môi giới và lãi từ các khoản cho vay ký quỹ và ứng trước tiền bán là hai mảng đóng góp tỷ trọng lớn trong cơ cấu doanh thu, chỉ sau tự doanh. Đây cũng là hai mảng tăng trưởng nhanh nhất với tốc độ tăng cả năm lần lượt là 484% và 246%. Tuy nhiên, đóng góp vào tổng doanh thu của nhóm này vẫn khá khiếm tốn, lần lượt là 21% và 11,7%.

Thêm hàng ngàn tỷ đồng đầu tư chứng khoán

Theo phương án tăng vốn được cổ đông Chứng khoán VIX thông qua những ngày cuối tháng 12/2021, Công ty sẽ phát hành 274,59 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với giá chào bán 15.000 đồng/cổ phiếu. Thời gian triển khai phương án ủy quyền cho Hội đồng Quản trị quyết định dựa trên tình hình thị trường và nhu cầu vốn của Công ty, nhưng dự kiến vào đầu năm 2022. Ước tính, số tiền huy động được là 5.491,9 tỷ đồng. Một nửa trong số này sẽ bổ sung nguồn vốn cho hoạt động đầu tư tự doanh, trong khi đó, nửa còn lại để cho hoạt động cho vay giao dịch ký quỹ chứng khoán.

Năm 2021 vừa qua là quãng thời gian mở rộng mạnh mẽ về quy mô của VIX. Quy mô tài sản của VIX đã tăng từ 2.115 tỷ đồng hồi cuối năm 2020, lên gần 4.739 tỷ đồng. Vốn điều lệ gấp 2,15 lần thời điểm cuối năm 2020 (2.746 tỷ đồng). Kênh huy động vốn vay cũng được sử dụng tích cực.

Giá trị khoản đầu tư vào các tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi/lỗ đã có cú bật tăng đáng chú ý trong năm 2021, lên hơn 1.600 tỷ đồng từ mức quanh 1.000 tỷ đồng các năm trước. Tuy nhiên, mức tăng trên thực tế lại khiêm tốn so với tốc độ tăng trưởng tài sản của VIX.

Nguyên nhân bởi nguồn vốn tăng lên trong năm vừa qua đã dành phần lớn vào các khoản cho vay ký quỹ/ứng trước tiền bán (thêm 2.120 tỷ đồng). Các tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi/lỗ cùng khoản cho vay chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng tài sản của VIX. Còn lại, Công ty thường xuyên để tỷ trọng tiền mặt khá nhỏ và cũng không đầu tư vào các khoản nhằm nắm giữ đến ngày đáo hạn.

Tỷ trọng khoản đầu tư trên trong cơ cấu tài sản tại ngày 31/12/2021 là 33,8%, nhưng ở cả năm trước đều thường xuyên đạt trên 50%, thậm chí chiếm tới 72% tài sản của Chứng khoán VIX hồi năm 2018. Với nguồn vốn lớn dự kiến có được từ đợt chào bán cho cổ đông hiện hữu, công ty chứng khoán này sẽ có thể bổ sung hơn 2.740 tỷ đồng để mở rộng danh mục đầu tư của mình.

Khác với hoạt động cho vay margin hưởng lãi suất, tự doanh là mảng kinh doanh mà công ty chứng khoán mua, bán chứng khoán cho chính mình. Lãi/lỗ hoạt động này có mức độ rủi ro cao, phụ thuộc lớn vào diễn biến thị trường cũng như các quyết định đầu tư của chính công ty.

Sau khi chuyển sàn FIT, TCT, VIX, SHA có đổi vận?
Hàng loạt doanh nghiệp lên kế hoạch chuyển sàn niêm yết, với nhiều kỳ vọng của cổ đông và ban lãnh đạo doanh nghiệp được gửi gắm trong...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư