Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 09 tháng 10 năm 2024,
Cựu lãnh đạo SCB liên quan đến bà Trương Mỹ Lan xin lỗi gần 36.000 bị hại
Việt Dũng - 09/10/2024 17:19
 
Tại toà, các bị cáo từng là lãnh đạo Ngân hàng SCB thừa nhận hành vi của mình là vi phạm pháp luật, bày tỏ sự hối hận và nói lời xin lỗi gần 36.000 bị hại trong vụ án.

Xin toà xem xét bối cảnh phạm tội

Ngày 9/10, Toà án Nhân dân TP.HCM tiếp tục xét xử bị cáo Trương Mỹ Lan (cựu Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) và 33 bị cáo khác về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, “rửa tiền”, “vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới”, với phần bào chữa của các luật sư và bị cáo.

Trong phiên xét xử hôm nay, Hội đồng xét xử dành nhiều thời gian để các luật sư bào chữa cho các bị cáo từng là cán bộ chủ chốt tại Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn (SCB).

Bào chữa cho bị cáo Trần Thị Mỹ Dung (cựu Phó tổng giám đốc SCB), luật sư Nguyễn Thành Công trình bày bối cảnh phạm tội, vai trò của bị cáo và đề nghị Hội đồng xét xử xem xét giảm nhẹ hình phạt cho thân chủ.

Tự bào chữa cho bản thân, bị cáo Trần Thị Mỹ Dung cho rằng, qua quá trình điều tra, bị cáo được giải thích rõ ràng nên đã nhận thức được hành vi của mình là vi phạm pháp luật.

sss
Bị cáo Trần Thị Mỹ Dung, cựu Phó tổng giám đốc SCB.

Cụ thể, về tội “Rửa tiền”, bị cáo Dung thừa nhận, không biện minh. Song, về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” liên quan đến gói trái phiếu do Công ty cổ phần Dịch vụ - Thương mại TP.HCM (Công ty Setra) phát hành, bị cáo mong Hội đồng xét xử xem xét vai trò của mình trong vụ án để có mức án thấu tình, đạt lý.

Bởi bị cáo được xác định đã tham gia cuộc họp phát hành trái phiếu và việc chỉ đạo Bùi Anh Dũng hợp thức chứng từ, đi lệnh dòng tiền khống, hạch toán trên hệ thống SCB. Nhưng tại toà, bị cáo Dung cho rằng, mình không thực hiện. Theo bị cáo Dung, lỗi duy nhất của bị cáo ở đây là nhắn một tin nhắn vào nhóm Telegram để truyền đạt lại ý kiến lãnh đạo sau cuộc họp với Trương Khánh Hoàng.

Bị cáo Dung cho biết thêm, việc phát hành trái phiếu và giao dịch các dòng tiền đã diễn ra trước đó. Nếu bị cáo không nhắn tin trong nhóm Telegram đó thì đơn vị vẫn giao dịch. Bằng chứng là cáo trạng có nêu Nguyễn Phương Anh phối hợp Bùi Anh Dũng và những người liên quan chuyển tiền mua trái phiếu.

“Nhóm Telegam mà bị cáo lập chỉ để trao đổi công việc kinh doanh, chứ không phải để trao đổi liên quan trái phiếu”, bị cáo Dung nói và cho biết thêm, đã nhận thức được việc chuyển chỉ đạo của lãnh đạo SCB, giúp Công ty Setra phát hành thành công trái phiếu là sai.

Theo đó, bị cáo Dung xin Hội đồng xét xử xem xét lại hành vi, quyền hạn của mình đối với việc phát hành trái phiếu. Bởi lúc xảy ra sự việc, bị cáo là phó giám đốc khối phụ trách kinh doanh, bị cáo không có quyền quyết định, chỉ đạo. Thậm chí không có quyền hỏi các vấn đề liên quan đến trái phiếu. Bị cáo xin một mức án thấu tình đạt lý, nhân văn để sớm trở về với con, với gia đình.

Xin giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo

Đối với bị cáo Bùi Anh Dũng, cựu Chủ tịch HĐQT SCB, sau phần bào chữa của luật sư, bị cáo này nói lời lời xin lỗi gần 36.000 bị hại là những người mua trái phiếu. Đồng thời, bị cáo Dũng cũng xin lỗi những người thân là bị hại trong vụ án này. Bị cáo chấp nhận tất cả cũng phán quyết của Hội đồng xét xử. Bởi trong quá trình điều tra, xét xử đã làm rõ bản chất vụ án nên bị cáo không có ý kiến tranh luận, bào chữa.

dd
Bị cáo Bùi Anh Dũng, cựu Chủ tịch HĐQT SCB.

Cựu Chủ tịch HĐQT SCB xin Hội đồng xét xử xem xét giảm nhẹ hình phạt cho các đồng phạm trong vụ án. Đặc biệt, là 2 bị cáo từng là cấp dưới của bị cáo, nguyên do vì các bị cáo có hoàn cảnh gia đình khó khăn, chồng mất, nuôi con nhỏ.

Hồ sơ vụ án thể hiện, bị cáo Dũng đã giúp sức Trương Mỹ Lan và đồng phạm phát hành trái phiếu Công ty Setra để chiếm đoạt 2.000 tỷ đồng và rửa tiền 712 tỷ đồng. Đại diện Viện Kiểm sát đề nghị mức án đối với bị cáo Dũng 10-12 năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và rửa tiền.

Trong giai đoạn 1, ông Dũng bị phạt mức án tù chung thân về tội Tham ô tài sản và Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng. Sau phán quyết trên, bị cáo Dũng kháng cáo. Hiện vụ án được Tòa án Nhân dân cấp cao tại TP.HCM thụ lý và sẽ đưa ra xét xử phúc thẩm trong thời gian tới.

Tương tự, bị cáo Võ Tấn Hoàng Văn, cựu Tổng giám đốc SCB cũng đồng ý với quan điểm bào chữa của luật sư rằng, bị cáo không phạm tội “Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới”.

Cụ thể, bị cáo Văn có ký 20 hợp đồng, 13 hợp đồng trả nợ, 7 hợp đồng trả tiền tư vấn. Song, trong quá trình thực hiện ký kết 20 hợp đồng này, quy trình của SCB gồm lệnh chuyển tiền, hồ sơ pháp lý của công ty chuyển tiền theo đúng quy trình của SCB do nhân viên dưới quyền trình lên. Bị cáo Văn không biết được các sai sót của các hồ sơ này như cáo trạng quy kết…

Bị cáo Văn Bị cáo tôn trọng quyết định của Cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát và Hội đồng xét xử, không kêu oan. Tuy nhiên, bị cáo mong Hội đồng xét xử xem xét cho bị cáo về vị trí, động cơ, bối cảnh và nhiều tình tiết giảm nhẹ để giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo.

Bị cáo Văn cho rằng, bản thân chỉ là Tổng giám đốc điều hành SCB, không có chuyên môn về chứng khoán, cũng không có thẩm quyền tư vấn, đề xuất cho bị cáo Lan về chủ trương phát hành trái phiếu. Với vai trò là tổng giám đốc, việc nỗ lực tăng thu cho ngân hàng, nên bị cáo Văn tìm phương án phát hành bán trái phiếu ra thị truơng cũng giống như bán các sản phẩm khác của SCB là đúng, không vi phạm.

Cháu gái bà Trương Mỹ Lan thừa nhận sai phạm, mong tòa khoan hồng
Tự bào chữa cho bản thân, bị cáo Trương Huệ Vân (cháu gái Trương Mỹ Lan) bày tỏ sự hối hận về những gì mình đã làm và mong nhận được sự...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư