Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 24 tháng 11 năm 2024,
Chuyên gia nói gì về nguy cơ sức khỏe khi tiêm vắc-xin Covid-19 cho trẻ?
D.Ngân - 29/10/2021 20:28
 
Hiện chưa thấy mối liên quan giữa việc sử dụng vắc-xin Pfizer và Moderna với nguy cơ về sức khoẻ sinh sản hay bệnh ung thư khi tiêm cho trẻ.

Bên lề Hội nghị Tập huấn hướng dẫn triển khai chiến dịch tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho trẻ em từ 12-17 tuổi do Bộ Y tế tổ chức chiều ngày 29/10, Phó viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương Dương Thị Hồng đã giải đáp một số vấn đề đang được dư luận quan tâm về việc tiêm vắc-xin cho trẻ.

Hiện chưa thấy mối liên quan giữa việc sử dụng vắc-xin Pfizer và Moderna với nguy cơ về sức khoẻ sinh sản hay bệnh ung thư khi tiêm cho trẻ.

Với lo ngại của nhiều phụ huynh về tác hại của vắc-xin với sức khỏe trẻ, bà Hồng nhấn mạnh, vắc-xin sử dụng tiêm phòng cho trẻ là vắc-xin Pfizer và Moderna đã được phê duyệt có thành phần mRNA của virus không có tương tác với ADN của người, do đó không có nguy cơ gây ra rối loạn biến đổi gen, hay ảnh hưởng về lâu dài đến sức khoẻ sinh sản (rối loạn vô sinh), ung thư..  như các phụ huynh đang lo lắng.

"Cho đến hiện nay chúng tôi chưa nhìn thấy mối liên quan giữa việc sử dụng vắc-xin của hai nhà sản xuất này với sức khoẻ trẻ", PGS.TS. Dương Thị Hồng khẳng định.

Về phản ứng sau tiêm, theo bà Hồng, có 1/100 trẻ có phản ứng nôn ói sau tiêm, 1/1.000 nổi hạch, 1/1.000 - 1/10.000 gặp phản ứng liệt mặt, phản ứng viêm cơ tim, viêm màng ngoài tim. Tuy vậy, theo Phó viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đây là các phản ứng rất ít gặp.

"Phản ứng này gặp nhiều ở trẻ trai hơn trẻ gái, tỷ lệ trẻ trai gặp phản ứng này gấp 4-6 lần so với trẻ gái, một số quốc gia còn ghi nhận cao hơn 10 lần, nhưng thống kê chung đều cho thấy đây là phản ứng rất hiếm gặp", chuyên gia phân tích.

Được biết, chiến dịch tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19 cho trẻ từ 12-17 tuổi chính thức triển khai từ đầu tháng 11/2021 trên toàn quốc. 

Theo lãnh đạo Bộ Y tế, việc tiêm vắc-xin sẽ được thực hiện tại trường học, trạm y tế, bệnh viện, điểm tiêm dịch vụ. Với trẻ trong độ tuổi 12-17 tuổi đang đi học sẽ được lập danh sách theo lớp và triển khai tiêm trước cho nhóm tuổi học sinh THPT, lần lượt theo khối lớp từ khối 12 đến khối 11 và khối 10; tiếp đến là học sinh THCS từ lớp 9, 8, 7. 

Những trẻ không đi học sẽ được điều tra và lập danh sách tại cộng đồng để đảm bảo không bỏ lỡ cơ hội tiêm chủng cho trẻ. 

Để đảm bảo an toàn tiêm chủng theo lãnh đạo Bộ Y tế, rất cần sự phối hợp của các thầy cô giáo, cha mẹ. Cha mẹ, người giám hộ cần ký phiếu đồng ý tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19 cho trẻ, đồng thời chuẩn bị tâm lý, sức khỏe tốt cho trẻ trước khi tiêm chủng và phối hợp theo dõi sức khỏe của trẻ sau tiêm chủng theo hướng dẫn của cán bộ tiêm chủng.

Tại buổi tập huấn, chuyên gia của Bệnh Viện Nhi Trung ương đã tập huấn cho cán bộ y tế tại các điểm cầu về hướng dẫn khám sàng lọc trước tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19 cho trẻ em theo quy định của Bộ Y tế.

Điểm nổi bật trong việc khám sàng lọc trước tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19 cho trẻ em là huy động sự song hành của hệ thống bệnh viện và hệ thống dự phòng, đảm bảo mỗi trẻ được tiêm vắc-xin được quản lý, theo dõi trong điều kiện an toàn nhất. 

Những trẻ có bệnh bẩm sinh, bệnh mạn tính, có tình trạng dị ứng nặng hoặc phát hiện được tình trạng sức khỏe bất thường khi đến tiêm tại các điểm tiêm ở cộng đồng sẽ được tư vấn, hướng dẫn đến khám sàng lọc để tiêm chủng và theo dõi tại các điểm tiêm chủng tại bệnh viện.

Các chuyên gia của Bệnh viện Nhi Trung ương làm rõ về các phản ứng sau tiêm chủng - nội dung được các cán bộ tiêm chủng và cộng đồng rất quan tâm; 

Các tình huống có thể xảy ra sau tiêm vắc-xin phòng Covid-19 ở trẻ em theo các mức độ khác nhau; cách xử trí, theo dõi, điều trị phù hợp nhằm đảm bảo an toàn nhất cho trẻ sau tiêm mà không ảnh hưởng đến hiệu quả của vắc-xin. 

Cũng tại buổi Tập huấn, chuyên đề các biến chứng tim mạch ở trẻ em sau tiêm một số loại vắc-xin phòng Covid-19 được chuyên gia tim mạch trẻ em của Bệnh viện Nhi Trung ương phân tích kỹ lưỡng để các cán bộ y tế làm công tác tiêm chủng trên toàn quốc hiểu rõ, theo dõi, phát hiện được các biến chứng (nếu có), áp dụng các biện pháp xử trí theo từng cấp độ, giúp bảo đảm an toàn cho trẻ sau tiêm. 

Bệnh viện Nhi Trung ương và các bệnh viện trẻ em trên toàn quốc sẵn sàng hỗ trợ chuyên môn cho các bệnh viện trong hệ thống cũng như các điểm tiêm chủng ở cộng đồng, góp phần đảm bảo an toàn chung cho cả chiến dịch.

36 quốc gia đã tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho trẻ em
Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương Dương Thị Hồng cho hay hiện nay trên thế giới có 36 quốc gia triển khai việc tiêm vắc-xin cho trẻ em là loại vắc-xin tương tự như loại Việt Nam cho phép sử dụng để tiêm cho trẻ em, trong đó có 19 nước ở Châu Âu như Anh, Pháp, Ý, Đan Mạch, Phần Lan, Thuỵ Sĩ, Thuỵ Điển, Ba Lan… ; 6 quốc gia ở Châu Mỹ như Hoa Kỳ, Canada, ChiLe, Brazil…;
Đối với khu vực Châu Á thì có các nước như Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật Bản, Philippine, Úc, NewZealand…
Trẻ có thể xảy ra phản ứng nào sau tiêm vắc-xin Covid-19?
Phản ứng rất phổ biến ở trẻ sau tiêm vắc-xin Covid-19 là đau đầu, đau khớp, đau tại vị trí tiêm.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư