Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Citi: Vàng có thể lập kỷ lục 3.000 USD/ounce, dầu thô cán mốc 100 USD/thùng
Đông Phong - 21/02/2024 07:29
 
Citi cho rằng giá vàng có thể tăng vọt lên 3.000 USD/ounce còn giá dầu đạt mức 100 USD/thùng trong vòng 12 đến 18 tháng tới nếu bất kỳ một trong ba chất xúc tác nào dưới đây xuất hiện.
Phi đô la hóa ở ngân hàng trung ương của các thị trường mới nổi có thể là chất xúc tác đẩy giá vàng tăng tốc nhanh nhất đến mốc 3.000 USD/ounce. Ảnh: Reuters
Phi đô la hóa ở ngân hàng trung ương của các thị trường mới nổi có thể là chất xúc tác đẩy giá vàng tăng tốc nhanh nhất đến mốc 3.000 USD/ounce. Ảnh: Reuters

Phát biểu trên đài CNBC, ông Aakash Doshi, trưởng bộ phận phân tích hàng hóa Bắc Mỹ tại tập đoàn Citi cho rằng giá vàng hiện giao dịch ở mức 2.016 USD/ounce và có thể tăng khoảng 50%, nếu các ngân hàng trung ương mạnh tay mua vào, nguy cơ lạm phát có thể xảy ra hoặc trong trường hợp suy thoái kinh tế toàn cầu sâu sắc.

Cơn sốt vàng của các ngân hàng trung ương

"Con đường có khả năng xảy ra nhất để giá vàng đạt 3.000 USD/ounce là sự tăng tốc nhanh chóng của một xu hướng hiện có nhưng diễn biến chậm: phi đô la hóa ở ngân hàng trung ương của các thị trường mới nổi, từ đó dẫn đến khủng hoảng niềm tin vào đồng đô la Mỹ", ông Doshi và các cộng sự tại Citi nhận định.

Diễn biến đó có thể khiến các ngân hàng trung ương tăng gấp đôi lượng vàng mua vào, đặt ra thách thức đối với việc tiêu thụ trang sức vì đây là động lực lớn nhất thúc đẩy nhu cầu vàng, ông Doshi lý giải.

Citi cho biết hoạt động mua vàng của các ngân hàng trung ương đã "tăng tốc lên mức kỷ lục" trong những năm gần đây khi họ tìm cách đa dạng hóa dự trữ và giảm rủi ro tín dụng. Các ngân hàng trung ương của Trung Quốc và Nga đang dẫn đầu về hoạt động mua vàng, còn Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ và Brazil cũng tăng cường mua vàng thỏi.

Tháng trước, Hội đồng Vàng Thế giới (WGC) công bố rằng các ngân hàng trung ương thế giới đã duy trì mua ròng hơn 1.000 tấn vàng trong hai năm liên tiếp.

Ông Doshi cho rằng: "Nếu con số đó tiếp tục tăng gấp đôi rất nhanh lên 2.000 tấn, chúng tôi nghĩ rằng điều đó thực sự sẽ rất có lợi cho vàng".

Suy thoái toàn cầu sâu sắc

Một yếu tố khác có thể đẩy giá vàng chạm mốc 3.000 USD/ounce là "suy thoái kinh tế toàn cầu sâu sắc" có thể thúc ép Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cắt giảm lãi suất nhanh chóng.

"Điều đó có nghĩa là mức phanh lãi suất bị hãm lại, không phải ở mức 3% mà ở mức 1% hoặc thấp hơn - điều đó sẽ đưa giá vàng lên mức 3.000 USD", ông Doshi cho biết, nhưng lưu ý rằng đây là một kịch bản có xác suất thấp.

Giá vàng có xu hướng có mối quan hệ nghịch đảo với lãi suất. Khi lãi suất giảm, vàng trở nên hấp dẫn hơn so với các tài sản có thu nhập cố định như trái phiếu - kênh đầu tư vốn mang lại lợi nhuận thấp hơn trong môi trường lãi suất thấp.

Lãi suất cơ bản của Fed hiện dao động trong ngưỡng từ 5,25% đến 5,5% kể từ tháng 7/2023, mức cao nhất kể từ tháng 1/2001 - thời điểm nó tăng vọt lên 6% sau vụ nổ bong bóng dot-com. Thị trường kỳ vọng Fed sẽ cắt giảm lãi suất vào tháng 5 hoặc tháng 6 tới.

Đình lạm (hiện tượng lạm phát ngày càng tăng, tăng trưởng kinh tế chậm lại và tỷ lệ thất nghiệp gia tăng) có thể là một nguyên nhân khác đẩy giá vàng tăng dựng đứng, mặc dù ông Doshi cho rằng "khả năng xảy ra kịch bản này là rất thấp".

Vàng được coi là tài sản trú ẩn an toàn và có xu hướng sinh lời tốt trong thời kỳ kinh tế bất ổn bởi đây là thời kỳ mà các nhà đầu tư muốn tránh xa các tài sản rủi ro hơn như cổ phiếu.

Nếu loại trừ ba chất xúc tác tiềm ẩn trên, Citi vẫn khẳng định rằng giá vàng thỏi về cơ bản sẽ đạt 2.150 USD vào nửa cuối năm nay và giá vàng trung bình trong nửa đầu năm sẽ duy trì cao hơn 2.000 USD. Đáng nói, ông Doshi lưu ý rằng giá vàng có thể đạt kỷ lục mới vào cuối năm 2024.

Giá dầu chịu rủi ro địa chính trị

Một kịch bản khác đáng chú ý trong báo cáo vừa công bố của Citi là giá dầu có thể đạt mức ba con số.

Ông Doshi cho biết, các chất xúc tác khiến giá dầu leo lên mức 100 USD/thùng bao gồm rủi ro địa chính trị cao hơn, việc cắt giảm sâu hơn của liên minh OPEC+ và sự gián đoạn nguồn cung từ các khu vực sản xuất dầu then chốt.

Trên thực tế, chiến sự hiện nay giữa Israel và Hamas không ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất hay xuất khẩu dầu mỏ và tác động đáng kể duy nhất là các cuộc tấn công của phiến quân Houthi từ Yemen vào các tàu chở dầu và các tàu hàng khác đi qua Biển Đỏ.

Citi cho biết “ông lớn” sản xuất dầu mỏ Iraq đã chịu ảnh hưởng bởi cuộc xung đột trên và bất kỳ sự leo thang nào nữa có thể gây tổn hại cho các nhà cung cấp lớn khác thuộc liên minh OPEC+.

Những diễn biến gần đây cho thấy căng thẳng đang gia tăng ở biên giới giữa Israel và Lebanon, làm dấy lên lo ngại rằng cuộc chiến ở Gaza có thể lan rộng ra các khu vực khác ở Trung Đông.

Ông Doshi cho rằng Iraq, Iran, Libya, Nigeria và Venezuela dễ bị gián đoạn nguồn cung dầu mỏ do chính sách trừng phạt nghiêm khắc hơn của Mỹ đối với Iran và Venezuela có thể xảy ra.

Bên cạnh đó, các nhà phân tích của Citi lưu ý rằng, vẫn không thể loại trừ những rủi ro địa chính trị khác như nguồn cung dầu của Nga nếu Ukraine tấn công các nhà máy lọc dầu của Nga bằng máy bay không người lái. Còn về cơ bản, giá dầu năm nay sẽ đứng ở ngưỡng 75 USD/thùng.

Dầu Brent giao kỳ hạn tháng 4/2023 hiện được giao dịch ở mức giá 83,56 USD/thùng, trong khi dầu WTI giao kỳ hạn tháng 3 có mức giá 79,13 USD/thùng.

OPEC+ giữ ổn định sản lượng khai thác dầu thô
Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ cùng các đối tác (OPEC+) quyết định giữ nguyên chính sách liên quan đến sản lượng khai thác dầu thô sau...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư