Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 25 tháng 04 năm 2024,
Chuyên nghiệp hóa Hội đồng Quản trị để tránh “đổ cả nhà lớn”
Nhã Nam - 03/03/2018 08:55
 
Lợi thế của mô hình doanh nghiệp gia đình là sự gắn bó tình cảm tin cậy, nhưng điều đó là không đủ trong kinh doanh thời đại 4.0. Ngay cả doanh nghiệp gia đình cũng cần chuyên nghiệp hóa từ Hội đồng Quản trị (HĐQT), để tránh “một cái sai nhỏ làm đổ ngôi nhà lớn”.

Một câu chuyện cho đến nay vẫn được nhiều người dân nước Nhật nhắc đến, đó là vào giữa năm ngoái, Takata, tập đoàn sản xuất túi khí ô tô một thời từng đứng thứ hai thế giới, đã nộp đơn xin bảo hộ phá sản tại Mỹ và Nhật, đồng thời tuyên bố bán toàn bộ tài sản cho tập đoàn đối thủ Key Safety System thuộc sở hữu của người Trung Quốc.

Ông Tạ Quốc Đạt, Tổng giám đốc Takuda, người chơi ở vị trí CEO kỳ này tranh biện cùng các cổ đông.
Ông Tạ Quốc Đạt, Tổng giám đốc Takuda, người chơi ở vị trí CEO kỳ này tranh biện cùng các cổ đông.

Và tất nhiên, cùng với sự sụp đổ của Tập đoàn Takata, còn có sự sụp đổ của gia đình sáng lập Tập đoàn Takada, một trong những gia đình tỷ phú nổi tiếng nhất nước Nhật. Ở thời kỳ đỉnh cao - năm 2007, giá trị vốn hóa thị trường của Takata lên tới 400 tỷ yên, tương đương 3,6 tỷ USD. Khi đó mỗi năm, gia đình Takada thu về khoảng 1 tỷ yên tiền cổ tức. Nhưng mọi chuyện đã khác kể từ khi Takata liên tục gặp vấn đề với các túi khí, khiến 17 người mất mạng và hơn 100 người khác bị thương trong suốt một thập kỷ gần đây.

Khi Takata nộp đơn xin bảo hộ phá sản, các nhà đầu tư đã không khỏi phẫn nộ chất vấn lý do gia đình Takada chậm trễ phản ứng với cuộc khủng hoảng túi khí và nhiều đợt thu hồi sản phẩm sau đó. Họ cho rằng, nếu gia đình sáng lập phản ứng nhanh nhạy hơn, họ đã xử lý được khủng hoảng. “Thật không thể hiểu nổi cách họ quản lý tập đoàn như thế nào”, một nhà đầu tư đã tức giận nói như vậy.

Có nghĩa rằng, sự sụp đổ của đế chế Takata bắt đầu từ chuyện quản lý. Nhiều doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp gia đình cũng đang lo sốt vó vấn đề quản trị, nhất là trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt của thời đại cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay, hội nhập ngày càng sâu rộng.

Doanh nghiệp gia đình vốn có nhiều lợi thế, khi mối quan hệ gia đình khiến các thành viên gắn kết hơn. Nhưng đây cũng chính là điểm yếu của doanh nghiệp, đó là nhiều khi thiếu các nguyên tắc quản trị công ty minh bạch. Không sớm thay đổi, doanh nghiệp có thể gặp khó khăn.

Như câu chuyện của một doanh nghiệp gia đình, chuyên sản xuất và kinh doanh trong lĩnh vực thực phẩm chế biến. Sau 25 năm phát triển ổn định, doanh nghiệp đang chuẩn bị các bước để lên IPO. Cùng thời điểm đó, doanh nghiệp cũng bắt tay hợp tác chiến lược với một với đối tác đến từ châu Âu. Họ chấp thuận kế hoạch IPO của doanh nghiệp, nhưng yêu cầu HĐQT bổ sung thành viên độc lập.

Đó phải là người có trình độ, có năng lực giúp doanh nghiệp tăng tính minh bạch và sự chuyên nghiệp, đồng thời hỗ trợ tốt hơn cho ban điều hành. Bản thân CEO cũng nhận thấy, để doanh nghiệp có thể chuyển sang một giai đoạn phát triển mạnh mẽ hơn thì đó là yếu tố cần thiết. Bởi thực tế, các thành viên HĐQT hiện nay chỉ thuần túy sở hữu vốn, chứ không phải là những nhà quản trị chuyên nghiệp.

Bởi vậy, CEO đề xuất cần chuyên nghiệp hóa HĐQT. CEO thuyết phục rằng, muốn IPO, muốn thu hút đối tác, không chỉ cần bổ sung nhân sự cấp cao bên ngoài vào HĐQT, mà còn phải nâng cao năng lực các thành viên khác trong HĐQT. HĐQT là người vạch chiến lược và quyết định những vấn đề về chiến lược. Khi phát triển đến tầm cỡ lớn, một cái sai nhỏ sẽ làm đổ cả ngôi nhà lớn, nên HĐQT cần phải chuyên nghiệp.

Tuy nhiên, HĐQT lại không đồng tình với đề xuất này. Theo họ, khi nắm vốn, họ phải kiểm soát được vốn của mình. Để người ngoài vào kiểm soát thì không thể tin tưởng được. An toàn là trên hết. Giỏi mà không đáng tin thì mất cả chì lẫn chài.

CEO kiên trì thuyết phục, còn HĐQT vẫn tiếp tục bảo vệ quan điểm của mình. Điều đó là dễ hiểu, bởi mỗi bên đều có cái lý của mình. Nhưng thực tế kinh doanh hiện nay cho thấy, rõ ràng, doanh nghiệp - dù là doanh nghiệp gia đình - cũng sẽ dễ thành công một khi quản trị công ty minh bạch và hiệu quả. CEO phải làm sao để thuyết phục các thành viên HĐQT?

Đó là bài toán được đặt ra trong Chương trình CEO - Chìa khóa thành công, với chủ đề “Doanh nghiệp gia đình - Chuyên nghiệp hóa HĐQT. Người chơi ngồi ở vị trí CEO” để giải bài toán này chính là ông Tạ Quốc Đạt, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Takuda. Hãy cùng xem ông Tạ Quốc Đạt tranh biện cùng các cổ đông, để cùng tìm ra phương cách hiệu quả giải bài toán của chính doanh nghiệp mình.

Quý doanh nghiệp, doanh nhân có thể xem thông tin chi tiết về chương trình tại fanpage: www.facebook.com/ceochiakhoathanhcongsme. Các chương trình lên sóng đều được phát online trên kênh CEOTVNEXT của Youtube.

Chuyên mục được thực hiện với sự hợp tác của chương trình CEO - Chìa khóa thành công do Đài Truyền hình Việt Nam và Tổ hợp truyền thông Hoàng Gia phối hợp sản xuất với sự đồng hành của Novaland, PwC Việt Nam và
Hội đồng Doanh nhân và gia đình Việt Nam (VEFC).
Chương trình CEO - Chìa khóa thành công được phát sóng vào lúc 10h sáng Chủ nhật (4/3) và phát lại vào 8h sáng thứ Hai (5/3) trên kênh VTV1 Đài Truyền hình Việt Nam.
Doanh nghiệp gia đình trước bài toán chuyên nghề hay đa ngành
Khi phát triển tới một quy mô nhất định, các doanh nghiệp gia đình tất yếu sẽ nghĩ tới việc đa dạng hóa ngành nghề kinh doanh. Đây có phải là...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư