Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 20 tháng 04 năm 2024,
CIEM khuyến nghị giữ nguyên kỳ hạn trái phiếu chính phủ
Khánh An - 24/10/2015 13:44
 
Ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, đa dạng hóa kỳ hạn của trái phiếu chính phủ không phải là cách thức để bù đắp thâm hụt ngân sách.

CIEM vừa công bố báo cáo kinh tế Việt Nam quý III với khá nhiều lo ngại về tình thế “loay hoay trước áp lực tài khóa” đang có khả năng kéo từ quý III sang quý IV/2015.

Đây là lý do CIEM không đồng tình với đề xuất đa dạng hóa kỳ hạn trái phiếu chính phủ, nhất là kỳ hạn ngắn. “Ở đây cần có tính minh bạch và giải trình rõ hơn. Nhưng quan điểm của chúng tôi là đề nghị giữ nguyên kỳ hạn như Nghị quyết của Quốc hội đã thông qua. Việc cần làm là nhà nước thắt chặt kỹ luật ngân sách, có vậy thì chi tiêu mới khó khăn, mới tiết kiệm được”, ông Cung bình luận.

Thực tế, những nới lỏng trong phát hành trái phiếu chính phủ quý III, như lãi suất tăng, cũng chưa giúp nhiều cho tăng lượng phát hành. Trong khi đó, áp lực nợ công tiếp tục tăng cao. Báo cáo của Chính phủ trước Quốc hội cho thấy dù nợ công vẫn trong giới hạn cho phép (65%) nhưng đang tăng nhanh và áp lực trả nợ lớn. Đến hết năm nay, dự kiến nợ công khoảng 61,3% GDP. Tỷ lệ của năm 2011 là 50,1%; năm 2012 là 50,8%; năm 2013 là 54,5% và năm ngoái là 59,6%. Nhiều dự báo nợ công sẽ đạt đỉnh, 65% GDP vào cuối năm 2016.

“Áp lực lơn đi kèm là trả nợ, vậy nguồn đâu để trả nợ. Chúng ta không thể dựa mãi vào phát hành hay vay mới để đảo nợ. Có hai cách để xử lý áp lực này. Một là giảm thậm hụt, giảm nợ phát sinh mới. Thứ hai là phải tăng thu để bù đắp, nhưng tăng thu khó vì sẽ gây khó cho doanh nghiệp. Hơn thế, với quy trình thay đổi các loại thuế, phí hiện tại phải thông qua Quốc hội thì không dễ làm được ngay”, ông Nguyễn Anh Dương, Phó trưởng ban, Ban Kinh tế vĩ mô (CIEM) phân tích.

Đặc biệt, ông Dương đang rất lo ngại nếu được phép thực hiện phát hành trái phiếu kỳ hạn ngắn đề quay vòng, đảo nợ, tình trạng phát hành trái phiếu tràn lan đã xảy ra vào năm 2011-2012 sẽ tái xuất. Lý do là kế hoạch trả nợ không rõ. “Ngay cả khoản vay 30.000 tỷ trong quý III của Bộ Tài chính với Ngân hàng Nhà nước cũng không rõ phương án trả nợ. Ở đây, lo ngại sâu xa là sự lỏng lỏng của ngân sách nhà nước đang diễn ra, thách thức ngân sách nhà nước vào thời điểm kỳ cuối của 5 năm 2011-2015”, ông Dương nói và nhấn mạnh tới con số 6,6% thâm hụt ngân sách nhà nước của năm 2013 vừa được quốc hội thông qua quyết toán cao hơn rất nhiều so với mức trần 5,3%.

Đây là lý do mức bội chi ngân sách 5% trong năm 2015 trong báo cáo của Chính phủ đang chưa thuyết phục các chuyên gia CIEM.

Phân tích nguyên nhân của tình thế loay hoay này, báo cáo của CIEM đã chỉ ra 3 nguyên nhân chính có tên chung là 3 chưa. Một là, chưa quyết liệt trong tiết kiệm chi ngân sách nhà nước và đầu tư. Hai là, chưa có kế hoạch trả nợ minh bạch. Ba là, chưa quan tâm đến giảm chèn lấn đối với khu vực tư nhân. “Khuyến nghị của chúng tôi về giải pháp, đó là dù khó giảm chi phối của chính sách tài khóa trong thời gian tới nhưng việc điều hành chính sách tài khóa cần cân nhắc hơn đến hệ lụy, thách thức khi điều hành các công cụ chính sách gồm cả tiền tệ, tỷ giá, tín dụng khác…”, ông Dương nhấn mạnh.

Cùng với đó, CIEM cũng khuyến nghị xây dựng và công khai kế hoạch trả nợ trong trung và dài hạn. Đặc biệt, CIEM khuyến nghị cân nhắc việc khống chế trần thâm hụt ngân sách nhà nước trong giai đoạn 2016-2020 là 4% GDP.

Lại xin phát hành trái phiếu chính phủ ngắn hạn
Chính phủ sẽ kiến nghị Quốc hội cho phép phát hành trái phiếu chính phủ (TPCP) kỳ hạn dưới 5 năm, thay vì chỉ được phát hành kỳ hạn dài hơn....
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư