Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 22 tháng 12 năm 2024,
Cục Quản lý đường cao tốc sẽ có thêm chức năng quản lý đầu tư đường cao tốc
Anh Minh - 21/06/2022 08:52
 
Việc tổ chức lại Tổng cục Đường bộ Việt Nam phải bám sát cơ chế chính sách, mục tiêu, chiến lược phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đường bộ cao tốc trong thời gian tới.
Rất cần một cơ quan quản lý chuyên ngành để quản lý mạng đường cao tốc dự kiến có chiều dài lên tới 5.000 km vào năm 2030.
Rất cần một cơ quan quản lý chuyên ngành để quản lý mạng đường cao tốc dự kiến có chiều dài lên tới 5.000 km vào năm 2030.

Đây là chỉ đạo mới nhất của lãnh đạo Bộ GTVT đối với Tổng cục Đường bộ Việt Nam – đơn vị được giao nhiệm vụ xây dựng Đề án tổ chức lại Tổng cục Đường bộ Việt Nam.

Trong công văn gửi đi vào ngày 20/6, Bộ GTVT yêu cầu Tổng cục Đường bộ Việt Nam chỉnh sửa lại Tờ trình 73/TTr-TCĐBVN ngày 03/6/2022 về Đề án tổ chức lại Tổng cục Đường bộ Việt Nam thành Cục Đường bộ Việt Nam và Cục Đường bộ cao tốc Việt Nam.

Yêu cầu đặt ra của Bộ GTVT là Tổng cục Đường bộ Việt Nam phải làm rõ việc tổ chức lại Tổng cục thành 2 cục theo các chủ trương của Trung ương, Chính phủ về sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy; đồng thời, bám sát công tác quản lý nhà nước trong thời gian qua về đường bộ cao tốc; cơ chế chính sách, mục tiêu, chiến lược phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đường bộ cao tốc hiện nay và định hướng phát triển trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, Đề án, Tờ trình cần bổ sung mục tiêu, quan điểm; đánh giá làm rõ tình hình thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Tổng cục trong thời gian qua, trong đó tập trung vào những tồn tại, hạn chế về lĩnh vực đường bộ cao tốc; mục tiêu, nhiệm vụ đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đường bộ cao tốc hiện nay và định hướng trong thời gian tới.

Về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, Bộ GTVT yêu cầu ngoài chức năng của cục quản lý chuyên ngành, chức năng của Cục Đường bộ cao tốc cần bổ sung mảng quản lý đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc, trong đó quy định rõ nhiệm vụ của Cục Đường bộ cao tốc Việt Nam trong công tác quản lý đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc; thực hiện nhiệm vụ của cơ quan chuyên môn về xây dựng đường bộ cao tốc; làm chủ đầu tư một số dự án đường bộ cao tốc…

Về tổ chức bộ máy của Cục Đường bộ cao tốc, Bộ GTVT yêu cầu Tổng cục Đường bộ Việt Nam phải rà soát, điều chỉnh lại tổ chức bộ máy, biên chế của Cục cho phù hợp với phạm vi quản lý, các mảng nhiệm vụ chính, trong đó có nhiệm vụ quản lý đầu tư xây dựng.

Về tên gọi, Bộ GTVT đề nghị nghiên cứu thêm phương án đặt tên cục là Cục Quản lý, đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc để thể hiện rõ phạm vi, nhiệm vụ, quyền hạn chính của Cục.

Bộ GTVT yêu cầu Tổng cục Đường bộ Việt Nam khẩn trương thực hiện, gửi hồ sơ về Bộ GTVT trong ngày 21/6/2022.

Liên quan đến việc tổ chức lại Tổng cục Đường bộ Việt Nam thành Cục Đường bộ Việt Nam và Cục Đường bộ cao tốc Việt Nam, đại diện Bộ Nội vụ cho rằng, xét về mặt đối tượng, dưới góc độ nghiên cứu thì không có sự chồng chéo. Trong đường bộ có đường cao tốc, nhưng đường cao tốc đang được xác định là tuyến đường huyết mạch, kết nối các trục tăng trưởng, tạo ra động lực tăng trưởng mới nên cần có phương thức quản lý tập trung thống nhất. Phương thức quản lý đường cao tốc hiện nay khác đường bộ. Đường cao tốc được xây dựng mới, thu hút nguồn lực nên cần có quản lý riêng, tập trung hơn. Vì vậy phải xem phương án như thế nào cho thống nhất, hợp lý.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư